* BÀI THƠ SỚM NHẤT
VỀ HỒ HOÀN KIẾM ?
Xưa, hồ Hoàn Kiếm ở gần thôn Tả Vọng, người ta gọi là hồ Tả Vọng, lại trông màu nước xanh lục, có thời gọi là hồ Lục Thuỷ. Tên: hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) có từ thời Lê.
Tương truyền, Nguyễn Thận làm nghề chài lưới trên một khúc sông vùng Lam Sơn, một đêm thấy có hào quang hình rùa từ đáy sông chiếu lên, bèn quăng chài xuống, khi kéo lên được một lưỡi kiếm thần, trên kiếm có khắc hai chữ Thuận Thiên. Ông đã dâng Lê Lợi. Từ đó, kiếm này gọi là kiếm Thuận Thiên (Sau, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế cũng lấy niên hiệu là Thuận Thiên). Một hai ngày sau, người nhà Lê Lợi lại thấy ở trong vườn có chiếc ấn báu khắc tên họ Lê Lợi; và dưới một gốc đa có cái chuôi kiếm. Lê Lợi cho lắp lưỡi kiếm vào chuôi, thấy khớp. Đó là điềm, trời ban ấn kiếm, giáng mệnh thiên tử.
Sau đại thắng, Lê Thái Tổ phải lo nhiều việc: định quốc hiệu là Đại Việt, ấn định luật lệ, mở khoa thi, tìm hiền tài, “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử... Nếu người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng, thì trầm sẽ tuỳ tài bổ dụng”. Trong trăm nghìn công việc, có việc giảm binh. Đúng vào ngày rằm tháng Tám, sau khi tế lễ trời đất, vua tôi lên thuyền du ngoạn hồ Tả Vọng. Lúc ấy, bỗng mưa to sấm chớp, rùa vàng bơi lên. Linh cảm, biết là rùa đòi kiếm, vua bèn trả. Lập tức, mưa tạnh, trời xanh chim lượn, thuyền rồng và thuyền các quan lại đua bơi, trăm họ vui ca. Rùa vàng lại xuất hiện với vẻ hân hoan mừng nước non đại định. Trong Ngọc phả, Đinh Liệt có ghi thêm một chi tiết rất thú vị: Vua đã trả kiếm, ít lâu sau, có một vị tướng xin cho chăng lưới bắt rùa để lấy lại kiếm thần, nhưng Lê Lợi gạt đi...
Chứng kiến cảnh tượng ấy, Đinh Liệt có bài thơ Hoàn Kiếm hồ, ai đã đọc một lần thì khó quên.
Đinh Liệt, quê Đông Cao, Nông Cống, nay là Triệu Sơn, Thanh Hoá. Mười lăm tuổi, Đinh Liệt đã theo Lê Lợi. Khởi nghĩa, bàn mật, đầu tiên có bốn người, Đinh Liệt trong đó. Danh sách những người có mặt tại hội thề Lũng Nhai (1416) thì Đinh Liệt được ghi ở vị trí số ba: Lê Lợi, Lê Lai, Đinh Liệt, rồi mới đến Nguyễn Thận, Lê Ngân, Lê Liễu, Trịnh Khả, Lê Sát... Tất cả 22 người. Hai mươi tám tuổi, ông đã là Đại công thần, tước Đình Thượng Hầu. Đinh Liệt thích bộc bạch bằng thơ, nhưng ông thường chỉ để tự di dưỡng tinh thần và cất đi, cho con cháu sau này đọc. Những bài thơ đó nằm trong Ngọc phả, mà cuốn Ngọc phả này có số phận khá truân chuyên. Theo tộc Đinh ở Đông Cao, cuối thế kỷ XVIII, một chi họ Đinh từ Thanh Trì đến mượn Ngọc phả, từ đấy bị thất lạc, mãi đến năm 1953, ông Đinh Quốc Bảo- hậu duệ Đinh Liệt mới tình cờ tìm được Đinh tộc Ngọc phả tại một thư viện ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ông Quốc Bảo đã nhờ người mượn, chép lại. Vậy bài thơ Hoàn Kiếm hồ cũng đã yên vị trong Ngọc phả của Đinh tộc Đông Cao trên ba trăm năm, sau đó là gần hai trăm năm chu du, lưu lạc... Năm bảy năm lại đây, độc giả mới được đọc bài thơ Hoàn Kiếm hồ.
Nguyên văn:
Nguyễn Thận hiến thần kiếm
Vương gia phương kiếm bính
Chân thiên thiện an bài
Thập nhị thiên đại định
Hoàng đế phụng thiên mệnh
Bách tính đắc an cư
Triều đình tân thiết lập
Nông tang khởi phong thu
Bang giao chính khai triển
Hồi ức lạp tuyên từ
Hồi ức Lam Sơn vãn
Thiên hạ trương thái hoà
Tinh giảm binh thập vạn
Quân thần ngoạn Tả Vọng
Thuận Thiên hoàn kiếm thời
Không trung khai lôi vũ
Biếm nhân nhật trùng lai
Kim quy quẫn du vịnh
Thanh thiên điểu tường phi
Quần thần hoan tuyển tiếu
Bách tính hô vạn tuế
Hạnh phúc thái bình ca
Ngoạn du thi nhất thủ
Ân trạch nhuận vạn gia.
Dịch thơ:
HỒ HOÀN KIẾM
Nguyễn Thận dâng kiếm thần
Vương gia được cán cầm
Chân thiện, trời sắp đặt
Đại định mười hai năm
Hoàng đế vâng mệnh lớn
Trăm họ được an vui
Thiết lập triều đình mới
Lúa dâu tốt bời bời
Đường bang giao khai triển
Ngẫm đúng như lời nguyền
Nghĩ Lam Sơn ước vọng
Thiên hạ mừng bình yên
Tinh giảm mười vạn binh
Vua tôi vui Tả vọng
Lúc trả kiếm Thuận Thiên
Bỗng mưa òa sấm động
Mây qua mau, quang tạnh
Rùa vàng bơi gần xa
Trời xanh, chim nghiêng lượn
Quần thần cười khuây khoa
Trăm họ hô vạn tuế
Hạnh phúc thái bình ca
Thơ một bài, ghi lại
Ân trạch thấm muôn nhà.
Duy Phi dịch
Cuối bài thơ, có ghi: viết vào ngày 15 tháng 8 năm Mậu Thân 1428, có nghĩa là viết ngay trong không khí của buổi lễ trả kiếm.
Đó là những vần thơ ứng tác, tả thực, có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, có giá trị soi sáng cho nhiều trang sử. Trả kiếm trong dịp Tinh giảm mười vạn binh. Hướng dân vào nông tang. Ngẫm lại, càng thấy Lê Lợi quả là anh minh siêu việt.
Đình Thượng Hầu Đinh Liệt viết về hồ Hoàn Kiếm cách nay gần sáu trăm năm, bài thơ trên giàu hào khí và rất sống động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét