Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

* LÊ BẦU - CHIM BẰNG...




                                                                             
                                                Trái sang:  LÊ BẦU  &  DUY PHI
                                        tại trước cửa nhà ông, khoảng năm 1998                           



LÊ BẦU -
CHIM BẰNG SẢI CÁNH  


 Nhà văn Lê Bầu (bút danh: Phan Hà, Thanh Lịch...) sinh ngày 23/ 6/ 1930 tại Hưng Yên, sau chuyển lên Bắc Giang, thường trú tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1988.
Tốt nghiệp Đại học Trung văn tại Trung Quốc, từng làm phiên dịch, biên tập viên văn học Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội, Lê Bầu là tác giả các tập truyện Thông reo, Hai người buồng bên kia, Độc hành... , tiểu thuyết Ngã ba cô đơn, và là dịch giả các tập sách Quê cũ, Hoài niệm sói, Điệu Tần...  
   Có đến hàng chục năm, đã thành lệ, cứ mồng hai Tết là Lê Bầu đến chơi, uống rượu tại nhà Đỗ Nhật Minh. Ông quý Đỗ, bởi Đỗ là một nhà văn đã có hơn chục đầu sách, là cháu của nhà văn Nguyên Hồng, tính Đỗ lại xuề xoà, biết uống rượu biết trò chuyện, cười đùa, không để mất lòng ai bao giờ.
   Nhà cũ của Lê Bầu, vợ con ở, một nếp nhà cấp bốn, đơn sơ thuộc khu Thùng Đấu, lợp ngói móc, gần nhà Vũ Huy Ba. Do vậy, mỗi dịp ông từ Hà Nội về, Vũ Huy Ba báo tin, chúng tôi đều đến thăm. 
   Quý bọn chúng tôi, Đỗ mời từ trong Tết: “Sáng mồng hai nhé!”. Đúng hẹn, Đặng Tiến Huy và tôi lên. Cũng có lần tôi lên một mình. Đỗ và tôi là chỗ thâm giao, tri kỷ, đã gắn bó với nhau mấy chục năm. Phải lên sơm sớm, lên để gặp Lê Bầu. Có buổi, lên đến nơi, Lê Bầu đã có ở đấy. Nhiều Tết, có cả Anh Vũ, Nguyễn Thanh Kim, Vũ Huy Ba... Hồi khoẻ, ông thường đạp xe đạp tự đến. Sau, tuổi cao, chúng tôi thường cho xe máy đến tận nhà ông đón.        
   Bà Trụ, vợ Đỗ Nhật Minh là một phụ nữ đôn hậu, luôn niềm nở, hiếu khách. Dời khu trung tâm thành phố chừng hai cây số, lên đến Dĩnh Kế- nhà Đỗ, đã được một không khí quê, đầm ấm. Chúng tôi, ai có sách mới thì tặng ông. Lê Bầu cũng thường mang sách về tặng chúng tôi. Đó là những cuốn sách ông sáng tác, hoặc mới dịch mới xuất bản. Sách của Lê Bầu đều do các chủ sách ấn hành để kinh doanh, tác giả được nhuận bút và hai mươi cuốn, hẳn ông đã phải mua thêm, lại mất công ôm khệ nệ từ thủ đô về, thật vất vả. Riêng tôi, ông đã tặng cho dăm cuốn. Sách của ông mỏng cũng chừng ba trăm trang, có cuốn năm bảy trăm trang.    
   Chúng tôi ngồi quanh Lê Bầu, nghe ông kể đủ thứ, chuyện thủ đô, chuyện làng văn, chuyện về quê gốc Quan Xuyên, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, chuyện hồi ông sang học bên Trung Quốc,  một cô gái bên ấy yêu ông, muốn lấy nhau, sau đành chia tay lâm ly, “ta về ta tắm ao ta”... Ông là người đi rộng, biết nhiều, lịch lãm, có duyên kể chuyện:
  - Bà giám đốc N.H của ông rất uy thế, ông D. lãnh đạo cỡ số một của thành phố Hà Nội đêm, đi bộ đến thăm. Bà N.H rất quý mình, hôm nọ lên Tam Đảo, bà mang theo hai cái bánh mì, đỗ xe nghỉ ngang dốc, bà cho lái xe một chiếc còn một chiếc bà bẻ đôi, bảo, mình với Bầu ăn chung. Thế là “hai anh chị” vừa ăn bánh mì vừa ngắm thông nghe suối... 
   Ông cười tít, chúng tôi cũng tít mắt.
  - Có tay hiểu tứ mã là bốn ngựa, dịch thành: “Chiếc xe bốn ngựa chạy nhanh như gió”. Tớ thấy nghi, bèn tra lại, không phải là chữ tứ là bốn, trong bộ Vi  mà là chữ tứ bộ Dụât, có một nghĩa là bốn, nhưng còn nhiều nghĩa khác. Chữ Tứ này là một địa danh, vùng Tứ là một vùng ngựa hay, nổi tiếng. Người ta nói ngựa Tứ cũng như ta nói bánh đa Kế, mì Chũ vậy. Chứ bốn ngựa mà mắc vào một xe thì nhũng nhẵng nhùng nhằng vướng nhau, sao chạy nhanh bằng chỉ một, hai ngựa. Có những tay dịch liều thế đấy...
   Ông không nói rõ tên người dịch liều, không muốn nói xấu ai mà chỉ là kể cho vui. 
  Ông cười tít, chúng tôi cũng tít mắt. 
   Đến khi gia chủ bưng mâm lên, rượu vào chuyện càng rôm rả. Chuyện nào cũng vui, hóm hỉnh. Trước bữa rượu đã trò chuyện hai ba giờ, trong bữa rượu lại đàm đạo chừng hai ba tiếng nữa, kết thúc thường đã một, hai giờ chiều. Hồi ấy, tôi còn dùng chiếc xe máy cún- Chaly, chiếc xe cún của tôi cũng đôi ba lần được làm nhiệm vụ “khứ hồi”, đưa Lê Bầu trở lại nhà ông sau cuộc rượu. 
   Lê Bầu sinh năm Canh Ngọ (sinh 1930). Gia đình ông dời Hưng Yên lên Phủ Lạng Thương khi ông mười ba tuổi. Lê Bầu được học ở trường Con Giai- trường công lập. Năm 1945, ông học hết lớp Nhì năm thứ hai (Moyen deux), được đặc cách vào học trường Trung học đầu tiên của Phủ Lạng Thương. Người cha, luôn khuyến khích Lê Bầu mua sách, đọc sách, thường bảo: Thư trung hữu kim ngọc- Trong sách có vàng ngọc. Ông thường đến các hiệu sách Tân Tiến và Cát Lợi trên phố Ngang để mua sách. Có hôm, Lê Bầu còn ngó vào trang trại của cụ Đô Kỳ, thân sinh của nhà văn Lê Văn Trương (1906- 1964). Trang trại này nằm ở chỗ tiếp nối giữa phố Thọ Xương (sau là Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Văn Cừ) với phố Nghĩa Long (chỗ nay là Cung Thiếu nhi). Dãy tường vây quanh nhà cụ Đô Kỳ rất cao, cổng thường đóng chặt, thỉnh thoảng mới mở, nhưng có mở người ngoài cổng cũng chỉ nhìn thấy những cây nhãn trồng hai bên lối vào, còn nhà cửa đều bị che khuất. Lê Văn Trương khi ở đây, khi ở Hà Nội, Cămpuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Có khi ông còn làm cai đãi vàng. Thực tế ấy, ông viết trong cuốn phiêu lưu ký sự Một cuộc săn vàng. Đời văn, Lê Văn Trương đã viết 125 cuốn sách. Ngay trong hai năm, 1942 và 1943, ông đã xuất bản 22 cuốn. Tiếng tăm Lê Văn Trương nổi lên như cồn. Lê Bầu nói: “Hồi đó, gần như không ai không đọc tiểu thuyết của Lê Văn Trương”. Ông Văn Trương có tầm vóc cao lớn, nước da bánh mật, răng cửa khểnh một chiếc, “nói như một cái máy và viết như một cái máy”. Lê Bầu đã trông thấy Lê Văn Trương và đọc một số tiểu thuyết của ông. Cuối đời, chính Lê Văn Trương cũng tự nhận về các tác phẩm của mình, toàn là thứ “ăn sổi”.     
   Trên đất Phủ Lạng Thương lúc ấy có hai nhà thơ nữa: Bàng Bá Lân và Anh Thơ. Bàng Bá Lân có nhà ở phố Tân Ninh (Phủ Lạng Thương), “ngôi nhà hai tầng xinh nhỏ như một tổ chim bồ câu, ẩn dưới bóng phượng vĩ xanh tốt”, ông học trường Tiểu học Pháp Việt. Trước Cách mạng tháng Tám, Bàng Bá Lân đã là một thi sĩ đồng quê nổi tiếng với tập thơ Tiếng thông reo (in 1934), với những bài thơ thôn dã: Diều ai gọi sáo véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (Trăng quê).
  Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, nhà ở khu Thùng Đấu. Tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ được Giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939, được ấn hành năm 1941. Anh Thơ nổi tiếng với những bài thơ về thôn quê: Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ/ Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ/ Mấy cánh bướm dập dờn trôi trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa (Chiều xuân).
   Thời ấy, Lê Bầu còn được gặp một thi sĩ trẻ: Hoàng Cầm. Cha ông vừa dạy học chữ Hán vừa bốc thuốc, mẹ là một chi Hai quan họ. Ông sinh tại Phúc Tằng, Việt Yên, sau có nhà tại dãy phố gần nhà ga Phủ Lạng Thương. Năm mười lăm tuổi, Hoàng Cầm đã viết vở kịch thơ Hận Nam Quan (sau này, ông viết thêm hai hồi nữa). Hận Nam Quan được công diễn lần đầu (1938) tại “nhà séc Tây” cạnh trường Con Giai (Phủ Lạng Thương). Buổi diễn ấy, chính Hoàng Cầm đã đóng vai Nguyễn Trãi, ông giáo Chi đóng Nguyễn Phi Khanh, Mộng Luân, vợ ông Hồ Sĩ Lạng- chủ một hiệu sách đóng vai Sơn Nữ. Lê Bầu được xem diễn. Sau đấy không lâu, ngay cả trường nữ cũng diễn kịch thơ này, con gái giả trai đóng Nguyễn Trãi và dán râu bằng rễ bèo tây nhập vai Phi Khanh. Trước năm 1945, Hoàng Cầm còn dạy tại trường tư thục La Clarté (Ánh Sáng), là thầy giáo dạy tư của Lê Bầu trong những ngày hè. Đến năm 2003, nhân ngày sinh của Hoàng Cầm, tới mừng ông, Lê Bầu kể: Tôi nhắc lại chuyện diễn Hận Nam Quan ở Phủ Lạng Thương ngày trước, ông thân mật nói với tôi: “Năm diễn Hận Nam Quan, tao vừa tròn mười tám tuổi... “.    
   Chuyện với Lê Bầu, chúng tôi hiểu thêm nhiều về văn chương, cuộc sống.     
   Hồi Đặng Tiến Huy còn là Q. Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương, có một lần tôi đi cùng anh đến thăm Lê Bầu tại 105 Phùng Hưng, Hà Nội. Nơi này xưa là trụ sở, toà soạn báo Le Travail của Đảng, do đồng chí Trường Chinh phụ trách, công khai, vào những năm ba mươi của thế kỷ trước.  Căn phòng hẹp lại chia đôi, giữa ngăn bằng phên nứa. Lê Bầu ở một nửa, mười mét vuông,  được sử dụng một bên cánh cửa, rộng chừng 60 cm, người nào “to con” vào ra thì phải đi nghiêng như lách (mấy năm cuối đời, Lê Bầu có căn nhà khác, rộng rãi). Ông ở một mình, có chiếc xe đạp phải gửi hàng xóm, ngày ngày, thường xuyên là cơm bụi. Khách vào, chủ khách đều ngồi chiếu trải xuống nền nhà. Có lần được tặng một cái quạt cây, người ngồi bệt xuống chiếu nên cây quạt cao quá đầu, vướng, Lê Bầu cho người khác. Chiếc máy chữ Olimpya mua lại của người bạn, ông dùng sà sã. Dường như ông tự buộc mình vào chiếc máy chữ. Khi dịch sách, ông thường dịch thẳng, nghĩa là mắt nhìn vào bản tiếng Trung, đánh máy luôn, cứ thế chuyển cho nhà xuất bản, hoặc báo chí, ít phải tra từ điển. Tuy vậy, Lê Bầu cẩn trọng lắm. Ví dụ, nguyên bản viết về một con vật nhỏ, nhiều chân, sống ở trong nhà, nơi ẩm ướt. Ông đã tra nhiều từ điển, cả đại từ điển Trung- Việt mà chưa xác định nó là con gì. Ông gọi điện hỏi mấy ông bạn, họ bảo là con sâu đo, nhưng suy nghĩ mãi ông mới tìm ra, đó là con cuốn chiếu. Mỗi năm, Lê Bầu dịch hàng ngàn trang sách. Chợt nhớ câu thơ, tôi đã viết tặng ông: Phòng đủ trải manh chiếu/ Chí sải cánh chim bằng/ Máy chữ tàng lách cách/ Đọc, dịch thẳng nghìn trang...
   Cũng là dịch, nhưng Lê Bầu dịch có văn và dịch hay. Trong một hai chục năm gần đây, Giả Bình Ao được coi là một tác giả lớn của Trung Quốc, có nhà phê bình gọi ông là bậc “Quỷ tài”, lại có người khen văn ông “nhập mộc tam phân”- khắc sâu vào gỗ tới ba phân. Giả Bình Ao được nhiều giải thưởng văn học, có cả giải thưởng văn học Mỹ, Pháp. Riêng với nhà văn này, Lê Bầu đã dịch dăm ngàn trang, ấy là các cuốn: Thị trấn Phù Dung, Thành phố hoa, Tể tướng Lưu Gù, Hoài niệm sói, Điệu Tần (trường thiên tiểu thuyết, trên 1000 trang). Lê Bầu được giới phê bình văn học tôn là “chuyên gia Giả Bình Ao”.
   Nhà văn Lê Bầu đã được tặng nhiều giải thưởng văn học, trong đó tập truyện ngắn Hai người buồng bên kia, được giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, tác phẩm dịch Quỷ thành, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004.  
   Tập sách Độc hành, 280 trang, là một trong số những tác phẩm xuất sắc của ông. Chỉ cần đọc truyện Độc hành (một trong số 8 truyện), ta đã thấy một Lê Bầu rất tài hoa trong việc sử dụng chi tiết, ngôn ngữ, xây dựng tính cách nhân vật... Đến phần cuối truyện, tác giả”ngạc nhiên, bất ngờ đến sừng sờ...”, thì độc giả cũng sững sờ và lặng đi bởi dư âm, ý nghĩa thâm thuý, tinh tế.   
   Có một bài báo viết: Lê Bầu “trung thực, lương thiện đến từng hơi thở”, cũng có thể nói thêm, một đời Lê Bầu đã “cử đỉnh” dâng được nhiều công trình lớn. Ông có duyên nói chuyện, hào hiệp, có tiếng cười sảng khoái và độc hành không nghỉ trên con đường khát vọng. Tôi nghĩ, ông là một trong số những nhà văn xuất sắc.                    
                                        Phủ Lạng Thương, 5- 2010
                                                         D P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét