Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011




* TƯ LIỆU MỚI VỀ
TRẠNG NGUYÊN ĐÀO SƯ TÍCH

   

   Đào Sư Tích sinh năm 1350 tại Song Khê, Yên Dũng, Bắc Giang. Cha ông là Đào Toàn Bân, khoa thi năm Nhâm Thìn- 1352 đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan tại Thiên Trường, ông xây tư dinh tại Cổ Lễ, cách Thiên Trường hơn mười cây số (nay thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định). Bốn tuổi, Đào Sư Tích được cha đón về Cổ Lễ để rèn rũa, bảy tuổi nổi tiếng là Thần đồng.
Hồi nhỏ, cậu bé Đào Sư Tích đi học qua đò, cô lái đò có tên là Đông, hai người cảm mến nhau, có đôi câu đối trêu đùa:
Cô lái đò tên Đông xướng:
Bến tịch mịch, thuyền tịch mịch, bé con nghe cổ tích
Cậu bé Đào Sư Tích đối lại:
Trời mênh mông nước mênh mông, quân tử đợi đò đông.
Khoa Giáp Dần, niên hiệu Long Khánh - 1374, Đào Sư Tích thi đỗ Trạng nguyên, làm quan trải Nhập nội đại hành khiển, Thượng thư bộ Lễ. Vào năm Nhâm Thân- 1392, do ông có xem tờ biểu của Đoàn Xuân Lôi dâng vua, phê phán sách Minh Đạo của Hồ Quý Ly. Thời này, Hồ Quý Ly đã lộng quyền, giáng chức Đoàn Xuân Lôi, cũng giáng chức luôn Đào Sư Tích. Trạng nguyên, Thượng thư bộ Lễ Đào Sư Tích phải xuống làm Trung thư thị lang đồng Tri thẩm hình viện sự. Chán cảnh rối ren, lúc đó tuổi trên bốn mươi, ông xin về quê. Trong thời gian ấy, ông lên cư ngụ tại thôn Lý Hải (tên xưa của thôn là Kẻ Muối, nay thuộc xã Phú Xuân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Thấy ông không ở Song Khê, không ở Cổ Lễ, Hồ Quý Ly cho người đi tìm, triệu ông về kinh, rồi cử ông đi sứ phương Bắc, “nếu không về sẽ bị tru di tam tộc”. Đề phòng sự bất trắc, Đào Sư Tích đã cho con cháu họ Đào đổi thành họ Dương, họ Phạm... Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Đào Sư Tích đã đi sứ vào những năm 1395- 1396. Ông có làm nhiều bài thơ về đất Trung Quốc: Quá Lạc Dương, Hoàng Hà... , lại có một số bài thơ về một người tiểu thiếp tên là Giang thị (về đến Quế Lâm thì chia tay)...
Tương truyền, Đào Sư Tích đã giúp triều Minh hoàn thành bộ sách Y tông tất đọc. Một lần, vua Minh hỏi Đào Sư Tích: “Nếu Bắc (nhà Minh) đánh Nam (Đại Việt) thì ai thắng? Đào Sư Tích trả lời:
Bắc thắng Nam thua thua thua thắng
Nam thua Bắc thắng thắng thắng thua.
Nghe câu trả lời ỡm ờ mà có lý, các quan nhà Minh khoái trá cười vang. Thấy ông chịu đọc, thông kim bác cổ, ứng đối giỏi, vua Minh phong cho là LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN. Bốn chữ ấy còn trong lăng Đào Sư Tích ở Cỗ Lễ.
Trên đường về, ông đang đau yếu thì bị mưa lớn, có lẽ ông mất trong những ngày tháng ấy (1396). Hiện nay, còn mộ Đào Sư Tích ở Cổ Lễ. Ba nơi có đền thờ ông: Song Khê (Bắc Giang), Cổ Lễ (Nam Định) và Lý Hải (Vĩnh Phúc)...
Về thơ văn Đào Sư Tích, cách đây vài năm, trong tay chúng tôi chỉ có Văn sách thi đình, Cảnh Tinh phú và bài thơ Quy điền. Rất mừng, vừa qua hậu duệ Đào Sư Tích đã tìm được thêm 48 bài thơ chữ Hán của quan Trạng còn lưu trong một số thư tịch cổ.
Xin giới thiệu một chùm thơ 3 bài mới sưu tầm, mới dịch: 

NHẤT MỘC NAN CHI

Nhất mộc năng chi đại hạ dư 
Vũ Hầu tái thế diệc đa tu
Gian tham thượng hạ văn vô gián
Cơ cận hương thôn kiến hữu dư
Nội hoạ tích thành hà dĩ trị
Ngoại xâm toạ đãi khởi năng trừ
Thiên hồ bất phụ Trần vương tộ
Đãn nguyện quy điền đọc cựu thư.

Dịch thơ:

Một cây khó chống

Một cây khôn chống nổi nhà to
Sống lại, Vũ Hầu * cũng khó phò
Nghe biết gian tham đầy phủ huyện
Rầu trông đói khát khắp thôn gò
Nhiễu nhương nội hoạ, bao niềm xót
Rình rập ngoại xâm, một mối lo **
Trần nghiệp, hỡi ôi! không thể giúp
Đành về đọc sách chốn quê xưa. 
                              (D.P dịch)

----
*Vũ Hầu: Gia Cát Lượng ** Thời Hồ Quý Ly lộng hành.

BẦN GIA THÁN

Điền viên sổ mẫu dĩ thâm canh
Sai dịch cung niên lự bất thanh
Đa bệnh sở nhu duy dược vật
Khiếm tiền nan yếm phụng công danh
Hiên năm nhi nữ tồn si ấu
Đường bác thân sinh chí lão thành
Hoạn lộ tòng tiền giai thụ nhục
Dân vi ngưu mã khởi vô minh 

Dịch thơ:

Nhà nghèo

Dăm mẫu cấy cày mùa nối mùa
Quanh năm thuế má những âu lo
Bệnh nhiều, đan dược chăm ngày tháng
Tiền thiếu, công danh gắng sớm trưa *
Trai gái nhà Nam còn nhỏ dại
Thân sinh chốn Bắc đã già nua
Làm quan, tự cổ đều mang nhục
Trâu ngựa là dân, phỏng biết chưa? 
                                   (D.P dịch).
-------
* Nguyên chú: Tôi vốn không thích làm quan, nhưng từ nhỏ bị bệnh nhức đầu, 
   ngại đi lại chỉ nằm cho dễ chịu. Sau vì nghèo quá nên phải cầm quyển đi thi..

DỮ TIỂU THIẾP GIANG THỊ

Nghi cư Nam địa khí ôn hoà
Tuỳ thế tuỳ thời thủ kiệm, xa
Hữu tử, tầm phương vi cửu ngụ
Hồi đầu, cải tính tác sơn gia
Thi thư khổ độc vô khi ố
Phú quý phù vân vật thán ta
Nhược hữu lương thì hân tái ngộ
Thành môn thất hoả hoạ chi đa.

Dịch thơ:

Với Giang Thị- Tiểu thiếp

Sống ở phương Nam thuận khí trời *
Kiệm cần, xa xỉ phải tuỳ thời
Có con, tìm chốn yên bề vậy
Về núi dựng nhà, đổi họ thôi
Đọc khổ, thi thư tầm mắt rộng
Đừng buồn , phú quý áng mây trôi
Sau này gặp lại, đành theo vận
Mất lửa cửa thành, hoạ khắp nơi                   
                             (Duy Phi dịch)


---------
* Phương Nam: chỉ đất Quế Lâm. Trên đường đi sứ, quan Trạng có một tiểu thiếp (người Bắc quốc) theo hầu. Đôi lời từ biệt. Tương truyền, trường hợp này, giống Nguyễn Du. Nguyễn có thơ: Quế địa nữ nhân thiên tác hợp/ Bắc hành xa chuyển lộ vô sầu- Gái Quế trời xui nên gặp được/ Xe lăn đất Bắc đờ khi buồn- Theo lời chú của Phạm Văn Nghị). .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét