Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN, BÀI CỦA TS NGUYỄN VĂN HOA

"HÀ GIANG MẾN YÊU CỦA TÔI" - VII









THĂM PHỐ CỔ 
ĐỒNG VĂN HÀ GIANG

                        Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HOA



1- Đặt vấn đề:
Đến Hà Giang, khách du lịch thường háo hức đi thăm nhà Vua Mèo (H’ Mông) Vương Chí Thành , không thể bỏ qua cột cờ địa đầu cao nhất Lũng Cú - Đồng Văn với 285 bậc, chợ Tình Mèo Vạc, chùa cổ Sùng Khánh ở Vị Xuyên, Cổng Trời và trại hoa hồng ở Quản Bạ.
Dù lộn gan mật, xe phải qua đoạn Chín Khoanh (9 đoạn gấp tay áo liên tục), xuyên những trập trùng núi đá để lên cao nguyên trên 1025 mét, dù hiểm hóc vậy, nhưng dấu ấn sâu lắng về thăm Phố Cổ Thị trấn Đồng Văn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời những ai đã một lần lên đây!  
Vây phố cổ này có gì khác phố cổ Hà Nội và Phố cổ Hội An?
2- Phố Cổ Thị trấn Đồng Văn:
2.1 Khác với phố cổ Hà Nội và Hội An :
So với phố cổ Hà Nội và ngay cả với Hội An thì Phố cổ Thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) trẻ trung hơn nhiều. Phố cổ Hà Nội đã có nghìn năm tuổi, phố cổ Hội An cũng có vài trăm năm tuổi.
Còn tỉnh Hà Giang mới được thành lập từ năm 1891, theo những cư dân cao tuổi nhất ở Khu phố cổ thị trấn Đồng Văn thì phố cổ này có từ năm 1913 ( theo ông Nguyễn Gia Bình).
Về vị trí phố cổ Hà Nội nằm giữa thủ đô trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế, giao thông... thuận tiện cho khách du lịch . Nó gắn liền nào quốc lộ số 1 , nào quốc lộ số 5, nào sân bay quốc tế Nội Bài.
Còn Hội An lại gần sông gần biển, cách không xa Cù Lao Chàm , làng nghề làm gốm Thanh Hà, trên bến dưới thuyền. Lại có Cầu Nhật Bản, lại có các Hội Quán của Tàu, đặc sắc nó ở gần di sản Mỹ Sơn và sát liền Đà Nẵng. Hội An nằm giữa Hà Nội và Sài Gòn, nên khách du lịch Nam Bắc và quốc tế đều có thể ghé thăm.
Còn phố cổ thị trấn Đồng Văn thì khác, chưa tiện về giao thông. Độc đạo,  chỉ có một con đường bộ từ Thị xã Hà Giang đi lên. Con đưòng nhỏ bé, khi hai xe to muốn tránh nhau phải rất khiêm tốn nín nhịn nhau! Giao thông khó khăn, nên phố cổ Thị Trấn Đồng Văn Hà Giang còn ít du khách.
2.2 Mấy nét chấm phá về phố cổ thị trấn Đồng Văn.
Tôi đã trực tiếp thăm nhiều nhà và hầu chuyện cụ Phạm Văn Dục 80 tuổi ( số điện thoại 856405) nhà ngay tại trung tâm phố cổ này. Theo cụ Dục thì nhà cổ có trên 70 nóc nhà, khoảng 4-5 nhà sắp sập đổ. Cụ Dục đã 5 đời sinh sống ở khu phố cổ này. Năm 1918, ông nội của cụ Dục là Phạm Văn Xe cùng vợ, rời quê Nam Trực Nam Định , “tha phương cầu thực". Cụ Xe sinh ra cụ Phạm Văn Quý là bố đẻ của cụ Dục . Cụ Quý lấy vợ người Hoa (cũng nghèo phải mót lúa của dân bản địa Đồng Văn để sống). Cụ Dục sinh vào năm 1827. Vợ cụ Dục là Hoàng Thị Nữ người Thái gốc Lai Châu theo Mẹ về buôn bán ở Yên Minh (Hà Giang). Cụ Dục và cụ Nữ có 2 trai 3 gái. Trong đó có người con gái của cụ hiện làm dâu một gia đình người Thái. Cụ Nữ đã mất cách đây 11 năm, cụ Dục đang ở với con cháu trong ngôi nhà cổ ở thị trấn này.
Khảo sát các nhà khác, cũng giúp tôi có nhận xét: Mỗi gia đình ở Phố cổ này đều có sự giao thoa văn hoá của nhiều sắc tộc.
Cụ Dục cho rằng qua kinh nghiệm sống của gia đình mình thì: Người Kinh và người Thái cúng vào đúng ngày Mồng Một và Rằm, còn người Hoa lại cúng vào mồng 2 và 16. Ngày Tết Nguyễn đán, người Kinh và Thái cúng vào đúng Mồng Một Tết và Rằm tháng Giêng , nhưng người Hoa lại cúng vào mồng 2 và 16 Tết. Ngay Rằm tháng Bảy người Kinh và Thái cúng đúng vào ngày 15 tháng Bảy, những người Hoa lại cúng vào 16 tháng 7. Hoặc người Kinh ở phố cổ này vẫn kiêng mồng 5, 14 , 23, hoặc chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3, nhưng người Thái lại không kiêng gì cả. 



 TỪ TRÁI:
TÂN QUẢNG & TÔ HOÀN
TRÊN PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN

Như vậy ngay tại phố cổ này các nhà dân tộc học, sử học .... có thể trực tiếp khai thác được rất nhiều phong tục tập quán của rất nhiều dân tộc anh em sống hoà thuận ở mảnh đất cùng chung một nền văn hoá này (có người giải thích cho tôi nghĩa Đồng Văn là vậy?).
Thời tiết ở đây vào mùa hè thì hơn hẳn phố cổ Hà Nội và Hội An. Đêm ngủ tôi vẫn phải đắp chăn. Giấc ngủ thật sâu, sáng dậy nhờ không khí trong lành mà người sảng khoái vô cùng! Về kết cấu những ngôi nhà Phố cổ thị trấn Đồng Văn, thường phát triển theo kiểu chữ Tam (ba ngôi nhà nối tiếp nhau, lối đi từ ba ngôi nhà được che bằng mái che tránh mưa nắng khi đi từ nhà nọ sang nhà kia. Nhà nhà khách ,nhà thứ hai là nhà ở (có gác hai sàn bằng gỗ), nhà thứ ba là bếp (cũng có gác bếp để nhiều dụng cụ và lương thực) và sát núi là hệ thống nhà nhỏ độc lập làm chuống trâu, chuồng lợn, chuồng gà và nhà Vệ sinh…
Hầu chuyện cụ Nguyễn Gia Bình (gốc Ninh Bình), lên đây sống 5 đời rồi, nhà cụ mua 500 đồng bạc Đông Dương từ bố ông Vua Mèo Vương Chí Thành. Vồn ngôi nhà cổ này là nơi ở của phu phen làm chợ Đồng Văn. Xây chợ xong vì lâu đài gia đình Vua Mèo ở Sà Phìn, bất tiện nên bán lại cho mọi người.
Theo cụ Nguyễn Gia Bình thì tường nhà được trình bằng đất, đường phên và có những đoạn trúc tre nằm ngang khi trình tường. Tôi trực tiếp đo thì thắy tường dày 3 gang (60 cm) và cao chừng 6 mét (cao như ngôi nhà hai tầng có làm gác hai). Cụ Nguyễn Gia Bình đã cho đi khảo sát chi tiết ngôi nhà.
Những chiếc cột gỗ (đo đựoc 3 gang chu vi), cao 5-6 mét còn rất cứng cáp, không mối mọt.
Sàn gác 2 bằng gỗ nghiến từ năm 1913 vẫn còn tốt.
Những nét cổ của ngôi nhà lộ rõ ở các khía cạnh: cột, sàn, sà/ xà nhà đều bằng gỗ, tường đất, và lợp ngói âm dương bản địa (cách lợp cứ một hàng ngửa một hàng úp lại). Chủ nhà nói vì ở hướng Nam, nên mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ. Năm 1993, sợ ngôi nhà sập đổ, nên đã tu sửa lại. Chố tường đất đổ đã đựoc thay bằng gạch xi măng sỏi đá. Tôi nhìn thấy vật liệu này vững chắc hơn đoạn tường đất, tường đất do mưa nắng dễ bị nứt. Mái ngói cổ bị vỡ dột nát, nên gia chủ Nguyên Gia Bình đã phải bù 500 viên ngói (âm dượng) mới vào mái nhà cổ này (gíá một viên ngói là 1 nghìn đồng vào năm 1993). Trên gác hai có bàn thờ tổ tiên. Cách thờ cúng của gia đình cụ Nguyễn Gia Bình vẫn như người Kinh. Tôi có thấy những lon bia cắm hương để ở các vị trí ngoài cạnh cửa sổ hoặc các nơi ngoài nhà. Cụ Nguyễn Gia Bình giải thích, theo tín ngưỡng dân gian ở đây là cúng những cô hồn vật vờ, để nó không quấy nhiễu gia chủ.
Xiết bao nét cổ đẹp vẫn âm thầm bảo lưu nơi phố cổ này! 




HOA BƯỚM NGẢ
TRÊN TƯỜNG ĐÁ PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN 
(Ảnh DP,  2/6/2012)

3- Kết Luận :
Phố cổ Thị trấn Đồng Văn (trước là chợ xưa, với những cột đá 1 mét x 0,6 mét cao 3-4 mét ), là dấu tích văn hoá cần được các cấp quan tâm quy hoạch bảo tồn chi tiết. Nếu không sớm định hướng thì chỉ vài năm nữa dấu vết phố cổ sẽ bị xoá sạch.
Nhiều nhà đình bây giờ đã mở cửa hàng cửa hiệu/ hoặc cho người buôn bán gửi hàng hoá làm kho, thật rất đa dạng lôm nhôm trước ngay ngôi nhà cổ của mình. Dù lợi thế so sánh so với phố cổ Hà Nội và Hội An là thời tiết tuyệt vời trên cao nguyên 1025 mét, vẫn cần có sự nghiên cứu công phu tỷ mỷ gìn giữ những nét đẹp đa sắc tộc ngay nơi phố cổ này cho muôn đời sau. 



MỘT CẢNH CỦA PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN 

Tuy đã muộn qúa rồi, theo như cụ Phạm Văn Dục (80 tuổi 5 đời,  sống ở phố cổ này) thì vẫn chưa thấy có động thái thật tích cực của cơ quan hữu quan ví dụ như cơ quan xúc tiến du lịch văn hoá Hà Giang hoặc Tổng cục du lịch Việt nam!
Hãy nhanh lên! Dân phố cổ đang chờ đợi như mong Mẹ về chợ!
                                                                     TS   N.V.H




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét