Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

* VỚI HOÀNG TỐ NGUYÊN





                                      NHÀ THƠ HOÀNG TỐ NGUYÊN (1929 - 1975)    

 SỜ TÍ
 HOÀNG TỐ NGUYÊN  

                                           

   Một chiều đầu xuân năm 1960, tôi đang học tại Trường Sư phạm Kim Bích, ở huyện Nam Sách, Hải Dương thì được một người bạn là Mạc Văn Trang báo cho biết: nhà thơ Hoàng Tố Nguyên vừa mới về “thực tế” tại thôn Cầu Quay (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, Hải Dương). Chúng tôi mừng lắm, rủ nhau đến gặp nhà thơ. Số người hào hứng bàn tán thì đông, nhưng cuối cùng chỉ có hai, tôi và Trần Văn Nghệ, người xứ Nghệ, đi được. Chúng tôi yêu thơ, cũng là những cây bút thơ “báo tường” vào loại xuất sắc. Nghệ và tôi đều sinh ra lớn lên ở những làng quê hẻo lánh, đọc thơ nhiều, nhưng chưa bao giờ được gặp một nhà thơ, kể cả nhà thơ tỉnh lẻ. Nay có nhà thơ Trung ương về ngay trong huyện này, thật là một cơ hội quý hiếm.
   Với Hoàng Tố Nguyên, tập thơ Gò Me chúng tôi đã truyền tay nhau đọc, chép. Gò Me- địa danh chúng tôi chưa được đến, những đã trở thành thân thuộc, giống như quen với sông Đà núi Tản qua thơ Tản Đà, núi Ngự sông Hương sau khi đọc thơ Tố Hữu.
    
  Miền quê:
Quê tôi đó, mặt trông ra bể
Đốm hải đăng tắt loé đêm đêm
Con đê cát đỏ cỏ viền
Leng kêng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.   
   Miền quê:
       Ao làng trăng tắm mây bơi
       Nước trong như nước mắt người tôi yêu.
   Đó là Gò Me, một vùng quê thân thương lắm. 
   Thôn Cầu Quay cách trường chúng tôi chừng mười hai cây số. Đó là một hợp tác xã điển hình, tiên tiến. Nơi mà nhà văn Đào Vũ cũng thường xuyên”bám trụ”. Từ thực tế sinh động ở đây, Đào Vũ đã viết tiểu thuyết Cái sân gạch, một thời nổi tiếng. Sau đó ít lâu, ông còn xuất bản tiếp tiểu thuyết Vụ lúa chiêm.
   Ngày ấy, Trường Sư phạm tôi học, năm bảy trăm người, chỉ có vài người có xe đạp. Cả trường, thầy trò chư ai có xe máy.
   Tôi và Nghệ đi bộ từ sáu giờ chiều, vừa đi vừa hỏi đến chín giờ đêm thì tìm được nơi nhà thơ ở. Hoàng Tố Nguyên mặt to, tai lớn, thân hình béo đậm, một bàn chân đã mất. Anh phải dùng đôi nạng để đi lại. Một ngôi nhà tranh, vách đất nhưng sạch sẽ ngăn nắp. Thấy bọn chúng tôi, hai học trò sư phạm, đệ tử của thơ cất công lặn lội tìm đến nhà thơ, ông chủ nhà rất niềm nở, tiếp chúng tôi những chén nước chè xanh, một đĩa khoai lang luộc, ruột củ nào cũng vàng như nghệ. Với đám học trò chúng tôi ngày ấy, khoai lang cũng quý như nhân sâm. Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên mặc quần áo nâu, đi lại thường chống nạng, dáng to đậm, vầng trán cao, cặp mắt ngời sáng. Anh thân mật gần gũi chúng tôi ngay từ phút đầu gặp gỡ. Tôi được biết, theo tiếng gọi cứu nước, nhà thơ vào bộ đội từ năm 1945, khi 16 tuổi, nhiều năm làm công tác văn nghệ, từng công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Hồi ấy, nhà thơ đang là biên tập viên báo Độc Lập. Tôi được biết nhiều đêm, nhà thơ ra sân kho, họp với bà con xã viên hợp tác xã đến khuya, có khi chỉ ngồi trên chiếc quạt mo hoặc một nắm rơm vừa đập sạch thóc.
   Chúng tôi nhìn nhà thơ với con mắt “để ý” chiêm ngưỡng, như học trò trước một người thầy- “thần tượng”.  
   Chủ khách chuyện trò sơ sơ thì đã mười giờ. Ở nông thôn thời ấy mười giờ đêm thường đã đi ngủ cả, Ngủ sớm để mai dậy sơm, đi làm sớm.
   Tôi và Nghệ được xếp nằm chung giường với nhà thơ Hoàng Tố Nguyên. Nhà thơ nằm ngoài cùng, may mắn tôi được nằm giữa. Chủ nhà dành cho nhà thơ cái giường tre có mùng (màn) rộng. Tất cả ba người đều được nằm trong mùng. Thế là chủ nhà quý nhà thơ, quý chúng tôi lắm.
   Nằm trong mùng như đi ngủ, nhưng chúng tôi đâu có ngủ. Nhà thơ đọc thơ cho chúng tôi nghe, hết bài này sang bài khác. Với trí nhớ kỳ lạ, nhà thơ không cần sách vở, cứ đọc vanh vách. Giọng của nhà thơ trầm ấm, đọc nhỏ mà ngân lên sang sảng. 
   Nhà thơ đọc bài Với pho tượng đẹp:
Ước gì có một lời em
Để trong muôn vạn trái tim ngỡ ngàng…
    Giọng nhà thơ họ Hoàng rất lôi cuốn, sao với pho tượng mà có tiếng gọi em ơi? Thế giới thơ khiến tôi say mê, ngơ ngẩn.
   Nhà thơ đã đọc, bình giảng say sưa hàng chục bài thơ đã in trong tập Gò Me (tên quê ông, thuộc xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Nhà thơ có đọc thêm bài Sang xuân, một bài mới viết:
Nắng ửng chòm tre gió thoảng đưa
Búp non thắp sáng lá cành thưa
Chim mang tiếng hót ra phơi nắng
Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ.

Mạ kiễng chân cho đất đổi màu
Lá vươn sắc lục lửa lò cao
Hôm qua sông rét trùm mây ngủ
Nay đã dong buồm chở nắng xao…

   Nghe bài thơ, chúng tôi nhận ra đã có những nét về Cầu Quay- làng thôn mà nhà thơ đang về “thực tế”: chòm tre, sương trắng cỏ bờ, sắc mạ, cô gái tóc ủ hương bồ kết gánh cỏ qua đình... Được nghe thêm những lời bình ngắn của nhà thơ: Lửa lò cao cũng xanh như màu lá mạ. Câu Chim mang tiếng hót ra hong nắng là một sự sáng tạo. Nhà thơ còn nhắc nhủ chúng tôi về việc phải đọc sách, phải đi, việc lựa chọn đề tài, từ ngữ.
   Đêm đã khuya, trong mùng chúng tôi vẫn rì rầm. Bọn chúng tôi rất vui, chắc ông chủ nhà nằm giường bên cũng thích.
   Vầng trăng đầu tháng hé rạng. Cô gái cùng xóm mà tôi hằng mong đã đến. Chúng tôi nằm xuống vạt cỏ ven đê. Không thể kìm hãm được, tôi đã ôm hôn, mơn trớn vồng ngực nõn nà của nàng...
   Bỗng tôi bị gạt mạnh, chợt tỉnh.  
   Hôm sau, trở dậy, Hoàng Tố Nguyên nhìn tôi, nói: “Duy Phi ghê thật!”. Ông cười với nét khoan dung, độ lượng. Nhớ lại, đêm qua trong mơ, hình như tôi đã ôm hôn, sờ nắn ngực ông, tôi... không biết trốn đâu cho đỡ xấu hổ.
   Tôi và Nghệ nhớ ngay đến việc đi bộ mười hai cây số về trường, cho kịp giờ lên lớp buổi sáng. Chia tay với nhà thơ trong niềm quyến luyến. Đâu ngờ tạm biệt thành vĩnh biệt! Cuộc gặp nhà thơ, với chúng tôi là duy nhất.
   Ba năm sau, Trần Văn Nghệ xung phong nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, anh là một thương binh, đã xuất bản hai tập thơ. Không hiểu sao, từ khi gặp được nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, tôi viết lên tay hơn. Ngay từ cuối năm 1960, tôi đã có một số bài thơ được in trên báo Văn Học (tiền thân của báo Văn Nghệ). Ít lâu sau, trên đường về quê (Hạ Long- Phả Lại), Lý Biên Cương thường rẽ vào thăm tôi. Lại có lần, tôi vượt đò bến Bình sang Quốc Tuấn, Nam Sách gặp được thần đồng Trần Đăng Khoa và nhà thơ đã lừng danh thời ấy:Trần Nhuận Minh… Quan hệ được mở rộng dần, mình cũng vỡ vạc ra nhiều lắm.
   Với tôi, Hoàng Tố Nguyên là nhà thơ đầu tiên mà tôi được gặp. Tôi nhớ mãi một Hoàng Tố Nguyên đôn hậu, luôn vượt lên nỗi đau để có thơ, nhớ những tác phẩm của ông: Đất nước, Gò Me, Quê chung, Từ nhớ đến thương, Gửi chiến trường... , những tập thơ ấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhớ mãi cảnh quê Gò Me: Ao làng trăng tắm mây bơi/ Nước trong như nước mắt người tôi yêu... , chưa đến được mà da diết nhớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét