Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

* NGUYỄN VĂN CHƯƠNG BÌNH BÀI THƠ NGÀY XUÂN CỦA DUY PHI



                                                                              
    Ảnh chụp cùng các bạn, tại nhà NVC - Mão Điền, trong một ngày hội làng, năm...  Từ phải sang: DUY PHI, NGUYỄN VĂN CHƯƠNG, NGUYỄN MINH LONG, DUY KHOÁT, NGUYỄN XUÂN TRỊNH, BÍCH HÙNG,  XUÂN QUẢNG.                     





NGUYỄN VĂN CHƯƠNG
BÌNH BÀI THƠ
NGÀY XUÂN GẶP LẠI BẠN XƯA
CỦA DUY PHI
   
   
Duy Phi cầm tinh con rồng, có ra ngoài mới vùng dậy được. Anh xa quê từ năm 1959. Vừa nửa thế kỷ dạy học và làm thơ, vào Nam ra Bắc, lên ngược xuống xuôi, bổn mệnh chữ canh nên khắc khoải, ưu tư, cô đơn lắm. Những lúc Mà nhớ thương ôi chẳng dễ về (Hoa bưởi), anh lại bồi hồi, thảng thốt Ai gọi tên mình ngủ chẳng yên (Sớm mai), nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ bạn. Nhớ… Chủ đề này lay động, day trở như một điệp khúc ở nhiều bài thơ, nhiều tập thơ, suốt đời thơ Duy Phi.
             Ngày xuân gặp lại bạn xưa 
               anh viết vào dịp Tết Đinh Hợi (1/ 2007):
                Xóm cũ tre xoan nay đã hiếm
               Đâu đàn sáo đậu đỉnh vòi măng?
               Ăng ten tua tủa thay nêu Tết
               Nhà mới giăng giăng khắp phố làng.
Ông lão dẫn cờ đầu hội rước
Xưa cùng ta chơi đáo chơi quay
Hàn, Úc… mới về dăm cháu gái
Làng mình, ngỡ lạc xứ nào đây?

Cầm tay, bạn tưởng người thiên hạ
Đôi ba chuyện cũ thành hả hê
Cảm ơn ký ức sau dâu bể
Tín nghĩa vàng ròng ta với quê… 

Năm 1956, khi viết lời bình cho bộ phim tài liệu nghệ thuật Cây tre, với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ lớn, nhà văn Thép Mới đã tiên lượng: Ngày mai sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa. Vâng. Mão Điền quê tôi, một làng cổ, điển hình của vùng đồng bằng Bắc Bộ, ai cũng dễ nhận thấy nét khái quát chung này:
Xóm cũ tre xoan nay đã hiếm
Đâu đàn sáo đậu đỉnh vòi măng?
Ăng ten tua tủa thay nêu Tết
Nhà mới giăng giăng khắp phố làng.
   Có những sự vật từng hiện hữu trong nền văn hoá tiểu nông là thơ, là đẹp nhưng hôm nay phải khuất lấp chỗ cho chất thơ mới, cái đẹp mới, nền kinh tế mới, nền văn hoá mới khẳng định vị thế của mình.   Đó là niềm vui, cũng chả nên tiếc nuối. Chất lượng cuộc sống được nâng lên cả tinh thần lẫn vật chất.
   Ngày xuân về quê gặp Ông lão dẫn cờ đầu hội rước là có ngay phản xạ, hồi ức sống dậy, một trường liên tưởng về những kỷ niệm Xưa cùng ta chơi đáo chơi quay. Nhưng bỗng tác giả đột ngột chuyển cảnh như một nghịch phách, làm người đọc giật mình, nghĩ ngợi. Hàn, Úc… mới về dăm cháu gái/ Làng mình, ngỡ lạc xứ nào đây? Hiện thực đấy hay lãng mạn đấy mà vẫn mơ hồ ám ảnh một nỗi niềm khó tả. Độ hàm súc của thơ bao giờ cũng ở ý tại ngôn ngoại. Kiệm lời, cô đặc, nén chặt ý tưởng và cảm xúc khiến tình thơ chạm đến lòng trắc ẩn để người đọc chia sẻ ấy là thơ đã ở độ chín, thơ có chất.
Sau những dâu bể, những biến thiên, quá nửa đời tha hương lại có dịp hồi cố, nụ cười và nước mắt, tìm về Tín nghĩa vàng ròng ta với quê… Đấy là hạnh phúc của những kiếp người huống nữa với thi nhân. Duy Phi gặp lại và gặp lại Duy Phi trong một bài thơ Tết quê gợi nhiều thao thức*.

                                     Mão Điền, xuân Mậu Tý (2008)  

-------------

* Bài đã in trên báo Văn nghệ số Tết năm Mậu Tý (2008).    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét