Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011



* NGÀY HỘI KHÔNG CƯỜI         
KHÔNG KÈN TRỐNG 


                                                                               
                                                         DUY PHI             
              
   Từ hồi còn nhỏ, tôi đã được đọc bài thơ Thủ vĩ ngâm của Nguyễn Trãi. Năm 1960 thì tôi được phân công về xã Cộng Hoà (nơi có Côn Sơn) dạy học. Côn Sơn có Thanh Hư động, nơi Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán ẩn dật.    
   Từ năm 2003, sau hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết Mọi đầm (Nxb. HNV- 2005), tôi ôm ấp viết tiếp cuốn tiểu thuyết về Nguyễn Trãi (Đó chính là cuốn Vực hiểm chốn thâm cung, NXB Hội Nhà văn - 2006). Do vậy mà tôi đã đi, đi khắp: quê gốc của Nguyễn Trãi làng Chi Ngái - Côn Sơn Chí Linh (Hải Dương), làng Nhị Khê Thường Tín (nay thuộc Hà Nội) nơi Nguyễn Phi Khanh dạy học, Lam Kinh (Thanh Hoá), làng Hới dệt chiếu - quê Nữ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ (nay thuộc Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình), Lệ Chi viên (Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh) nơi xảy ra chuyện động trời... Đi nhiều mà tôi vẫn băn khoăn: Góc thành Nam lều một gian là đâu? Mãi đến năm 2004, có trong tay cuốn Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ... của nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, tôi mới biết mà tìm đến Cổ Mai Đàm, Thanh Trì, Hà Nội. 
   Đó là một làng quê ven đê sông Hồng. Nơi này xưa Nguyễn Trãi đặt tên là Khuyến Lương. Hiện nay ở Cổ Mai Đàm còn đền thờ Nguyễn Trãi và đền thờ Nguyễn Thị Lộ. Chữ Hán: đàm là đầm. Vùng đất này xưa trũng, nhiều hồ đầm có nhiều gò đất rẻo đất trồng mai (cây mơ cây mận) nên có nhiều tên mai: Mai Động, Bạch Mai. Cổ Mai Đàm là vùng đất trũng. Tôi đã có một buổi trầm ngâm đi dọc làng Khuyến Lương. Ao hồ liên tiếp. Người xưa phải đào nhiều hồ ao, vật đất lên để làm nền nhà, làm đường cái. Song nền nhà, nền đường vẫn thấp, mùa hạ, hầu như chỗ nào cũng mấp mé nước. Nơi đây nay vẫn còn rặng tre, rặng xoan. Không khí quê nhiều hơn là chất thị thành, đô hội. Trong làng Khuyến Lương có một nhà thờ, dân làng thường gọi là Miếu Đức Ông. Tương truyền, nơi đây xưa Nguyễn Trãi dạy học, tiếp khách. Cách nhà này chừng tám trăm mét, ở ngay sát chân đê sông Hồng, có một căn nhà (lều) nữa. Đó là nơi ăn ở chính của Nguyễn Trãi, nơi bà Lộ ươm tơ, dệt lụa, bán chiếu (Nhớ giai thoại, một lần Nguyễn Trãi gặp bà Lộ, hỏi: Ả ở đâu ta bán chiếu gon/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ bao nhiêu nhỉ?/ Đã có chồng chưa, được mấy con? Nguyễn Thị Lộ ứng đối hóm hỉnh: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Cớ chi chàng hỏi hết hay còn/ Xuân xanh nay mới trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con).
   Theo nhiều nhà nghiên cứu thì Cổ Mai Đàm là địa danh xuất xứ của bài thơ Thủ vĩ ngâm:

Góc thành Nam lều một gian
No nước uống thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá
Nhà quen xú xứa, ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam lều một gian...

    Trong Quốc Âm thi tập, Nguyễn Trãi có nhiều câu thơ về lều: Con lều mọn mọn đẹp làm sao... , Chụm tự nhiên lều một gian... , Lều hiu ta hãy một lều hiu... , Lều nhàn vô sự ấy lâu dài... , Chốn ở trải gian lều lá... , Một yên sách một con lều... Có người cho rằng những con lều ấy ở Côn Sơn? Hồi mới đến Côn Sơn, đọc thơ Nôm Nguyễn Trãi tôi từng tin như vậy. Sau khi đi một vòng Côn Sơn - Nhị Khê - Cổ Mai Đàm, lại nghiên cứu sử sách, mới rõ. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, được Trần Nguyên Đán - ông ngoại nuôi dạy. Đến năm 1390, Trần Nguyên Đán mất, lúc đó Nguyễn Trãi mười tuổi, về Nhị Khê ở với cha. Ông lớn lên, nấu sử sôi kinh tại đó. Trong triều Trần, Nguyễn Phi Khanh thi đậu Thái học năm Giáp Dần - 1374. Vì Phi Khanh là con nhà thường dân, lại lấy con gái Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần nên không được bổ dụng làm quan. Sang thời Hồ, ông mới nhậm chức Thiếu khanh và Trung thư thị lang Quốc tử giám tư nghiệp. Và cũng sang thời Hồ, Nguyễn Trãi hai mươi tuổi, thi đỗ Thái học sinh, được bổ làm Ngự sử đài chánh chưởng. 
   Khi quân Minh sang xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt về Kim Lăng (T.Q), Nguyễn Trãi và em là Phi Hùng khóc tiễn đưa cha, nhưng ông chỉ cho Phi Hùng đi cùng, bảo Nguyễn Trãi về, căn dặn: Hãy trở về nước để làm cái việc đại hiếu. Trên đường về, Nguyễn Trãi bị tướng giặc bắt đưa về Đông Quan (Thăng Long) giam lỏng... Về kinh thành, Nguyễn Trãi sống tại Cổ Mai Đàm, tức Góc thành Nam này. Chính tại mảnh đất này, cuộc sống ngặt nghèo giữa bầy diều ó, Nguyễn Trãi đã dùi mài thêm kinh sử và viết Bình Ngô sách, dâng Lê Lợi.
   Sau binh lửa, Nguyễn Trãi làm Nhập nội hành khiển tước Quan phục hầu, bà Lộ làm Lễ nghi học sĩ. Không rõ thời ấy Nguyễn Trãi đã sống ở nơi nào nữa, nhưng đọc lại sử, qua Ức Trai thi tập Quốc Âm thi tập, thấy gia đình ông vẫn sống ở đây là chính. Mãi sau này, cho đến khoảng cuối năm năm 1437, thấy triều đình nhiều phe cánh, quyền thần nhũng nhiễu, Nguyễn Trãi mới lui về Côn Sơn sống ẩn dật. Năm 1439, vua Lê Thái Tông lại mời Nguyễn Trãi ra coi việc Môn hạ sảnh và Tam quán sự, kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1442), với cương vị Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc tử giám, Độc quyển kỳ thi Hội, Nguyễn Trãi đã lấy đỗ Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ, Thám hoa Lương Như Hộc và 23 Đồng tiến sĩ. Cộng lại thời gian Nguyễn Trãi lưu lại ở Côn Sơn không nhiều, chủ yếu là ông sống tại Góc thành Nam, lều một gian này. Đó là một con lều nhỏ bé (Con lều mọn mọn), hầu như chỉ buộc lạt (Chụm tự nhiên), không có câu đầu, có các vì kèo,  không mấy đục đẽo. Con lều tạm, mái lợp cỏ, rạ chẳng mấy mà mục nát. Thơ Nôm Nguyễn Trãi còn có câu: Cửa nhà bịn rịn tổ ong tàng(55). Hình ảnh “tổ ong tàng” là mượn từ câu ca dao: Còn duyên như tượng tô vàng/ Hết duyên như tổ ong tàng trời mưa. Hình ảnh tổ ong tàng cụ thể sinh động lắm; cũng có thể hiểu: mái nhà lợp rạ hoặc cỏ lâu ngày thủng lỗ chỗ, trời mưa, dột tứ phía, nhìn lên như một tổ ong tàng đang nát rữa. Bài thơ Thủ vĩ ngâm cho ta thấy rõ cảnh sống của Nguyễn Trãi lúc ấy. Bởi no nước uống, thiếu cơm ăn nên mọi thứ phải giản tiện đến tối thiểu: Con đòi trốn, dường ai quyến/ Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn (do vậy mà ngựa cũng không còn?); Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá/  Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn. Xú xứa (có bản là xuế xoá) nghĩa là xuề xoà, xuềnh xoàng. Ngại nuôi vằn (chó). Từ cảnh No nước uống thiếu cơm ăn mà suy ra: chủ cũng đói thì sao kham nổi việc nuôi con ở và các súc vật. Có tác giả viết: bài thơ Thủ vĩ ngâm được viết trong thời kỳ Nguyễn Trãi bị giam lỏng. Nhiều ý kiến phản bác, cho rằng, lúc ấy Nguyễn ngoài hai mươi tuổi, đầy tráng khí, lúc ấy đang viết Bình Ngô sách, không thể có giọng thơ ít nhiều buồn rầu, ngao ngán. Thủ vĩ ngâm phải được viết lúc Nguyễn Trãi đã cao tuổi. Sau khi đọc đi đọc lại cả 99 bài thơ chữ Hán trong Ức Trai thi tập, 254 bài thơ Nôm trong Quốc Âm thi tập, chúng ta dễ đòng tình với với sự thẩm định thứ hai: Thủ vĩ ngâm được viết ở giai đoạn sau. Nguyễn Trãi bị nghi cùng mưu “phản loạn” với Trần Nguyên Hãn (!), bị hạ ngục. Vua Lê Lợi nghĩ lại, đã thả. Lúc này, Nguyễn Trãi đã chừng năm mươi tuổi, bị thất sủng, bị “vô hiệu hoá”. Thơ chữ Hán, , bài Ký hữu có câu:  Thập tải độc thư bần đáo cốt (Mười năm đọc sách nghèo đến xương); bài Oan thán còn viết: Hư danh hoạ thực phù kham tiếu/Chúng báng cô trung tuyệt khả liên (Danh hư hoạ thực nên cười quá/ Mình cô trung, nhiều kẻ báng bổ rất đáng thương). Hẳn trong hoàn cảnh này, Nguyễn Trãi viết Thủ vĩ ngâm, với câu Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải...  Là quan thanh liêm đã nghèo (nhà ngặt), bị biếm truất càng nghèo. Thơ Nôm Nguyễn Trãi có câu: Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, vì sống thanh bạch như nước (nước mưa, nước suối) nên trong nhà chẳng có gì, giống cái nhà treo khánh đá (ngoài khánh ra, bốn phía trống hoác). Gia sản sạch bách. Con đòi đã trốn. Các ông chủ xưa, thường gọi người ở là cái Cam thằng Quít. Quít, Cam vẫn còn, nhưng chỉ là hai dặng. Nguyễn Trãi có những câu thơ hài hước: Nô bộc ắt còn hai dặng quít (24). Nhà nghèo, song đôi khi vẫn có khách. Vị quan Hàn lâm viện Thừa chỉ (đã bị biếm) đã từng có buổi tiếp khách: Ngoài cửa mừng người dầu cái vẹt/ Trong nhà thết khách mặc con cờ (90)...
   Nói về cảnh hàn nho tiếp khách, chợt nhớ đến bài thơ Bạn đến chơi nhà của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến:

Đã bấy lâu nay bác đến nhà
 Trẻ thời đi vắng chợ thời xa
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta.

   Theo năm sinh, Nguyễn Trãi: 1380, Nguyễn Khuyễn: 1835, cách nhau một con số rất kỳ, đúng 555 năm. Hai bài thơ hình như một giọng điệu? Nguyễn Khuyến có chịu ảnh hưởng của Nguyễn Trãi? So sánh, khập khiễng nhưng có thể phân tích, nhận thức. Có những nét khác nhau: Nguyễn Trãi chân thực, còn Nguyễn Khuyến thiên về ngoa dụ (so sánh, phóng đại), trào lộng (đùa vui, tự chế giễu). Trong Thủ vĩ ngâm thấy rõ một tâm trạng thăm thẳm của một bậc hiền triết Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh (99). Câu cuối điệp lại: Góc thành Nam lều một gian, giọng thơ có buồn nhưng vẫn Bất vị ky sầu tổn cựu hào (Chẳng vì sầu mà suy đi hào khí- Lâm cảng dạ bạc), biểu lộ sự kiên định, an bần lạc đạo (yên phận nghèo, vui giữ đạo).
   Mỗi năm vào thu, người dân Cổ Mai Đàm, Nhị Khê, Côn Sơn, Đại Lai, Tân Lễ... ai cũng nhớ ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuất (1442), ngày mà Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc tử giám Nguyễn Trãi - linh hồn của khởi nghĩa Lam Sơn mắc oan, bị chu di tam tộc. Ở Cổ Mai Đàm có tục lệ “mở hội”, nhưng đó là một hội đặc biệt, chắc trên thế giới không có hội nào như thế. Ngày hội mà không kèn không trống, không nói to, không một nụ cười. Đọc bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến, thấy vui, có thể cười ra nước mắt, còn đọc bài thơ Thủ vĩ ngâm tại Cổ Mai Đàm, ta càng thấy rõ một Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (Lòng Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê... ) một Danh nhân văn hoá thế giới,  một hình bóng lồng lộng. Tại Cổ Mai Đàm, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô sách, Dư địa chí  và phần lớn các bài thơ trong Ức Trai thi tập, Quốc Âm thi tập... Cổ Mai Đàm, Khuyến Lương, Hà Nội trở thành đất thiêng. Đọc Thủ vĩ ngâm tại đây, dường như linh ứng hơn, càn khôn rộng mở, gợi cho ta nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái, văn nghiệp...   
                                                                                                                                                                                               D.P

 
 --------

  * Bài rút từ tập sách Thi đàn ngẫu luận- DUY PHI, Nxb Hội Nhà văn, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét