“NÉT NGÀI”
HAY
“NÉT NGƯỜI”
Bài của NV PHẠM THUẬN THÀNH
Truyện
Kiều hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu đề xuất các cách đọc một số chữ
khác nhau. Tuy nhiên ở câu 19 - 20 hầu như chưa thấy có cách đề xuất
khác cách đọc:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
(Bản do Nguyễn Khắc Bảo khảo đính và chú giải dựa theo bản in Liễu Văn Đường 1866, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 2009).
Phần chú giải câu 20 của Nguyễn Khắc Bảo như sau: “Khuôn
mặt Thuý Vân tròn trĩnh xinh xắn như mặt trăng có lông mày cong đẹp như
râu con ngài. Do chữ “nga mi” trong chữ Hán. Nở nang: nở ra tươi tốt,
đẹp đẽ”.
Về dạng chữ nôm chữ “ngài” viết bên trái có bộ trùng, bên phải gồm chữ
viết, chữ nhất, chữ thốn chỉ con ngài phù hợp với điển cố “mày ngài” hàm
ý người con gái có lông mi cong đẹp.
Tuy nhiên về văn cảnh và âm đọc thì có điều đáng bàn mà có lẽ do có
điển “nga mi” mà các nhà Kiều học đã bỏ qua chữ ‘ngài” này.
Về văn cảnh người đọc có thể nhận ra qua lời tả của Nguyễn Du cô Thuý
Vân trẻ đẹp nhưng dáng người hơi đậm, tác phong hơi chậm chạp, thiếu
linh hoạt quyết đoán để toát lên vẻ nhu mì, phúc hậu, dễ nghe dễ bảo:
trang trọng, đầy đặn, nở nang. Một người có khuôn trăng đầy đặn để là
người đẹp thì cơ thể phải cân xứng, tức là phải có một cơ thể “nét người
nở nang”. Đây cũng chính là sự lôgic của việc miêu tả tuy rất chấm phá
nhưng vẫn nói được nhiều điều cả về nhan sắc, dáng vóc lẫn tính cách con
người. Đành rằng cách tả của người xưa dùng thủ pháp tả bộ phận để nói
toàn thể, tức là tả khuôn mặt và nhấn thêm ở hàng lông mày để nói về
nhan sắc Thuý Vân như cách hiểu hiện nay, nhưng như vậy sẽ lộ nhiều mâu
thuẫn ở các câu dưới khi Nguyễn Du tả thêm nụ cười, mái tóc và nước da.
Còn hiểu theo hướng tả vóc dáng gồm khuôn mặt và hình cơ thể thì việc
nhấn thêm các chi tiết khác là phù hợp hơn nhiều. Như vậy thì chữ “ngài”
cần bàn thêm.
Về âm đọc chữ ngài này ngoài nghĩa là con ngài thì còn có nghĩa khác là
người mà hiện nay vẫn còn được dùng khá phổ biến. Thời xưa dân ta có
tục kiêng hèm kiêng huý, nếu phận người dưới trùng tên thì phải đổi hoặc
nói chệch đi. Với thánh thần thì có quy định rõ cấm đặt tên trùng,
trường hợp vật dụng có tên trùng thì phải nói chệch đi. Nếu hèm huý của
nhà nước thì có văn bản thông báo để tránh, trường hợp có tên sẵn thì
phải cải đi. Ngôn ngữ dân gian ta gặp các từ nói chệch: thành - thiềng;
lạc - lược; cống - quật; hoa - huê; hồng - hường… Âm “ngài” có lẽ cũng
là cách nói chệch âm “người” khi người ta cầu xin thần, phật phù hộ độ
trì. Từ đó từ ngài mang sắc thái trang trọng và dùng rộng ra dành cho
người dưới nói với người trên hoặc dành cho người có danh vọng xã hội:
ngài Bin, ngài tổng thống, ngài quý tộc… Trường hợp dùng âm người thay
âm ngài thì phải viết hoa: Nhân dân ta gọi Người là Bác/Cả đời Người là
của nước non (Tố Hữu). Âm “người” gần gũi hơn, hiệu quả nghệ thuật cao
hơn âm “ngài”. Âm “người” trung tính và hơi có tính miệt thị. Còn âm
“ngươi” có lẽ cũng là một cách nói chệch âm “người” thì lại có tính miệt
thị rõ hơn và dành cho người trên nói với kẻ dưới.
Về dạng tự thì chữ ngài chỉ người và chữ người viết giống nhau gồm bên
trái có bộ nhân đứng, bên phải gồm các chữ viết, chữ nhất, chữ thốn.
Điều này cũng khẳng định âm ngài là một cách nói chệch của âm người. Chữ
ngài chỉ người khác chữ ngài chỉ con ngài bộ phận bên trái: bộ nhân
đứng chỉ người và bộ trùng chỉ sâu bọ. Giả thiết người khắc chữ khắc sai
nguyên bản thì ta có thể đọc “nét ngài” (chỉ người) hoặc “nét người”
đều được. Thế nhưng nguyên bản hiện nay không có mà bản khắc nôm hiện có
lại chỉ khắc chứ ngài chỉ con ngài nên lời bàn này chỉ dám đặt ra một
hoài nghi để hiểu lại câu Kiều theo hướng mới khả dĩ hợp văn cảnh hơn,
hợp lôgic hơn và do đó gần với nguyên bản Nguyễn Du hơn chăng mà thôi.
---------
Phạm Thuận Thành
Hội viên Hội ngôn ngữ học Việt Nam
Hội viên sáng lập Hội Kiều học Việt Nam.
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét