Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

* CHÙM THƠ CHÍ LINH BÁT CỔ CỦA NGUYỄN DU ?

               
     Chùm thơ  
     Chí Linh bát cổ 
     của Nguyễn Du?

   Tôi có được một người bạn quý cho xem tập sách Di sản Hán Nôm Côn Sơn- Kiếp Bạc- Phượng Sơn, Chủ biên Hoàng Giáp- Nguyễn Khắc Minh, xuất bản năm 2006 (gọi tắt là cuốn DSHN. CL). Đó là một cuốn sách quý. Trong sách có in Chí Linh bát cổ, tám bài thơ về tám di tích của Chí Linh. Tôi lại được người bạn- nhà văn Đặng Văn Sinh, cho xem một bản Chí Linh bát cổ nữa. Do yêu thích, tôi đã đến tận Trạng nguyên cổ đường ở Nam Sách để được nhìn tận mắt tấm bia đá có khắc Chí Linh bát cổ, tám bài thơ viết về tám di tích còn từ đời Trần. Đó là Trạng Nguyên cổ đường- nhà cổ của Trạng Nguyên, nơi Mạc Đĩnh Chi dạy học, Tiều Ẩn cổ bích- tường cổ nhà Tiều Ẩn Chu Văn An, Dược Lĩnh cổ viên- vườn cổ Núi Dược, nơi ở và vườn cây thuốc của Hưng Đạo Đại Vương, Nhạn Loan cổ độ - bến đò cổ Nhạn Loan, nơi Trần Khánh Dư thở hàn vi bán than, Thượng Tể cổ trạch - đất cổ, nơi ở xưa của Thượng Tể Trần Quốc Chẩn, Phao Sơn cổ thành - thành cổ Phao Sơn, Vân Tiên cổ động- động cổ Vân Tiên, nơi tu hành Huyền Quang, Huyền Vân từng luyện đan, Tinh Phi cổ tháp- tháp cổ Tinh Phi, nơi thờ bà chúa Sao Sa- người phụ nữ duy nhất đậu tiến sĩ thời phong kiến (?).

                      

                          Khu Kiếp Bạc, phía Nam đền chính có 
                                    đền Nam Tào, xưa là Dược Sơn Viên 
    

 Xin dẫn một trong tám bài thơ trên: Dược Lĩnh cổ viên:

Phiên âm:

   Bạch Đằng Giang khẩu độ thiên sưu/ Thanh lĩnh lâm viên lưu nhất thốc/ Bán thị

khê tuyền bán thị sơn/ Kiêm hữu ngư tiều kiêm hữu mục/ Chủ nhân dĩ tại Nguyên- Trần sử/ Thuỳ vị Thiên Nam quốc chí độc/ Vạn cổ dư uy nhân kiến văn/ Viên lâm phong hạc viên lâm mộc. 

    Nghĩa:

Đậu ngàn chiếc thuyền, cửa sông mở ra Bạch Đằng Giang

Núi xanh vườn cây nổi lên một nóc nhà

Nhà nửa là khe suối nửa là núi non

Dân kiêm đánh cá, lấy củi kiêm chăn thả

Chủ nhân núi Dược đã đi vào sử sách nhà Nguyên, nhà Trần

Ai nói đọc Thiên Nam quốc chí    

Muôn thuở uy linh của ngài còn, mọi người nghe thấy được

Gió hạc trong vườn rừng, những cây gỗ trong vườn rừng. 

  Đọc kỹ bài thơ chợt nghĩ: Một cây bút bình thường không thể viết được bốn câu cuối. Để hiểu về Hưng Đạo Đại Vương, tác giả đã đọc rất rộng, sử đời Trần và cả sử nhà Nguyên. Mông Cổ thời ấy do Thiết mộc chân (Tê- ma- jin tức Thành Cát Tư Hãn) làm vua, với đội quân cưỡi ngựa bắn cung thiện chiến đã ào ạt tiến công, thôn tính cả Trung Quốc lập nhà Nguyên. Đế quốc Mông Cổ rộng lớn đến sát biên giới tây bắc nước ta, còn chiều ngang vắt từ bờ Thái Bình Dương đến bờ biển Hắc Hải. Trấn Nam Vương Thoát Hoan từng chỉ huy 50 vạn quân sang nước ta xâm lược... Tác giả lại đọc cuốn Thiên Nam quốc chí...    

      Bài thơ này được kết bằng câu:                  

                     Viên lâm phong hạc viên lâm mộc. 

 Hai chữ phong hạc, từ điển cố phong thanh hạc lệ. Phù Kiên chỉ huy quân Tiên Tần đánh quân Đông Tấn thua trận chạy vào rừng có nhiều chim hạc. Nghe tiếng chim hạc kêu giữa gió thổi, tưởng quân Đông Tấn reo hò truy kích, bọn Phù Kiên hồn kinh phách lạc. Điệp ngữ viên lâm- vườn rừng. Chữ mộc là cây, cây gỗ. Một vườn rừng gỗ trước mặt, gợi ra những thân cọc gỗ nhọn trên Bạch Đằng Giang trùng trùng đã xuyên thủng bao nhiêu thuyền giặc.  

 Bài Dược Lĩnh cổ viên, tạm dịch thơ như sau:

     Vườn cổ Núi Dược

     Bạch Đằng sông mở ngàn thuyền bè

     Núi xanh vườn xanh nhà vươn nóc

     Nửa là non cao nửa suối khe

     Kiêm nghề ngư phủ kiêm tiều mục

     Chủ nhân ghi tại Nguyên, Trần sử

     Thiên Nam quốc chí đọc, tự hào

     Muôn thuở uy linh còn trước mặt

     Ngút ngát cây rừng, gió hạc kêu...



Đây là một bài thơ lạ, dùng vần trắc. 
Ở cuối phần giới thiệu chung có mấy dòng lạc khoản, ghi:
  “Bát cổ thi ký, tứ Ất Mão trung thu du Thanh Hiên cẩn chí. Mậu Ngọ chính nguyệt nhật thi thủ Dương Nham động thạch tạo bi”
  Tám bài thơ ký, du khách Thanh Hiên cẩn trọng ghi, tặng vào năm Ất Mão - 1795. Tấm bia được tạo dựng vào năm Mậu Ngọ- 1798. Thi ký là loại ghi chép bằng thơ. Đã gọi là ghi chép thì thường trọng sự ngẫu hứng, ghi nhanh, không có điều kiện nghiền ngẫm, trau chuốt. Nhưng một khi đã ghi rõ thi ký, thì người đọc có sự cảm thông, không đòi hỏi quá cao ở tác giả. Thanh Hiên, đó là tên hiệu của Nguyễn Du, Đại thi hào, tác giả của các tập thơ chữ Hán:  Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục Truyện Kiều... .  
Đưa chùm thơ Chí Linh bát cổ vào sách Di sản Hán Nôm Chí Linh, các vị biên soạn rất thận trọng, viết: Có thuyết cho là của Thanh Hiên - Nguyễn Du?
Phải chăng, Nguyễn Du đã đến Chí Linh vào năm 1795, có chùm thơ ký tám bài này?              
    Tôi có xem lại tập 249 bài thơ chữ Hán - Nguyễn Du không có Chí Linh bát cổ. Điều ấy không có gì lạ, bởi theo Đào Duy Anh, khi biên soạn thơ chữ Hán Nguyễn Du vào khoảng năm 1940, cho biết: chính nhà họ Nguyễn Tiên Điền cũng không giữ được tập thơ nào. Ông phải thu thập từ nhiều nguồn tư liệu trong, ngoài nước.          
Nguyễn Du (1765- 1820), quê gốc là Hà Tĩnh nhưng nhiều năm ông ở đất Bắc. Hồi thơ ấu, Nguyễn Du ở với cha là Nguyễn Nghiễm. Mấy năm sau mẹ mất, Nguyễn Du về sống với người anh ruột là Nguyễn Khản. Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc hà, Nguyễn Khản mất, Nguyễn Du lúc ở quê mẹ (bà Trần Thị Tần, làng Kim Thiều, Từ Sơn), khi ở nhà người anh rể là Vũ Trinh (Lang Tài, Bắc Ninh), khi ở quê vợ (tại nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn, Quỳnh Côi - Thái Bình)... Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán- Hồng Lĩnh không nhà, anh em tan tác. Đó là thời gian, Nguyễn Du, khi đầu sông khi cuối bể. Năm Ất Mão- 1795 là năm cuối trong mười năm gió bụi (1786- 1795) của Nguyễn Du. Vậy về năm sáng tác, ta thấy có sự phù hợp với những năm Nguyễn Du sống trên đất Bắc.  Song, xét về nội dung, nghệ thuật thi ca thì còn băn khoăn. May sao, gần đây có một nhà nghiên cứu tìm thấy một thi nhân khác cũng có bút danh là Thanh Hiên, nhưng là Thanh Hiên Khải Phủ Nguyễn Chí Hoà.
  Dẫu vậy, thì Chí Linh bát cổ cũng vẫn là những thi phẩm có giá trị văn hoá với vùng đất Chí Linh yêu quý. 
  
                                                                                D.P


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét