Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

* GẶP HAI DANH HOẠ: VĂN CAO & BÙI XUÂN PHÁI



HAI BỨC MINH HOẠ CỦA
 VĂN CAO
BÙI XUÂN PHÁI
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT? 



Minh hoạ: VĂN CAO 




Bìa: BÙI XUÂN PHÁI 



                                                                    
                            
    Hồi ấy, cách đây 25 năm, tôi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang). Công việc được giao là biên tập sách báo. Làng tôi, Mão Điền - Thuận Thành, bỗng nảy sinh mấy người say mê văn học. Thơ văn có Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Văn Chương, Duy Khoát... Sưu tầm, khảo cứu có Nguyễn Duy Hợp, Bích Hùng... Tôi, ban đầu chỉ quen làm thơ, sau vừa là do được “lây” máu sưu tầm, khảo cứu, vừa là do công việc ở Hội đòi hỏi, tôi đã biên soạn một cuốn sách về quê hương Kinh Bắc, thể loại giai thoại văn học, làm sao dung dị, phổ cập, có ý nghĩa thiết thực. Sau khi trao đổi, tôi đã chọn của Bích Hùng được 15 giai thoại, Nguyễn Duy Hợp 7 bài, tôi chọn của mình 10 bài, lại chọn lọc từ các mẩu chuyện thơ văn của Nguyễn Đình Luyện, Trần Quốc Khải, Duy Khoát, Nguyễn Đăng Sơn mà biên tập, “giai thoại hoá”, tất cả được 47 giai thoại văn học...  Đó là một bản thảo thú vị, có cái tên bình dân là ĐỐI ĐÁP THÔNG MINH, in ra chỉ chừng 100 trang, toàn là những mẩu chuyện vui, ly kỳ, phần lớn là về các danh nhân quê hương: Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên Giáp Hải, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân... Cùng với nội dung, tôi được phân công cả khâu lo hình thức, đặt bìa, minh hoạ, in ấn, phát hành.           
   Một người bạn Hà Nội bàn với tôi, nên nhờ Hoạ sĩ Búi Xuân Phái trình bày bìa, Hoạ sĩ Văn Cao minh hoạ. Bùi Xuân Phái là một hoạ sĩ lớn. Cùng với dòng tranh Phố Phái- phản ánh được hồn cốt của Hà Nội giai đoạn 1960- 1980, ông có nhiều mảng khác: hoạ về chèo, chân dung, khoả thân, tĩnh vật. Trình bày cuốn Hề chèo, ông được trao giải thưởng quốc tế (Lep- dich). Văn Cao cũng là một nghệ sĩ lớn. Trong ông, một mà ba: nhạc sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, mặt nào cũng xuất sắc. Ông là người viết các bản nhạc Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi..., người viết Quốc ca. Bài hát Làng tôi của ông, tôi thuộc từ nhỏ. Năm 1954, lúc ấy tôi học hết lớp Nhất đi thi tôt nghiệp Tiểu học tại Gia Lâm, trong các môn thi có thi hoạ hoặc nhạc, tuỳ chọn. Gọi là nhạc nhưng cứ hát một bài là được. Tôi đã chọn bài Làng tôi. Ở tuổi chúng tôi, bài này hầu như ai cũng thuộc. Bài hát ấy đã cho tôi có đủ loại điểm tốt nghiệp (Đúng mười năm sau, 1996, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái được trao tặng, hoạ sĩ Văn Cao được truy tặng, đều là Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt đầu tiên).
   Tôi đã tìm được phố Thuốc Bắc, đến nhà Búi Xuân Phái, đi qua một khoảng sân, bà vợ hoạ sĩ niềm nở bảo: “Vào đi! Cứ nói khéo, ông ấy vẽ đấy”. Mời tôi một ly rượu nhỏ, ông vui vẻ nhận lời. Cùng buổi sáng đó, tôi lại đến gần trường Mỹ thuật Yêt Kiêu, gặp Văn Cao đặt 5 minh hoạ đen trắng. Lại được một ly rượu. Đến đặt bìa hoặc minh hoạ, thay cho trình bày nội dung bằng lời, tôi trao tay mỗi hoạ sĩ 5 giai thoại (trong 5 GT ấy có GT về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm). Đến ngày lấy “hàng”, tôi đến nhà hoạ sĩ Bùi Xuân Phái thì được trao bìa ngay. Còn đến chỗ Văn Cao, ông ngớ ra, rồi bảo : “Đi đâu một lúc rồi quay lại”. Tôi đã đi một mạch chừng ba giờ, quay lại nhận được đủ số minh hoạ đã đặt. Tôi nghi Văn Cao đã tuỳ hứng phóng tay trong mươi phút.                                                                    
   Sau này, tôi mới biết đó là giai đoạn các ông Văn Cao, Bùi Xuân Phái sống rất khó khăn. Văn Cao phải trang trí sân khấu, vẽ nhãn diêm, vẽ quảng cáo. Bùi Xuân Phái cũng phải vẽ minh hoạ báo chí, trình bày nhiều bìa sách. Cả hai đều không nhiều thời gian dành cho những tác phẩm thật tâm huyết. Vậy nên, một cuốn sách nhỏ mà hai danh sĩ tham gia, cũng không phải điều lạ.
   Điều vui là hai hoạ sĩ bậc thầy có phong cách rất khác nhau lại cùng vẽ về Đoàn Thị Điểm.
   Giai thoại về Đoàn nữ sĩ có hai phần. Hoạ sĩ Văn Cao chọn phần đầu để minh hoạ. Đoàn Doãn Luân, anh ruột Đoàn Thị Điểm ra vế xuất: 
   Đối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm- Soi gương, vẽ lông mày, một điểm thành ra hai điểm.
   Điểm vừa là cái điểm chấm vừa là tên của nữ sĩ.
   Nữ sĩ đối lại:
   Lâm trì ngoạn nguyệt, đơn luân chuyển tác song luân- Ra bờ ao ngắm trăng, một vầng trăng thành hai vầng trăng.
   Luân vừa là vầng vừa là tên của người anh. (Tiếc là bức hoạ có đôi chỗ đã bị mốc). 
   Hoạ sĩ Búi Xuân Phái dựa vào phần sau để vẽ bìa. Lần ấy, có sứ Trung Hoa sang. Được cử đi đón tiếp sứ, Đoàn nữ sĩ giả làm một người bán nước uống. Thấy Đoàn nữ sĩ xinh đẹp, sứ ra một vế xuất đùa lỡm:
   An Nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh- An Nam một tấc đất, chẳng biết mấy người cày? 
   Hồi ấy mới mười sáu tuổi, nữ sĩ họ Đoàn đối lại: 
   Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất- Các đại phu Bắc quốc đều từ đó mà ra.
   Nghe vế đối chuẩn mực, sắc sảo đáo để, viên sứ rất nể phục.  
   Được hai hoạ sĩ lớn tham gia nên tập sách nhỏ rất sang, đã in với số lượng 30 000 cuốn, được được Tổng Công ty Sách 44 Tràng Tiền nhận, phát hành toàn quốc. Sau khi phát hành không lâu, trong các hiệu sách khắp nước đã khó tìm cuốn sách ấy. Kể lại chuyện vui trên, xin cung cấp ảnh về hai bức hoạ, hai phong cách hoạ cùng về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, góp một chút tư liệu nhỏ về hai danh sĩ đáng kính của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. 
                                                                                            D. P           
                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét