NHÀ THƠ ĐỖ QUYÊN
Nhà thơ Đỗ Quyên sinh trưởng tại Hà Nội,
từng là giảng viên ngành vật lý hạt nhân,
hiện đang sống và viết tại Vancouver Canada .
ĐỖ QUYÊNTrường ca “Lòng hải lý”Về một nỗi buồn muộn cùng thế kỷ
(Dân trí) - Lòng Hải Lý mang đặc điểm của trường ca hiện đại: kết cấu đa chiều, phức hợp, tính trữ tình và cái tôi cá nhân được đẩy lên cao và đặc biệt là mang rất rõ dấu ấn hậu hiện đại.Ở Việt Nam, trường ca với tư cách là một thể loại văn viết chỉ thực sự phát triển trong nền văn học hiện đại dù nó có nguồn gốc từ truyền thống, từ các thể loại như Khan, Mo, Sử thi Tây Nguyên, Diễn ca lịch sử, các truyện thơ Nôm khuyết danh hoặc có tác giả, hay những bài thơ dài.
Từ trường ca Tiếng địch sông Ô của Phạm Huy Thông, đến các trường ca như Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Trầm tích của Hoàng Trần Cương, Người cùng thời của Mai Văn Phấn, Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái và gần đây là Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc, Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu, Làng phố giao duyên của Phạm Công Trứ… bất chấp mọi lo lắng, nghi ngại, thể loại có quá trình phát triển khá đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam này vẫn chứng tỏ được sức sống của mình.
Bìa cuốn sách Trường ca “Lòng hải lý” của tác giả Đỗ Quyên
Là người đam mê thể loại giàu công lực nhưng ít người theo đuổi này, Đỗ Quyên - một “tín đồ” của thi ca, hiện sống ở Canada - đã có trong tay tới 20 trường ca và thơ dài được anh sáng tác trong quãng thời gian sống tha phương. Gần đây, Đỗ Quyên dành thời gian khảo cứu, tìm hiểu sự phát triển của thể loại trường ca trong văn học Việt Nam và trong khi chờ công bố công trình “Trường ca Việt Nam - Tác giả và tác phẩm”, anh đã cho xuất bản Trường caLòng Hải Lý dài gần 300 trang. Tác phẩm tập hợp 4 trường ca: Lòng hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ và Bài thơ không thuộc về ai.
Lòng Hải Lý mang đặc điểm của trường ca hiện đại: kết cấu đa chiều, phức hợp, tính trữ tình và cái tôi cá nhân được đẩy lên cao và đặc biệt là mang rất rõ dấu ấn hậu hiện đại. Một nhà văn trong phát biểu của mình tại lễ ra mắt sách được tổ chức vào ngày 15/7 vừa qua tại Hà Nội, đã nhận xét rằng tác giả của tập trường ca Lòng Hải Lý đã làm một cuộc “ly thân” khi đem nỗi lòng của người ra đi (một thứ hành lý của kẻ dấn thân) để đo khoảng cách giữa nhà thơ và khát vọng mà anh ta hướng đến”, rằng “Đỗ Quyên đã ly hương ra khỏi những phạm trù quen thuộc mà các thế hệ nhà ngôn ngữ Việt đã đào luyện đến cũ nhàu”.
Sự ám ảnh của tập trường ca bắt nguồn từ những khắc khoải về quê hương đất nước, về cuộc sống tha phương, về những phận người… Với Lòng Hải Lý, chất anh hùng ca, vẻ đẹp của cái cao cả trong đặc trưng vốn có của trường ca dường như bị đẩy xa để nhường chỗ cho cái bi và cái hài xuất hiện.
Trong tập trường ca này, nhân vật trữ tình đã vượt lên trên tư cách những cá thể đơn lẻ để vươn tới giá trị chung của cộng đồng, của đất nước, dân tộc. Chủ đề, ý nghĩa nhân văn của cả tập trường ca vì thế mang được một ý nghĩa xã hội lớn. Về cấu trúc và thủ pháp, Đỗ Quyên đã sử dụng “đủ loại”: từ kỹ thuật chương, khúc, đoạn, đến việc pha trộn các thể loại, tạo nên sự đa ngữ điệu và cân bằng các giá trị đối lập.
Tuy thật sự là một thách thức không nhỏ đối với quỹ thời gian, đức kiên trì và độ cảm xúc của con người hiện đại, nhưng không thể không công nhận Lòng Hải Lý đã gây được sự chú ý cho độc giả, đem đến sự cảm phục và trân trọng trước niềm đam mê và thái độ nghệ thuật quyết liệt của tác giả cùng niềm tâm sự lớn mà ông muốn chia sẻ.
HÀ LI
(dantri.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét