Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

MÁY BAY ĐANG BAY - NGUYỄN HOA

NT NGUYỄN HOA

vừa xuất xưởng tập thơ 
MÁY BAY ĐANG BAY VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC 


Năm nhà thơ, từ trái: 

NGUYỄN HOA,  THIẾU KHANH, 
HOÀNG HƯNG, NGUYỄN TRỌNG TẠO, HỮU THỈNH






BÌA TẬP THƠ MỚI XUẤT XƯỞNG 
NT & HS NGUYỄN TRỌNG TẠO TRÌNH BÀY 


Trên bìa 4, (trích):

Nguyễn Hoa nổi tiếng với những bài thơ ngắn, thơ cực ngắn. Đây là loại thơ dồn nén cảm xúc và trí tuệ lên con chữ, chưng cất nên những tứ thơ rượu mạnh...  
Bỗng trên tay tôi những bài thơ dài, có A có B có Chương có Đoạn. Tôi đọc anh mà hình dung ra cả con đường nhọc nhằn gian khó của đời lính đời thơ đời sông đời núi. Những bài thơ hổn hển trải lòng nhà thơ sau những cuộc đi dài, sau những chiêm nghiệm đời người đêm trắng, sau những gian lao được mất sống còn. Và tôi gặp một Nguyễn Hoa trăn trở nghĩ suy ghi ghi chép chép trang trải nợ người, một Nguyễn Hoa như thoát ra khỏi nỗi lo "MÁY BAY ĐANG BAY ở độ cao trên bão" để nhìn về phía trước biết "Đường thơ còn dài"... 
                                          Nhà thơ NGUYỄN TRỌNG TẠO




MÁY BAY ĐANG BAY 
(Trích) 


                 Kỷ niệm 
                 ngành Hàng Không Việt Nam 

... Tôi vẫn biết
Máy bay đang bay
Ở độ cao trên bão
Ở độ cao đảm bảo...
Và đường bay ngắn nhất
Tân Sơn Nhất - Nội Bài
1300 ki lô mét dài
Những người lái còn tính thêm độ gió dạt...
Tôi mê say đường bay
Bởi tôi biết
Đường thơ còn dài
Không một ai 
Không thở phào nhẹ nhõm...
Khi cánh cửa máy bay vừa mở
Ôi! Bầu trời thoáng đãng
Ôi! Mặt đất gụi gần
Mặt đất
Như bước ra từ ước mơ...  
Tôi đi bằng chân
Không tốc độ, không độ cao đảm bảo
Sẽ đi trong gió bão
Trong nắng mưa
Trong số phận...
Và cái phút cô phát thanh viên
                             giọng trong và ấm  
Thông báo về máy bay đang nâng độ cao
Có phải cô đọc lời chào
Cho một ngôi sao mới mọc
Vào bầu trời xanh biếc ước ao!

                    Tân Sơn Nhất - Nội Bài 4. 1984

ĐỂ HIỂU THÊM THƠ 
NGUYỄN HOA


PHẠM QUANG TRUNG



Cầm trên tay tập thơ mới nhất của Nguyễn Hoa, tôi cứ vân vi nghĩ suy hoài. Đập ngay vào mắt người đọc là cái tựa: Máy bay đang bay và những bài thơ khác (Nxb Hội Nhà văn – 2011). Xem ra ít người trước nay chọn cái nhan đề giản dị tới mức đơn sơ, lại có phần dài dòng và lỏng lẻo như vậy để đặt tên cho đứa con tinh thần của mình cả. Chẳng lẽ cứ phải trần trụi và thẳng thớm đến thế mới hợp và nổi ý mình hay sao! Trong khi người thơ trải đời và trải nghề như Nguyễn Hoa, theo ý hiểu của tôi, lại thường rất ư dụng công và cẩn trọng trong lao động nghề nghiệp. Còn nhớ, anh chính là tác giả của đoạn thơ này: Dập xóa hàng chữ viết/ Mặt ngác ngác ngơ ngơ/ Ngủ, chồm thức lại viết/ Tóc trắng không có giờ… (Còn sống). Không thể bảo, khi tìm đến thơ trữ tình, người ta có thể viết bằng sự trải nghiệm của người khác. Vậy ở đây chắc Nguyễn Hoa phải có nguyên cớ riêng của mình. Mà phải là những nguyên cớ sâu xa, vững vàng lắm kia. Thế là tôi quyết định hiểu thêm thơ anh bằng cách đọc thêm nhiều tập thơ trước đó như Từ một đến tám, Dự cảm mặt trời… Rồi tôi cũng dần nhận được câu trả lời cho riêng mình nằm trong quan niệm thơ của Nguyễn Hoa, nghĩa là ở nơi thẳm sâu mà quyết định nhất đối với người cầm bút. Có thể đó chính là chiếc chìa khóa hữu dụng giúp người đọc giải mã thơ Nguyễn Hoa cùng những đóng góp của anh vào nền thơ Việt đương đại? Biết đâu đấy! Xin được chia sẻ cùng các bạn.
Với Nguyễn Hoa, thơ chính là sự sống ròng – sự sống nhiệm màu, sự sống sinh sôi. Không hề ngại ngần, một lần anh quyết định lập ngôn: Phút của con chữ/ thành câu thơ/ tựa giờ/ sinh thành sự sống/ oa-oa (Sinh). Tôi nói vậy vì biết nhiều nhà thơ rất do dự khi cần phát ngôn quan niệm sáng tác của mình dưới bất cứ hình thức nào. Có lẽ họ e sợ mọi cách thức trói buộc, kể cả tự mình trói buộc mình. Hãy để mọi chuyện tự nhiên trôi đi như đời sống. Bó buộc để làm gì? Và hay ho nỗi gì? Nguyễn Hoa không thuộc tip người này. Và chắc anh có lý lẽ của riêng mình. Chỉ biết, để làm được vậy, phải là người tự tin lắm! Đồng thời phải đau đáu ý thức nghề nghiệp nữa kia! Thế nhưng, sau cùng vẫn nằm ở chỗ: quan niệm ấy ra sao, có thuyết phục nổi người đời không? Tôi thích lối so sánh khá thấu đáo này của Nguyễn Hoa: Thơ hiện lên/ Như tiếng chim/ Thảng thốt/ Đầu đêm/ Không đợi sáng! (Tiếng chim). Chim hót theo nhu cầu tự bên trong sao chờ đợi được! Nếu thế thì hóa chim nhân tạo ư! Tiếng hót khi đó sẽ thành thứ âm thanh giả. Có thể thánh thót, dìu dặt, nhưng mấy người cần đến thứ đó! Ẩn trong câu chữ ở đây là ý thức trách nhiệm cao về nghề nghiệp luôn thúc bách người cầm bút. Có điều, do đây là thơ nên sự sống lại phải cùng nhịp với trái tim da diết, thổn thức của nhà thơ: Thả chiếc diều tôi/ Lên trời không đáy/ Mong manh dây ơi/ Hồn tôi run rẩy (Dây ơi). Tôi quý cái trạng huống run rẩy này trong sáng tạo. Nó luôn được nâng đỡ bởi nỗi khát vọng không cùng: Mỗi sớm/ Một nụ hôn/ Mỗi chiều/ Một mong đợi…/ Mỗi khát cháy/ Một đời người! (Bài Mỗi một). Càng quý hơn vì biết người nghệ sỹ ở đây nguyện coi đó là thân phận của đời mình: Là chim/ Chim chỉ biết bay (Chim). Cái hay là ở chỗ: Chim biết bay bằng cánh của mình/ lên trời ngát (Chim). Đích là trời xanh cao rộng; phương tiện là đôi cánh của chính mình. Biết bay cũng có nghĩa là không thể rời đất Mẹ. Với ý nguyện trước sau như một là làm hoa của đất. Vì, với anh, nếu không thế, sẽ như mây/ đang bay/ trên trời! (Nếu không). Chẳng hề thấy bất ngờ nếu chất thơ nảy ra trong tâm hồn dạng ấy lại gần gũi và vô ngôn như cỏ xanh kia: Giữa tiếng cỏ non tơ/ Tim rung khe khẽ nhé/ Mùa xuân sao e lệ/ Hay cỏ xanh ít lời?… (Cỏ xanh). Trong những trường hợp này, muốn lắng nghe, hơn nữa muốn thấu tỏ, phải chăng chỉ có một cách duy nhất là: Phải úp má xuống thôi/ Mới tỏ mờ lời cỏ… (Cỏ xanh).
Thì ra, từ bản tính sâu xa, Nguyễn Hoa vốn ưa cái chất thực. Trong thơ và có lẽ cả trong đời. Tôi ít nhiều nhận ra điều quý giá mà anh hằng nâng niu trong đời qua bài Báu vật. Thế nào là báu vật đích thực đây? Không dễ trả lời. Nguyễn Hoa đã đúng khi chọn tính thường tồn của những thứ chân quý ấy trong sự thử thách khốc liệt của thời gian làm tiêu điểm. Với nhân loại, đó là ngọn lửa từ lúc con người tìm ra cho đến giờ không tắt. Đó là lòng tốt, từ khi loài người xuất hiện vẫn truyền đời trên mặt đất. Đó còn là tình yêu do đôi lứa sinh ra cho đến giờ vẫn còn bí mật. Và cuối cùng, nhân vật trữ tình đưa ra quan niệm của chính mình trong lời khẳng định không chỉ với trí óc: Bồi hồi em – sự thật/ Đó là báu vật của anh! Phải tin vào lẽ phải lắm mới có thể thốt lên những lời thơ chân chất ấy. Mà Nguyễn Hoa tin thật! Cuộc đời nhiều đổi thay cũng nhiều hư giả đã sớm dạy anh điều đó: Có thật/ Mắt trời/ Mặt đất/ Môi người!/ Có thật/ Sự thật! (Có thật). Bảo một quan niệm như thế về báu vật là mới thì có lẽ không hẳn. Nhưng không vì thế mà không đáng trân trọng. Nhất là khi biết trên đời lắm thứ được coi là báu vật, khiến nhiều người lóa mắt, nhưng hóa ra không phải vậy. Rất dễ chông chênh trong chọn lựa. Đây lại là cái thuộc về nhận thức vô cùng trừu tượng: Sự thật. Khó sở hữu đã đành, lại không dễ dàng khi nảy ra ý định bảo vệ. Thực thi lại càng khó nữa. Với người đời đã khó, với người thơ còn khó hơn bội phần, dầu có thể vẫn biết: Sự chân thật/ Con đường thẳng nhất/ Của ngôn từ/ Tới thơ (Tới thơ).
Tuy nhiên, một khi đã coi thơ là nghề, hơn thế là nghiệp thì không thể nào quan niệm khác thế. Điểm tựa đối với Nguyễn Hoa xem ra thật giản dị, giản dị tới mức hiển nhiên: Lòng giả làm sao có thơ thật. Giản dị đấy mà lại mang sức sống riêng. Đến nỗi một lần khác anh vẫn cả quyết tìm đến nó, chỉ có điều là ở thế phủ định: Bài ca chỉ tắt/ Khi không phải bằng trái tim mình hát ra. Và, Nguyễn Hoa đã sáng tạo ra không ít bài thơ hay dưới sự chỉ dẫn sát sao của những điều mình tin. Tôi thích bài Mùa thu của anh: Chót hè, quả na mở mắt/ Ngây nhìn sớm chớm heo may/ Tiếng chim ngất trời trong vắt/ Rung rinh chạm cánh mây bay. Cái hay của những vần thơ nằm ở sự cảm nhận tinh tế trước cảnh vật quyến rũ của mùa thu. Nhưng trước hết là vì nó thật. Thật đấy mà không dễ gì phát hiện ra nổi. Nên mới gây thảng thốt thốt trong lòng người đọc. Để khi niềm xúc động lắng xuống thì nhiều ý thơ thâm trầm khác của anh lại có dịp ngân nga: Việc lấp ngày mắt em sao mai. Nguyễn Hoa ưa viết những bài thơ một câu lắng đọng lại có hồn như mắt em thế đó. Rất nhiều lần, nhìn người vợ tất bật với những công việc quẩn quanh thường không tên, câu thơ ấy lại vang lên trong tâm trí tôi. Chợt tôi nghĩ ngay tới tác giả của nó với nỗi biết ơn khó tả.
Có phải vì thế chăng mà Nguyễn Hoa không ngại tìm đến những bài thơ ngắn, thậm chí rất ngắn: Câu thơ rời/ Tiếng vạc rơi/ Đêm vắng. Như ai từng trải qua đều rõ, những bài thơ ngắn sống được là nhờ biết tạo ra khoảng không gian màu nhiệm của thi ca – nơi mọi thứ đều âm vang những ý vị riêng truyền cho câu chữ những cái thần thái riêng lấp lánh. Nên mới có thể âm vang tỏa lan đến thế! Cứ như trong tình yêu ấy, khi đã thuộc về nhau rồi thì cần chi nhiều lời: mọi động thái tưởng như vô vị nhất đều chan hòa trong sắc màu lóng lánh quyến rũ của trái tim giàu yêu thương. Vấn đề còn lại có lẽ chỉ là phải sống ra sao mà thôi! Nguyễn Hoa sớm ngộ ra cái lẽ thiết cốt này trong bài thơ có tên là Đẫy: Đẫy tháng, đẫy năm/ Cây dâng hương trái/ Đẫy vui, đẫy buồn/ Người thành từng trải…/ Đẫy trời, đẫy người/ Câu thơ vận hội! Cái quyết định hơn cả lại ở sức soi sáng nhờ sức nghĩ xa, nhờ tầm nhìn rộng: Nghĩ ngời ngợi ngất/ Ngàn thu xanh lời (Xanh lời). Nhà thơ nào lại không khao khát viết nên những câu xanh lời của (và thuộc về) ngàn thu. Bảo là nghĩ nhưng thật ra là sống đấy, sống đam mê và đầy ý thức, để tới một lúc nào đó, mọi thứ mọi chuyện ở đời đều trở nên gần gũi với trái tim thi sỹ: Tất cả đều gần gũi với tôi/ Đất để đứng/ Và khí trời để thở/ Mây để bay/ Sông để chảy/ Và em/ Để tôi yêu… (Gần gũi). Tâm hồn của nhà thơ như được mở rộng để bao dung tất cả. Quyết liệt và triệt để hơn, vào một lần khác, Nguyễn Hoa còn dõng dạc tuyên bố: Tôi đang thuộc về đất. Bài thơ bộc bạch: Và nỗi đau trong suốt/ Và giấc mơ trong suốt/ Thăm thẳm trời/ Ngước soi/ Tâm hồn phiêu bạt/ Tôi đang thuộc về đất! Khi mọi thứ trong ta đã thuộc về cuộc đời thì cái anh cần hơn hết là gì? Tôi cần cây gậy chống trong tay/ Tôi cần ánh sáng mắt! - Nguyễn Hoa xác quyết như thế. Tuy ngay sau đó anh kịp tỉnh táo bổ sung: Tôi có cây gậy chống/ Và ánh sáng tự mình… Rất dễ chia sẻ cùng người viết: mọi thứ trong thơ phải được soi rọi bởi thứ anh sáng tỏa ra từ tâm từ trí người làm thơ. Nhưng, nói thì bao giờ cũng dễ, làm khó hơn nhiều. Vậy nên, đôi khi thơ Nguyễn Hoa còn thiêu thiếu những cách nói mới – những lối nói đặc sắc của riêng anh. Nhiều ý tưởng lớn lao mà quen thuộc đi vào thơ anh do vậy dễ chìm đi và trôi đi như những trường hợp này: Hãy đốt lên ngọn lửa quá khứ/ Sẽ thấy khuôn mặt rạng ngời của tương lai; Hay: Tín hiệu tôi nhận được anh/ Là ở chính anh!
May mắn thay, như Nguyễn Hoa từng xác định: Ai cũng có cửa sổ lòng mình/ Mở òa ra vũ trụ. Trong khi vũ trụ mới đa phương, đa hướng làm sao! Có thể nhờ vậy mà Nguyễn Hoa hay nhìn đời từ nhiều góc độ, để phát hiện ra những trạng huống đối nghịch thật giàu ý nghĩa: Đừng bảo rằng chiếc lá/ dễ rụng mà mảnh mai/ núi: bom rơi lở đất/ lá vẫn xanh ngất trời (Chiếc lá). Đặc biệt, giữa muôn vàn xu hướng, anh thường ưa thích khoảng giữa trong sự hài hòa có thể: Gió là gạch nối/ Bầu trời – đất đai. Đó là bí quyết làm nên thành công của nhiều bài thơ mà Nha Trang là trường hợp điển hình: Anh ngọn gió mùa vào/ Em nắng nồng ra tới/ Biển mang sóng xanh bãi (Tôi thích thay bãi bằng mãi hơn!)/ Nha Trang – Thu quanh năm. Logic thơ gần gũi với logic toán mà tuyệt nhiên không hề mất đi sự tinh tế, rung động của thi ca. Kỳ lạ là ở chỗ đó. Lạ mà không hề khó hiểu đâu. Thơ anh nguyện bám rễ vào cuộc đời. Và lẽ nào cuộc đời lại khác thế! Như có một lần tâm hồn Nguyễn Hoa chợt rưng rưng: Ngấm rét tê tê trời Hà Nội/ Bỗng òa ấm rộn nắng Sài Gòn (Xuân). Những vần thơ mang phẩm chất như vậy tất được sinh ra từ một tâm hồn đòi hỏi sự giao hòa của nhiều phẩm cách khác nhau: Sóng dạt dào: biển lớn/ Thông vi vu: thông cao/ Cỏ rì rào: cỏ bén/ Tôi làm sao/ Có: – biển lớn – thông cao – cỏ bén trong hồn?… (Trong hồn). Tôi biết, Nguyễn Hoa luôn khe khắt với chính mình nhằm vươn tới những yêu cầu cao ấy của thơ từ chính người làm thơ!
Chẳng phải Nguyễn Hoa nhờ thấu hiểu ý nghĩa của thơ mà viết nên những dòng thơ này: Câu thơ màu nhiệm/ Giải thoát đời tôi (Kinh và thơ). Do vậy mà trước sau, trong bất cứ tình cảnh nào, anh cũng quyết đứng ra bảo vệ cái đẹp: Bình minh/ Chim sơn ca mải mê cất cao tiếng hót/ Chùm là biếc rung rinh/ Người đi săn giương súng lên rình/ Mà không biết/ Chim sơn ca vẫn hót/ Cả cho số phận mình! (Chim sơn ca). Đọc những câu thơ triết lý của anh tự nhiên thấy vang lên câu nói nổi tiếng của văn hào Nga Dostoievxki: Cái đẹp cứu rỗi thế giới! Có lạ không! Tiếng chim sơn ca như tiếng thơ kia, có gì mỏng manh hơn nó? Yếu ớt hơn nó? Thế mà cuộc sống con người sẽ ra sao đây nếu thiếu nó? Quan niệm được vậy phải là một người cả nghĩ. Với họ, lẽ tồn vong của thơ chắc phải được đặt lên hàng đầu: Sồng sộc thời gian tuổi năm mươi/ Câu thơ mỏng mảnh những khóc cười (Thời gian). Từ đó, chuyện ngàn đời về chất và lượng của sáng tạo hiển nhiên phải luôn là vấn đề thiết cốt: …Trăm trang in không biết/ Còn sống mấy chữ thơ! (Còn sống). Nguyễn Hoa bộc lộ những tâm sự nghề nghiệp này vào năm 1997 khi thơ anh chín dần theo năm tháng. Tuy nhiên, thời gian cũng kịp dạy anh một sự thật khác liên quan đến cái gọi là số phận của thơ. Quả không dễ nhìn nhận nên không dễ định đoạt. Trong bài Bạn, tặng một bạn văn, anh đã viết: Bảng lảng buồn vương mặt/ Tai treo thính chuyện đời/ Mất được có nhiều lẽ/ Nhấp từng giọt bia tươi! Cái lẽ ấy được nói rõ hơn trong bài Phận thơ: Sông thời gian chảy sóng/ Đò sang có lúc chiềng/ Phận thơ cánh chuồn mỏng/ Mưa nắng là kiếp duyên. Vâng, chuyện được mất, sống còn của thơ là chuyện duyên kiếp thôi mà! Cần biết để tìm một lối ứng xử thích hợp khi duyên kiếp chưa quyết định chọn mình…
Tôi muốn nói, người nắm được lẽ tồn vong của thơ đến mức đó cũng là người giữ được sự bình thản trước cảnh bể dâu của cuộc đời. Nguyễn Hoa từng thẳng thắn giãi bầy với một bạn thơ thân thiết của mình như sau: Trên đường dài giữa bạn và thơ/ thơ và thời gian vô cùng tận/ Tôi tin bạn là người tử trận/ trước thơ! Anh đang khuyên bạn nhưng thực ra là đang nhủ mình: Điều xảy ra/ xin bạn chớ bất ngờ/ trước hạnh phúc (Trước hạnh phúc). Hiểu được quy luật nghiệt ngã đó, lạ thay, ít khi thấy Nguyễn Hoa nản lòng. Ngược lại, anh càng đòi hỏi cao ở thơ mình hơn. Với một bạn văn khác, trong bài Cùng bạn, anh chân tình bộc bạch: Bạn chúc tôi bằng chính những câu thơ/ Tôi viết…/ Có “vàng của mùa thu”/ Hình như chưa có lửa mùa đông? Biết là biết vậy thôi, cõi tận cùng của thơ hay ai có thể vươn tới được! Nhưng cũng chẳng ai có thể cấm ta cái quyền được ao ước. Vấn đề là nỗi ao ước chất chứa trong lòng ấy ra sao? Tôi khâm phục Nguyễn Hoa ở khát vọng kiểu này: Cứ ước/ Xanh cây/ Cháy thành than/ Như than/ Cháy đỏ lại/ Thành tro bụi/ Đen!/ Về đất! (Cứ ước). Đó là lẽ sống và niềm tin anh quyết đeo đuổi suốt đời. Để có thể tin vào một thử thách cay nghiệt hơn luôn đối mặt với người nghệ sỹ chân chính trong đời thực: Có người sắm cả vila, biệt thự/ vẫn đớn đau không sắm nổi chỗ ngồi/ tôi gặp/ Có nhà thơ lụi cụi cả đời/ trưa trưa ngả lưng ghế dài/ tôi gặp…/ Và tôi tin thêm một con người/ biết tin thêm một thử thách!
­ Nguyễn Hoa không nói cho hay đâu. Thơ anh chính là hồn anh đấy mà. Hãy đọc những dòng thơ anh trân trọng in ở bìa 4 tập thơ Từ một đến tám: Thơ tôi đến với bạn rồi/ nếu nói thêm thì hồn tôi đấy/ Con chữ con ngươi mắt vậy/ đang nhìn bạn không nguôi… Tôi thành thật tin vào lời anh nói khi biết được những gì anh từng trải qua. Nhiều bài học anh nghiêm túc, chân thành học hỏi từ người khác mà ở đây thường là những bậc thày văn chương. Xin cùng đọc bài Quả tim lành Nguyễn Hoa lấy cảm hứng từ tập thơ của Văn Cao: Không phải/ vì tứ lạ/ Vì những kỹ thuật điêu luyện nghề thơ/ Mà ở đây, bây giờ/ Tôi nhận ra/ Cái giá/ Đã trả/ Cho những bài thơ:/ “Những con người có thật của chúng tôi”// Sống không cũ/ Bền trong sổ…/ Sống mọc rễ/ Thành cây/ Tươi lá/ Từ một QUẢ TIM LÀNH/ Để cây xanh/ Lớn cao/ Không cầm được nó/ Bằng lưới vô hình! Bài thơ được Nguyễn Hoa viết vào cuối năm 1987. Như dồn nén bao xúc động trước cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của danh nhân Nguyễn Trãi, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Nguyễn Hoa liên tiếp cho ra đời nhiều bài thơ. Lạ thay, hầu như chúng đều xoay quanh những bài học về nghề nghiệp lớn lao. Đây là ý tưởng chính trong bài Người về từ Đông Quan: Để một ngày trong mắt người Lam Sơn bỗng ngợp/ Đôi mắt xanh – đôi mắt một nhà thơ/ Một cái gì xanh hơn thế nữa/ Tựa trời xanh xanh ở trên kia! Còn đây là ý tưởng gần gũi hơn trong bài Trong mơ: Bỗng hiện lên một ông/ Áo xanh, đầu râu bạc/ Ông nói vào ánh biếc/ Tôi chập chờn trong mơ… Anh muốn là nhà thơ/ Hãy bạn bè cây, gió/ Trong chập chờn mờ tỏ/ Anh có dám nói to/ Cái điều anh ước mơ?…/ Tôi không có học trò/ Cái cổ kia không cứng!… Tới ban mai rực rỡ/ Tiếng ông còn ngân vang.
Tuy nhiên, nhiều hơn cả là những bài học được Nguyễn Hoa rút ra từ biết bao trải nghiệm đôi khi đớn đau của chính mình: Người ta quăng thơ tôi vào sọt giấy/ Và ngoảnh lại: một cái bĩu môi/ Tôi thì xin: trên tay run rẩy/ Những đứa con mồ côi (Vô đề) (1981). Nhiều người chắc cảm thấy tồi tội. Tôi lại thấy sự rắn rỏi trong cái run rẩy kia. Chính nó sinh ra lòng can đảm một khi ta như cánh buồm đứng trước biển cồn sóng dữ: Sáng nay/ Trước biển khơi/ Tôi hiểu: tôi cũng là cánh buồm/ Duổi dong trên mặt đất/ Cánh buồm. Nên nhớ, cánh buồn chỉ đẹp lúc dương buồm căng gió giữa trùng khơi. Mà lòng người làm thơ xem ra lại hay dậy sóng, thường là sóng cả, sóng cồn: Gặp sóng làm sao kìm nổi/ Điều yêu ẩn dưới đáy sâu (Gặp). Càng không kìm lòng nổi nếu gặp những tâm hồn đồng điệu: Nhấp chút lộng gió trời, biển mặn/ Mở toang lòng cùng bạn Hạ Long (Cùng bạn với nhà thơ T.N). Nhất là những lúc say, vì tình sâu hơn là vì rượu nồng: Khi say mọc lời/ Bâng lâng hồn biếc/ Bạn bè ghẹo tôi/ Cái mặt chơi được (Chơi được). Thế mà những dịp say lại không hề thiếu trong đời anh. Nên không có gì là khó hiểu nếu người sành thơ ở đây cũng là người rất sành rượu. Từ chất rượu nhà thơ của chúng ta liên tưởng tới chất thơ là vì thế: Rượu càng trong/ Uống càng nồng/ Ước mơ sáng/ Khuôn mặt hồng…/ Rượu càng trong! (Rượu càng trong). Trên đời, những kẻ sành rượi, sành thơ không mấy khi uống rượu, ngâm thơ một mình. Ngay cả những khi “độc ẩm”, “độc ngâm” đâu phải không có hay không cần tri kỷ, tri âm. Đó là nguyên cớ khiến Nguyễn Hoa thủ thỉ tâm tình trong bài Những bài thơ: Đọc những bài thơ tôi/ Có một mình vắng vẻ/ Những con chữ buồn vui/ Mang đức tin – Như đã/ Ở đâu đó mỗi người. Muốn thế, không thể đi tìm bí quyết nơi người mà phải ở ngay nơi mình. Tôi chợt nhận ra cái lẽ tưởng ngược đời ấy khi đọc bài Cây rụng lá mùa đông của Nguyễn Hoa: Cây rụng trong gió chiều/ Rụng đi từng đợt lá// Tựa cơn mưa hối hả/ Lá rơi đầy đất đai// Lá rơi trên vai tôi/ Hơi cây còn vẫn ấm// Giữa trời cây đứng nhận/ Cả mùa đông về mình. Tôi cũng chợt hiểu vì sao trong bao điều đáng nhớ và cần nhớ trên đời, anh lại không quên dành cho phút giây này: Bài thơ in báo đầu tiên/ Lén mượn về/ So đọc trong đêm/ Chính thơ mình mang tên lạ… (Để nhớ).
Bởi, với Nguyễn Hoa, thơ chính là số phận của đời anh theo nghĩa đen của từ này. Đây, bài Với thơ: Trên trang giấy trắng tinh/ Hàng ngày tôi tự đóng đinh/ Số phận tôi vào số phận em/ Bằng những con chữ li ti màu xanh, màu đỏ/ Những con chữ/ Như thấy gót gió dạo ngọn cỏ xanh/ Như thấy tí tách hạt cây nảy mầm… Và cứ thế, anh để cho cảm xúc và suy tưởng tự nhiên trôi đi: Cứ như thế số phận tôi gắn vào số phận em/ Mà ngày ngày tôi tự đóng đinh từng chiếc thiêng liêng… Vào lúc tưởng như ngừng lời thì lại tiếp tục trôi chảy một dòng bất tận: Rồi đến một ngày không thể khác hơn/ Em lại chia tay tôi/ Rũ bay những hàng đinh rỉ gầy/ Tôi biết vậy/ Nhưng vẫn tự đóng đinh số phận tôi/ Vào số phận em/ Bởi trái tim tôi có tia lửa nhỏ/ Mà từ đó cháy bùng ngọn lửa/ Em! Như không thể nào khác thế! Vào năm1981, Nguyễn Hoa viết bài Gửi năm tôi 53 tuổi. Anh mường tượng vào năm 2000 – năm chuyển giao thế kỷ: Năm các bạn đón bình minh thế kỷ. Lòng anh quặn lên một nỗi mong mỏi da diết: Các bạn đọc thơ tôi như người đồng chí/ Mong không chiếu cố cho mình điều gì quen. Xin anh cứ yên tâm, người đọc thông minh sẽ không chiếu cố khi thẩm định thơ anh đâu, nhưng họ lại sẵn sàng mở rộng lòng ra để hiểu anh và thơ anh. Họ không thể không biết thơ ấy cùng hồn ấy được sinh ra trong một hoàn cảnh như thế nào. Như vào trước đó một năm, 1980, Nguyễn Hoa viết những lời thơ sau trong bài Bạn hãy…: Tôi lắng nghe bằng trái tim mình…/ Trái tim đập/ Cho cứng cáp những điều tôi khao khát/ Cho tôi đứng chân trần trên đất/ Để dưới chân mình nắng mát/ Để gió dưới chân mình gió khơi/ Để tôi nối trời cao xanh với đất/ Những vì sao với những con người! Bạn đọc làm sao có thể quên những vần thơ như thế lại có thể vút lên vào những tháng năm nhọc nhằn: Đĩa rau muống chưa đầy/ Trong mâm cơm tập thể… Tôi đã viết bài thơ của những chiều hè/ Cánh buồm hoàng hôn sông trôi/ Những bến bờ đắm đuối/ Chân mây, góc biển, trăng trời/ Có lúc tôi ngỡ mình tan biến/ Vào thiên nhiên vô tận, vô hồi… Suy tưởng thơ cứ như miên man trôi chảy.
Tôi không thể không đọc tiếp những dòng thơ cuồn cuộn của Nguyễn Hoa: Và những bài thơ của tôi/ Còn trên tay các bạn… Năm hai nghìn bạn ơi!… Năm đất nước/ Chín bao điều ước mơ… Và hạnh phúc bất ngờ trên những trang thơ/ Của người sinh đẻ/ Biết nhận lấy cách làm người Mẹ/ Vào năm hai nghìn. Sợ nhất trên đời là những trái tim vô cảm, phải không nhà thơ Nguyễn Hoa? Và vì thế, xin anh hãy cứ sống và tin rằng mùa xuân đang ở với mình, quanh mình và trong mình. Khi mà: Một chút rờn xanh đáy mắt/ Tay ở trong tay ấm áp/ Bình minh vừa thức qua đêm/ Trời êm đất êm mưa êm/ Tiếng chim cây xa lảnh lót… Chỉ có vậy, thơ mới có lý do đi cùng anh qua mùa hạ, mùa thu rồi qua cả mùa đông nữa của cuộc đời. Không hiểu vì lẽ gì mà trong đáy sâu của lòng tôi cũng xao động một niềm tin như Nguyễn Hoa. Để rồi có nhiều dịp được may mắn truyền sự sống, sức sống không thiếu tràn trề từ những vần thơ bình dị mà nặng sâu của anh…

Đà Lạt - 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét