Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

ĐỌC TẬP THƠ GIỌT NHŨ, BÀI: CHU NGỌC PHAN







  NT CHU NGỌC PHAN
  TẠI LŨNG CÚ - HÀ GIANG (2/6/2012)


             
                                   GIỌT NHŨ TÝ TÁCH RƠI…
                                                        
                       Nhân đọc tập thơ “Giọt nhũ” của Duy Phi
                                                     Nxb Hội Nhà văn-2012

     Tập thơ mỏng nhưng dung lượng đầy đặn, hàm súc. Tác giả có ý gom những bài thơ của mình, viết về đề tài miền núi vào tập thơ này, để làm món quà đầu tiên kính tặng núi rừng. Duy Phi tâm sự: “Mình cả đời dạy học ở miền núi Côn Sơn, Lục Nam, Lục Ngạn…Giờ lại là hội viên Hội VHNT các DTTS VN, nên quyết in tập thơ này với số lượng khá để tặng được nhiều các bạn thơ xuôi ngược”. Anh Phi xưa nay vẫn là người luôn đầy đặn nghĩa tình như vậy.
    Có lẽ cũng vì thế mà các danh nhân anh chọn để viết trong tập thơ cũng phần lớn cư trú ở miền núi: Lê Văn Thịnh, Chu An, Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông, Lê Lai, Huyền Trân công chúa, Cao Bá Quát, Hàn Mặc Tử…Thơ viết về các vị nào cũng hay và xúc động. Bài thơ “Rồng đá ở đền thờ Lê Văn Thịnh” nghe xa xót làm sao: “Hàm rồng mà răng lang sói/ Đầu rồng sao giống xà tinh?”. Rồng vốn là biểu tượng của đế vương mà như vậy, thì Lê Văn Thịnh- vị quan đầu triều nhà Lý, bị kết tội oan giết vua cũng không có gì lạ, khác nào bức tượng rồng quái đản: “…đang ngoạm thân mình. Máu rơi!” ấy. Bài thơ Duy Phi ngợi ca Cao Bá Quát tài cao, chí cả cũng tuyệt lắm! Thi nhân họ Cao được khắc hoạ như một pho tượng lớn hào hùng, bi tráng: “Ngạo ca chàng vin  mây lên đỉnh/ Hát cho trời ngoài trời/ Chàng tôn thờ Tiểu Ẩn, Ức Trai/ Một đời chỉ cúi đầu trước mai…”. Với ít câu thơ, tác giả đã khéo gói trọn những nét tính cách tiêu biểu của một kẻ sĩ nổi tiếng bất khuất trước cường quyền. Qua ngã ba Đồng Lộc, anh có bài thơ: “Mười nén nhang dâng mộ” dồn nén đến tận cùng nỗi nghẹn ngào thương cảm: “ Mười cô gái Đồng Lộc đây/ Mắt tôi cạn lại đong đầy long lanh”. Với tiền nhân, anh cảm phục và kính trọng. Thấp thoáng trong những vần thơ, anh chân tình bày tỏ niềm tri ân và tâm nguyện được học theo tài đức của họ, đặng làm giàu thêm cho tâm hồn mình.




 
    Cũng vì đây là món quà kính tặng núi rừng, nên hầu hết các địa danh anh từng đến và viết trong tập thơ là ở trung du, miền núi. Anh hướng lên miền ngược như một thi sĩ khát khao chia sẻ tâm tình: “Ngược đường lên Mường Thanh, Mường Than/ Mới biết biển sông nợ núi ngàn/ Câu quan họ nợ vòng quay cọn nước/ Trăm màu rực rỡ nợ hoa ban”. Cứ theo con đường đó, anh đi điền dã khá nhiều, từ Bắc vào Nam, từ xuôi lên ngược, nhìn lướt qua mục lục cũng đếm được bốn chục địa danh miền núi ở các tỉnh: Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hoà Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Bình Phước, Đà Lạt…Anh còn đi qua nhiều địa danh nội tỉnh các tỉnh nói trên, nhiều chuyến chỉ mình anh đi lầm lũi.
     Khe Rỗ thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, nơi anh rất ưa thích cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Bài thơ “Vũng tròn” của anh có nhiều hình ảnh đẹp, lai láng cảm hứng lãng mạn: “ Vũng Tròn, vũng nước thật tròn/ Vai em trắng muốt cây còn sững cây/ Đố ai biết triệu năm nay/ Chị Hằng Nga xuống tắm đây bao lần?”. Qua ải Chi Lăng, Lạng Sơn anh có ngay thơ cảm tác về khí phách cha ông thuở diệt thù: “Tan giặc rót trăng rửa kiếm cung/ Men rượu lâng lâng thi tứ nồng…”. Một chuyến xuyên rừng Tây Yên Tử, anh liền nảy ra tứ thơ về loài rắn thật ấn tượng: “Nay rừng hết, rắn cuộn trong ký ức/ Đã lẫn người/ những mai gầm, hổ lửa, xà tinh?”. Về với Phong Nha- Kẻ Bàng, tại nơi kỳ thú danh lam này, nhà thơ có sự đồng cảm tương giao thật lạ với giang sơn gấm vóc: “Kỳ công đến gặp kỳ quan/ Lắng trong giọt nhũ thời gian gọi mình”. Leo núi đá, thăm rừng nguyên sinh, hữu duyên gặp ngay mấy cây nghiến, anh viết bài thơ: “Những cây nghiến”, được khá đông độc giả tâm đắc, ghi nhớ: “ Sống trên đá cây cứ xanh/ Dời phẳng phiu nhận gập ghềnh cheo leo/ Thản nhiên nắng sớm mưa chiều/ Thản nhiên trước cả lưỡi rìu thời gian”. Đó là chất hồn nhiên vô tư thi sĩ, mà anh đã gửi trọn vào bài thơ bộc lộ lối sống của mình. Vào Bình Định anh đến thăm thành Chà Bàn, nơi Huyền Trân công chúa, con của đức vua Trần Nhân Tông có thời làm vợ vua Chiêm: Chế Mân tại đây. Những dòng thơ anh viết về Huyền Trân thật ngậm ngùi, thương cảm: “ Thành xưa cây có ngậm ngùi/ Cánh Tiên tháp đó bóng người tiên đâu?”. Đến nơi nào anh cũng có thơ về nơi ấy, những bài thơ hay, đậm chất trữ tình sâu lắng…
     Tập thơ “Giọt nhũ” cũng thoáng ánh lên chất tình ca trong sáng, xúc động. Anh có bài thơ “Rễ người” mượn ý một thành ngữ của dân tộc Tày, để nói lên khát vọng tâm giao bạn bè, thơ phú. Anh kết bạn rộng, và trên đó đôi khi cũng nở tím những bông hoa tình yêu xinh xắn. Anh suy ngẫm về các cung bậc của tình yêu rồi cảm nhận: “Chim khôn ngưng hót càng hay/ Người khôn ánh mắt đủ lay nghiêng thành”. Có những vần thơ tình yêu dường như anh viết trong chiêm bao: “ Khuya rừng gió lộng quá thôi/ Em như cung nữ mà tôi…ông hoàng”. Đúng là anh hay mượn cây cỏ để nói tình nói chí. Lối ẩn dụ ấy luôn tạo ra cảm hứng thăng hoa, giúp anh sinh hạ những vần thơ giàu sức gợi: “Khuya dạ lan không ngủ/ Cây đứng mà hương bay”. Chúng ta biết tình yêu đôi lứa vốn có giác quan riêng, nhạy cảm đến thần kỳ, nhưng để nói cụ thể thứ linh thiêng huyền bí ấy thì mấy ai đã làm được. Nhà thơ Duy Phi đã nói giúp ta về điều đó. Đưa bạn ra ga lên tầu xong, mình anh trở về căn buồng riêng trong đêm thấy mình như hoá đá. Anh bật lửa, cầm que diêm đến mức: “Cháy tay” rồi mới “biết lòng đang cháy/ Đèn có tim đèn ta vắng em”. Ở một bài thơ khác, anh dùng phép giả định để khảng định sự gắn kết không gì chia tách nổi của niềm yêu đích thực: “ Nếu chia ta đến tận cùng bé nhỏ/ Tận cùng nào không mang bóng em anh”. Giờ đây, anh đã cao tuổi, nhưng lửa tình yêu thì vẫn cháy khôn nguôi, sáng trong và thánh thiện. Ra vườn thấy quả ổi chín chim ăn một nửa, lòng anh lại bồn chồn ký ức:“ Trái ổi nhỏ ngọt ngào nỗi nhớ/ Một đôi lần ăn chung trái cùng em”. Nhà thơ Duy Phi giỏi về thơ tình. Anh khéo chớp được những chi tiết ấn tượng để khắc hoạ. Nhiều bài thơ tình của anh đã thấm lòng người đọc, có thể thành ngôn ngữ tình yêu cho các thế hệ mai sau.




 
     Duy Phi có sở trường viết thơ duy cảm, nhưng đôi khi thơ anh cũng loé lên những chiêm nghiệm, đậm chất triết lý, đánh thức người đọc nhiều về nhân sinh, lẽ sống. Nhà thơ Duy Phi vốn tôn trọng tự nhiên. Trong một bài thơ anh viết:“ Đá mọc ngoài học thuyết/ Tùng trúc chẳng gieo vần/ Sương mù khước minh triết/ Xanh rừng ngạo công huân”. Tự nhiên có quy luật của tự nhiên, tự nó sẽ làm nên giá trị và vẻ đẹp. Bất thần tôi lại vập vào một suy ngẫm khác, một công việc bình thường quen thuộc nhưng anh đã có cách nói riêng:“Muốn chè sai búp/ Gốc cần đốn đau”. Vâng, đó là hệ nhân quả, câu thơ ngắn mà sao ý rộng. Ở một bài thơ khác anh đã khéo cài đặt vào thơ mình những bài học về đối nhân xử thế thật chí lý, chí tình. Con người muốn được thanh thản cũng phải được rèn luyện, tu dưỡng: “Tập thanh thản cả khi không thanh thản/ Tự ru mình qua ác mộng Mỹ Lương”. Điều hướng tới của triết lý này chính là chữ “Nhẫn” mà anh thường tâm đắc. Đọc đến bài thơ: “Gần và xa” trong tập, tôi đã giật mình trước một minh triết: “Cái gần gần đấy mà xa/ Cái xa xa chẳng đường qua lại gần/ Cái gần lẻ bóng xa dần/ Cái xa đi hết đường trần không xa”. Hoá ra “cái xa” địa lý giữa con người thì không đáng lo ngại, mà “cái xa” tình cảm, sự bất đắc ý tâm giao mới là đáng sợ nhất. Một đúc kết về lẽ đối nhân thật sâu sắc và chí lý!…
     “Giọt nhũ”, tập thơ thứ 10 của nhà thơ Duy Phi, còn nhiều bài vào loại “thơ khó”: Ở Vị Xuyên, Hậu Thạch Sanh, Với chú tôm nhỏ...Một bài viết, đâu dễ đề cập hết. Thơ hay và hàm súc, là cảm nhận bao trùm sau khi đọc xong tập thơ “Giọt nhũ”. Thơ Duy Phi phảng phất toả sáng tư tưởng nhân văn của Nho học, Lão học, Phật học, hàm chứa nhiều tri thức lịch sử uyên bác, giọng thơ sang trọng, lịch lãm, chứa chan một tâm hồn lãng mạn, bay bổng. Xin chúc mừng anh. Tập thơ “Giọt nhũ”xứng đáng là một món quà quý gửi tới bạn hữu và đồng bào các dân tộc miền núi*

                                                                        7/6/2012
       
  * BÀI ĐÃ ĐĂNG BÁO BẮC GIANG, THỨ SÁU 15/6/2012  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét