NT HOÀI KHÁNH giới thiệu:
Cuốn sách Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn - khác biệt và thành công (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2011, dày 596 trang) vừa ra mắt bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài phát biểu của nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam - tại Hội thảo và in trong cuốn kỉ yếu này. Đây là một bài nói có giá trị thiết thực dành cho những người quan tâm tới thơ Việt Nam hiện nay cùng những ai đang yêu thích và sáng tác thơ.
Một cuộc Hội thảo gợi mở
và báo hiệu những tín hiệu vui cho thơ cho văn học
Khoảng 7, 8 năm trước, trong một cuộc họp bàn tròn về văn học ở Hà Nội, nhiều anh chị em lo lắng rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, thơ thì đang mất mùa và bạn đọc ngày nay đang quay lưng lại với thơ. Tôi có nói rằng, chúng ta đừng nên sốt ruột, thế kỷ mới vừa mới bắt đầu, những năm chuyển đổi của một thế kỷ, từ cũ sang mới, cũng là lúc làm đảo lộn nhiều giá trị, và mọi việc sẽ được sắp xếp lại, định hình lại sau khoảng mươi năm nữa, tức là phải sau những năm từ 2010 trở đi. Sự kiện sụp đổ và thay đổi lớn nhất mà chúng ta chưa hoàn hồn là sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, bức tường Berlin sụp đổ, thế giới đang bàng hoàng bước sang một thời kỳ mới, không còn là một thế giới có hai đối cực nữa, mà là một thế giới đa cực. Và thế giới sẽ thích nghi với việc đó, sẽ có những chuyển đổi to lớn, tất nhiên, không thể chỉ trong một vài tháng hay một vài năm, mà phải tính bằng những thập kỷ. Và tôi cũng có một niềm tin rằng, ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong khoảng từ 10 đến 20 năm mở đầu các thế kỷ, thường diễn ra những sự thay đổi âm thầm của xã hội và của văn hóa, văn học, nghệ thuật… Thế rồi, đùng một cái, những thay đổi đó hiện diện, chói chang đến mức làm mọi người bất ngờ! Nhưng nghĩ kỹ lại, thì nó đều có những nguyên nhân sâu xa từ trước, có những bước chuẩn bị tiềm ẩn, đi theo đúng các quy luật mà chúng ta không để ý. Chỉ nói ngay đầu thế kỷ XX ở nước ta, sau sự chấm dứt các kỳ thi Hán học (năm 1919), đến sự xuất hiện và nở rộ của nền văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, rồi sự xuất hiện của Tản Đà, Phan Khôi, sự tranh luận về Thơ Mới và chia tay với thơ cổ điển, rồi đến Thế Lữ và Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu và Huy Cận, Bích Khê và Hàn Mạc Tử, cả nhóm Tự Lực văn đoàn… Tất cả cứ như chờ sẵn, ồ ạt “ra quân” đồng loạt và làm thay đổi toàn bộ nền văn học và văn chương đương thời. Dẫn ra điều đó để chúng ta tin hơn vào những thay đổi, có lẽ cũng không ra ngoài quy luật trên đây, đối với thiên niên kỷ mới và thế kỷ XXI.
Và có phải chăng, không phải tôi chỉ là ông “thầy bói cầu may” gặp thời, mà sự thực của tiến trình văn học đang diễn ra hôm nay, như cuộc Hội thảo rất lý thú về Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn, được cả giới văn học Hà Nội, Hải Phòng và cả các tỉnh bạn quan tâm đón nhận nồng nhiệt tại đây, chính là một dẫn chứng, một minh họa thuyết phục cho những bước chuyển đổi có tính quy luật đó! Đó thực sự là một điều rất đáng mừng!
Tôi đánh giá cao thơ của hai anh Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn. Thơ thường hay được đánh giá bằng hai chữ Tâm và Tài. Cụ Nguyễn Du thì nói có phần bùi ngùi “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, vì Cụ nghĩ rằng Tài - Mệnh tương đố, đề cao quá cái Tài trong thời đại ấy thì khổ cho cái Mệnh, nhưng tôi nghĩ rằng trong thời đại của chúng ta, trên tinh thần Đổi Mới, có thể coi trọng cả hai yếu tố này ngang nhau mà không phải lo sợ điều gì, kể cả sự đố kỵ tài năng nhỏ nhen. Và vì thế, chúng ta có thể xác lập một công thức thẳng thắn và sòng phẳng là: “Tài + Tâm = Sự thăng hoa”.
Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn đều là những nhà thơ có bản sắc mạnh và dám cách tân mạnh. Tuy nhiên, cả hai anh đều không chọn lối phủ định sạch trơn cái cũ để vạch ra lấy được một cách đi mới tinh, một lối nói mới tinh, theo kiểu hiểu về Cách mạng của chú AQ nhà Lỗ Tấn, là Cách mạng là phải cách bỏ cái mạng cũ đi. Điều thấy rõ, là cả hai anh đều biết tận dụng toàn bộ những ưu điểm đã tích lũy được trong thơ cổ điển và các đỉnh cao của thơ quá khứ, để tự vượt lên mình, vẫn đứng vững trên các cao điểm cũ mà tạo nên đỉnh cao mới hơn. Nếu chơi chữ như người phương Tây hay nói, thì thơ cả hai anh chọn con đường đi lên bằng sự tiến hóa (évolution), chứ chưa hẳn đã cần phải làm hẳn một cuộc lật đổ bạo liệt theo kiểu cách mạng (révolution). Tôi không tin lắm vào những tuyên ngôn lật đổ từ gốc đến ngọn trong sáng tác, vì chúng ta đều biết rằng văn hóa đi lên được là nhờ sự tiếp biến, sự chọn lọc mọi tinh hoa để kết tinh, biết kế thừa những giá trị bền vững từ cha ông, chứ chưa bao giờ văn hóa lại chọn cách phủ định sạch trơn, nhằm mò mẫm đi lại từ đầu mà lại thành công.
Về thơ Đồng Đức Bốn, tôi đã có dịp phát biểu dài từ hồi Đồng Đức Bốn còn sống và sau này, những điều phát biểu ấy đã được chính Đồng Đức Bốn đưa vào một đĩa DVD do Đài Truyền hình Việt Nam làm khá công phu, lấy tên cả đĩa là “Chuông chùa kêu trong mưa” (đã phát hành), nên tôi sẽ không nói lại, mà hôm nay, xin được trao đổi vài ý với nhà thơ Mai Văn Phấn hiện đang có mặt tại đây.
Tôi rất thích quan niệm “vượt thoát” mà Mai Văn Phấn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. Đúng là nhà thơ phải biết tự làm mới mình bằng cách vượt thoát. Dám vượt thoát là cũng đau đớn và chật vật lắm, không dễ dàng gì, nhưng nếu cứ tự huyễn hoặc mình bằng những thành tựu đã có, tự ru ngủ bằng bài ca an phận và không dám phiêu lưu nữa, thì chỉ còn có cách cứ ngủ yên trên vinh quang cũ, đâu dám nhúc nhích gì? Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc cũng có một khái niệm độc đáo về văn hóa, ông cho rằng văn hóa đi lên bằng cách “vượt gộp”, tức là có vượt lên, nhưng vẫn gộp vào cái có sẵn có giá trị từ trước để mang theo, chứ không cởi ra mà vứt bỏ nó. Văn hóa Việt Nam chẳng hạn, theo ông, là có hiện tượng “vượt gộp”, dù có tiếp thu văn hóa Trung Quốc, văn hóa Pháp và các nền văn hóa mà dân tộc ta đã tiếp xúc và học hỏi, nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình, dù vẫn khôn khéo hòa nhập vào mình những gì là tinh hoa của các nền văn minh khác. Điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nói riêng về thơ, thì tôi vẫn chấp nhận và thích thú khái niệm “vượt thoát” của Mai Văn Phấn. Thơ phải biến hóa nhẹ nhàng, thơ phải bay được, đừng có tham lam mà cái gì cũng phải cố giữ, cố níu kéo, cố ôm theo một cách khiên cưỡng cho đủ, cho cân đối, cho phải đạo! Làm thế, coi chừng sẽ giết chết thơ. Khi Thơ Mới đã có một cách thể hiện khác, làm câu thơ uyển chuyển và giàu nhạc tính, tung hứng đến mức phóng túng, thì làm sao còn cố giữ luật bằng trắc nghiêm ngặt của câu thơ luật Đường trước đó nữa, chưa kể những lối nói biền ngẫu và đối nhau chan chát của các câu thơ kiểu cũ, dù rất hay một thời, nhưng đến lúc không thể dùng được nữa! Chính vì thế, tôi cho rằng khái niệm vượt thoát của Mai Văn Phấn trong thơ là có lý, và là một khái niệm sáng tạo.
Tôi cũng rất chú ý đến khái niệm “vong thân” khi Mai Văn Phấn đề cập đến sự dũng cảm của nhà thơ dám luôn luôn tự rời bỏ thể trạng đã định hình của mình, dám “thoát xác”, và ra khỏi nhân thân được coi như bản thể đã mặc định của mình, một nhân cách đã được biểu hiện lặp đi lặp lại quen thuộc trong thơ của mình. Đấy là một quan niệm, chỉ có thể dám thực hiện, khi nhà thơ còn tràn đầy sức trẻ, còn dám tự bung phá, còn dám tự đổi hẳn vai diễn trên sân khấu của đời mình. Tôi hoàn toàn tán thành quan niệm đó trong thơ, tuy nhiên, từ “vong thân” có vẻ khó hiểu và chưa lột tả hết ý muốn cần thể hiện ra, tôi thích cách dịch từ này sang tiếng Anh (cũng được in cùng trong Tuyển thơ Mai Văn Phấn) là “Escape from personality”, có lẽ đạt hơn và dễ hiểu hơn nhiều .
Sau khi đã “vong thân” và “vượt thoát”, Mai Văn Phấn nói rằng, anh đã đạt đến sự “thong dong”. Tôi cũng tin như thế và chúc mừng anh, vì đến đó, có lẽ, nhà thơ đã “ngộ” ra được cái đạo làm thơ và thẩm định thơ, nên đã tự ra thoát khỏi những gì trói buộc cũ và làm khổ mình trước đó.
Về quan điểm học thuật, tôi cũng hết sức nhất trí với Mai Văn Phấn khi anh cho rằng phong cách thơ theo chủ nghĩa hậu hiện đại không hề là đích đến của thơ (như một vài bạn trẻ hôm nay quan niệm). Trên thế giới, người ta cũng đi qua cái chủ nghĩa đó khá lâu rồi, nó cũng chỉ là một chỗ đỗ, một chỗ nghỉ chân trên suốt hành trình dài, nhằm đi tìm một phong cách sáng tác thật đích đáng, thỏa mãn nhu cầu của sự phát triển văn học đang có nhiều khủng hoảng và khúc mắc hiện nay. Bây giờ, người ta đang đua nhau trở về với chủ nghĩa tân cổ điển, tức là tái lập lại chủ nghĩa cổ điển ở tầm cao hơn hẳn một đầu, nằm trên một vòng xoáy trôn ốc cao hơn, trong cả vòng quay của tiến hóa. Để dễ hình dung, ta cứ tưởng tượng như ta đang thắp nén hương vòng, khi cháy hết vòng cũ thì hương sẽ tự động cháy lên đến vòng mới cao hơn. Quy luật của tiến hóa cũng là như vậy mà thôi!
Tuy nhiên, chúng ta đâu có chăm chăm chỉ trông cậy vào các quan niệm (hay chủ nghĩa!), nó vẫn chỉ là lý thuyết trừu tượng, cái quan trọng là ta biến được các quan niệm và chủ kiến của mình thành ra tác phẩm có xương thịt, có vóc dáng thực, có hồn cốt thực. Điều chúng ta trông đợi đó, các anh Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn đã làm được, mỗi người theo một cách, dù chưa phải đã “mười phân vẹn mười”, nhưng hoàn toàn là một lối đi mở, có thể còn đi tiếp được xa hơn, có sức rướn, sức bay mạnh mẽ và thuyết phục hơn. Chỉ tiếc, là Đồng Đức Bốn đã không còn nữa!
Điều tôi muốn thảo luận thêm với Mai Văn Phấn là một ý anh đã phát biểu về thơ: “Thơ là thanh âm của tự nhiên: gió gào, chim hót, núi lửa phun trào, sóng gầm, đá lở… hay như lúc động tình con Đực chồm lên con Cái...”. Điều đó là đúng cả, nhưng không phải chỉ có thế! Nếu chỉ quan niệm có thế, thì nhà thơ chẳng lẽ bỏ qua mọi mối dây liên hệ rất chằng chịt và phức tạp với xã hội và nhân loại, và hoàn toàn hững hờ, vô cảm, đứng ngoài nó hay sao? Tôi nghĩ, đã là một thành viên, đồng cam cộng khổ với cộng đồng loài người, thì nhà thơ không thể thoát ra khỏi xã hội, vì vậy, khó có thể tuyệt đối hóa thiên chức của thơ mà chỉ nói đến thiên nhiên thôi sao?
BẰNG VIỆT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét