Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

* NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU GIAO LƯU THI CA TẠI MỸ, TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

                                                                     
  
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:
Còn nhiều dữ liệu để tạo nên tác phẩm lớn  





     
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều , Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vừa trở về sau chuyến tham dự hội thảo và giao lưu văn học tại Mỹ.       
                                                                                        

- Chuyến đi Mỹ của ông gần 1 tháng, hẳn có rất nhiều điều được đề cập trong hội thảo cũng như giao lưu...?

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Thời gian hội thảo là 15 ngày, sau đó là một số buổi giao lưu... Chuyến đi của tôi nằm trong chương trình giao lưu văn học với một số trường đại học của Mỹ, trọng tâm là hội thảo về văn học được tổ chức hàng năm tại Trường Đại học Massachusetts (hoạt động này đã tổ chức từ 25 năm qua).

Họ mời đại diện một số quốc gia tham dự, chủ yếu các nước đang và đã từng có chiến tranh; và những nước đang gặp những thách thức lớn về phân hóa, khủng hoảng văn hóa. Những nhà văn Mỹ tham dự hội thảo là những gương mặt danh tiếng về văn học, những giáo sư đầu ngành về văn chương, ngôn ngữ của Mỹ...

Hầu hết họ đã từng đến Việt Nam trong chiến tranh hoặc sau chiến tranh. Rất nhiều người là những cựu binh đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Chương trình của hội thảo chia thành hai phần chính: Thứ nhất là bàn về vẻ đẹp muôn thuở của văn chương; thứ hai là những vấn đề mà văn học đang phải trải qua, đương đầu như chiến tranh, môi trường, toàn cầu hóa, sự khủng hoảng văn hóa...

Rất nhiều ý kiến đã chung nhận định, đánh giá, sự thách thức lớn nhất hiện nay đối với mọi quốc gia là khủng hoảng về văn hóa vì đó là sự khủng hoảng đáng lo ngại nhất. Bởi khủng hoảng về kinh tế có thể khắc phục được trong một thời gian; nhưng khủng hoảng về văn hóa là khủng hoảng về tư duy, trí tuệ, quan niệm, quan điểm, lối sống, cách hành xử... Và đây chính là vấn đề cốt lõi để một dân tộc có thể tồn tại, phát triển với bản sắc của mình. Một dân tộc đánh mất bản sắc là một dân tộc bị nô lệ hóa toàn diện.
- Xin cho biết ý kiến của ông sau khi tham dự hội thảo?

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Tôi đến Mỹ tham dự các hội thảo tương tự không chỉ một lần, tôi thấy đời sống văn học của Mỹ hay một số quốc gia khác đúng với bản chất của nó. Những vấn đề về sáng tác, sáng tạo được quan tâm ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi thích và tâm đắc với câu thường xuyên được nhắc trong mọi cuộc bàn luận, trao đổi, đó là: Một đất nước không có sự sáng tạo thì đất nước ấy sẽ đi vào con đường lụi tàn.
Và, chủ nghĩa nhân văn luôn luôn được nhìn nhận xuyên suốt mọi vấn đề của sự sáng tạo. Mọi sự sáng tạo nếu xa rời chủ nghĩa nhân văn sẽ đi vào bế tắc... Một quan niệm thật hay là viết văn chính là học cách nhìn nhận, hành xử, nhận biết thế giới và học cách sáng tạo trong cuộc sống. Tôi luôn luôn mang cảm giác các nhà văn, nhà thơ ở đó không chứa đựng sự đố kỵ, ganh ghét hay một thái độ nhìn nhận thiển cận, nhiều thiên kiến cá nhân.

Họ tìm cách lý giải mọi khác biệt trong sự sáng tạo giữa họ và những nhà văn khác. Với họ, con người và sáng tạo của con người là hướng tới những điều cao cả, những khát vọng chân chính. Tôi được nhiều người hỏi những câu hỏi về dân tộc, đất nước, về những vấn đề rất cụ thể, rất con người, về những vấn đề mà tưởng như chẳng liên quan gì tới họ.
- Là nhà thơ được đánh giá có những sáng tạo, cách tân hiện nay và với tư cách Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông nhìn nhận thơ ca Việt Nam hôm nay thế nào?

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Tôi cho rằng thơ ca hay văn học nước ta nói chung vẫn đang phát triển trên con đường của nó. Đó là bản chất, là quy luật như dòng sông đang chảy. Tôi đọc tác phẩm của một số người trẻ thấy họ đang nỗ lực tìm kiếm những hướng mới, thấy nỗi đau, những trăn trở trong cách nhìn riêng của họ đôi khi đến sắc lạnh, nhưng lòng nhân ái của họ luôn luôn bình đẳng với các thế hệ đi trước. Và nhiều người đang tìm cách nói khác...
Một cách nói khác, một giọng điệu khác là sự sống còn của sáng tạo. Họ chỉ được chúng ta nể trọng khi họ dám đi con đường riêng của họ. Nhưng nó chưa thành đội ngũ đông đảo, chưa thành sự lan tỏa rộng. Nhìn ở góc độ nào đó thì khát vọng sáng tạo của nhiều người là quá ít và họ không đủ nghị lực, bản lĩnh để đi đến tận cùng con đường sáng tạo.

Đời sống văn học của ta chưa thật rành mạch, công bằng và đôi khi không lành mạnh trong một số vấn đề. Hiện nay tràn lan các trang blog hay trang web. Đối với đời sống văn chương thì rõ ràng là sự phong phú, đa dạng, đa chiều trong hoạt động văn học.

Nó mở ra rất nhiều cơ hội và đẩy nền dân chủ tiến lên. Nhưng bên cạnh đấy là sự tệ hại đến không tưởng. Họ lợi dụng công nghệ cao để nhạo báng, nói xấu nhau, chửi nhau trên mạng đối với đồng nghiệp, bạn bè... Và không ít người dùng blog hay trang web của mình nhằm ca ngợi mình một cách không biết xấu hổ. Sự tôn trọng những sáng tác khác biệt, thừa nhận nhau thật là hiếm trong thời buổi hôm nay.

Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng chắc chắn chúng ta đang còn những nhà văn, nhà thơ, những trí thức có tầm và có tư cách, những nhà văn, nhà thơ trẻ mang khát vọng cải biến đời sống văn học của chúng ta. Và họ đang sáng tạo âm thầm như một sự dâng hiến không đòi hỏi.
- Theo ông, trong thời gian tới chúng ta có những nhà văn, nhà thơ lớn hay không?

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Chắc chắn sẽ có bởi như tôi đã nói về quy luật, cuộc sống rồi sẽ ổn định, rồi sẽ tốt đẹp hơn... Và một điều hết sức quan trọng, đó là dân tộc Việt Nam có đầy đủ, không những đầy đủ mà còn rất phong phú những dữ liệu cho một nhà văn, nhà thơ để làm nên những tác phẩm lớn. Bằng con mắt nhân văn, bằng tư tưởng lớn, bằng sự đắm mê và dâng hiến, tôi tin rằng sẽ có những vấn đề lớn của dân tộc này được thể hiện. Bởi số phận dân tộc chúng ta là một số phận kỳ lạ và đầy bi tráng. Chúng ta đã có Nguyễn Trãi, có Nguyễn Du... Và chúng ta sẽ có những nhà văn hiện đại trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc.

             Nguồn: Sggp (Cao Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét