Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

       
           

* CÓ MẤY 
BẢO ĐÀI SƠN ? 


   Khi làm cuốn tuyển thơ Sắc núi ngàn năm (2010), chúng tôi có trong tay hai bài thơ chữ Hán: Đăng Bảo Đài Sơn của Trần Nhân Tông và Trùng du Tuyết Sơn, đăng Bảo Đài Sơn của Nguyễn Cao. Có người bạn bảo tôi: Đây là hai bài thơ viết về núi Bảo Đài, thuộc Lục Nam, cách đây chừng ba mươi cây số. 
   Chợt nhớ, mấy năm trước, tôi có đọc cuốn cuốn Trịnh gia chính phả, do Trịnh Như Tấu soạn năm 1933, có bài thơ của chúa Trịnh Sâm về núi Bảo Đài. Trịnh Như Tấu ghi rõ: Bảo Đài Sơn thuộc Nam Định. Tôi hỏi lại Phạm Trọng Thanh, đang ở quê ấy. Nhà thơ cho biết: Có, có núi Bảo Đài, hiện thuộc xã Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định.
Còn, hai bài thơ của Trần Nhân Tông, Nguyễn Cao cùng viết về núi Bảo Đài- Bắc Giang cả chăng? 
 Song, tôi còn băn khoăn, Nguyễn Cao người Kinh Bắc, đến núi Bảo Đài- Lục Nam, có thể lắm, vì quê Nguyễn Cao chỉ cách núi Bảo Đài này chừng năm, sáu chục cây số. Thơ Nguyễn Cao có câu: Sử năng kết ốc mưu chung lão/ Trường thứ tiên cư khả bất hồi, những mong dựng một mái tranh (trong núi Bảo Đài) khi già lão, sống ở cõi tiên này, không trở lại. Vậy Bảo Đài phải là một cảnh đẹp? Liệu Thượng hoàng Trần Nhân Tông có lên núi Bảo Đài- Lục Nam này để lại bài thơ. Có thể lắm. Sử sách có ghi, Trần Nhân Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm vào năm 1304. Lúc ấy, Vĩnh Nghiêm là trung tâm Phật giáo của nước ta. Từ Vĩnh Nghiêm đến núi Bảo Đài chỉ chừng bốn mươi cây số. Yên Tử cách kinh thành mấy trăm dặm, Thượng hoàng còn đi được, huống chi đây, chỉ tám mươi dặm. Thượng hoàng đến núi Bảo Đài - Lục Nam, vậy trong núi, tất có chùa lớn? Xưa có thiền sư nổi tiếng trụ trì? Đăng Bảo Đài Sơn của Trần Nhân Tông là một bài thơ hay. Thú nhất hai câu: Vạn sự thuỷ lưu thuỷ/ Bách niên tâm ngữ tâm. Khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Thiên duyên (về Trần Nhân Tông, Huyền Trân… ), do cần mấy câu thơ của Nhân Tông, muốn có giọng lục bát cho phù hợp với mạch văn, tôi đã mạnh dạn dịch: Sự đời nước nước theo dòng/ Trăm năm lòng nói với lòng mình thôi. Nếu núi Bảo Đài- Lục Nam gắn với sự tích Trần Nhân Tông về tăm, để lại bài thơ tuyệt diệu này thì vô cùng kỳ thú.
Tôi đã dành một ngày đi xe máy vào núi Bảo Đài tìm ngôi chùa cổ. Dẫu là thời gian, dẫu là binh lửa, nếu không còn chùa cũng phải còn nền móng, đá tảng chân cột…  
Hôm ấy, sau mưa, đường vào rừng thăm thẳm. Chiếc xe 82 của tôi yếu hơi, nhiều đoạn không bò được, tôi phải xuống xe, cho nổ máy, đẩy lên mấy con dốc. Nhiều người chỉ đường nói, cứ vào sâu nữa đi, có nhà ông Phiên trong đó. Vào đấy mà hỏi. Đường vắng, không gặp người. Đã vào rừng trên mười cây số. Trước mặt tôi bỗng có một ngôi nhà… Tại Hố Am, tôi đã gặp được ông Phiên… Đã thấy phong cảnh Hố Am, tôi ngẩn ngơ, ở đó không như trong hai bài thơ…      
Mãi đến ngày cuốn Sắc núi ngàn năm sắp in (vì lo chú thích dưới bài thơ Đăng Bảo Đài Sơn), tôi mới tìm thấy núi Bảo Đài thứ ba.
Trong cuốn Cõi thiêng Yên Tử, hai tác giả là Hà Văn Tấn và Thi Sảnh, Sở Văn hoá và Thông tin Quảng Ninh xuất bản, trang 16 có ghi: “Đoạn đường từ Lán Tháp vào Yên Tử dài 9 kilômét, đi giữa lòng thung dài và hẹp, giới hạn bởi núi Cánh Gà phía Nam, Bảo Đài phía Bắc”. Trang 31 có đoạn: “ Những cây đại 700 tuổi, vỏ sù sì, cành cong queo, đứng chênh vênh bên đường đá, vẫn kiên nhẫn nhú lên từng chùm hoa trắng dịu dưới mái rừng nửa nắng nửa râm: Hoa kính bán tình âm - Hoa nửa râm nửa nắng (Trần Nhân Tông- Đăng Bảo Đài Sơn)… Thì ra, núi có chùa Hoa Yên còn có tên là núi Bảo Đài. Phải chăng, Đăng Bảo Đài Sơn, Trần Nhân Tông làm thơ về núi Bảo Đài- Yên Tử? Về ngọn núi Bảo Đài ở Bắc Giang có thể phải vào sâu nữa, trèo lên cao nữa? Cần phải gặp thêm mấy ông ngành Bảo tàng của tỉnh, gặp mấy già làng ngay trong dải núi ấy?   
Xin dẫn cả ba bài thơ về Bảo Đài Sơn để bạn đọc cùng luận giải:     
     
   Trần Nhân Tông
   ĐĂNG BẢO ĐÀI SƠN

Địa tịch Đài du cổ
Thì lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thuỷ lưu thuỷ
Bách niên tâm ngữ tâm
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm.  
        
 Dịch thơ:

   Lên núi Bảo Đài

Đất vắng, đài thêm cổ
Ngày qua, xuân chửa nồng
Gần xa, mây núi ngất
Nắng rợp, ngõ hoa thông
Muôn việc, nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng
Tựa lan, nâng sáo ngọc
Đầy ngực ánh trăng trong
          (Ngô Tất Tố dịch).

      Trịnh Sâm   
     BẢO ĐÀI SƠN

Ẩn ước nham yêu xưởng phạm doanh
Vân vi liêm mạc thạch vi bình
Châu lưu thuỳ dạ tuyền song phái
Ngọc tích sơn tâm nguyệt nhất hoằng.
  
       Dịch thơ:           

          Núi Bảo Đài

Thấp thoáng trước doanh ngọn núi vồng
Mây buông rèm trướng đá bình phong
Suối đêm lấp lánh chia đôi ngả
Núi chứa ngọc ngà- ánh nguyệt trong.
                           (Duy Phi dịch).
           
     Nguyễn Cao

     TRÙNG DU TUYẾT SƠN,
     ĐĂNG BẢO ĐÀI  

Khứ tuế kim niên thướng Bảo Đài
Thảo hoa y cựu mãn thiên khai
Tuyết hồ hữu chủ tàng thâm động
Thạch kính duyên nhân tảo lục đà
Hôn hiểu tiều ca phan thụ khứ
Sinh hoàng cầm vận độ vân lai
Sử năng kết ốc mưu chung lão
Trường thứ tiên cư khả bất hồi. .

 Dịch thơ:

           Lại chơi Tuyết Sơn,
                  lên Bảo Đài

Năm trước tới đây, nay lại lên
Cỏ hoa tươi thắm khắp non Thiền
Động sâu có chủ sương hồ toả
Rêu biếc duyên người, kẽ đá xuyên
Sớm tối tiều ca dìu dặt cội
Xa gần mây lượn véo von chim
Những mong mái cỏ khi già lão
Ở mãi nơi này- một cõi tiên.
                    (Duy Phi dịch).  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét