Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

VỀ THƠ NGUYỄN TRÂN TRÂN - BÀI: ĐẶNG VĂN SINH





BS - NT NGUYỄN TRÂN TRÂN 

Quê: Khoa Giáp, Tĩnh Gia, Thanh Hoá; 
định cư tại Thị trấn Bến Tắm, Thị xã Chí Linh, Hải Dương. 
Nghề nghiệp: Bác sĩ Thú y.        
Đã xuất bản tập thơ Miền quê ngoại , Nxb Văn học- 2009. 


    Thăm thẳm non sông
     một kiếp người

        NV Đặng Văn Sinh
     viết về thơ Nguyễn Trân Trân 


Với Nguyễn Trân Trân, thơ là một cái gì mang màu sắc thần bí, mà những tín đồ của nó, nếu không đủ tỉnh táo sẽ lạc vào mê hồn trận của thứ "đạo" tự kỷ ám thị. Hơn thế nữa, thơ tuy là thể loại văn học tao nhã, sang trọng, nhưng cũng có thể mua bán được như các mặt hàng thông thường ngoài chợ trời. Quan niệm về thi ca thời mở cửa của một bác sĩ thú y ở vào cái tuổi quá niên trạc ngoại thất tuần này thật chẳng giống ai. Tôi quý ông là chính bởi những ý tưởng độc đáo ấy, mặc dù, đôi lúc cũng thấy chạnh lòng cho khách văn chương.
Nguyễn Trân Trân "chơi" thơ nhưng không coi đó là mục đích của đời mình. Ông làm thơ bằng...tay trái, trong khi tay phải, thế mạnh của vị doctor đa tài này lại dùng để chữa...trâu, cứu cho hàng ngàn bà con nông dân những bàn thua hàng chục triệu.
Hóa ra quan niệm của ông ngày càng đúng khi mà thị trường thơ đang ở vào thời kỳ tiền khủng hoảng. "Thi hữu" của đủ loại câu lạc bộ đua nhau mọc lên như nấm mùa xuân. Mỗi năm có hàng vạn tập "văn vần" hoặc "tấu thi" được xuất xưởng từ những nhà  xuất bản danh giá. Có không ít ấn phẩm dày cả gang tay kèm theo phần trích ngang cùng ảnh màu chân dung tác giả. "Nhà" nào cũng comples, cravate bảnh chọe với gương mặt đầy vẻ tự mãn.
Sở dĩ tôi lan man đôi chút là để nhấn mạnh một điều, Nguyễn Trân Trân yêu thơ nhưng không coi thơ là canh bạc để rồi đặt cược cả cuộc đời vào đó. Thơ, dù sang trọng nhưng không phải là tất cả. Nó cũng có thể thành yêu ma khi mà người ta tước đi mất phần hồn, biến nó thành công cụ đánh bóng cho nhân cách văn hóa nhếch nhác . Loại thơ ấy chính là thơ "loạn", bởi ai cũng có thể làm được, chẳng ai phục ai, cãi nhau loạn xà ngầu, vì thơ không còn chuẩn mực, tạo ra một thứ "văn chương ba rọi", làm ô nhiễm môi trường .
Cầm tinh con trâu, kéo cày ba phần tư thế kỷ, chìm nổi một kiếp nhân sinh, bản thân Nguyễn Trân Trân đã là một "toàn tập"... "Trầm luân" nhưng ông lại đặt tên thi phẩm của mình là Miền quê ngoại. Ấy là một vùng đất mặn mòi sóng biển, tiếng gió lao xao hàng sa mộc, nâng cánh cò chao nghiêng, thoảng giọng ru hời ngọt ngào của người bà đôn hậu đã khuất núi, chỉ còn hình bóng trong ký ức. Miền quê ngoại đầy tâm trạng có lẽ bởi cuộc đời tác giả đã trải lắm đắng cay. Tâm hồn ông vốn đa cảm nên những vần thơ thường phảng phất nỗi u buồn, thiên về hoài niệm. Những hoài niệm ấy, lúc đậm lúc nhạt, lúc sôi nổi, lúc trầm tĩnh, âm thầm như dòng sông ngầm, lặng lẽ nối liền quá khứ với hiện tại, bồi đắp tâm hồn, tìm về ký ức hầu như đã lãng quên, bất ngờ được kích hoạt để rồi hiển hiện thành những vần thơ tâm huyết.
Có thể xem, thế mạnh của Nguyên Trân Trân qua Miền quê ngoại là những vần thơ nảy sinh từ hệ thống ký ức. Ký ức của ông có nhiều tầng nhiều vỉa. Ông đào bới ký ức như người thợ lò bền bỉ, nhọc nhằn tìm kim loại quý, rồi đến một lúc nào đó ắt tìm ra cái mà mình muốn tìm. Những bài thơ thuộc về "miền ký ức" của ông tràn đầy niềm thương nhớ. Ở đấy, hình ảnh hiện lên như một phiên bản của thời thơ bé, vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Lại nữa, trong ông đôi lúc dường như có hai thứ quê hương. Quê hương thời tuổi mộng mơ thì xa tít tắp ở đâu đó mãi vùng trời hoang tưởng, chỉ như chút dư ba của những mối tình bâng quơ, lãng đãng màu sương khói, hiện lờ mờ trong ký ức suốt hành trình nhọc nhằn kiếm sống. Cái còn lại chỉ là một thứ "vỏ" quê hương thời mở cửa, hỗn loạn bởi nhạc Pop, nhạc Rock xập xình tra tấn thiên hạ từ những quán Bar của nền văn minh đô thị sống sượng:



            Đời người bãi bể nương dâu
            Làng ta hóa phố từ lâu mất rồi
                                                    Quê hương
Làng hóa phố, mọi giá trị văn hóa truyền thống tưởng như bền vững bỗng chốc trở thành thứ xa xỉ, chỉ dành cho những kẻ "ấm đầu" hoặc sắp vế với tổ tiên. Cũng may, trong thời buổi mọi thứ đều có thể bán được để quy ra tiền thì vẫn còn chút triền đê lấp vào nơi trống vắng tâm hồn kẻ lãng du:
            May còn vạt cỏ chân đê
            Vẫn xanh như lối đi về ngày xưa
                                            Quê hương
Cùng với ký ức quê hương là những vần thơ về mẹ và mối quan hệ gia đình. Tình cảm gia đình luôn là điểm tựa tinh thần để Nguyễn Trân Trân chịu đựng sự va đập của cuộc sống, tìm thấy niềm lạc quan trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, cho dù không phải lúc nào cũng thành công.
Hình ảnh người mẹ tần tảo với gánh hàng vải thập thững trên đường rừng đầy bất trắc luôn hiển hiện trong tâm tưởng người con trai xa xứ. Đó là những vần thơ đau đáu niểm thương yêu, sự kính phục cũng như nỗi ân hận về một thời tao loạn, đói nghèo cùng với tham vọng điên rồ "sắp xếp lại giang sơn" của những ai đó, đã khiến tác giả trở thành kẻ bất hiếu với chính người đã đẻ ra mình. Trong số những bài viết về mẹ thì Mẹ tôi được xem là có sức nặng nhất cả về lượng lẫn phẩm. Đó là những vần thơ cay đắng, xót xa, nghe như dao cứa vào lòng:
            Bố ra trận mẹ đi buôn chuyến
            Hết chợ Si rồi lại chợ Hàu
            Đêm gánh vải qua Khe Nước Lạnh
            Chợt rùng mình, mùi cọp thoảng bờ lau.
Hình ảnh người mẹ vun vén cho cuộc sống đàn con để người cha đi chiến trận được tác giả đẩy lên một tầm cao mới, tầm Tổ Quốc, làm người đọc liên tưởng đến những bà mẹ Việt Nam đang gánh cả đất nước trên đôi vai gầy qua mấy cuộc chiến tranh:
            Dẻo dai  vô cùng là bờ vai mẹ
            Mấy lớp chai giờ đã hóa sừng
            Gánh cả giang sơn trên đường ngàn dặm
            Ký ức ùa về, lòng bỗng rưng rưng.
Chiến tranh kéo theo bi kịch của cả một dân tộc. Hàng triệu chàng trai trẻ một đi không trở lại, đúng như Vương Hàn đã từng cảm tác trong bài Lương Châu từ:" Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Mấy chục năm rồi, Nguyễn Trân Trân vẫn canh cánh bên lòng về nỗi người em trai chẳng biết gửi xác nơi nào ở chiến trường miền Nam. Đêm mưa dầm rả rích, tiếng tắc kè đằng sau tấm bằng Tổ quốc ghi công, như có thần giao cách cảm, ông chợt thoáng thấy hình hài  đứa em liệt sĩ từng tình nguyện viết đơn nhập ngũ :
            Tiếng tắc kè sau tấm bằng Tổ quốc ghi công
            Sắp về! Sắp về!
            Ba mươi năm có lẻ
            Mà hồn em còn khắc khoải nhớ quê.
                                                     Sắp về
Cái cách diễn đạt ngôn từ ở đây mạng đậm tính biểu tượng. Đằng sau những con chữ như có hồn phách ấy là sức nặng của nỗi đau trầm tích từ một phần ba thế kỷ.
Cũng là nói về tình yêu nhưng tình yêu trong thơ Nguyễn Trân Trân phần lớn thuộc về thời trai trẻ, giờ tất cả đều thành kỷ niệm êm êm, minh chứng cho thứ tình yêu Platonique vốn là sản phẩm của dòng văn học lãng mạn từng được ông nhập tâm quá nhiều sau thời kỳ buộc phải bỏ quê ra Hà Nội. Đất Hà thành ngày ấy còn nhiều người tốt. Một gia đình trí thức có tên tuổi đã hào hiệp cưu mang chàng sinh viên nghèo xứ Thanh sau cơn gia biến. Cùng với những trang Tự lực văn đoàn, nhân cách Nguyễn Trân Trân dần dần hình thành sau khi tiếp nhận nền văn hóa đất Kinh kỳ qua những nhà văn hóa lớn vốn được đào tạo khá bài bản từ nền giáo dục tiến bộ phương Tây. Đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để sau này ông có những bài thơ tình yêu đầy chất lãng mạn bay bổng, thậm chí yêu đến đắm đuối, si mê nhưng vẫn không gợn chút dung tục của những kẻ phàm phu. Cách lập tứ, lập ý và cả phong vị thơ nữa đều có cái gì bàng bạc, gián cách với đối tượng, tạo nên một ấn tượng đẹp, khác hẳn với lối yêu đương chụp giật ngày nay:
            Giang hồ là cách đời anh chọn
            Người bảo tình ta đợi kiếp sau
            Cho dẫu kiếp này ta chẳng trọn
            Đoạn tuyệt nhau là đã vì nhau.
                                                            Đoạn tuyệt
Trong Vầng trăng khuyết, tình yêu là một cài gì đó mang tính ước lệ, nửa hư, nửa thực nhưng thân phận của những người trong cuộc thì lại như vừa trải qua một kiếp đoạn trường :
            Chợ tình xế bóng qua chiều
            Câu thơ đứt đoạn, trang Kiều xa xăm.
Đọc Miền quê ngoại, ngoài những trang rất xúc động về tình yêu, Nguyễn Trân Trân cũng còn khá đa dạng ở mảng  thơ thế sự. Đây là chủ đề chiếm số lượng nhiều nhất, cập nhật nhất, cho dù không phải bài nào cũng thành công, nhưng người đọc tinh ý vẫn thấy được tình đời, tình người với đủ cung bậc thăng trầm trong cõi trần bụi bặm này hiển hiện qua những  ý tưởng táo bạo.
Gọi là thơ "thế sự" bởi nó là cách nhìn của tác giả về những hiện tượng đời sống văn hóa xã hội qua lăng kính chủ quan của cả một đời chiêm nghiệm. Thực ra, cái nhìn cuộc sống mang tính phản biện đôi khi chỉ là lát cắt ngẫu nhiên, nhưng không hiếm trường hợp ông chọn được những điểm khá đặc trưng , mà qua đó ta có thể khái quát thành quy luật mang tính phổ biến. Bài Tô Thị xi măng là một ví dụ :
            Ai đúc xi măng thành Tô Thị
            Bày trò hóa đá để đùa chơi?
Luôn trăn trở bởi nhân tình ấm lạnh, thế sự sớm nắng chiều mưa, từ quán chè xanh của người thương binh cụt tay sống mỏi mòn bằng đồng tiền trợ cấp chỉ có giá trị tượng trưng, ông xúc động viết những dòng khá là đắng cay tặng bạn:
            Giấc mộng công hầu, hồn tráng sỹ
            Chìm trong tàn phế một kiếp người.
                                           Quán thương binh
Trước cây thông cảnh bị giam hãm trong chậu sứ, Nguyễn Trân Trân liên tưởng đến thân phận nổi chìm của một trí thức tài hoa luôn bị đời hắt hủi bằng những câu thơ cảm khái:
            Khách đa tình lặng đứng trước màu xanh
            Ngắm thế cây dáng hình "thác đổ"
            Bỗng thấy lòng bồn chồn thương nhớ
            Một cây thông heo hút phía chân trời.
                                                   Cây thông cảnh
"Trăm năm một cuộc bể dâu". Có lẽ đó là vận số của đời người mà Nguyễn Trân Trân cho dù từng trải đến mấy cũng khó mà tính hết được. Quẻ "Tiên thiên" của chủ thể sinh năm Đinh Sửu vướng vào vòng Thủy lôi truân mà Nguyên đường lại nằm ở trên cùng của Hạ quái (hào 3 quẻ Chấn) là thế. Cứ từ tượng quẻ mà suy, ông là người có cả Thiên nguyên khí lẫn Địa nguyên khí, nghĩa là lúc vừa mới sinh ra đã được trời đất ban cho linh khí, nhưng lại bị hãm bởi quẻ Khảm ở trên. Mà Khảm thì hung hiểm vô cùng. Tiếc cho một đời tài hoa.
Để khép lại đôi dòng tản mạn về Miền quê ngoại vốn đã khá dài, tôi xin dẫn thêm hai câu như một dự cảm  vốn có sẵn ở quẻ Tiên thiên trong bài Tôi của ông:
            Chiều về Bến Tắm mờ sương khói
            Thăm thẳm non sông một kiếp người...
                                                                                                          

                                                                 ĐVS







 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét