Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

HUYỀN QUANG, TƯỚNG GIẶC THỜ PHỤNG - BÀI: DUY PHI




CHÙA CÔN SƠN 
Chí Linh - Hải Dương


THIỀN SƯ 
HUYỀN QUANG
TƯỚNG GIẶC HOÀNG PHÚC
THỜ PHỤNG  

                                         DUY PHI




Huyền Quang (1254- 1334), tên gốc là Lý Đạo Tái, người làng Vạn Ty, Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh). Khoa Giáp Tuất 1274, ngài đỗ Trạng nguyên khoa thi Tam giáo.
Cách đây chừng năm mươi năm, hồi đó tôi còn là một học sinh lớp 6 cấp II (bằng lớp 8 bây giờ), tôi có đến Thái Bảo (nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh) - quê hương của Lý Trạng nguyên. Dạo ấy, bọn tôi dời trường đi làm công tác xã hội, tôi vác loa sắt lên ven đê, đầu chợ của làng gọi loa, vận động bà con đi học bình dân học vụ. Nhân lúc nghỉ, hỏi thăm cái làng Vạn Ty - Vạn Tải sinh ra Lý Đạo Tái - Huyền Quang, một bà chỉ tôi: Ở làng kia. Tôi nhìn phía ấy, ngoài đê, xa tít, chỉ thấy mấy chỏm tre nhô lên mặt nước, mênh mông. .  Nay, trở lại, chợ ấy vẫn còn, xưa lều mái rạ, giờ mái tôn mái ngói. Xe máy phóng lên mặt đê, hỏi ra, đền thờ Huyền Quang ngay trong chùa Đại Bi. Trong ký ức ít ra phải vài cây số mới tới, nay, chùa Đại Bi ngay trước mặt, chỉ phải đi chừng…  nửa cây số.  Thì ra nhầm, cứ tưởng Vạn Ty và Vạn Tải liền nhau. Bây giờ mới vỡ lẽ, Vạn Ty là đây, một thôn thuộc xã Thái Bảo, còn Vạn Tải là thôn ở đằng xa, thuộc xã Vạn Ninh, chỗ mấy chỏm tre ngoi giữa nước ngày xưa. Huyền Quang ở Vạn Ty, ngay chùa Đại Bi này.
 Nhưng chùa Đại Bi ngày đó trong nước ngập?     

Chúng tôi vào chùa, gặp ông thủ từ có vẻ cán bộ xã. Ông thủ từ nói, nhà sư về Hà Nội tu nghiệp đã hai năm, ông - tên là Nguyễn Bá Môn, được các cụ Ban kiến thiết cử ra đây coi chùa, hương nến. Ông Môn pha một ấm trà. Tâm sự. Ông Môn từng là lính vượt Trường Sơn, chiến đấu ở khu B, khu C, từng làm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch xã Thái Bảo… Ông mở cửa chùa, mở cửa đền thờ Lý Trạng nguyên thắp hương. Chúng tôi bái lạy anh linh ngài. Đến lúc ra sân phía cửa đền, chúng tôi thấy có một tấm bia lớn. Trên bia có mấy đại tự: ĐỆ TAM TỔ LÝ TRẠNG NGUYÊN HÀNH TRẠNG.   Sao chùa lại có tên Đại Bi? Chữ Hán, có từ Bi: tấm bia. Chùa Đại Bi: chùa có tấm bia lớn? Song, tấm bia này đâu có bằng bia Vĩnh Lăng- Thanh Hóa, sao bằng bia Khiêm Lăng -  Huế… Tấm bia này chưa đến mức thành tên chùa. Đại Bi: Nỗi Buồn Lớn? Hơi bị khó nghe. Các cụ ở làng nào lại chịu cho ai đó đặt tên cho chùa làng mình là chùa Nỗi Buồn Lớn. Băn khoăn cả tháng về hai chữ tên chùa, tôi trao đổi với nhà văn ĐVS, anh ta hiểu rộng Phật học. Cũng đến mấy hôm sau, ĐVS mới hồi âm: có một bộ kinh Phật mang tên Đại Bi. Ồ, vậy chăng? Hẳn là ngôi chùa này mang tên một bộ kinh Phật… 
  
Từ lâu, chùa Đại Bi ven sông Đuống đã là một danh lam. Huyền Quang khiến quê hương Vạn Ty trở nên danh tiếng. Sinh thời, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726- 1784) từng đến thăm chùa Đại Bi, có thơ vịnh, tưởng nhớ Huyền Quang - Trúc Lâm Đệ Tam Tổ:  

…Hướng trục chiếu tàn đào diệp nguyệt,
Thiền quan xuy bắc địch hoa phong.
Trúc Lâm sư đệ thần lưu ngoại,
Tức Mặc giang san mộng tỉnh trung…
 Dịch thơ:  
…Lá đào, nắng tắt, trăng soi
Cửa chùa gió, lau bời bời trổ bông
Linh ngài đâu đó từng không
Trần triều mộng tỉnh sáng bừng nước non…
                                   
 Mấy chữ ĐỆ TAM TỔ LÝ TRẠNG NGUYÊN HÀNH TRẠNG, thì LÝ: Lý Đạo Tái. HÀNH TRẠNG: tức công trạng, một bản “trích ngang” sơ yếu lý lịch vậy. 


NT VŨ TỪ SƠN
BÊN BIA ĐÁ ĐỀN THỜ HUYỀN QUANG 
Ảnh: 25/ 3/ 2012 tại chùa Đại Bi  



PHÍA TRÊN BIA CÓ DÒNG CHỮ LỚN: 
ĐỆ TAM TỔ LÝ TRẠNG NGUYÊN HÀNH TRẠNG 





ĐỀN THỜ TAM THÁNH TỔ 
TỪ TRÁI:
VŨ TỪ SƠN - DUY PHI 






Ba chữ ĐỆ TAM TỔ thì nhiều sử sách đã ghi.
Thân phụ của Huyền Quang là Lý Quang Dụ, có công đánh giặc Chiêm sang quấy nhiễu, được triều Trần bổ làm quan. Ông không nhận, chỉ ham thích văn chương chữ nghĩa, dạy dỗ con cháu. Ba mươi tư tuổi, thân mẫu Huyền Quang mới sinh ra ngài. Tư chất, từ nhỏ ngài đã rất thông tuệ. Sau khi đỗ Trạng, ngài được bổ làm ở Hàn Lâm viện, soạn thảo văn thư và làm việc bang giao. Mỗi lần ngài giao tiếp, các sứ giả Tầu, Chiêm đều nể trọng. Tương truyền, thuở hàn vi, ngài đi hỏi vợ mấy đám đều bị từ chối. Đến khi ngài đỗ Trạng, có đến hàng ngàn quan lại, nhà giàu muốn gả con gái cho ngài. Ngay cả vua Trần, cũng muốn gả cháu gái là công chúa Liễu Nữ cho ngài. Chuyện vậy, nên dân gian có câu: Lúc khó thì chẳng ai nhìn/ Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên! Song thật kỳ lạ, ngài không lấy ai. Năm ngài 50 tuổi, chưa vợ, lần ấy về chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết giáo, ngài bỗng thấy mình như được tắm trong hào quang của mười phương chư Phật, bèn xin vua cho xuất gia, do khẩn khoản, vua chấp thuận. Năm 1306, Huyền Quang được làm thị giả cho Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - Đệ Nhất Tổ. Trần Nhân Tông đã giao cho ngài soạn một số sách về Phật học: Chư phẩm kinh, Thích khoa giáo… , lại trao cho việc khảo đính sách Tam tổ thực lục. Điều ngự Giác hoàng từng khen ngài: ”Sách do Huyền Quang biên soạn không thể thêm một chữ, không thể bớt một chữ”. Ngài tu ở Hoa Yên - Yên Tử chừng 20 năm, trong đó có 16 năm làm Trưởng sơn môn Yên Tử (từ khi Đệ Nhất Tổ viên tịch - 1308).  Những năm tháng ở Hoa Yên, sau các buổi đọc kinh, tụng niệm, ngài thường mải mê với mai, thông , cúc, trúc, làm thơ, ngâm vịnh.  Ngài viết nhiều bài thơ chữ Hán giàu cảm xúc, đậm nét Yên Tử. Xin dẫn bài YÊN TỬ SƠN AM CƯ:

Am bức thanh tiêu lãnh
Môn khai vân thượng tằng
Dĩ can Long Động nhật
Do xích Hổ Khê băng
Bảo chuyết vô dư sách
Phù suy hữu sấu đằng
Trúc lâm đa túc điểu
Quá bán bạn nhàn tăng.

Dịch thơ:

Ở am núi Yên Tử

Nhà am lạnh, sát trời xanh
Cửa am mở giữa bồng bềnh mây cao
Mặt trời Long Động ngọn sào
Hổ Khê còn đọng thước sâu băng dày
Vụng về không chước gì hay
Thân già nhờ chiếc gậy mây đỡ, dìu
Trong rừng trúc, chim nhiều sao
 Bầy chim quá nửa bạn bầu với sư.
                                       (Duy Phi dịch)
 
Năm 1313, dưới triều vua Anh Tông, sư Huyền Quang bị một nỗi oan.  Số là Huyền Quang bị một số quan lại trong triều dèm pha, cho là ngài làm thơ phú, không chân tu. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi còn nói thêm: Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt ( vẽ hổ vẽ được da, khó vẽ được xương).  Vua Anh Tông bèn cho cung nữ Điểm Bích, xinh đẹp, giỏi thơ văn, hoạt ngôn lên Yên Tử để thử phẩm chất đạo cao đức trọng của vị quan Trạng này.  Vua dặn: Huyền Quang có mấy thoi vàng, xưa trẫm ban cho, nếu dỗ khéo thì mang được thoi vàng về làm chứng. Lĩnh chỉ, Điểm Bích lên Yên Tử.  Gần hai tháng sau, Điểm Bích hồi cung, nàng mang được một thoi vàng, đúng là thứ vàng vua đã ban cho Huyền Quang. Nàng lại đọc cả thơ Huyền Quang nữa. Điểm Bích nói, nàng xin được chân quét sân chùa, rồi được vào hầu trà Thiền sư, dần quen.  Đêm ấy, độ canh ba,  thấy Thiền sư ngâm ngợi mãi bài thơ: Vằng vặc giăng mai ánh nước/ Hiu hiu gió trúc ngâm sênh/ Người hoà tươi tốt cảnh hoà lạ/ Mâu Thích Ca nào thử hữu tình. Ý của bài thơ là, Ánh trăng, gió trúc Yên Tử tuyệt đẹp. Đạo Thích Ca không có vui thú hữu tình như thế. Nàng liều vào gặp, kể khổ. Kể rằng, thân phụ nàng đi thu thuế, được mấy dật vàng,  mang về kinh đô nộp, đêm ngủ ở nhà trọ, không may bị kẻ gian lột hết. Nhà nàng đã bán hết gia sản, vẫn thiếu. Xin được Thiền sư ra tay tế độ vớt người trầm luân. Huyền Quang giữ nàng ngủ lại, rồi cho dật vàng.
Nghe tâu vậy, vua rất giận. Bèn mở hội Vô Già, cho mời sư về để làm chức mật án pháp trong lễ. Thiền sư Huyền Quang về, thấy lễ mà bày ra toàn vàng bạc châu báu, và toàn cỗ mặn… , lại nhớ, mới gần đây, một mỹ nhân đến gặp tại sơn môn Yên Tử, biết là đã và đang bị thử. Huyền Quang bèn ngửa mặt lên trời than thở, rồi lấy cành liễu xanh vảy nước tưởi rửa khắp đàn hội, lầm rầm niệm chú. Bỗng trời tối sầm. Một cơn gió lạ ào đến. Phút chốc, bao nhiêu cỗ mặn thành cỗ chay cả.  Bấy giờ, vua Anh Tông mới tỉnh ra, biết Huyền Quang vẫn là bậc chân tu, cao đạo pháp, không như Điểm Bích nói, một số quan trong triều xuyên tạc. Vua giao cho các quan tra xét lại,  Điểm Bích đã nhận tội, vu oan cho Huyền Quang. Nhiều lần, Điểm Bích liếc mắt đưa tình, buông câu lơi lả mà Huyền Quang không hề xiêu lòng. Không có chuyện mây mưa, ân ái. Nàng có được dật vàng, chi là do khéo bịa chuyện, khóc lóc. Thương tình, Huyền Quang và nhà chùa làm phúc, cứu mệnh mà thôi. Vua giáng Điểm Bích xuống làm kẻ quét rửa chùa Cảnh Linh phía sau cung điện.    
Đến năm 1324, tuổi bảy mươi, lập sư khác làm Sơn môn Yên Tử thay mình, ngài về trụ trì tại chùa Thanh Mai. Năm 1330, được Đệ Nhị Tổ truyền đăng nối dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, Huyền Quang trở thành Đệ Tam Tổ. Sau đấy là bốn năm Huyền Quang làm Giáo chủ - Quốc sư, ngài trụ trì tại chùa Tư Phúc (Côn Sơn) cho đến khi viên tịch.  



CÂY ĐẠI
TRONG CHÙA THANH MAI - CHÍ LINH 

Thành ra, mấy chục năm qua, dẫu không cố ý mà tôi đã đi theo dấu tích của ngài: từ Thái Bảo bên dòng sông Đuống đến Yên Tử, Thanh Mai, Côn Sơn… 
Về Thiền sư Huyền Quang còn có một chuyện kỳ bí, thú vị.
Vào thời Minh (Trung Quốc), Thượng thư Hoàng Phúc sang ta, trong những lần vơ vét, hắn đã lấy được bản gia lục của Quốc sư Huyền Quang đem về phương Bắc. Về Hoàng Phúc, ta nhớ trận đánh vào tháng 10 năm 1427, Nguyễn Trãi đã thâu tóm chân dung tướng giặc ấy trong mấy câu của Đại Cáo Bình Ngô: Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin đầu hàng/ Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt.
   Xin dẫn lại một đoạn chép tay bằng chữ Hán, không biết từ đời nào, sao lại vào năm 1962: Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang sự tích thực lục- Ghi chép sự thật về sự tích Huyền Quang, vị thánh tổ thứ ba Thiền phái Trúc Lâm (Hoàng Giáp, Nguyễn Khắc Minh - Di sản Hán Nôm… Chí Linh , NXB CTQG - 2006): Hoàng Phúc đem được bản gia lục của Quốc sư Huyền Quang về Trung Quốc. “Thế rồi những năm tháng sau đó, Hoàng Phúc luôn nằm mơ thấy Quốc sư gọi, đòi gửi trả về nước cho con cháu, nhưng chưa có lúc nào thuận tiện để gửi trả. Hoàng Phúc bèn cầu khấn tại ngôi chùa quê mình xin được thờ cúng Quốc sư, hễ cầu xin gì đều được linh ứng, nên đề tên chùa là An Nam Thiền sư Huyền Quang. Đến năm Gia Tĩnh,  Tô Xuyên hầu (Lê Quang Bí) đi sứ nhà Minh 19 năm (bị giữ) mới về nước. Cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Hàm Tổ bồi tiễn, lại nằm mơ thấy Quốc sư gọi đòi…”. Nhưng mãi đến khi Trình Tuyền hầu (Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491- 1586) đi sứ, nhân buổi mừng sứ giả, mới lấy được gia lục đem về nước. “Sau đó, Trình Tuyền hầu có làm bài văn để biện minh cho việc này”.     

Cùng với Huyền Quang thiền sư còn có một Huyền Quang thi sĩ. Ngài có tập thơ Ngọc tiên tập. Thơ ngài, Lê Quý Đôn khen: ý tinh tế cao siêu. Ngài là một đại thụ thi ca đời Trần. Ngày nay, đi đến các chùa vùng Yên Tử: Vân Tiêu, Côn Sơn, Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Bổ Đà… , hàng trăm chùa, trên bệ Phật chính đều có ba pho tượng: Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ Trần Nhân Tông, Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Trúc Lâm Đệ Tam Tổ Huyền Quang.
Kỳ lạ thay, thời Lý Trần, cùng một dải đê, từ Thái Bảo về đến Đông Cứu chỉ chừng bảy tám cây số, mà có hai vị Trạng nguyên (Lý Đạo Tái, Lê Văn Thịnh) đức độ, tài danh, hương thơm muôn thuở./. 

                                                                                                                        DP










Chú thích, 3 ảnh cuối: 

- NT VŨ TỪ SƠN RA CỔNG ĐẠI BI TỰ  
- NT DUY PHI BÊN BIA CỔ                           
- NT DUY PHI  & ÔNG NGUYỄN BÁ MÔN
                            (Ảnh 25/ 3/ 2012)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét