NV ĐẶNG TIẾN HUY
DỰ TRẠI VIẾT Ở TAM ĐẢO - 2008
ĐẶNG TIẾN HUY
Sinh: 1943
Nguyên: Ủy viên UB Toàn quốc các Hội VHNT VN. Q. Chủ tịch Hội VHNT BG, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Sông Thương
Hội viên: Hội VHNT các DTTS VN (Chi hội trưởng Chi hội BG), Hội Nhà báo VN, Hội VHNT tỉnh BG.
Sách đã xuất bản: Thơ: 8 cuốn. Văn xuôi: 8 cuốn (tiểu thuyết, truyện ngắn, Tiểu luận phê bình văn học, Sưu tầm biên soạn: 8 cuốn.
Giải thưởng: * Thơ, Giải A đề tài Lâm nghiệp (Bộ Lâm nghiệp) 1964 * Tặng thưởng UBTQ các Hội VHNT VN 2003: Tập truyện ngắn Bức tranh lụa... * Giải nhì (không có giải nhất) UBND tỉnh BG tặng cho tiểu thuyết Trăng khuyết (1997 - 2002).
THIÊN TINH
Truyện ngắn
Dễ chừng, hai ba mơi năm nay bạn bè cùng xóm Sỏi nơi khỉ ho cò gáy, miệt đồi Trung du ít ai nhắc nhớ về hắn. Hắn ở gần nhà tôi. Hai thằng chơi với nhau cũng khá thân, tối lửa tắt đèn có nhau, ngầm “ganh đua” học hành và có chung một sở thích, chí hớng là: đọc sách, quyết tâm học đến cùng. Lại cũng có với nhau những kỷ niệm để đời là mê đi soi ếch ban đêm và sau những trận ma rào đầu hè đi vồ cá rô rạch ngợc hay đi úp cá đồng đẻ. Phần nhiều bạn bè trang lứa trong xóm, gái thì hết lớp bốn đã bỏ học ở nhà làm ruộng, tấp tẩng lấy chồng, sinh con đẻ cái. Có đứa ngoài bốn mơi, cháu nội cháu ngoại đã rồng rắn chật sân. Trai thì cố lấy cái bằng lớp bảy. ở nhà cũng có vai vế, chỗ ngồi cao trong chiếu hợp tác xã, góc chiếu ngoài đình, hay góc chiếu trong chính quyền thôn, xã. Ngày ấy văn hoá hết lớp bảy là ghê lắm rồi. Chữ nghĩa nhất vùng Trung du này. Hãnh diện ra phết. Đi đến đâu con gái bu như ruồi, bám như đỉa. Tha hồ kén chọn vợ.
Tôi với hắn không màng tắt ngang tắt ngửa. Nhà kinh tế neo đơn cũng động viên nhau cố mà vượt qua. Thế là hai thằng cứ vụt tiến hết cấp ba. Tôi thi vào đại học. Hắn tỏ ra nhụt chí, chùn lại và lí sự cùn: “Đời người ta có ba bảy đường tiến, thôi mày tiến được cứ tiến. Tao mừng. Tạm dừng, rẽ ngang rồi tao sẽ tiến theo mày sau. Hoàn cảnh nhà tao mày thấy đấy…”. Ngày tôi thi đỗ vào đại học, nhập trường, thì hắn cũng nhận quyết định bổ nhiệm làm thầy giáo cấp hai, đi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ba tháng.
Hai năm sau, tôi tốt nghiệp đại học ra trường công tác. Ngày ấy, chỉ một vài trường đại học đào tạo ba, bốn năm. Sư phạm chỉ hai năm. Sau khóa tôi học ba, bốn khoá mới nâng lên đào tạo ba hoặc bốn năm. Bộ Giáo dục phân công tôi lên miền núi theo tinh thần xung phong tình nguyện. Chiến tranh hai miền Nam Bắc càng ngày càng ác liệt. Hôm gặp nhau chia tay, hắn nói như tâm sự: “Thế là, tao đã có thâm niên hai năm. Mày lính mới tò te vào nghề. Cùng gõ đầu trẻ. Lên miền núi chắc cũng rất cực. Nhưng may, có thể tránh được hòn tên mũi đạn. Tao lương ba cọc ba đồng dè xẻn cũng giúp được thầy bu tao chữa khỏi bệnh tật. Gia cảnh đỡ khốn khó hơn. Cuối năm có lẽ tao phải lấy vợ. Nhà neo đơn. Các cụ đã già, giục dã ghê lắm”. Bỗng hắn cười phá lên sòng sọc như rít thuốc lào, mà rằng: “Đời, kể cũng nực cười. Tưởng mày leo cao, hoá ra cũng chả hơn gì tao. Gì thì gì, mày cũng chỉ 10 + 2, còn tao những… 10 + 3 cơ mà…” …Đến bây giờ đã mấy chục năm rồi mà trong tôi vẫn âm vang cái giọng nói tưng tửng, điệu cười khê nồng của hắn. Và nét mặt gân guốc, góc cạnh, cái miệng méo xệch chẳng ra tươi, chẳng ra héo, tếu táo kia nữa.
Những ngày tháng đầu mới xa, hai chúng tôi còn hăng hái thư từ cho nhau. Rồi thưa dần. Bẵng đi. Lá thư cuối cùng hắn gửi cho tôi vỏn vẹn mấy chục dòng. Chữ nghĩa xiêu vẹo, xệch xoạc, dòng lên dòng xuống: “… Thầy bu tao mất rồi! Về với các cụ tổ tiên rồi! Hôm mới đây, chúng thả bom vào trường học giết hại nhiều thầy và trò vô tội thảm lắm. Vợ con tao cũng bị trận ấy. Đau xót quá mày ơi!… Nếu không ra trận tao không chịu nổi đâu. Chào mày. Thằng bạn bất hạnh xóm Đồi Sỏi của mày”. Thế là hắn lặn tăm từ đấy – tháng 10 năm 1970.
Thỉnh thoảng tôi có về quê - xóm Sỏi, nhưng hắn vẫn mất dạng. Cô em út ở trông coi cơ ngơi nhà cửa vườn tược bố mẹ để lại, chờ hắn về. Vợ chồng cô đều là giáo viên tiểu học trường xã, đã có hai con, một trai một gái đầu lòng. Cô đon đả bảo: “Anh em vẫn còn sống. ở miết mãi Tây Nguyên xa lắm. Chẳng thư từ gì, chỉ nhắn tin ra sẽ về thăm nhà nay mai. Thế mà đã mươi năm có lẻ, nào đã thấy mặt. Anh em chúng em mong lắm”. Biết tin hắn vẫn còn, không chóng thì chầy sẽ có ngày gặp nhau thôi. Công việc, thời gian cuốn đi đến mấy năm sau, nhân dịp đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt, hôm giao lưu với Hội nhà văn, nhà báo trong ấy, tình cờ gặp hắn đến dự. Người ngợm cao lêu đêu, da thịt săn chắc màu đồng điếu. Nếu không có đôi mắt và khoé miệng cười cười, khuôn mặt gân guốc, góc cạnh, cái mũi quạ khoằm vẫn như xưa thì tôi không nhận ra hắn. Giờ giải lao, hắn đến thụi vào mạng sườn tôi đau điếng, miệng hỉ hả: “Tao biết tỏng mày vào đây mấy hôm rồi, nên phục ở nhà chờ. Chứ không, tao đã tung hoành sông nước đồng bằng lục tỉnh Nam Bộ rồi. Tao với mày quả có duyên, hết gõ đầu trẻ, chuyển sang văn chương. Tao đọc mày nhiều. Khá lắm. Lại làm lãnh đạo Hội nữa, oách thật”. Tôi chưa kịp hỏi hắn điều gì, điện thoại di động trong túi hắn nổi nhạc, hắn xin phép nghe, rồi quay lại bắt tay tôi, khẩn khoản: “Xin lỗi, tao phải đi ngay có việc cần. Tối gặp lại nhau nhé.”. Hắn bóp mạnh tay tôi, vội vã biến. Để mặc tôi trơ khấc. Tôi chỉ biết lắc đầu, thầm trách: “Mày tệ thật… đã lâu mới gặp mà…”.
Đêm ấy hai thằng hàn huyên. Hắn dốc bầu tâm sự: “Sau biến cố dồn dập những tưởng không trụ vững nổi, tao vụt đứng lên rũ sạch, ra trận, mang trong lòng thù hận quyết chiến đấu trả thù. Xông pha chiến đấu hết chiến trường Tây Nguyên, miền Trung, các mặt trận ác liệt cực Nam cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng 30 tháng 4 năm 1975, cũng lạ tao không hề dính đạn, chỉ vài lần sốt rét, mấy lần bom vùi. Chẳng hề hấn gì. Lắm lúc tao nghĩ hay là do bố mẹ vợ con tao phù hộ, che chở. Rồi lại liên miên mấy năm chiến tranh biên giới Tây Nam cũng chẳng dính hòn tên mũi đạn nào. Yên ổn mới xin đi học đại học Tổng hợp văn Sài Gòn. Tốt nghiệp, chuyển sang làm báo, viết văn. Đời, kể cũng lạ, mày thấy không?”. Tôi hỏi: “Mày quên lũ chúng tao với cái xóm khỉ ho cò gáy, đá sỏi trung du hay sao mà biệt tăm, mất dạng thế?”. Hắn bùi ngùi: “Ai quên được quê hương và những thằng bạn nối khố hở mày. Nhất là mày. Nhưng về đấy lại gợi lại nỗi đau xưa, tao sợ không chịu nổi. Sẽ có ngày tao phải về.”. “Thế, đã làm lại,… gia cảnh mày trong này ra sao?” Tôi cầm chừng thăm dò hỏi hắn. Vẫn cái giọng tưng tửng, vẻ tỉnh bơ: “Đã thế, tao không dấu gì mày. Vẫn phòng không, đơn chiếc. Có nhiều em thương tao lắm, nhưng tao không thể. Người ngợm tao, mày trông biết đấy. Tuy không dính hòn tên mũi đạn, nhưng dính điôxin, cái chất độc da cam quái quỷ ấy. Hoà bình đã bao nhiêu năm rồi, nhưng trong máu tim tao, lục phủ ngũ tạng tao, trong nghị lực và ý chí tao từng ngày từng giờ vẫn chiến tranh liên miên giành giật lấy sự sống. Mày bảo lấy vợ, nỗi bất hạnh không những không đem lại hạnh phúc cho người ta, mà còn đem đến nỗi đau kinh hoàng nữa… tao không nhẫn tâm. Thằng giặc nó thâm độc tàn ác thế đấy, muốn huỷ diệt chúng ta đến mấy đời sau…”. Tôi bùi ngùi, cũng chỉ kể sơ qua về tôi, sợ hắn buồn. Nhưng tôi cảm thấy hắn rất hiểu tôi, nên cũng chả hỏi han căn vặn gì thêm. Đêm Đà Lạt se lạnh. Gió rít rừng thông vật vã, trăn trở, sôi réo trong lòng. Tôi chợt nhớ câu thơ của Nguyễn Công Trứ… “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”. Bỗng hương hoa ngào ngạt tràn ngập căn phòng. Hương thơm lạ lắm, như được tổng hợp của bao nhiêu loại hoa ở xứ sở này. Mỗi tinh hương ấy thẩm thấu vào từng nơron thần kinh, từng tế bào ta, khơi gợi trong ta những màu sắc lung linh rực rỡ, nẩy sinh trong ta những khát vọng, cảm xúc đặc biệt. Và chúng tôi im lặng để tận hưởng những hương hoa tinh khiết kia. Cho được khoả lấp đi những nỗi nhọc nhằn, đau thương, vui buồn trong chặng đường đã qua mỗi thằng nếm trải. Cứ thế cho đến tảng sáng. Hắn bật dậy ra về. Trước khi đi, lấy trong túi xách mấy cuốn sách của hắn mới xuất bản, để trên bàn tặng tôi.
Thiên Tinh? Hoá ra bút danh của hắn. Tôi đã từng đọc nhiều thiên bút ký sắc sảo, xông xáo và độc đáo của Thiên Tinh. Những truyện ngắn Thiên Tinh viết giàu chất nhân văn, phản ánh đa dạng cuộc sống và với một lối viết rất riêng, tôi thầm thán phục đã lâu. Có những trang viết ám ảnh tôi, đưa tôi về với những kỷ niệm thiêng liêng thuở chăn trâu, đi học nơi vùng quê xóm núi khỉ ho cò gáy. Những gương mặt bàn bè hiện về rõ mồn một. Dảng vẻ, tính cách, lời ăn tiếng nói, nụ cười, ánh mắt mỗi đứa dội về sôi động trong ký ức tôi. Đặc biệt hình ảnh hắn lồng lộng lắm lúc choán hết những đứa khác. Sao hắn lại đặt bút danh là Thiên Tinh? Nghĩa là sao đây? Chắc chắn gắn với một kỷ niệm gì? Hoặc ngầm ý nung nấu một ý tưởng gì? Phải bắt hắn giải mã thôi.
Mười lăm ngày trôi qua nhanh. Hôm tổng kết trại sáng tác hắn cũng không về được. Điện cho tôi: “Tao nhớ, nhưng không về được. Hiện đang ở Phú Quốc, hòn đảo đẹp mê hồn. Thôi chia tay, chúc mày thành đạt. Hẹn gặp nhau trên báo chí, tâm tình bằng tác phẩm văn chương vậy. Chờ đọc bài ký viết về hòn đảo ngọc của tao”. Thế là, hắn sống ở đâu, nhà cửa to, nhỏ, ngang dọc thế nào đành vẫn mù tịt. Hoá ra cuộc đời hắn lại bí hiểm mịt mờ mãi sao? Phải chăng Thiên Tinh là vậy? Tôi vẫn thường xuyên được đọc truyện ngắn và ký của hắn ở báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền phong… Hắn viết càng ngày càng hay. Nhưng trong mỗi tác phẩm đều ẩn chứa sâu thẳm một nỗi niềm rất lạ, rất khó phân tích rạch ròi. Hắn vẫn viết đều, vẫn xông xáo, ngòi bút vẫn như lưỡi dao sắc, lạnh lùng lách vào từng ngóc ngách, hiện thực cuộc sống mà phanh phui, giãi bày. Có một nhà phê bình văn học đã viết về hắn: “Văn chương Thiên Tinh vừa rất lạnh, lại rất nóng. Vừa thăm thẳm buồn, lại chót vót vui. Vừa tỉnh táo đến dễ sợ, lại mơ hồ, mờ ảo, hư vô… Tưởng hai thái cực đối chọi nhau như nước với lửa, như thực và mơ, nhưng nhuyễn lại thành một phong cách độc đáo Thiên Tinh…!…”.
Hai năm sau, tôi lại có dịp vào Đà Lạt, hỏi anh bạn văn về hắn, anh lắc đầu quầy quậy: “Trời, anh hai sống kỳ quá ta. Thoắt hiện, thoát biến. Ảnh sống độc thân. Có cái gì cũng cho bạn, cho người thất cơ lỡ vận. Chả giữ cho mình cái gì. ảnh biến mất dễ chừng hơn một năm nay. Sau vụ tai tiếng chẳng rõ thực hư thế nào?”. “Tai tiếng? Hắn bị tai tiếng? Tai tiếng gì cơ chứ? Tôi biết, đời hắn chỉ có văn chương chứ có gì nữa đâu mà so đo vun vén để thành tai tiếng?”. Anh bạn văn kể tiếp: “Nghe đâu ảnh hành nghề tướng số, bói toán gì đó, lại cả chữa bệnh bằng nhân điện. Mọi người bảo, trong người ảnh có dòng điện lạ, chỉ cần dùng tay “luân xa” vào chỗ đau là bệnh khỏi liền. Nhiều người tin kéo đến nhà ảnh chữa bệnh, xem bói đông như hội. Rồi cũng từ đấy phao tin “ảnh lợi dụng hành nghề quấy rối tình dục các cô gái trẻ, các bà nạ dòng”. ảnh sống độc thân mà. Rồi, đơn kiện gửi tùm lum về thường trực Hội Văn nghệ. Cả cá nhân, tập thể - nơi trước đây anh viết bài phanh phui tiêu cực, tham nhũng, giờ họ xấp vô như thể được dịp bu vào đánh hội. Thực hư chưa ngã ngũ ra sao, ảnh đã biến mất từ bao giờ…”.
Tôi biết tính hắn từ bé. Hắn lại vào sinh ra tử suốt cuộc chiến tranh. Nhân cách một người cầm bút xông xáo, tài năng là thế, làm gì bỗng dưng lại đổ đốn như thế được. Tôi tin hắn. Chẳng qua đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp, rắp ranh của kẻ đớn hèn nào trù dập, hãm hại hắn mà thôi. Chắc là nhân việc này hắn về quê. Sau đợt công tác, tôi về quê tìm hắn sẽ rõ cả thôi.
Về quê, tôi xộc vào nhà hắn ngay. Chỉ có cô em gái út hắn ra đón, mời vào nhà, nửa khóc nửa mếu, kể:
“Đùng một cái, anh em lù lù về nhà. Không thư từ nhắn nhe trước. Cả nhà. Cả họ hàng, bà con làng xóm mừng. Những ngày anh ở nhà lúc nào cũng khách khứa đầy nhà. Bạn bè thời các anh hay tin kéo về chơi đông vui lắm. Anh em và mọi người nhắc đến anh luôn. Vợ chồng em đã xác định, trù liệu từ lâu. Hương hoả nhà em đây là thầy bu em để lại cho anh. Anh là con trưởng phải có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ. Anh đi vắng, chúng em trông nom hộ anh. Chúng em đã tằn tiện chi tiêu, tiết kiệm mua được mảnh đất, anh về là chúng em làm nhà ra ở riêng. Em có cô bạn dạy cùng trường xinh xắn, nết na sẽ làm mối cho anh. Vợ chồng bàn đi tính lại những dự định về tương lai cho anh; chưa kịp nói với anh, anh đã chủ động gọi chúng em vào nói trước: “Anh biết hai em bao năm vất vả vì anh, làm tốt phận sự người con hiếu thảo. Thờ cúng tổ tiên, chăm sóc mộ phần thầy ba chu đáo. Anh là thằng bất hiếu, đứa bỏ đi. Các em tha thứ cho anh. Trước ban thờ tổ tiên và mộ thầy bu anh đã chịu lỗi và xin tha thứ rồi. Anh không thể ở nhà được. Còn một nhiệm vụ hệ trọng của thằng bạn cốt tử cùng đơn vị trước lúc hy sinh nó trao cho anh, anh đã nhận lời. Anh cứ lần lữa bao năm nay, vin vào cớ này cớ nọ mà lòng không yên. Nó cứ luôn luôn về giục dã. Anh không thể phản bội lời hứa. Quỹ thời gian của anh chả còn là bao. Anh phải gắng sức gấp thực hiện thôi. Anh xin hai em hãy giúp anh, thay anh nhận lấy phần hương hoả này.”. Anh em lại ra đi từ đấy đến nay”.
Dễ chừng đã mấy năm chẳng biết số hắn là sao mà lận đận vậy. Hắn là người luôn giữ chữ tín với bạn bè, hiếu thảo với cha mẹ. Hẳn việc này phải hệ trọng lắm mới dám bỏ quê hương mà đi. Tôi phải thu xếp thời gian đi tìm hắn xem sao. Hắn bảo quỹ thời gian chả còn là bao, nghĩa là sức khoẻ hắn xấu lắm rồi. Không biết dạo này hắn có còn viết lách gì nữa không, lâu chả thấy bài đăng ở báo nào. Giữa lúc nghĩ về hắn như vậy, tôi nhận được điện của em gái hắn: “Anh em ốm nặng. Anh có thu xếp được, mai cùng chúng em đi thăm anh ấy.”. Tôi bàng hoàng cả người, linh tính báo điềm gở, vội bàn giao công việc, báo với gia đình, về quê gấp. Xe cơ quan tôi chỉ chở thêm được bốn người: ông chú, bà cô ruột hắn và vợ chồng cô em gái. Lặn lội mấy trăm cây số, xe chạy suốt từ sáu giờ sáng đến năm giờ chiều mới đến nơi. Thì ra hắn ở bản người Thái cách thị xã Sơn La hơn hai mươi cây số. Một căn nhà sàn khang trang, xung quanh là vườn cây ăn quả đến mấy hécta. Người ra cổng đón chúng tôi là người đàn bà Thái, tuổi khoảng trên bốn mươi. Khuôn mặt buồn, mắt đỏ hoe rớm lệ, lộ rõ sự lo lắng, mất ngủ do thức đêm nhiều. Chắc chị chưa biết xưng hô thế nào cho phải, lúng túng mãi mới nói được mấy câu: “Xin mời mọi người lên nhà. Anh ấy yếu lắm rồi ạ”. Chúng tôi vội đến bên giường hắn. Bà cô và cô em gái khóc nức nở. Ông chú và tôi gọi hoài tên hắn. Hắn vẫn nằm bất động thiêm thiếp. Khuôn mặt gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Suốt đêm ấy, chúng tôi túc trực bên giường hắn. Hắn tỉnh lại ba lần. Lần nào mắt cũng mở chừng chừng nhìn khắp lượt mọi người, sắc mặt rạng rỡ hân hoan. Về sáng hắn tắt thở. Hắn đi vào đúng giờ Dần. Theo di chúc của hắn, để hắn nằm lại đất này, ba năm sau hãy đem về quê. Gia đình nội, ngoại, bà con thôn bản làm ma cho hắn theo phong tục ở đây rất chu đáo. Chứng tỏ hắn rất có uy tín và được bà con quý trọng thương yêu.
Chúng tôi lui lại mấy ngày để dự cúng tuần đầu cho hắn, mới dần vỡ lẽ ra vì sao hắn phải đến đây và những ngày sống ở đây như thế nào. Vợ hắn vào buồng khuân ra một cái hộp bìa các tông khá to và nặng, dán niêm phong, có đề người nhận là tôi. Để trước mặt tôi, chị nói: “Anh ấy cứ ước ao được gặp anh. Và dặn đi dặn lại bằng cách nào em cũng phải gửi đến tận tay anh cái hộp này. Anh bảo cóp nhặt cả đời mới có được ngần ấy. Cả cái đã in và cái chưa in được. Về nhà, anh hãy mở ra”. Chị quay sang vợ chồng cô em gái, nói nhỏ nhẹ, khẩn khoản: “Anh dặn chị đưa cho cô chú cái phong bì này. Trong ấy là tiền góp cùng cô chú sửa sang phần mộ cho ông, bà, bố mẹ và căn nhà thờ tổ tiên. Các em phải nhận không anh buồn, không thanh thoát được đâu.”. Cuộc bàn giao này có hai con chị. Đứa con gái lớn đang học Cao đẳng Sư phạm tỉnh năm thứ nhất. Cậu con trai đang học Trung học phổ thông. Đầu chúng chít khăn tang, khuôn mặt dầu dĩ. Hôm đưa đám chúng khóc rất thảm. Đứa chị xin phép mẹ nói: “Thưa ông, bà, bác, cô chú. Bố cháu đúng là chọn được bạn tốt. Chú dượng yêu quý chúng cháu như con đẻ. Chúng cháu coi chú dượng như cha đẻ của mình. Không thì làm sao mẹ con cháu được như ngày nay. ở suối vàng chắc là bố cháu vui lắm”. Ông bà ngoại, bà nội hai cháu cũng có mặt. Ông nội nói: “Ai dà, cái ngày nhận được thư thằng con trước ngày nó hy sinh bảo có bạn tốt. Nhận nhau là anh em cùng chiến đấu một đơn vị, đứa nào còn sống sẽ về chăm sóc cả hai bên gia đình. Nhận được giấy báo tử thằng con. Chờ mãi thằng bạn nó mới trở về. Mừng lắm. Nó sống hiếu thảo, tử tế lắm, dân bản ai cũng quý. Mới đầu nó chỉ nhận làm con nuôi thôi. Hai nhà khuyên mãi nó mới chịu lấy con vợ này đấy. Nó lắm sáng kiến, chăm chỉ làm ăn mới nuôi được con ăn học, có được cơ ngơi đây. Dân bản theo mãi còn mệt xác đây. Nó còn giúp bầy cho dân bản làm giàu nữa vớ…”.
Về đến nhà, tôi mở hộp giấy trước ông chú, bà cô và vợ chồng cô em gái. Trong hộp có mươi quyển sách của hắn đã xuất bản, tôi đã được tặng. Mấy tập bản thảo và một phong thư. Tôi đọc thư cho cả nhà nghe:
“… Thế là tao về thế giới cát bụi trước mày. Chắc mày có nghe những chuyện tào lao của tao ở Đà Lạt. Chẳng có gì đâu. Hãy tin tao. Cuộc đời tao tuy ngắn ngủi, chẳng suôn sẻ lắm, nhưng tự hào đã sống những ngày đáng sống, không hổ thẹn bởi đã sống hoài, sống phí như Paven cảnh tỉnh. Những thứ tao để lại cho mày, tuỳ mày định liệu. Thôi, vĩnh biệt mày, thằng bạn tâm đầu ý hợp xóm Sỏi nghèo”.
Đọc xong thư, mọi người đều khóc. Tôi lặng đi một hồi lâu. Những cuốn sách tôi đặt trên ban thờ, dưới di ảnh hắn. Thắp nén nhang thầm nói với hắn xin cầm theo mấy tập bản thảo, tìm cách in cho hắn.
Đời người ta kể cũng lạ. Tự nhiên được sinh ra, lớn lên, nếm đủ mọi thăng trầm, buồn, vui…. Rồi, thoắt cái biến mất mãi mãi…
Thánh Thiên, 01-2008
Đ.T.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét