Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

* THIỀN SƯ VẠN HẠNH, BÀI THƠ TÌNH






                                                                                                       
    BÀI THƠ TÌNH 
     ĐẦU TIÊN THỜI LÝ 
    


    * Ảnh:  Tượng Thiền sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh
Đó là bài thơ Chính Nam, thời Lý, bài thơ có hình thức sấm ký: 

           Chính Nam

Chính Nam Phù Ninh hộ trạch thần
Vinh thế nam nữ xuất đa nhân
Thiên Đức phú quý mãn ốc thịnh
Bát phương hội Nữ thường xuất quân. 

Bài thơ này có quan hệ mật thiết tới Lý Công Uẩn. Nghìn năm nay, nhiều người vẫn tự hỏi: Ai là cha Lý Công Uẩn?
   Thuyết thứ nhất: người thần. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Lý Công Uẩn, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn (xã Tương Giang) cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua.
   Thuyết thứ hai: Lý Khánh Văn. Thời ấy đất Cổ Pháp (còn gọi là Diên Uẩn, tức Đình Bảng ngày nay) có chùa Lục Tổ (còn gọi là chùa Cổ Pháp, chùa Ứng Thiên Tâm, chùa Dận... .). Tại chùa này, có hai sư anh em ruột: Lý Vạn Hạnh (anh) và Lý Khánh Văn (em) cùng trụ trì. Sau, Vạn Hạnh vào tu trong chùa Tiêu Sơn (nay thuộc Tương Giang). Một đêm kia, đang ngồi thiền thì sư Khánh Văn nghe có tiếng trẻ khóc oa oa. Sư bèn ra “nhặt” đem về nuôi. Bấy giờ đã có câu ca cười giễu: Con ai đem bỏ chùa này/ Nam mô di Phật, con thầy thầy nuôi. Lý Khánh Văn không chỉ là cha nuôi mà còn là cha đẻ của Lý Công Uẩn.
   Thuyết thứ ba: Lý Vạn Hạnh. Bà Phạm Thị tuổi đôi mươi xinh đẹp. Do thường lên chùa cầu cúng mà bà Phạm Thị “vướng duyên” cùng sư Vạn Hạnh. Sư đã nhận Phạm Thị vào chùa làm các việc sắp lễ.
   Có nhiều giai thoại về “Cậu bé” Lý Công Uẩn: Một lần, Thiền sư Lý Khánh Văn thấy tượng Phật nước mắt giàn giụa bởi ở lưng bị “Cậu bé” viết mấy chữ Đày ba nghìn dặm (Đồ tam thiên lý). Một đêm vì nghịch bị phạt, nằm đất không chăn màn, muỗi đốt nhiều, Lý Công Uẩn ngẫu hứng, đọc: Thiên vi khâm chẩm, địa vi chiên/ Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên/ Dạ thâm bất cảm trường thân túc/ Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên. Dịch: Trời làm màn gối đất làm chiên/ Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên/ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
  Có thời kỳ, Vạn Hạnh lại đưa Lý Công Uẩn sang chùa Kiến Sơ (Phù Đổng), học Thiền sư Đa Bảo. Thấy tướng mạo Lý Công Uẩn, sư Đa Bảo nói: “Cậu bé này cốt tướng chẳng phải tầm thường, ngày sau làm vua ắt là người này”.
   Mãi sau, Vạn Hạnh mới đón Lý Công Uẩn về nuôi dạy. Triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan đến chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Khi Ngoạ Triều băng, Lý Công Uẩn được triều thần “dìu lên” chính điện, lập Thiên tử.
  Vạn Hạnh trước khi tu, họ tên ông là Lý Khánh Vạn, 21 tuổi mới xuất gia, Vạn Hạnh là tên nhà chùa, mới đầu học Thiền Ông đạo giả, sau chuyên tâm tu tập kinh Tổng trì tam ma địa. Bấy giờ sư nói ra điều gì, thiên hạ đều coi là sấm ngữ. Khi nhà Tống sai quân sang  xâm lược, vua Lê Đại Hành hỏi sư. Sư tâu: sẽ thắng, xin gấp tiến quân. Sau, quả vậy. Khi Lý Công Uẩn còn làm Thân vệ, “điềm lạ” xuất hiện nhiều nơi: xoáy lông trên lưng chó (Tuất, năm Canh Tuất trắng- 1010, người tuổi  Giáp Tuất lên ngôi) , trên cây đa ở chùa Song Lâm (làng Nành) có hình chữ Quốc, lại có bài thơ sấm mà sư yết bảng: Tật lê trầm Bắc thuỷ/ Lý tử thụ Nam thiên/ Tứ phương can qua tĩnh/ Bát biểu hạ bình yên - Gốc Lê chìm bể Bắc/ Chồi Lý mọc trời Nam/ Bốn phương tan giáo mác/ Tám cõi được bình an (Đoàn Thăng dịch). Các câu thơ sấm,  Thiền sư đều giải được, hợp với điềm: Nhà Lê mất, nhà Lý lên... Trước cửa chùa Tiêu Sơn có một gò đất cao, Vạn Hạnh bỗng bảo mọi người, đó là phần mộ của Hiển Khánh Vương, cha đẻ của Lý Công Uẩn. Vạn Hạnh nói: Một đêm, sư đang nhập định, nghe xung quanh ngôi mộ của Hiển Khánh Vương bốn phía đều có tiếng ngâm thơ, đó chính là các bài thơ: Chính Nam, Tây vọng, Bắc hướng, Đông hữu. Vạn Hạnh sai người ghi chép rồi viết vào biển gỗ đóng ở bốn phía xung quanh ngôi mộ ấy.       
   Trở lại với bài thơ Hướng Nam.
   Chính nam Phù Ninh hộ trạch thần/ Vinh thế nam nữ xuất đa nhân -  Hai câu đầu, ca ngợi làng Nành- Phù Ninh (cách Cổ Pháp chừng bốn cây số), quê bà Phạm Thị. Làng ấy có thần phù trợ, trai gái đông đúc, mọi người đều biết làm vẻ vang cho đời. Câu 3, Thiên Đức phú quý mãn ốc thịnh - không những nơi ấy mà cả vùng Thiên Đức (châu Cổ Pháp, vua cho đổi thành phủ Thiên Đức)  đầy những nhà giàu sang thịnh vượng. Câu 4, Bát phương hội Nữ thường xuất quân. Sao Nữ, một ngôi sao trong chòm Nhị thập bát tú, chỉ bà Phạm Thị. Tám phương trời hội tụ tinh anh trong ngôi sao Nữ này để sinh ra thánh quân, tức Lý Công Uẩn.   
   Dịch thơ:

Hướng Nam, thần hộ đất Phù Ninh
Trai gái đầy thôn, nức tiếng lành
Thiên Đức giàu sang no đủ khắp
Giữa trời sao Nữ, thánh quân sinh.
                              (Huệ Chi)
   Thiền uyển tập anh, cuốn sách về đạo Phật, được bắt đầu ghi chép từ thời Lý, viết rõ: Sau khi luận giải về bài thơ, Vạn Hạnh còn nói: “Có lẽ chỉ trong vòng ba tháng nữa quan Thân vệ (tức Lý Công Uẩn) sẽ chống đỡ xã tác, cầm giữ ấn chữ quốc”.
   Đến đây, chúng ta có thể phán đoán ra, mối quan hệ mật thiết giữa Vạn Hạnh, Phạm Thị và Lý Công Uẩn. Nếu không có tình, làm sao Vạn Hạnh lại nhớ rõ: Lý Công Uẩn sinh vào đêm 12 tháng 2 năm Giáp Tuất- 974 ? Sư bảo gò đất trước chùa Tiêu là mộ Hiển Khánh Vương (?). Sau khi lên ngôi, dời đô ra Đại La, đặt lại tên là Thăng Long, Lý Công Uẩn truy phong cha (dưới nấm mộ?)  là Hiển Khánh Đại Vương, mẹ là Minh Đức Thái Hậu. Vạn Hạnh nghe được thơ sấm, “cho người chép” (?) và lại giải thích được những chữ uẩn súc trong thơ sấm. Không có tình có ý, sao sớm tôn bà Phạm Thị lên thành “sao Nữ” do tám phương hội tụ. Tương truyền, một đêm khuya phải thổi xôi, bà ngủ trên nền chùa, sư Vạn Hạnh đi qua vô tình chạm vào chân, bà “rùng mình”, từ đấy có thai. Đến kỳ Phạm Thị mãn nguyệt khai hoa, Vạn Hạnh bảo bà sang nhờ Lý Khánh Văn, bên chùa Lục Tổ. Bà sinh con đêm 12 tháng 2 năm Giáp Tuất- 974, lấy họ Lý, đệm là Công ( lập công, công danh),  đặt tên  là Uẩn (vừa có nghiã: chứa cất, sâu kín vừa là tên quê Diên Uẩn).   
  Đến năm 1990, người dân Tương Giang tìm được tấm bia tứ diện tại chùa Tiêu có khắc chữ Hán là Lý gia hình thạch (hòn đá thiêng ghi về dòng họ Lý), mới hé mở đôi điều và thấy thuyết thứ ba gần với sự thực hơn cả: Lý Công Uẩn ra đời là kết quả của cuộc tình đượm màu huyền thoại giữa chàng trai trụ trì là sư Vạn Hạnh (T.S Lê Văn Yên) và cô gái tên là Phạm Thị Ngà. Theo Cổ Pháp cố sự của Nguyễn Khôi ( người Đình Bảng) thì sau khi sinh Lý Công Uẩn, bà Phạm Thị trở lại chùa Tiêu Sơn, nơi Vạn Hạnh đang trụ trì, làm Thủ hộ...   
   Dù sao, cũng không có đủ chứng cớ chứng lý để khẳng định Vạn Hạnh trăm phần trăm là cha đẻ của Lý Công Uẩn, vẫn còn khoảng chìm khuất. Chỉ có một điều chắc chắn, bài thơ Chính Nam, những vần thơ rất có ý nghĩa đối với vận mệnh dân tộc thời ấy, cũng là những vần thơ ca ngợi, làm đẹp lòng người đẹp. Nhiều người cho rằng: Đó là một bài thơ tình sớm nhất, một trong số những bài thơ xứ Bắc “mở mồm” cho nền văn học viết của nước Đại Việt. 


------------
             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét