Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

* THÁI THUẬN - MỘT PHU CHỮ LỪNG DANH





       THƠ SÁI THUẬN

       CÁI ĐẸP NGOÀI CẢ SẮC ĐẸP        
 



Trái sang:    ĐẶNG TIẾN HUY  &  DUY PHI
bên đền thờ SÁI THUẬN ở Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh.



      
           Sái   Thuận (1441- ?), một số sách ghi là Thái Thuận.

                                      
    Chuyện rằng: Sái Thuận (tức Lã Đường) người thôn Đoài, Liễu Lâm, Siêu Loại (nay là Song Liễu, Thuận Thành). Năm ba mươi lăm tuổi, ông đỗ tiến sĩ (khoa Ất Mùi - 1475). Khi ông vinh quy, làng không đi rước. Ông giận, sau cho lính về đoạn thương long mạch, triệt đất phát tích anh tài. Lúc đó, nhân dân làng Bi (thuộc xã Trung Kiên, Văn Lâm) đón rước, nên ông về ở bên đó. Tương truyền ở bên ấy ông làm nhà đao góc để ở, bị người ta tố cáo là lộng hành làm việc thổ mộc trái phép. Ông phải biến nơi ấy thành nơi thờ Phật. Hai vợ chồng ông  phải ra sống ở một chái hẹp phía sau chùa...   

   Thái Thuận (1441- ?), một số sách ghi là Sái Thuận. Sau khi đỗ đại khoa, ông làm Hiệu lý ở viện Hàn lâm 24 năm (Theo Kiến văn tiểu lục - Lê Quý Đôn), có thời gian ông còn kiêm thêm chức Tham chính Hải Dương. Chưa rõ năm mất. 
   Sái Thuận làm nhiều thơ, sau khi ông mất, con trai ông là Sái Khác cùng một người học trò của ông là Đỗ Chính Mô mới sưu tập, làm thành sách Lã Đường di cảo thi tập(gọi tắt: Lã Đường thi tập). Trong bài Tựa, Sái Khác viết năm Canh Ngọ, cách đây đúng năm trăm năm có đoạn nói rõ, Lã Đường “làm thơ có tới hàng ngàn bài, nhưng vì không để ý đến trước thuật nên thơ của ông ít thấy toàn bộ bản thảo. Tôi từ nhỏ không ham học, nên không biết thu thập thơ ấy lại, đến khi khôn lớn thì cha đã qua đời: thương cha khi sống nổi tiếng ở đời, lúc mất không để lại tiếng tăm cho đời sau, bèn sưu tầm những bài tản mát... biên thành một tập, đại khái mười phần chỉ lấy một vài... “. Sáng tác nhiều vậy mà khi lập Tao đàn, lúc đầu, Sái Thuận vẫn không có tên trong 28 ngôi sao văn chương ấy.  
  Thơ là một thể loại có sự vi diệu, khó đọc, nhất là thơ chữ Hán. Người sáng tác thơ hầu hết mắc tật nhược đáng yêu: văn mình vợ người. Nhân năm Giáp Dần – 1494, mừng được mùa lúa bội thu, vua Lê Thánh Tông đã viết chín bài thơ. Các văn thần là Đại học sĩ, Hàn Lâm viện thị độc, Hàn Lâm viện đãi chế... cùng nhau phụng bình, phụng hoạ. Tuyển thơ vua, các bài bình, hoạ và một số bài thơ khác của 28 văn thần mà làm thành các tập Quỳnh uyển cửu ca, Văn minh cổ xuý... Các bài thơ hầu như một giọng, đại loại ca tụng thời vua sáng tôi hiền, vua Lê Thánh Tông là bậc Nghiêu Thuấn, ai cũng đội ơn thánh chúa. Tiểu thần hà hạnh chiêm y cận - Tiểu thần may mắn được nương tựa bệ hạ... Sái Thuận không có bài nào bình, hoạ. Có thể là khiêm nhường. Làng thơ, lúc đó sau vua còn là thơ của 13 ông là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp...  Trong ấy, có hai ông làm đến Phó mguyên suý. Toàn những vị thi hào thi bá quý tộc “lừng lững”, “sáng chói”, Đỗ tiến sĩ, làm Hàn Lâm viện hiệu lý nhưng xuất thân từ một gia đình bần hàn, một anh lính chăn voi, Sái Thuận đâu dám “vượt mặt” họ? Có thể là tính cách không thích xu nịnh. Trong thơ ông có câu: Càn khôn phủ ngưỡng nhất lung câm/ Mạc bả công danh dịch thử tâm (Cúi xuống ngửa lên trời đất như một cái lồng chim/ Chớ lấy công danh bắt cái tâm này phục dịch. Bài 30). Lại câu: Bắc khuyết vô thư can thế dự/ Tây Hồ hữu nguyệt cấp thi bần (Không dâng thư lên cửa bắc - ý nói vua - để cầu cạnh tiếng tăm với đời/ Đã có trăng Hồ Tây cung cấp cho đời thơ nghèo. Bài 34). Tuế nguyệt kinh nhân lưỡng mấn bồng- Năm tháng làm kinh sợ người, hai mái tóc rối bòng bong. Hoàn cảnh ấy, nếu vào hùa tán tụng, thì bổng lộc đến ngay, vậy mà ông lẳng lặng. 28 văn thần sốt sắng hoạ thơ vua đã được vua ban cho là hội viên Tao đàn, vinh danh nghìn năm: 28 ngôi sao văn chương trong bầu trời Đại Việt - Nhị thập bát tú...(Kinh Bắc có: 12 người). Không có Sái Thuận. Mãi sau, đến khi làm sách, vua mới cho Sái Thuận cùng Trạng nguyên Lương Thế Vinh làm cái chân Sái phu. Nếu công việc của Sái phu là biên tập thì đã vinh dự, nhưng không phải. Đọc duyệt, chọn tác giả nào, lấy bài nào... đã có trên là vua, dưới là hai Phó nguyên suý Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận. Hán tự có chữ "sái" là tẩy rửa... Có thể nói đó là những công việc phụ của biên tập. Hẳn là ngay thời ấy cũng có kẻ coi thường ông, cho ông là  một nô bộc, hầu chữ nghĩa cho các “ngôi sao”. Hẳn ông đã từng buồn, mới có bài thơ Lệ chi nô: Bách quả hữu long nhãn/ Như nhân kiến Tử Đô/ Bất ưng duyên hậu thục/ Hoán tác “lệ chi nô”. Nghĩa: Trong trăm thứ quả có quả long nhãn/ Cũng giống như loài người có chàng Tử Đô (một chàng đẹp trai)/ Chớ nên vì nhãn chín muộn/ Mà gọi là “lệ chi nô”- Quả lệ chi là quả vải thiều- Nhãn ngon hơn, nhưng chín muộn, nhiều người cho là “nô” là kẻ hầu là tiểu đồng của vải. Làm sái phu quét dọn, song Sái Thuận luôn có ý thức tự tin, tự trọng. Chuyện này, chứng tỏ: Vua Lê Thánh Tông cũng là có “con mắt xanh”, “con mắt thánh”. Vua biết Sái Thuận là một thi sĩ thực thụ. Dụng nhân như dụng mộc, sửa thơ. “Quét dọn” phải là người làm thơ thực thụ mới chuẩn. Trong Tao đàn có nhiều Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa đó, nhưng nhiều ông chỉ giỏi văn, chỉ biết làm thơ mà không sành thơ. Một số vị thấy vua ra đề, biết phận là học sĩ là Hàn Lâm viện hiệu thư, Hàn Lâm viện thị độc... phải phụng hoạ thì phụng hoạ. Không phải là một công việc tự thân, say mê hứng thú mà họ “bị làm thơ”. Vua ngó đến, vai trò của Sái Thuận được nâng lên. Tao đàn ra đời năm Hồng Đức thứ 25 (1494), ngay năm sau (1495) thì Phó nguyên suý Đỗ Nhuận mất, Sái Thuận mới được bổ sung vào, thành hội viên chính thức.
   Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có viết rõ: “Sái Thuận lúc đầu là Tao đàn sái phu sau được bổ sung làm Phó nguyên suý”.  
      Trong Lã Đường thi tập, Sái Thuận có nhiều bài thơ tỏ lòng yêu, nhớ cố hương - quê cũ. Thảo tâm du tử bất thăng tư - Lòng đứa con xa như tấc cỏ mùa xuân nhớ mong khôn xiết (Đầu mùa xuân). Có những đêm Cố hương quy tứ chính thao thao - Ý muốn về quê cũ như làn nước cuồn cuộn. Sống ở Thăng Long, ông luôn nghe thấy tiếng đỗ quyên: Cố hương quy khứ phụ đề quyên _ Ta phụ với tiếng chim quyên - quê hương giục giã, Đỗ quyên hoa ngoại thanh - Tiếng chim quyên ở ngoài rặng hoa, Hà xứ nhất thanh đề đỗ quyên - Một tiếng cuốc kêu từ chốn nào vẳng lại... Đỗ quyên tức chim cuốc. Tiếng chim cuốc thường khắc khoải, gợi cho khách tha phương sự nhớ nhà thương nước. Vì yêu cố hương, ông yêu tất cả các dáng quê, lối sống quê: cây cau, khóm chuối và cảnh: Tửu gia cô tửu da vi thược/ Chu tử hành chu tịch tác phàm - Nhà hàng rượu dùng dừa làm gáo múc rượu bán/ Người lái thuyền lấy chiếu làm buồm đẩy thuyền đi... , Dân an điền dã mao vi ốc/ Tửu tạp tao khang trúc tác bôi Dân yên với đồng ruộng lấy cỏ tranh lợp nhà/ Rượu còn lẫn cả bã dùng gióng trúc làm chén... Là một nhà thơ tài hoa, Sái Thuận có nhiều bài thơ đến nay đọc còn thấy hay, lạ. Muộn giang tức sự: Bình phố thừa triều thướng/ Nông nhân sấn hiểu canh/ Hát ngưu phi bạch điểu/ Phong ngoại lưỡng tam thanh. Dịch thơ: Bãi phẳng triều lên ngập/ Nhà nông sớm vội cày/ Vắt trâu nghe mấy tiếng/ Cò trắng giật mình bay. Sái Thuận còn có lòng vị tha. Trong các bài thơ: Dậy sớm ở Tân Minh, Lưu đề ở giải vũ Hải Dương... , ông đều bộc lộ cái chí Diệc hữu tiên ưu hậu lạc vô - Có ai nghĩ đến lo trước vui sau chăng? Đó là tấm lòng ưu ái với dân với nước, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ như Phạm Trọng Yêm đời Tống.    
   Một tâm hồn thơ, một con người nhân nghĩa, một tấm lòng luôn canh cánh với cố hương như thế, làm gì có chuyện do dân làng không đón rước mà cho lính về đoạn thương long mạch, dứt tình nghĩa với quê cha đất tổ.      
   Năm 1505 có một sự kiện lớn làm kinh động cả triều chính. Thời ấy, có Trạng nguyên Ngự sử đài Đô Ngự sử Nguyễn Quang Bật (quê Bình Ngô, nay thuộc Thuận Thành, BN) cùng với Tiến sĩ Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ (quê Lãm Sơn, Quế Võ, Bắc Ninh) là hai vị quan thanh liêm trung trực. Khi vua Túc Tông mất, có một số nội thần muốn lập Tuấn tức Uy Mục làm vua, nhưng thấy Tuấn hèn kém, hung bạo, hai ông quyết không chịu, mà muốn lập Lã Côi Vương. Nhưng mưu đó không thành. Uy Mục lên ngôi. Yên vị, Uy Mục bèn  trả thù, đẩy hai ông vào đất Quảng Nam, nhưng lại cho quân lính đi cùng, đến sông lớn huyện Chân Phúc (tức sông Lam) thì bắt hai ông phải tự tử (Tương truyền, bị dìm chết). Người ta đã đến xã Trung Kiên, Văn Lâm nay thuộc Hưng Yên để khảo sát. Bên đó có đền thờ một tặc thần thời Đường, sang làm Tiết độ sứ. Chái chùa là nơi hai vợ chồng hắn ở. Không có chuyện đón rước Sái Thuận, không có chuyện vợ chồng Sái Thuận đến ở chái chùa nào bên ấy. 
   Về năm mất của Sái Thuận, một số tác giả phán đoán, ông mất  vào khoảng 1499 - 1505. Người viết bài này cho rằng: Cỏ thể ông mất ngay trong năm 1505. Bởi Sái Thuận đồng hương với Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ (cách nhau chỉ mươi, mười lăm dặm), lại là đồng hội đồng thuyền (cùng trong Tao đàn), quan hệ gần gũi, có thể là đồng chí hướng nữa. Bởi với cốt cách của Sái Thuận, không bao giờ ông muốn có một ông vua như Uy Mục, vua ham rượu chè, gái đẹp, thích giết người. Đêm nào vua cũng cùng các mỹ nhân uống rượu vô độ, ai say thì giết. Dân chúng gọi là vua quỷ.Ông mất ngay trong cái năm đen tối, triều đình nhũng nhiễu, nhiều kẻ chuyên quyền “dìm hãm thần liêu, có khi tự ý mà giết”. Vì sợ liên luỵ, nên bọn hương dịch Liễu Lâm phải nói thác đi, ngay cả người thân thích với Sái Thuận cũng không ai  dám nhận họ. Sau thời đó thì khác. Đến nay, làng Liễu Lâm vẫn còn họ Sái, vần còn nền móng của ngôi Nghè (nơi tư văn, đón tiến sĩ) xưa và cuối làng, vẫn còn đó đền thờ Sái Thuận.
   Đọc lại thơ Việt triều Lê sơ thì nửa đầu thế kỷ XV tiêu biểu nhất là Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi; nửa cuối thế kỷ, nổi trội nhất có Lã Đường thi tập của Sái Thuận. Đúng như Nguyễn Dữ (trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa, Truyền kỳ mạn lục) nhận định: “Từ khi triều Lê dựng nghiệp (tức sau Nguyễn Trãi), thi sĩ có đến hơn trăm nhà, mà duy tập thơ của ông Sái (Sái Thuận) được thịnh hành”.    Từ một anh lính chăn voi, học đậu tiến sĩ, từ một Sái phu “quét dọn” chữ lên đến Phó nguyên suý Tao đàn... , thời ấy cố hương nhiều người không thấu hiểu những khuất khúc của ông từng lẫn ông với một tên giặc... Đã đủ thời gian, minh chứng để đánh giá lại, chiêu tuyết cho ông. Nhân hướng tới Kỷ niệm một ngàn năm Thăng long, sau năm thế kỷ nhìn lại, càng rõ: Với cốt cách và Lã Đường thi tập, Sái Thuận là một nhà thơ lớn của đất nước thời đại ấy. Đọc thơ Sái Thuận, vua Lê Thánh Tông, Nguyên suý Tao đàn Nhị thập bát tú đã có lời khen ông là “tự chuyên ở trường thơ”, Phan Huy Chú khen thơ ông “tiêm tế, xinh đẹp, dồi dào”, Hoàng Đức Lương ca ngợi “có cái đẹp ngoài cả sắc đẹp”...  

       

                                                                                         

Chú thích:

* Có sử dụng một số tư liệu, bản dịch của Bùi Duy Tân & Đào Phương Bình trong tập sách Sái Thuận - nhà thơ lớn đất cổ Kinh Bắc (H.B 1978).   
 * Hai soạn giả BDT & ĐPB dùng họ Sái, có lẽ theo họ Sái của ông hiện còn ở Song Liễu, Thuận Thành. Dẫn cứ liệu, trên bia Văn Miếu - Hà Nội viết: Thái Thuận (chữ Hán), nhà văn Đặng Văn Sinh trao đổi, nên ghi là THÁI THUẬN. Rất cảm ơn...  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét