Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

* NGUYỄN DUY HỢP, CÓ CHÍ CÓ TÀI...





NGUYỄN DUY HỢP 
CÓ CHÍ CÓ TÀI
TRỜI KHÔNG BỎ

   Nguyễn Duy Hợp sinh năm 1938, cùng xóm cùng ngõ với tôi và Nguyễn Phan Hách. Mỗi nhà cách nhau vài ba chục bước chân. Ông học tại trường Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, thời Pháp thuộc. Sau hoà bình 1954, thời chống Mỹ cũng vậy, ai có một chút học thức là đi công tác ngành này ngành nọ. Bởi có người nhà đi Nam, Duy Hợp ở nhà, gắn bó với đồng ruộng. Song kẻ có tài có chí, trời không nỡ bỏ.      
   Vừa làm ruộng, ông vừa sáng tác thơ, các bài viết mẩu chuyện gửi các báo chí, và sáng tác những vở chèo, kịch nói, hoạt cảnh cho đội văn nghệ của thôn đi hội diễn. Thấy ông có kiến thức, lại khiêm nhường đức độ, phòng văn hoá huyện trưng tập ông đi mấy đợt làm công tác điều tra văn hoá ở một số xã khác. Năm 1994, thời gian đó, tôi ở quê nuôi mẹ già, nhàn rỗi. Anh em, bạn học cũ thường đến chơi. Nguyễn Văn Chương, Duy Bi, Minh Long, Xuân Trịnh, Nguyễn Khắc Đàm… Có hôm, là Duy Hợp. Cùng họ Nguyễn Duy, tôi ít tuổi hơn Duy Hợp, nhưng thuộc ngàng trên, nên là anh. Gọi Duy Hợp bằng chú. Tôi mua được cuốn tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, tự học. Cái món chữ vuông này, hồi còn nhỏ, tôi thấy cha tôi thường viết. Ông hay viết sớ cho làng, những dịp tế lễ. Tự học, thấy rất khó. Song với kinh nghiệm học Nga văn xưa, lại vốn thạo Ngữ pháp tiếng Việt, tôi tiếp thu nhanh chóng. Duy Hợp cũng tự học chữ Hán, đã đọc được nhiều chữ trên câu đối. Luôn gặp nhau để trao đổi về chữ này chữ nọ, rất vui. Lại có lần, Duy Hợp đưa ra bài minh ở tấm bia đầu làng để cùng dịch. Hơn một năm sau, mẹ tôi khuất núi. Tôi trở lại Bắc Giang. Duy Hợp vẫn ở quê. Gần gũi với bà con chòm xóm, Duy Hợp rất chịu khó ghi chép, sưu tầm chuyện cổ, giai thoại, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đối. Ông còn đạp xe sang cả mấy làng bên cạnh: Hoài Thượng, An Bình… , gặp gỡ một số người có tư liệu để ghi chép. Đồng thời với việc đó, Duy Hợp chịu khó mua sách, chủ yếu là sử, để khai thác về những nét liên quan đến Kinh Bắc. Năng nhặt chặt bị. Ông đã có một tập bản thảo khá phong phú về quê Mão Điền. Hồi đó, con trai ông- Nguyễn Duy Kha đã làm Phó phòng Phổ thông Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Giang. Duy Hợp lên với con cháu. Chúng tôi gần nhau. Duy Hợp muốn ra cuốn sách về Mão Điền. Lúc này, tôi đã in chừng hai mươi đầu sách, đã có chút ít kinh nghiệm và quan trọng là có mối quan hệ với một số nhà in, hoạ sĩ Hà Nội. Tôi đọc bản thảo của Duy Hợp, trao đổi đôi nét về nội dung, tên sách, lấy tên là Phong thổ Mão Điền, nhân chuyến đi của mình, đặt bìa hoạ sĩ Trần Đại Thắng, lại đưa Duy Hợp đến một hai nhà in, để chọn, nhà in nào với giá phải chăng thì in. Cuốn Phong thổ Mão Điền đã ra mắt. Tôi không hỏi lấy tiền từ đâu mà in, nhưng biết là phải tùng tiệm, chắt bóp, gom nhặt cả những đồng nhuận bút ít ỏi. Duy Hợp định phát hành tại xã là chính, thu lại vốn. Nghe đâu, một vài người có trách nhiệm không đồng tình chỗ này chỗ nọ, nên chuyện. Nhưng lại may, cuốn sách được Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc tặng thưởng (3 triệu đồng), lại được một người bạn, cùng làng đang định cư tại Mỹ nhận được sách, tặng lại tác giả 300 đô. Không lâu sau, độc giả đáng quý ấy còn gửi cho Duy Hợp 200 đô nữa để làm “vốn” ra cuốn khác. Chúng tôi thường nói vui với Duy Hợp, “có chí có tài trời không bỏ”, “trời” ở đây chính là quê hương, bạn đọc.
   Sau Phong thổ Mão Điền, Duy Hợp đã ra tiếp các tập sách: Danh nhân Nguyễn Gia Thiều, Cuốn sách này, có nhiều tư liệu mới về Nguyễn Gia Thiều, Duy Hợp sưu tầm được, ghi chép từ trên ba mươi năm trước. Tiếp theo, in cuốn Thông điệp gửi từ quá khứ. Các tập sách đó, được một Công ty sách đứng ra in. Tác giả có nhuận bút. Mừng lắm. Duy Hợp còn có hai cuốn sách chung tên với Nguyễn Hữu, chủ yếu là về chùa Dâu, thần tích thần phả. Nguyễn Hữu, người Thanh Khương, giỏi về phong thuỷ, tướng số, nhận là em kết nghĩa của Duy Hợp, cũng đã in được mấy tập sách. Trong đó có tiểu thuyết Cõi thực, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
   Khảo cứu là chính, Duy Hợp còn làm thơ, viết truyện ngắn, viết bài cho tạp chí Hán Nôm… Trong Bắc Ninh thi thoại, Nguyễn Khôi viết: “Nguyễn Duy Hợp đã làm cái công việc của các vị giáo sư, tiến sĩ ở các viện, trường đại học”.
   Mấy năm trước, hội Hội VHNT Bắc Ninh tổ chức cuộc thi, chùm thơ của Duy hợp được giải Nhất. Sau đó, ông đã xuất bản tập thơ Dấu chân trên cát (70 bài, nxb Hội Nhà văn, 2006). Thơ ông giàu hình ảnh dân dã, đôn hậu, nhuần nhị. Chừng cuối năm 2009, Duy Hợp đi khám bệnh, Bệnh viện bỗng phát hiện ra bệnh trọng. Chúng tôi đến thăm, ông say sưa chìa ra một bản thảo, Hồ sơ người tù Yên Kinh, nói đã xong, định sang năm đưa in. Linh tính điều chẳng lành, khi bỗng mất thì con cháu tìm được bản thảo sắp xếp lại cũng lâu lắm, với quan hệ anh em, tôi nói: “Chú định sang năm ra, cứ gửi ngay bản thảo đến nhà xuất bản, để họ biên tập dần, muốn thêm gì, vài tháng sau gửi bổ sung vẫn được”.  Hồ sơ người tù Yên Kinh, tập khảo cứu về Lê Quýnh, 260 trang đã ra đời, tháng 8 năm 2010 (con trưởng của ông: Nguyễn Duy Kha (công tác tại Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện). Duy Hợp không kịp nhìn thấy sách! Ông còn muốn làm tiếp cuốn sách về Nguyễn Đức Vĩ, người Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), thời Lê Trịnh… Bản thảo đã khá đủ. Thương tiếc thay!

                                                                               DUY PHI 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét