Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

* TRẦN LÂM BÌNH (NINH BÌNH), CHÙM THƠ MỚI


NHÀ THƠ TRẦN LÂM BÌNH
                                                                     


TRẦN LÂM BÌNH


   Còn có bút danh:  Trần Bình, Trần Lâm. Sinh 1948. Quê Bồ Đình, Gia Vượng, Gia Viễn, Ninh Bình. Học vị: Tiến sỹ kinh tế. Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Đào tạo nguồn nhân lực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình.
Các tâp thơ đã in: * Dấu chân trên đá, Nxb Hội Nhà văn, 2000 * Ngõ nhớ - Nxb Hội Nhà văn, 2002 * Viết tặng cho mình -  Nxb Văn học, 2005 * Thơ Ninh Bình ngàn năm trên vách đá (sưu tầm tuyển chọn, biên soạn), Nxb Hội Nhà văn, 2010…
   Giải thưởng văn học:
Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu của tỉnh Ninh Bình năm 1996 - 2001. Giải nhất cuộc thi thơ viết về đề tài Ngân hàng của ngành Ngân hàng tổ chức, năm  2000 - 2001; Giải C cuộc thi thơ về Môi trường do Tổ chức Năng suất xanh châu Á và Hội Bảo vệ môi trường và thiên nhiên Việt Nam đồng tổ chức năm 2003. Giải C cuộc thi thơ lục bát của tuần báo Văn nghệ, năm 2002; Giải A cuộc thi thơ viết về đề tài biên phòng của tạp chí Văn nghệ quân đội, 2003 - 2004. Giải khuyến khích cuộc thi thơ của báo Gia đình và Xã hội năm 2009.  
   Nhà thơ Trần Lâm Bình vừa gửi đến ĐTM chùm thơ, xin giới thiệu.   
  

                                                                                                                                                                                                                    

                          HOA LAU

                          Hoa lau
                          hoang dại đến khôn cùng   
                          thổn thức sự cỗi cằn phất phơ trong gió     
                          vượt lên phận cỏ
                          tự mình trắng phau

                          hoa lau
                          như chưa có loài hoa nào dại hoang đến thế
                          kiêu hãnh miền sỏi đá
                          bất cứ đâu
                          nơi chân trời, góc bể
                          tự bung mình cho sự sống mai sau...

                          hoa lau
                          trinh bạch và thôn dã
                          chẳng mong khắc tên mình
                                                trên những hàng bia đá
                          chẳng đợi cắm trong lọ tứ quý rực rỡ sắc màu

                          hoa lau
                          kiêu hãnh miền đá sỏi
                          một chiều hoa lư
                          ầm ầm gió nổi
                          bỗng thành cờ hiệu
                                  của vạn thắng vương đinh tiên hoàng đế
                          thuở chăn trâu !

                          hoa lau
                          ngàn năm
                          ngàn năm
                          tinh khiết một màu…

                          NGÓN TRỎ

                          Ngón trỏ, ngón cái
                          làm phím đàn thức
                          khúc tiêu tao, khúc rạng nụ cười

                          ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa
                          làm ngọn bút thức
                          miệt mài ghi trí tuệ con người

                          trước kẻ thù
                          năm ngón tay đều thức
                          khi xiết cò mỗi ngón trỏ thôi
                          về với đời thường
                            chỉ đường, chỉ lối
                          vòng vo hoài...
                          mỏi lắm ngón trỏ ơi !


                      ĐÊM GENTING


Theo dòng "tour"
khép kín cuộc  hành trình
tôi - người làm thơ đến từ việt nam
thăm cao nguyên genting(*)
bỗng chốc trở thành lãng tử (!)

du lịch cáp treo trong rừng nguyên sinh
sòng bạc genting
với những toà nhà chọc trời
ồn ào - lặng im
âm thầm - huyên náo
và bao số phận
khóc
cười !

để biết thôi mà
du khách thử chơi
dưới ánh đèn màu
đỏ
đen
thức mài đêm trắng...

và chợt nhận ra
khi bàn tay chạm túi hầu bao
trống rỗng…

canh bạc chưa tàn
đã thành kẻ trắng tay !


             (*) khu du lịch sinh thái của malaysia                    

  
             TRỞ LẠI VŨNG TÀU

                   Ngược dòng mặn chát thời gian
                   tôi về gọi tiếng sóng lan bãi bờ
                   vũng tàu như thực như mơ
                   bâng khâng viết vội vần thơ dâng người
                   biển giờ mặn khúc ầu ơi!
                   nhớ chăng ô cấp một thời xa xưa
                   đất nghèo xác tiếng gà trưa
                   mênh mông bãi vắng trắng mùa mưa bay
                   tôi về như tỉnh như say
                   mặn mòi nỗi nhớ những ngày vành đai
                   hầm sâu vườn cát má Hai
                   chở che tôi chẳng quản hoài hiểm nguy!
                   tôi về má đã ra đi
                   lặng nghe tiếng sóng rầm rì chân mây
                   nén nhang khuyết nửa vòng tay
                   rưng rưng ngọn gió vơi đầy tình xưa…
                   biển giờ tiếng sóng xanh mưa
                   dường như bóng má mới vừa đâu đây
                   vũng tàu giang rộng đôi tay
                   ôm tôi ôm cả tháng ngày gian lao!


              VŨ NỮ THÁP CHÀM

                    Ngàn năm qua
                    em vẫn múa một mình
                    uyển chuyển dẻo dai
                    cả khi không một ai ngắm nhìn em
                                                                            múa
                    em múa dưới mặt trời đỏ lửa
                    em múa dưới ánh trăng suông
                    em múa khi đất trời chìm vào màn
                                                                            đêm
                    em múa trong chớp giật mưa dông
                                                                      em múa
                    mọc hoàng hôn
                    tắt bình minh
                    qua năm, qua tháng…
                    và hôm nay anh đến
                    một người múa cho một người xem!
                    người chăm thổi hồn vào thịt da em
                    qua điệu cầu mưa
                    qua điệu gieo mùa
                    qua điệu mừng cơm mới…
                    khi em múa về tình yêu cảm gợi
                    anh dắt tay em ra khỏi tháp Chàm!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

* NGUYỄN ĐƯƠNG VÀ THƠ

                                                                  
                                                       KS-NT NGUYỄN ĐƯƠNG
                                          VÀ PHU NHÂN NGUYỄN THỊ KHÁNH
                                                   DU NGOẠN ĐÀ LẠT - NĂM 2010 


          NGUYỄN ĐƯƠNG
       
          Quê Thanh Hoá, định cư tại Thành phố Bắc Giang.
          Cựu sinh viên điện khoá IV Đại học Bách khoa Hà Nội, 
          nhiều năm công tác tại Nhà máy Đạm Hà Bắc.  
          Một "Kiến trúc sư " của ĐỀN THƠ MỚI, ĐỀN THƠ TỨ TUYỆT
          Đã có thơ in trên một số báo chí, trong tuyển thơ Sắc núi ngàn năm
          ĐTM giới thiệu chùm thơ mới.   



CHƯA THU…

Chưa thu
lá đã nhuộm vàng.
Để con chim sáo
 bay sang vườn người.
Chưa nụ
hoa đã tàn phơi.
Để con bướm nhỏ
mồ côi lạc đường.
Chưa thành sóng
đã đại dương.
Quẩn quanh cũng chỉ
bốn phương núi đồi
Gió buồn
gầy rớt xa xôi .
Lời vừa hạnh ngộ
đã lời hư vô.

MỘT THOÁNG THÔNG
      
Thuở nào thông quyện vào thông 
Chông chênh đá núi sương nồng còn xanh  
Thuở nào em quyện vào anh 
Đạn bom bão lũ gập ghềnh đã qua 
Bao nhiêu trăng khuyết trăng tà 
Còn thơm thơm mãi nụ hoa thuở nào…

MIỀN TRUNG

Núi lấn biển
biển bào rừng 
Quê em
khúc ruột miền Trung
Lom hom xơ xác gãy lưng mẹ nghèo 
Lũ về
nhà cửa chìm theo
Nổi trôi
số phận
bọt bèo rạ rơm. 
Hiểm nguy rình rập hằng năm
Kiếp người trói chặt vẫn nằm bám quê. 

Cao xanh vời vợi có nghe...?



* XUNG QUANH LÒNG HẢI LÝ - TRƯỜNG CA CỦA ĐỖ QUYÊN

 

NHÀ THƠ ĐỖ QUYÊN
(Đang ở tại Vancouver Canada)




ĐỖ QUYÊN
VÀ TRƯỜNG CA
NHỮNG GHI NHẬN BƯỚC ĐẦU

“Lòng hải lý” - tập trường ca của tác giả người Việt ở Canada Đỗ Quyên- là những tìm tòi, trải nghiệm riêng về thể tài, nhất là nhân vật trữ tình…
Tập trường ca Lòng hải lý (gồm 4 trường ca: Lòng hải lý, Đống chữ, Buồn muộn cùng thế kỷ, Bài thơ không thuộc về ai) của nhà thơ Đỗ Quyên (tên thật là Đỗ Ngọc Thủy, người Việt ở Canada) vừa chính thức ra mắt bạn đọc trong nước. Công ty Truyền thông Hà Thế và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tác phẩm này.
Trong buổi giới thiệu ra mắt sách, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, với cách nói quen thuộc trong các cuộc tọa đàm văn học, có “trách vui, trách yêu” Đỗ Quyên: “Thời nay viết được trường ca đã khổ, mà đọc trường ca còn khổ nữa.”
“Thời nay” mà Phạm Xuân Nguyên nói ấy, có lẽ chỉ cần nhìn ra cái thực tại đang cuồn cuộn xung quanh, đang ồn ào ngay ngoài ngưỡng cửa kia phòng thơ kia. Nhưng trong tâm thế viết, tâm thế đọc ấy của thời nay, với việc ra mắt trường ca này, lắng lòng lại có thể thấy, nói như Phạm Xuân Nguyên là: “từ người con của Hà Nội Đỗ Ngọc Thủy đến nhà thơ xa xứ Đỗ Quyên, trọn bức tranh có tiếng kêu của con chim đỗ quyên “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Phạm Xuân Nguyên cũng đặt những giá trị đóng góp của tác giả “Lòng hải lý” trong bối cảnh chung của văn học tiếng Việt, như ông nói: “Sau 1975 chúng ta đã có một mùa trường ca. Nhưng sau đó các nhà thơ của chúng ta gần như ít viết trường ca. Cho nên một cố gắng như của Trần Anh Thái ở trong nước, một cố gắng như của Đỗ Quyên ở nước ngoài là rất đáng quý và đáng được phân tích, đáng được nghiên cứu, được tiếp tục. Và tôi nghĩ cái này phải đọc chậm, sống chậm, như là Đỗ Quyên đã dành 25 năm trong 35 năm của anh ở nước ngoài để viết nên trường ca này.”
Cũng theo Phạm Xuân Nguyên, đọc trường ca Đỗ Quyên có được khoái cảm miên man theo những dòng tâm tư, tâm cảm của nhà thơ. Về mặt này, Đỗ Quyên góp cho thơ Việt được “một cái mạch trường ca. Trường ca của Đỗ Quyên không phải trường ca tự sự, không có cốt truyện, mà trước hết cho độc giả biết được tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ về cuộc đời của mình, của một người con, một người trí thức, một người thơ và trên hết là một con người của xứ Việt.
Trong trường ca “Đống chữ” của Đỗ Quyên, tác giả cũng phát biểu một tuyên ngôn, một cách hiểu về thơ, về những nhân vật lịch sử. Mà thời sự nhất là khi anh nói lên những ý kiến về Nhất Linh. Anh có nhận xét về Hemingway, về Em buồn như ma sơ… và về nhiều nhà văn nhà thơ khác, trong đó có Nhất Linh: “Nhất Linh không chết vào hôm ông tự tử năm 1963, mà ông chết từ khi ông sang Tàu”…
Nhà văn Hoàng Minh Tường, khi chia sẻ những ký ức về chuyến gặp gỡ các bạn văn, bạn thơ ở Canada trong chuyến đi gần đây, đã nói: “Tôi có cảm giác rằng, anh Đỗ Quyên là người đích thực sinh ra để làm thơ, một người yêu thơ đến tận cùng”. Và nhà văn Hoàng Minh Tường cũng cho rằng, thơ của Đỗ Quyên, trường ca của Đỗ Quyên là tâm trạng, nội tâm: “Anh ấy viết như là anh ấy xả mình ra, nó triền miên như muốn mổ xẻ mình, từ tâm thức, từ đời sống…để thấy được sự sáng tạo của anh. Khi đọc, tôi cảm thấy anh viết thực sự đạt đến nhiều câu thơ hay, nhiều câu thơ đích thực”
Nhà văn Văn Chinh, đã nhận xét rằng tác giả của tập trường ca Lòng Hải Lý đã làm một cuộc “ly thân” khi đem nỗi lòng của người ra đi để đo khoảng cách giữa nhà thơ và khát vọng mà anh ta hướng đến”, rằng “Đỗ Quyên nhắc chúng ta nhớ rằng người sáng tác phải luôn luôn ra khỏi những phạm trù quen thuộc mà các nhà thơ mới, các nhà thơ thời chống Mỹ đã làm – vì họ đã ngôn ngữ đẹp lên nhưng cũng khai thác chúng đến cũ rồi. Đỗ Quyên dùng những câu thơ của mình trong Lòng hải lý, để đo khoảng cách mà các nhà thơ đã ly thân với chính bản thân mình, với những thói quen, mà tôi nhớ có câu là phải “đả đảo đất dưới chân mình”.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ khi chọn ngẫu nhiên để bình thơ Đỗ Quyên, đã nhận xét: “Tôi thấy Đỗ Quyên là một nhà thơ viết nồng nhiệt nhưng không hề dễ dãi chút nào. Lật khoảng năm lần tình cờ trong trang sách, thì thấy hình như ở trang nào anh cũng để lại cho người ta một điều gì đó. Ví dụ anh dùng 16 khúc cuối cùng để nói với bạn đọc, từng khúc, có những câu không hề dễ để mà viết được như thế… “Khi mới yêu em anh không hề biết/ Các câu tiếp sau và câu sau cùng của câu thơ yêu em” hay “Mùa thu không bao giờ bỏ rơi những chiếc lá rụng”. Những câu gợi cho chúng ta rất nhiều ý nghĩa “Thơ anh có nỗi buồn nỗi vui của gió/ Bay trên phận người… Không mượn chiến tranh làm cú sút/ Càng hòa bình thì thơ càng đau hơn…”.
“Một chiếc áo khác cho trường ca” là điều được PGS-TS Văn Giá xác định khi đọc “Lòng hải lý”. Trong những nhận xét bước đầu, nhà phê bình văn học Văn Giá nói, nếu trước đây, các trường ca phải mang tính sử thi (quan tâm tới cộng đồng, lịch sử, sự kiện lớn, hoặc giải quyết hài hòa giữa sử thi và đời tư), thì nay Đỗ Quyên đã tập trung đi vào đời sống cá nhân thường ngày, với mối quan tâm tới cá nhân văn hóa: “Trường ca của Đỗ Quyên là sự khiêu khích thể loại. Bởi vì nếu trước đây đa số trường ca có cốt truyện, hoặc nếu không có cốt truyện thì phải có nguyên cớ thực tại để nhà thơ triển khai. Đến Đỗ Quyên, không cần những thứ ấy, Đỗ Quyên đã đào vào nội tâm, tâm trạng và những suy tưởng.  “Đống chữ và bài thơ không thuộc về ai” chẳng hạn, đặt ra vấn đề của nghệ thuật với đời sống, nghệ thuật với nghệ thuật, số phận của thi ca, mối quan hệ về sự sống và cái chết của con người, của nghệ sĩ và của thơ ca. “Buồn muộn cùng thế kỷ” đặt ra vấn đề thân phận người xa xứ dưới góc nhìn văn hóa, đồng thời cũng là thân phận của thi ca. Mấy chủ đề anh đi suốt là: mối quan hệ giữa nghệ thuật với đời sống, thứ hai là số phận của thi ca, thứ ba là cá nhân với góc nhìn văn hóa, tức là cá nhân văn hóa tồn tại như thế nào. Mấy chủ đề đó trở đi trở lại trong trường ca này”.
Dẫn lời Trần Mạnh Hảo từng nói “viết trường ca như người leo dốc, thỉnh thoảng phải gặp được những bông hoa ven đường”, - đó là những câu thơ hay, nhà phê bình Văn Giá nhận xét: “Trong trường ca Đỗ Quyên có khá nhiều những câu hay, những đoạn hay như vậy có sức mời gọi bạn đọc”.
Nhà phê bình Văn Giá cũng cho rằng “Tạm gọi trường ca Đỗ Quyên mang tính tiểu thuyết, nghĩa là hướng vào cái cá nhân đời tư, thường ngày, dở dang, không hoàn kết...(theo lý thuyết M.Bakhtin). Do đào sâu vào nội tâm cá nhân, nên bút pháp nhất quán từ đầu đến cuối là suy tưởng. Bút pháp này có cái hay, nhưng đọc cũng nặng, người đọc phải cố gắng. Chính vì thế, nếu lấy cái khung soi ngắm quen thuộc về trường ca như lâu nay thì sẽ không đọc nổi trường ca Đỗ Quyên. Vì lẽ đó có thể nói rằng: Trường ca Đỗ Quyên sẽ không dễ dàng đi vào bạn đọc Việt Nam hiện nay, nó kén chọn độc giả.”
Những ý kiến đánh giá ban đầu về “Lòng hải lý” đều trân trọng những đóng góp của tác giả trường ca – nói như PGS TS Văn Giá là “một người thơ người Việt ở nước ngoài “đã nặng lòng với tiếng Việt, với Tổ quốc, với bạn văn.”/.
                                                                                                                     
                                            PHI HÀ  
---------------
 *  Bài đã phát trên Đài Tiếng Nói VN - VOV 24/7/2011; 11h30  
                        ** Xem thêm bài về ĐỖ QUYÊN trong ĐỀN THƠ MỚI 22/ 7/ 2011.
        






Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

* NGUYỄN XUÂN HỒNG VÀ TẬP THƠ MỚI: GÓP NHẶT THỜI GIAN



NHÀ THƠ NGUYỄN XUÂN HỒNG

                                                            

NGUYỄN XUÂN HỒNG
(1956 – 2010)

Quê Tân Yên, thường trú tại TP Bắc Giang. Hội viên: Hội VHNT Bắc Giang, Hội Nhà báo Việt Nam. Từng làm Trưởng Ban biên tập Đài PTTH Bắc Giang, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Sông Thương. Biên kịch, đạo diễn, thuyết minh một số tác phẩm phim truyền hình đoạt giải. Đã xuất bản 3 tập thơ.
   Vừa qua, các nhà báo Trần Đức, nhà văn trẻ Mai Phương… cùng Giám đốc công ty BADICO- Nguyễn Thị Thành Thực (Bích Động, Việt Yên) đã tổ chức ra mắt tập thơ Góp nhặt thời gian, di cảo của tác giả. ĐTM giới thiệu chùm thơ Nguyễn Xuân Hồng, rút từ tập thơ trên.


NẮNG

Đã lâu rồi không cay mắt
Bếp quê củi ướt nhập nhèm
Mấy ngày chẳng nhìn thấy mẹ
Nhớ đầy tí tách lửa quen

Mẹ quên tóc mình bạc trắng
Nhớ con những thuở mục đồng
Mẹ nhớ tháng ngày củi ướt
Bao giờ cho nắng con hong!
           
                      Nhã Nam 1977


MỘT MÌNH

Xiêu xiêu một sớm la đà
Chén chưa đụng chén đã ngà ngà say
Một mình rót với ai đây
Chén non chửa cạn, chai đầy đã vơi.

Một mình mình uống mình thôi
Bao giờ chạm chén có đôi? Bao giờ…


RẤT NHIỀU HOA TRẮNG…

         Thương nhớ Hồng Công 

Tự nhiên trời đổ mưa rào
Rất nhiều hoa trắng chảy vào nhà em
Bấy nhiêu năm trắng đầu thềm
Bấy nhiêu hoa trắng nở mềm chân son
Bấy nhiêu năm chẳng vuông tròn
Chẳng vương tơ nữa vẫn còn trong thơ
Con tằm nhả kiếp vu vơ
Em trăng trắng nở nương nhờ em thôi
Rất nhiều hoa trắng Công ơi!
Đành là bạc phận, vẫn lời em thưa
Đã ngàn vạn cuộc tiễn đưa
Mà nay hoa trắng vẫn thừa góc sân
Ngàn năm, ngàn vạn mùa xuân
Rất nhiều hoa trắng trong ngần tuổi em...

             Lạng Giang tháng ngâu - 2009

                                   N.X.H