Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

MAI PHƯƠNG VÀ TRUYỆN NGẮN NHỮNG CÁNH ĐỒNG ĐOM ĐÓM


                                                                     
                                                                         NHÀ VĂN TRẺ

                                    MAI PHƯƠNG


Tên thật: Nguyễn Thị Mai Phương
Sinh: 1977. Quê quán: Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang
Nơi công tác: Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang
Giải thưởng:
Giải Nhất truyện ngắn viết cho thiếu nhi - Hội VHNT Bắc Giang 2001. Giải Trẻ - Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2008
Đã xuất bản:
* Mùa chim ngói bay về, Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng 2003
* Ở bên kia cơn mưa,  Tập truyện ngắn, NXB Lao Động 2008
Sắp xuất bản:
*  Trở lại miền thơ ấu - Tập tản văn * Dòng sông cuối chân trời - Tập truyện ngắn.


NHỮNG CÁNH ĐỒNG
ĐOM ĐÓM


Tiếng chim gọi vịt khắc khoải thưa thớt dần, chuỗi âm thanh cuối cùng vít vào sương đêm mịt mờ. Lắc rắc mưa, những giọt mưa bấm tí tách trên tàu lá chuối đầu nhà. Có tiếng nước nhỏ giọt trong cái máng nước làm bằng thân cau gắn trên mái hiên. Tiếng tắc kè đếm nhịp thong thả buông vào cô tịch sự chuyển động duy nhất. Ngoài cánh đồng xa xa là những vầng sáng xanh di động, thứ ánh sáng kỳ ảo, ma trơi của những con đom đóm. Dì Châu ngồi tựa lưng vào bậu cửa, với tay tắt ngọn điện ngoài sân, bật đèn ngủ lờ mờ, nét mặt buồn hiu hiu. Bà ngoại ngồi bó gối trên giường đang suy nghĩ gì lung lắm. Dì Châu nhìn ra ngoài sân, ánh mắt hướng về xa xôi hỏi:
- U bảo con phải làm gì? Ngày mai người ta đến chẳng lẽ con và nhà con mỗi người một xó à, hay thế nào? U nói đi chứ, sao u cứ im ặng thế?
Bà đưa mắt nẹt tôi “đi chỗ khác” rồi thong thả nói với dì Châu:
- Thôi, dù gì thì con cũng là đàn bà, nhịn thì hơn con ạ, đàn ông họ thế thì cũng có thể bỏ qua được, mai tươi tỉnh mà đón nhà người ta, gả chồng cho con gái chứ có phải bán rau bán cỏ đâu mà xuềnh xoàng được.
Tôi nghe lõm bõm mà chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Tôi gác một chân lên lưng con mèo mướp và hỏi: “Mày hiểu gì không?”. Nó cũng lắc đầu không biết. Hai mắt nó xanh lè như hai đốm lửa vẻ trách móc: “Lớn rồi mà chậm hiểu thế?”. Tôi cố gắng sắp xếp hàng loạt những sự kiện tôi đã nghe được từ bố mẹ trong mấy ngày qua xem sẽ là chuyện gì. Những sự kiện về đời sống riêng tư của dì Châu càng rõ dần lên trong trí óc tôi. Ai bảo dì đẹp.
Cái Hương con dì Châu mới 18 tuổi đã lấy chồng. “Lấy chồng sang bên kia sông cho nó sướng” – nó thường nói với tôi như thế mỗi khi hai chị em nằm trên cái phản gỗ nhà bà ngoại. Mùa hè năm ngoái, nó dắt một chàng trai mặt búng ra sữa tìm tôi rồi bảo: “Đấy, nó đấy, chị xem có được không?”. Tôi lừ mắt, nó cụp hàng mi vênh vang xuống rồi lẩm bẩm: “Cùng tuổi em”… Mới học hết lớp mười hai mà nó đã muốn lấy chồng, suốt ngày quấn lấy chàng trai trẻ. Đến mùa hè năm nay mọi chuyện lại khác. Nó khoe ngay khi gặp tôi ở bến đò. “Chị ơi, tên ấy đỗ đại học lâu rồi, cũng không được lấy vợ nữa, bọn em chia tay nhau mấy tháng rồi, em đang có một đám bên kia sông, con trai ông giám đốc nhà máy hoa quả, anh ấy làm công nhân, về bên ấy em cũng vào nhà máy làm”. Hạnh phúc đối với em đơn giản chỉ  thế thôi, nhưng em đâu biết rằng dì Châu của tôi đã mười mấy năm nay lúc nào cũng ưu tư, lòng vời vợi buồn. Những năm bao cấp, chú Mân đi bộ đội, dì ở chung với mẹ chồng. Bà ấy lúc nào cũng xét nét dì. Đi dạy học về dì lại mê tơi đi hớt bèo, lấy rau, chăn lợn. Nhiều hôm đến lớp, quần áo dì còn dính bùn. Bà mẹ chồng lại chê dì đẹp mà lôi thôi. Con bé phải gửi bà trông hộ về muộn một chút là bà gắt: “Đi theo thằng nào mà giờ mới về?”. Người dì Châu cứ quắt dần đi, mỗi lần dì qua nhà ngoại là mắt trước mắt sau cho mấy đứa tôi vài cái kẹo bột rồi lại lệch thếch dắt xe đạp về. Trông dáng dì cứ tồi tội làm sao. Nhưng đôi mắt dì thì đẹp mê hồn, tôi còn bé mà đã thấy cái màu xanh sâu thẳm trong hai hàng mi rậm của dì như sóng biển. Những ngọn sóng ấy muốn quẫy đạp đứt tung cái bí bách của cuộc đời dì. Xem những bài văn tiểu học được điểm cao nhất lớp của tôi, dì kéo tôi vào lòng rồi lẩm bẩm: “Nhạy cảm quá cũng là khổ đấy”. Tôi chưa hiểu được những gì dì Châu nói, chỉ thấy lòng mình rõ ràng cũng vui buồn theo cuộc sống của dì. Cái Hương lên năm thì chú Mân xuất ngũ, dì đẻ thêm thằng Mão. Hai vợ chồng dì ở riêng, khó khăn đủ thứ, chú Mân suốt ngày phải xoay trần ở ngoài lò gạch nhào than, đóng gạch. Dì Châu lại cuồng lên giữa gánh nặng cơm áo, nào dạy học, nào con bé, nào lợn gà, cơm nước, có hôm dì còn đi đóng gạch với chú Mân. Nhưng mọi chuyện cũng không chịu yên ổn theo vần xoay của cuộc đời. Chiều ấy, dì Châu đi dạy bổ túc một lớp mãi dưới bản, về muộn. Chú Mân ôm thằng Mão đang ngằn ngặt khóc, mặt hầm hầm. “Đấy, mày thấy chửa, vợ mày nó thế nhá, không phải tao bịa ra nó về muộn” – Bà nội thằng Mão thêm vào. Lòng như lửa đốt, chú Mân đi đi lại lại rung thằng Mão mỗi lúc một mạnh. Thằng Mão mới hơn 10 tháng sợ khóc thét lên. Dì Châu cố nén cơn đau bụng vội vã đạp xe về. “Cô đi nữa đi, về làm gì sớm thế?” – Chú Mân ném cái nhìn như dùi sắt nung đỏ vào mặt dì Châu. Nhìn con khát sữa dì Châu cực quá mà vẫn nhịn… Tối ấy, hai vợ chồng dì Châu ngủ riêng. Chú Mân làu bàu: “Cô không thích ở đây thì về nhà cô mà ở, về ngay, chứ không có kiểu bỏ con cái vạ vật thế”. Cả đêm không ngủ, dì Châu khóc hết nước mắt. Cái Hương lăn ra ốm, chú Mân càng bẳn   tính, cáu gắt. Một tháng sau, dì ôm con về bà ngoại. Gấu quần dì dính đầy cỏ may và đất. Cái Hương lụng thụng chạy theo sau. Đi đến nửa đường thì chú Mân chạy theo đòi con Hương về. Dì gửi thằng Mão cho ông ngoại rồi lên lớp. Dì Châu bỏ lửng chú Mân khi trong lòng chú đầy ắp cục cằn,cố chấp. Dì dọn dẹp, xếp đặt mọi thứ lỉnh kỉnh và ở trong căn buồng cũ của bà. Ông lắc đầu nhìn bà rồi đem chiếc nhị cũ đầy mạng nhện ra kéo cò cưa điệu “Lưu thuỷ”. Lòng ông lung mung. Thỉnh thoảng dì vẫn tạt qua nhà hôn hít con Hương một chút, cho nó mấy cái kẹo rồi lại đi. Có lần mẹ chồng nhìn thấy bảo dì: “Tưởng chị đi rồi còn về đây làm gì?”. Hôm thằng Mão bị ỉa chảy, dì nghỉ dạy chạy qua nhà tìm nốt mấy bộ quần áo cũ của nó trong cái hòm gỗ cũ ở xó nhà, vừa ra đến cửa dì chạm mặt chú Mân. “Về làm gì?”, “Con sốt, tôi về lấy quần áo”, “Đỡ chưa?”, “Chưa”, “Chăm con cũng không xong”… Dì đã có lần nói với mẹ tôi: “Trong em dường như chẳng còn chút yêu thương nào cả, thế mới lạ, chỉ khổ bọn trẻ con”. Ông bà giục dì Châu về nhà ngày càng kiên quyết. Dì chỉ im lặng và quay đi khóc. Cho đến một hôm, dì được nghỉ sớm, dì tạt về qua vườn cho nhanh, vừa về đến đầu nhà đã thấy ông ngoại đang đan sọt tre, còn thằng Mão chập chững chơi ở góc sân. Nó bi bô gọi: “Bố ơi! Bố… ơi!”. Ông chạy ra đón nó rồi bảo: “Khổ thân cháu tôi, phải gọi ông là ông, ông ngoại biết chưa, nào, gọi đi, ông ơi!...”. Thì ra thằng Mão bắt chước cậu Thắng. Dì Châu một tay cầm nón và cặp, một tay đưa quệt nước mắt, lòng rối bời và nhận ra hai vợ chồng mình đã vô tình làm con trẻ thiếu đi tình cảm gia đình. Dì không nói không rằng dọn hết đồ đạc và bế con về nhà. Chiều ấy, hoa xoan rụng tím ngõ, những làn khói bếp mờ dần vương theo bóng dì.
Cứ vài tháng, hai vợ chồng dì lại dỗi nhau, dì lại về dựa lưng vào tường nhà ngoại, mặt đần ra. Tôi thấy lạ, thường cứ vào mùa đom đóm là y rằng có một đêm dì Châu không ngủ ngồi như đá tảng. Ký ức dì như chảy cả vào đêm và trôi về một miền nào đó xa xăm lắm… Thoáng trong ánh sáng mờ ảo là đôi mắt dì như nuối tiếc, như gửi gắm những thông điệp thầm kín về một cõi riêng.
Đêm nay, dì dỗi chú Mân vì nghe đâu chú có con riêng từ thời đi bộ đội, bây giờ lớn đi thanh niên tình nguyện về đây và tìm gặp chú. “Có thể là nhầm lẫn con ạ, biết đâu đấy là con của bạn bè nó thì sao” – bà ngoại vừa xua muỗi vừa nói. Dì Châu vùng vằng: “Nhầm làm sao được, mắt nó giống anh Mân như lột, mẹ không tin mai sang nhà con mà xem”. “Thôi được rồi. dù gì mai con vẫn phải về nhà, hai vợ chồng coi như không có chuyện gì xảy ra, xong đám ăn hỏi con Hương rồi tính”. “Con không về…”. Dì Châu oà khóc, đôi vai dì rung lên trong ánh trăng. Những con đom đóm thấy điện sáng ùa vào nhà mỗi lúc một nhiều. Tôi không  dám ngủ, sợ rằng dì Châu với khuôn mặt đẹp và buồn thế kia có thể sẽ biến mất lúc nào không biết. Mẹ tôi sang nỉ non thế nào đó mà dì Châu chịu về nhà. Bà thở dài: “Khổ thân nó thật!”. Tôi nghe lõm bõm bà và mẹ nói về số phận của đứa con riêng nào đó trong quá khứ.
Từng đám lá run rẩy hất những hạt mưa xuống sân. Gió liêu phiêu rất nhẹ, ánh trăng loang mờ kì ảo. Tôi mơ mình được dì Châu đặt vào thảm lúa non giữa ruộng và dì bắt đầu kể về tình yêu. Một tình yêu với một cánh đồng đầy đom đóm. Cánh đồng bí ẩn nuôi một trái tim yêu mãnh liệt của cô gái đẹp. Dì hay trốn nhà đi chơi tối, dì rủ tôi ngồi bên bờ đầm nhìn sang cánh đồng bên kia. Dì đợi người yêu…
Mẹ và tôi được bà ngoại giao nhiệm vụ theo sát dì Châu từng bước trong ngày ăn hỏi cái Hương. Thật khác lạ, dì ăn vận đẹp, xinh tươi vui vẻ khác thường niềm nở tiếp khách. Tôi có thời gian nhìn thằng Thương, công nhận nó giống chú Mân thật. Đôi mắt đen to, cặp lông mày rậm, nhất là môi dưới chẻ điệu đàng. Con chú Mân thật rồi. Lòng tôi như có đám kiến bò ngang bò dọc, tôi không muốn ánh mắt dò xét của một người nào đó dành cho dì Châu. Thương có vẻ ngoan, đi đi lại lại rót nước,có lúc lại ra quét sân. Nó ở nhà dì Châu dễ đến một tuần còn gì. Tôi bắt chuyện với Thương: “Này, ở đây em có sợ không?”, “Dạ, sợ gì ạ, mẹ Châu tốt lắm”, “Quê em ở đâu? Bố mẹ em làm gì?”. “An, con làm gì thế?”, tôi giật bắn mình bởi tiếng quát của dì Châu. Tôi chợt nhận ra trong con mắt dì có cái gì mênh mông lắm. Tôi không biết được rằng đêm từ nhà bà về, dì Châu đã ngồi tâm sự với thằng Thương đến sáng. Mẹ Thương đã qua đời vì bệnh ung thư, trước khi ra đi, bà đưa cho Thương tấm ảnh một người đàn ông và dòng địa chỉ cần tìm đến: “Người đó là bố con” – bà nói với cậu thế khi suốt 20 năm nay bà im lặng. Thương đựơc học hành tử tế, đã tốt nghiệp Trung học Y tế ra trường, tình nguyện lên đây làm công tác xã hội rồi tìm người trong ảnh. Dì Châu đã thảng thốt nhận ra câu chuyện về một người dàn bà luống tuổi xin anh bộ đội đứa con để nuôi cho đỡ buồn mà chồng dì đã kể rất lâu rồi. Dì nghĩ thương thằng Thương, mà giận chú Mân, sao chú có thể im lặng bằng ấy năm được nhỉ. Dì cho thằng Thương ở lại nhà mình, chú Mân thì càng im lặng thăm dò ý kiến của dì. Dễ phải đến một tháng, nhà dì như có chiến tranh. Dì gầy rộc đi trong sự đau khổ, dằn vặt, đấu tranh với chính mình. Đã có lúc dì muốn cấu xé chú Mân ra thành trăm mảnh. Lần đầu tiên dì nói những lời cay độc với chồng.
Tôi muốn ngủ với cái Hương một tối trước khi nó lấy chồng, dì Châu đồng ý giục chú Mân cùng Thương đi ngủ trước, dù cả tháng nay dì không nói với chú Mân một câu nào gọi là tâm tình. Dì ôm tôi và bảo: “Không biết đời người đàn bà có bao nhiêu nỗi buồn, cái Hương không biết có hạnh phúc không?”. Tôi cũng nhiều lần tự hỏi không biết đời người đàn bà có bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu hạnh phúc, bao nhiêu đau khổ? Có phải sống là biết cất giữ bí mật không? Nhìn mắt dì Châu, tôi biết dì đang thả hồn mình về một cánh đồng đom đóm ngày xưa.
Lúa tháng năm chín rộ, đom đóm hàng đàn rụng như sao sa lấp loáng. Chú Mân đợi dì ở gốc cây xoan Tây đầu làng. Rồi hai người mất hút giữa thảm lúa vàng. Tôi vào chòi canh dưa ngồi xem ông ngoại đang cùng mấy ông bạn già chơi tam cúc, đợi dì về. Đêm nào về muộn, dì lại xí  xoá sự giận dỗi của tôi bằng cách dúi cho tôi một cái kẹo vừng thơm thơm cay nồng. Ánh sáng của loài đom đóm theo vào tâm trí tôi cùng với tình yêu hết sức lãng mạn và đằm thắm của dì Châu.
Dì Châu vỗ về cái Hương như dỗ một đứa trẻ con, dì cố dành những vuốt ve yêu thương cho nó kẻo sợ mai kia nó đi làm dâu dì không có cơ hội nữa. “Hương đi lấy chồng, dì sẽ dọn phòng cho thằng Thương, nó cũng tội, biết đi đâu bây giờ, thôi thì mình không sinh ra nó nhưng nó là con của chú mày,con ạ. Thằng Mão lên thị xã học với cậu Thắng mãi chẳng về, tao cũng buồn”. Dì vừa nói vừa dụi dụi mắt vào gáy tôi. Những giọt nước âm ấm lan vào da cổ tôi mơn man. Ngoài sân, chú Mân không ngủ chắc cũng muốn đợi dì ra nói chuyện. Dì Châu không trở dậy chỉ cựa mình, dì đã thấu mọi lẽ rồi, đã chấp nhận thằng Thương, đã bỏ qua cho chú Mân.
Tôi cứ ngắm mãi  khuôn mặt đẹp và nhân hậu của dì. Càng buồn dì càng đẹp. Dì đang nghĩ về những bí ẩn của cuộc đời này, và dì cũng không biết được rằng dì cũng là con riêng của ông ngoại được bà ngoại bế về nuôi từ đỏ hỏn. Tôi vô tình biết được bí mật giữa bà và mẹ trong một đêm cũng có nhiều đom đóm, bà đã kể cho mẹ nghe về một năm bà mất tích đi tìm ông lúc ông đang ngơ ngác bồng trên tay đứa trẻ mới sinh khi người đàn bà vụng dại với ông theo về thiên cổ.
Tôi lơ mơ ngủ. Dì Châu khẽ khàng trở dậy. Chú Mân kéo tay dì đi ra ngoài. Dưới ánh trăng, bóng hai người mất dần trước cánh đồng mênh mông đầy đom đóm.
                                                                           

                                          M P MỘT CHUYẾN ĐI TÂY NGUYÊN  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét