Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

* NGUYỄN HUY TƯỞNG TỪNG BÊN SỚI THƠ





                        



                          NGUYỄN HUY TƯỞNG        
   . .                                                                                             
                              

* Viết về Đặng Thị Huệ

  Sau khi viết, xuất bản một tập truyện và bốn cuốn tiểu thuyết, trong đó có hai tiểu thuyết lịch sử, tôi mơ đến một cuốn viết về Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Nguy ở đó. Về Đặng Thị Huệ, Nguyễn Huy Tưởng (1912- 1960), người Dục Tú, Kinh Bắc, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội, đã viết trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì (1942). Đêm hội Long Trì là một tiểu thuyết hay. Đó là một trái núi. Lại nguy, nhiều người viết tiểu thuyết lịch sử coi lịch sử chỉ là cái đinh để tác giả muốn mắc lên đó cái gì tuỳ ý, mình lại gần với Nguyễn Huy Tưởng, muốn viết “ gần như thực, sát sự thực”. Vậy thì khối tư liệu về Đặng Thị Huệ : Hoàng Lê nhất thống chí, Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tuỳ bút…Nguyễn Huy Tưởng đã “đào xới”, nghiền ngẫm cả rồi. Đó là một thách thức lớn.  Viết cũng được, cùng với tâm thế, tư tưởng riêng, phải tìm nguồn tư liệu khác. Tôi đã để ra hai năm đi khảo cứu. Tôi về làng Chè (Bắc Ninh), quê Đặng Thị Huệ, đến dãy núi mà tuổi thơ bà từng dạo, đến hội Lim, chùa Phật Tích… , đến Bách Môn tự- ngôi chùa bà cung tiến, cho xây dựng, lại đến thăm mấy làng quan họ để hình dung ra một Đặng Thị Huệ tuổi cập kê… Tôi lần theo dấu tích chúa Trịnh Sâm, về Thanh Hoá- quê gốc của ông, đền thờ họ Trịnh, lên thăm núi Sóc, đến động Từ Thức để được nhìn tận mắt bài thơ chữ Hán ông cho khắc trên cửa động… Một lần về đền Trần (Thiên Trường) Nam Định, tôi thu lượm được chi tiết: Trên đường ra trận, Hoàng Ngũ Phúc (Trịnh Sâm cử làm Bình Nam Thượng tướng Quân) có vào đền, cầu khấn Hưng Đạo Đại Vương, có đặt lễ bằng một quan tiền với ba khẩu pháo đúc bằng đồng, loại pháo để thờ, thân khẩu pháo chỉ dài chừng hai gang. Trên một khẩu có khắc mấy dòng chữ Hán: Phụng tuỳ bình hạ Nam Giáp Ngọ tuế/ Kính phụng quan tiền trú tam pháo khí… (Phụng mệnh bình Nam mùa hè năm Giáp Ngọ/ Kính dâng quan tiền, pháo đúc ba cỗ… ). Hôm đến làng Phụng Pháp, quê của Hoàng Ngũ Phúc, tôi được hậu duệ của Tướng quân kể cho nhiều chuyện, lại cung cấp cho hịch, Hoàng Tướng công kể tội tên lộng thần Trương Phúc Loan, triều chúa Nguyễn: “… Xa người cũ, lìa người thân, chỉ mưu lập đảng/ Giữ lấy quyền ăn của đút muốn béo một mình/ Tự tiện giết, lập ở kẽ nách mà độc như sài lang/ Cậy quyền gian dâm đội áo mũ mà nết như cầm thú…”.  Tôi đã dành ra vài ngày đi xem chọi gà, hiểu cách thi đấu, cá cược, một số vốn ngôn ngữ: con Xám Xiếc, con Mã Lửa, “gẫy cần”, “vỡ tảng”… để dùng vào việc thể hiện tính cách chơi bời của Trịnh Tông. Để có vài trang về Quý phi Ngọc Hoan, khi bị chúa Trịnh Sâm bỏ rơi, hay đi cầu cúng, tôi tìm gặp các “cô đồng”, lên đền Bắc Lệ xem nhảy đồng, học lời ăn tiếng nói. Tôi rất mừng khi ghi nhanh được một đoạn khấn: Con thỉnh Mẫu lại con vái Mẫu về, Mẫu xe loan giáng ngự xe giá giáng trần, giáng phúc lưu ân, tận độ tận thương, chí tâm công đức… Con nhất tâm nhất niệm, đàn sơ lễ mọn, hoa tươi quả tốt, nén hương cho ngát, bát nước cho trong, bái thỉnh… Con lạy các thánh, nghìn tay nghìn mắt, giải tai giải hạn, giải nạn giải ách.. Đi thực tế, muốn có một Đặng Thị Huệ xinh đẹp tài hoa, lại muốn chiêu tuyết cho Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, hai năm sau tôi mới dám đặt bút viết. Cuối cùng, tiểu thuyết Đệ nhất Phi tần (gần 300 trang khổ 13 x 20,5) của tôi viết về Đặng Thị Huệ được NXB Văn Học in năm 2009. Về các danh nhân: Ỷ Lan, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Trãi… , đã và sẽ còn nhiều người viết. Người viết là do tấm lòng hoặc một cách nhìn khác đi, muốn mượn lịch sử để tâm sự với thời cuộc đang sống, đâu dám so đọ với tiền nhân, quá khứ.  Nguyễn Huy Tưởng là một đại bút. Đêm hội Long Trì, mãi mãi là một trong số những tác phẩm văn học xuất sắc của dân tộc. Kể lại mấy việc trên, muốn nói đến một kỷ niệm lao tâm khổ tứ của tôi, một tác giả mới đi vào tiểu thuyết lịch sử trước bậc thầy sừng sững: Nguyễn Huy Tưởng.

                                                 




* Nguyễn Huy Tưởng minh triết

Qua Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng mới biết, sau năm 30 thế kỷ XX, ông được mẫu thân gửi xuống Hải Phòng để học. Ông theo học bậc Thành chung trường Bonal (nay là trường Phổ thông Trung học Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng). Sau khi tốt nghiệp Thành chung, ông đi nhiều nơi xin việc, khi Hà Nội, khi Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định… .Về văn chương, đầu tiên ông làm thơ. Một xuân, ông viết: Đầu năm mới lưỡi gươm đem liếc/ Cắt hư văn, mưu việc nước non…Tuổi hai mươi, trong bài thơ Điều sở nguyện, ông có câu: Thích rằng sống ở cõi đời/ Làm người nhà tản, làm người thi nhân. Tuổi hai lăm, hai bảy, ông đã có vài trăm bài thơ, thơ ông khi công bố trên Tri tân,Nam phong…  Tạp chí Nam Phong số 191 (năm 1933) đã in chùm thơ 6 bài của ông. Ông thông thạo Pháp ngữ. Năm 1958, Nguyễn Huy Tưởng đang viết tiểu thuyết Bốn năm sau, đi thực tế ở Điện Biên, đêm thu lạnh, bỗng nhớ đến Chế Lan Viên (lúc ấy, nhà thơ sắp ra tập thơ Ánh sáng và phù sa), ông đã làm một bài thơ luật Đường bằng chữ Hán gửi tặng nhà thơ họ Chế:

Nhất dạ Điện Biên thu khí lãnh
Phong xuy hốt ức Chế Lan Viên
Nghĩa tình trường hận tâm trung đoạn
Thi tứ lăng cao thiên thượng huyền
Ngã dục hoàn thành tân tiểu thuyết
Nhĩ tu chỉnh lý cựu trường thiên
Nam vong Võng Thị nhà đàm dạ
Tâm lý phân phân bất khả miên 

Dịch thơ:

Thu lạnh canh khuya đất Điện Biên
Gió lùa, bỗng nhớ Chế Lan Viên
Nghĩa tình, xa xót, rầu trong dạ
Thi tứ bay lên vút giữa đêm
Tiểu thuyết, mình mong xong cuốn mới
Trường thiên, bạn sửa, dũa câu thêm
Nhớ đêm Võng Thị, bao đàm luận
Trăn trở, bồi hồi ngủ chẳng yên.
                                  (DP dịch)

Sinh thời, Nguyễn Huy Tưởng định tập hợp thơ, in vào tập có tên Nhất điểm linh đài, sau này, thơ ông được in vào ba tập Lòng nhớ thương
Do sự phát triển đặc biệt của tài năng, do nhu cầu tự tâm biểu hiện, Nguyễn Huy Tưởng đã chuyển dần sang các thể loại văn xuôi. Tuy chuyển, nhưng chất thơ vẫn luôn lấp lánh trong các trang tiểu thuyết, kịch, truyện thiếu nhi của ông. Sau tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng viết: Vũ Như Tô (kịch, 1943), An Tư (tiểu thuyết,1944), tiếp theo là các tập sách: Ký sự Cao Lạng, Bốn năm sau, Luỹ hoa, Sống mãi vớiThủ đô, Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… và hàng ngàn trang Nhật ký.
Vở kịch Vũ Như Tô, tác giả viết về một kiến trức sư xây Cửu trùng đài, một công trình để cho nước non, “cao vòi vọi”, “muôn phần tráng lệ”, “bền như trăng sao”. Vũ Như Tô là hình tượng một nghệ sĩ, khát vọng. Người đời không thể hiểu. Cuối cùng Vũ Như Tô bị giết. Trong lời Tựa, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Như Tô phải hay kẻ giết Như Tô phải” Ta chẳng biết”, “Cầm bút chẳng qua cũng một bệnh với Đan Thiềm”… Nguyễn Huy Tưởng viết những lời này, ngày 8 tháng 6 năm 1942. Tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng không chỉ bộc lộ trong các hình tượng văn học, còn cụ thể trong Nhật ký. Tâm chí ông luôn ưu thời mẫn thế, yêu vẻ đẹp của non sông đất nước: “Lịch sử Việt Nam đầy những phong công mỹ tích, đầy những cái đẹp cái hay…”, “Dù viết cái gì cũng không nên bỏ tinh thần Việt Nam”, ông viết vậy và muốn làm một Lep Tônxtôi trong văn học Việt. Ông là một tác giả xuất sắc viết về Thăng Long- Hà Nội. Về nhận thức, ông đã tỏ ra rất uyên thâm, khi tự đề ra cho mình phải viết “cái thơ cái đẹp, cái tự nhiên”, “đừng nặng về giáo dục mà nhẹ phần giải trí”. Đọc các tác phẩm của ông, chợt nhận ra: một Nguyễn Huy Tưởng đã sớm tìm được câu trả lời cho vấn đề nan giải: “Văn nghệ phục vụ ai? phục vụ thế nào?”, ông đã sớm tìm ra được mối quan hệ giữa cái lớn lao hoành tráng và cái bình thường nhỏ bé, cái nhất thời và cái muôn thuở… Không bằng lời nói, mà ông thể hiện ra trong tác phẩm. Có nhiều đời văn, xuất bản một hai chục đầu sách, nhưng hai ba chục năm sau đã “lạc hậu” hết hoặc hầu hết. Là một nhà văn uyên thâm, minh triết, bản lĩnh, Nguyễn Huy Tưởng không nằm trong số đó.
Trong bài Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng với những suy tư, trăn trở văn chương, hai tác giả Lê Văn Dương- Ngô Thu Hiền đánh giá cao Nguyễn Huy Tưởng, “ông là một trong số những nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX”.  

                                                                               D.P 

                 
Ảnh bìa: TIỂU THUYẾT ĐỆ NHẤT PHI TẦN - DUY PHI                                                                                 
        * BÌA                                                                                                         




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét