NT CHU NGỌC PHAN
BÌNH BÀI THƠ
VỚI DÃ HƯƠNG
NGÀN TUỔI
Tôi về bên cổ thụ
Chợt nhớ thuở Lý Trần
Vòng tay mình bé nhỏ
Trước sinh khí tầng tầng
Chí nào thắp cõi tâm
Trụ giữa muôn bão tố
Đã bao nhiêu vầng trăng
Lạc vào trong thớ gỗ
Đất trung du sỏi đỏ
Vẫn lọc được ngát trầm
Lẫn cỏ cây thời vụ
Còn dáng đứng ngàn năm
Tóc bạc, tôi- trò nhỏ
Học cây bài: Thời gian!
D.P
Lời bình:
Nhà thơ Duy Phi đến với cây Dã cổ thụ ở Tiên Lục-Bắc Giang, nguyện là trò nhỏ, học cây bài “thời gian” dưới vòm hương ngút ngát. Bài thơ: “Với dã hương ngàn tuổi”của anh hấp dẫn người đọc ngay từ đầu, với tứ thơ sừng sững bóng Dã Hương nổi tiếng. Bài thơ không chỉ viết về cây, mà chủ yếu viết về đời. Dưới ngòi bút tài hoa, Dã Hương đại lão đã trở thành một tượng đài sinh khí kỳ vĩ, toả sáng trí tâm, cốt cách và sự từng trải, xứng đáng được ngợi ca và cảm phục.
“Tôi về bên cổ thụ/Chợt nhớ thuở Lý Trần”. Sức gợi của tượng đài thật xa rộng. Có thể từ số đo gốc cây đếm được đến tám sải tay hơn, và vòm lá xanh rộng đến ngợp hồn kia, mà hai triều đại xưa nhất của nhà nước Đại Việt: Lý, Trần qua đó được liên tưởng, gợi nhớ chăng? Nghệ thuật ẩn dụ giúp người đọc suy ngẫm, ta thoắt quên cây, mà vụt nhớ về những công tích cao dày của cha ông ta hàng nghìn năm trước. Ngước lên vòm cao “sinh khí tầng tầng”, nhà thơ càng thấy “vòng tay mình bé nhỏ”, lòng nảy những lời ngưỡng mộ và cảm thán thao thiết...Vâng! Dã Hương là thiên nhiên kỳ tích, mà sao như cây đời, cây Tổ quốc…cao đẹp và thiêng liêng biết mấy!Vóc dáng và sự lịch lãm của “Cây Thần”được tái hiện như thế cũng là kiệt hiệt. Song, tác giả còn thả hồn mình chìm sâu vào trầm lõi của tượng đài để khám phá: “Chí nào thắp cõi Tâm/Trụ giữa muôn bão tố. Động từ “thắp” và “trụ”diễn tả thật “đắt” sự dõi xa của “chí” lớn, và một lực bền thật kiên dũng của tâm cốt tượng đài. Hình ảnh “Đã bao nhiêu vầng trăng/Lạc vào trong thớ gỗ” thật đẹp…Phép nhân hoá qua giây phút thăng hoa cảm xúc của tác giả, đã làm người đọc ngả nghiêng, say đắm…Khổ ba bài thơ là một lời suy ngẫm. Vâng! Quả không dễ để có một vòm cây thiêng như thế. Phải mỗi giờ, mỗi khắc chắt chiu, dồn góp, mới mong “lọc được ngát trầm”. Phải qua bao nhiêu vật lộn với nắng mưa “thời vụ”, kể cả phải đau đớn loại trừ, mới còn lại được đây, một “dáng đứng ngàn năm”như thế! Phải công phu lớn, mới tác thành đại sự nghiệp…Nhà thơ khép lại bài thơ bằng một lời tự ngẫm thật thấm thía: “Tóc bạc, tôi- trò nhỏ/Học cây bài:Thời gian!”. Rằng sự học không cùng, nên “trò” cũng không nề tuổi tác. Tác giả học cây bài “thời gian” để mong thành “đại thụ”- ý tưởng chan chứa nhân văn cao đẹp.“Với dã hương ngàn tuổi” là bài thơ hay, mạch kín ý sâu. Bài học lớn nhất mà tác giả học được ở “cây” có lẽ là sự tu chí, dám vượt lên thử thách khốc liệt của thời gian để toả hương với đời. Hình tượng Dã Hương đã để lại nhiều suy ngẫm hàm xúc về dân tộc, nhân cách, sự nghiệp, về cuộc đời nghệ sĩ…TP BẮC GIANG 13/12/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét