Đập cổ kính ra tìm lấy bóng...
(Nhân đọc tập thơ lục bát "Lá nhú chân
chim",
NXB Hội Nhà văn 2010 của Tân Quảng)
Đặng Văn Sinh
Lục bát Tân Quảng là thơ của một anh thợ cày, nên mọi cảm hứng nghệ thuật đều xoay quanh thân phận người nông dân. Có điều cần phải hiểu nội hàm từ "nông dân" thời hiện đại hầu như đã bị chuyển dịch, khác với người nông dân trong ca dao truyền thống, cho dù cả hai đều là đối tượng thẩm mỹ, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo qua cái tôi trữ tình. Đó là cái tôi thấm đẫm lối tư duy trực cảm mang đậm dấu ấn đặc trưng dân tộc nông canh trong không gian văn hóa làng xã với cả những mặt khuyết tật của nó.
Nếu làm phép so sánh, thì tạm thời có thể xem lục bát
truyền thống và lục bát Tân Quảng nằm trên hai mặt phẳng lệch nhau nhưng cùng
được phóng chiếu trên mặt phẳng vuông góc. Qua sự phóng chiếu trong không gian
ba chiều, người ta dễ dàng tìm ra sự tương đồng và dị biệt, từ đó có thể rút ra
những đặc điểm phong cách, hay nói quá lên một chút là thi pháp lục bát của nhà
thơ xứ Kinh Bắc có mái tóc rất nghệ sĩ này.
Bằng sự khổ công sáng tạo mà cái nền nghiêng về hình
thái tư duy trực cảm, lục bát Tân quảng kế thừa khá thành công mảng ca dao tục
ngữ của loại hình văn học truyền miệng cũng như truyện thơ tự sự thời trung
đại, một kiểu tư duy hồn nhiên bằng hình ảnh ví von và cả những triết lý dân
gian nhưng không kém phần sâu sắc. Từ kiểu tư duy trực cảm, Tân Quảng có
cách bố cục và khai triển ý tưởng bởi hệ thống ngôn từ khá hợp lý qua những câu
chuyện thế sự hoặc diễn tả một khoảnh khắc tâm trạng. Nếu là "tự sự"
thì bài thơ như một câu chuyện được chuyển tải thông qua vần, nhịp điệu, nhạc
điệu, các biện pháp tu từ, hình ảnh, và, cuối cùng là vấn đề triết lý. Tân
Quảng luôn có ý thức tiết chế, chỉ khuôn lục bát trong một số lượng câu nhất
định, chứng tỏ tác giả có lối tư duy mạch lạc (cho dù là tư duy nghệ thuật),
luôn tiết kiệm từ ngữ, hình ảnh đến mức tối đa. Bài dài nhất trong tập "Lá
nhú chân chim" cũng không quá 8 cặp lục bát với 16 dòng. Vì thế, mỗi bài
thơ của anh đều được chắt lọc, chọn từ, chọn ý, tìm hình ảnh, và, đặc biệt là
cách diễn đạt để có được hiệu quả cao nhất về nội dung thông báo cũng như tư
tưởng nghệ thuật. Với Tân Quảng, lục bát gần như không có câu thừa. Theo quan
niệm của anh, câu chữ độn chính là một thứ đồ giả nhằm kéo dài bài thơ, là tác
nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thơ mòn, sáo, nhạt nhẽo.
Đồng hành với cách gieo vần rất chuẩn của một cây bút
có kinh nghiệm lục bát là kỹ năng cắt nhịp vô cùng linh hoạt. Vần thường cặp
đôi với nhịp điệu tạo nên sự thanh thoát, uyển chuyển, cho nên ở công đoạn này,
Tân Quảng đã vận dụng một cách thành công từ ca dao truyền thống. Nhịp lục bát
phổ biến của Tân Quảng là 2/2/2, 2/4, 4/2 hoặc 4/4 (với câu bát) mà ít khi gò
ép. Kiểu nhịp 3/3, 5/3 hoặc 6/2 chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay :"Mua
tờ/tranh tết/dán chơi"; "Chữ thì/ mê mải/ rong chơi"; "Rượu
về/ khật khưỡng dưới trăng"; "Heo may/ thổi chéo mặt đồng; Bóng ai
xộc xệch/ gánh gồng hoàng hôn"...
Ảnh chụp tại Hải Phòng (Theo Hoài Khánh)
NS THÁI TRIỂN- NT THU HẰNG - NT ĐÔNG AN - NT TÂN QUẢNG
Lục bát Tân Quảng có kiểu đặt câu khá giống với ca dao truyền thống. Những câu thơ thường chậm rãi, đôi khi nhấn nhá, lúc thì thong thả như người thợ cày đánh trâu ra đồng, lúc lại nhịp nhàng như mái chèo khua nước hay uyển chuyển như cánh cò chao lượn lúc hừng đông khi gió nồm nam thổi qua đồng làng. Đọc "Lá nhú chân chim", người ta như không hề biết đến nền văn minh "ống khói" đang từng bước tàn phá môi trường, cũng không mấy quan tâm đến mạng lưới thông tin toàn cầu dày đặc, chỉ cần nhấn chuột, là có ngay Clip nóng bỏng của một siêu mẫu chân dài nào đó bên kia bờ Đại Tây Dương sau vụ Scandal "lộ hàng", mà mải mê thả hồn vào một thế giới huyền diệu, hiền hòa như không gian cổ tích. Từ lục bát đồng quê, được tác giả đẩy lên tận cùng cảm xúc, ta có cảm giác mình vừa được xỏ đôi hài ngàn dặm, ngược thời gian, tìm về cội nguồn xa xưa. Những ký ức truyền kiếp vùng tiềm thức trên vỏ đại não lần lượt được kích hoạt. Hồn vía dân tộc trong ca dao lục bát bỗng nhiên thức dậy làm con người như bị lên đồng, một trạng thái lên đồng tập thể đầy cảm hứng: "Tìm em giữa buổi chợ đông/ Bơ vơ chữ vợ chữ chồng lạc nhau" (Tập làm lục bát); "Nhà tôi ngoảnh mặt ra sông/ Tha hồ gió bãi trăng đồng thông thênh"(Tự họa); "Cày bừa biết thuở nào xong/ Trần lưng kéo mỏi cánh đồng thời gian"(Trâu ơi); "Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên"( Tre già ru giấc măng non); " "Cần gì điểm mặt đặt tên/ Cỏ đan vào cỏ mà nên trường tồn"(Cỏ)...
Thế nhưng, lục bát Tân Quảng không cũ mà lại rất mới.
Nó bắt nhịp với hơi thở thời @, đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng vô tận về
thân phận con người, về nhân tình thế thái theo phong cách "đập cổ kính ra
tìm lấy bóng" của một ông vua đa tình triều Nguyễn. Cho nên, gọi lục bát
Tân Quảng là "chân thi" với tuyệt chiêu "cố sự tân biên"
cũng không sai. Tạng Tân Quảng không thể làm ra loại "giả thi" để lòe
thiên hạ. Tân Quảng có lối "chơi lục bát" chắc nịch, nội hàm phong
phú, đầy huyền hoặc, mà vẫn đong đưa đa tình: "Chữ thì mê mải rong chơi/
Để vần ngơ ngác ngược xuôi kiếm tìm"(Tập làm lục bát); "Bao giờ bạn
ghé về chơi/ Ở quê sẵn món ốc nhồi đưa cay"(Tự họa); "Ngả mình trên
chiếc chõng tre/ Thạch sùng chặc lưỡi chợt se xót buồn"(Viết trong ngôi
nhà cũ); "Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình
yên"(Tre già ru giấc măng non)... Làm được những vần thơ như thế là phải
đổ mồ hôi sôi nước mắt, chắt lọc từ dòng máu đam mê lấy tinh hoa từ cú, dứt
khoát không thuộc type các "nhà" "văn vần học" ngồi chơi ăn
sẵn, chỉ có thể "rặn" ra thứ lục bát nhợt nhạt, vần điệu khập khiễng,
câu chữ mòn sáo, sểnh ra là chôm chỉa thơ người dán nhãn của mình vào, nhưng hễ
có dịp đăng đàn là khua môi mua mép, làm khổ tai thiên hạ.
Kỹ thuật lục bát trong "Lá nhú chân chim"
dường như đã chạm đến giới hạn mà nhà thơ khó có thể vượt qua. Công bằng mà
nói, loại trừ khoảng năm, sáu bài thuộc dạng trung bình, còn hầu hết lục bát
của tập này đều thuộc loại có đẳng cấp đáng nể, khiến ngay cả những người trong
nghề cũng phải tâm phục khẩu phục. Thơ Tân Quảng phong phú, đa dạng nhưng không
lặp lại mình hoặc lặp lại người khác cho dù chỉ là ý tưởng. Có thể xem, mỗi bài
thơ là một thi phẩm, có cấu trúc chặt chẽ và nhất là thường ẩn chứa một tư
tưởng nghệ thuật nào đấy. Trong đó, cái vỏ ngôn ngữ được tác giả nhào nặn đến
mức tối ưu theo quy tắc của cái đẹp nhưng lại luôn vận động tiếp cận với hơi
thở cuộc sống đương đại. Thế nhưng Tân Quảng không a dua làm mới lục bát theo
kiểu ngắt dòng đột ngột tạo câu thơ bậc thang, đảo ngữ, hoán vị mệnh đề, dùng
khẩu ngữ thông tục để gây ấn tượng. Tân Quảng làm mới lục bát nhưng không phá
vỡ cấu trúc lục bát. Đây là cách làm cực kỳ mạo hiểm, bởi nếu non tay, thơ sẽ
biến thành văn vần "nhai lại" những gì mà ca dao lục bát đã làm. Đọc
những câu thơ sau đây, chúng ta không thể không ghi nhận sự đóng góp của tác giả
trong hành trình nhọc nhằn làm mới phần hồn lục bát trong hình thức cổ điển:
"Trai làng lên tỉnh làm thuê/ Bến xe thì chật vỉa hè thì đông"(Đoản
khúc tháng ba); "Lời ru là sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều
bình yên/ Đội mưa đội nắng mà lên/ À ơi... tre cứng lạt mềm nương nhau"(
Tre già ru giấc măng non); "Ta về đãi gió tìm hương/ Lá vườn run rẩy cầm
sương cuối mùa/ Người đi khuất lẫn trong mù/ Còn nghe đâu đó mơ hồ bước
chân"( Vào đông); "Hồn như thuyền thúng nhấp nhô/ Phiêu diêu trôi
giữa đôi bờ thực hư"(Ru mình); "Nhìn trời trời nhấp nhóa sao/ Nhìn
người người cứ hao hao giống người"(Mắt)...
Đã chót đa mang nghiệp thi khách, Tân Quảng dấn thân
hết mình mới dám xông vào chốn trường văn trận bút bằng một tập thuần lục bát.
Trò chơi chữ nghĩa này chẳng khác gì con dao hai lưỡi, nếu nội lực tác giả kém
phần thâm hậu thì "tắc tử" là cái chắc. Có lẽ hiểu rất rõ nguy cơ
tiềm ẩn đó nên Tân Quảng chỉ giới hạn 39 bài. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, thay
vì số lượng, anh tập trung nâng cao chất lượng, mà một trong những bí quyết ấy
là tìm được cách nói của riêng mình. Đó là cách nói nhuần nhụy, thong thả, đôi
khi tạo ra sự linh thiêng như một thứ tôn giáo. Bằng cách này, anh đóng vai trò
chiếc cầu, nối dài dòng chảy ca dao từ quá khứ về hiện tại: "Vui buồn cùng
cỏ nghêu ngao/ Bàn chi khôn dại thấp cao ở đời"(Cỏ); "Quê nhà gặp lúc
thiên tai/ Nhìn hạt thóc lại thở dài nhìn mưa..."(Hạt thóc); "Đã nghe
lá rụng bời bời/ Nửa đêm về sáng sương rơi đằm đằm"(Thu)...
Một trong những thế mạnh của Tân Quảng là "cách
sử dụng hình ảnh". Hình ảnh trong "Lá nhú chân chim" không rườm
rà mà sắc nét, đôi lúc chỉ là gợi tả nhưng gây ấn tượng mạnh, khắc sâu vào tâm
trí người đọc bởi nó hầu như thoát khỏi tính ước lệ của thi pháp ca dao cổ.
Cũng là cây đa, bến nước, dòng sông, con đò, vạt ruộng, cỏ, trăng...nhưng những
chất liệu ấy qua sự gia công đầy sáng tạo của tác giả, nó trở nên sống động, có
hồn vía, kích thích tâm thức người đọc, làm ta như bị thôi miên bởi thứ ma lực
dẫn dụ, không cưỡng lại được: "Có trầu mà chẳng có cau/ Cánh chim côi cút
giữa bầu trời xanh"(Tập làm lục bát); "Thuốc lào nước vối quanh năm/
Võng đay kẽo kẹt trưa nằm thảnh thơi"(Tự họa); "Xin người ngoảnh lại
mà trông/ Có nghe cây lúa nghẹn đòng xót xa/ Chiều nay có kẻ không nhà/ Rưng
rưng ngồi nhớ gốc đa đầu làng"(Đoản khúc tháng ba); "Cong cong một
dải đê làng/ một hương sen thoảng một nàng mắt nâu"(Dải đê làng);
"Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên"(Tre
già ru giấc măng non); "Rơm vàng thắt buộc lời em/ Lá sen bọc cả nỗi niềm
xa sâu "(Cốm chùa Dâu)... Hình ảnh trong lục bát Tân Quảng vừa là phương
tiện diễn đạt tâm trạng, vừa là đối tượng miêu tả, nhưng cũng không hiếm trường
hợp như một triết lý dân gian, hồn nhiên, thâm trầm làm nên tư tưởng nghệ thuật
của cả bài: "Lòng như đò cập bờ xuân/ Thời gian khẽ nhón bước chân giao
mùa"( Tháng giêng); "Thuyền lòng chở ánh trăng suông/ Xin người đừng
chất nỗi buồn đầy thêm"(Thuyền lòng)...
Cùng với những hình ảnh đặc sắc tạo được không gian
lục bát đa chiều, lung linh sắc màu, Tân Quảng còn có được những câu thơ xuất
thần như là một sự sáng tạo ngôn ngữ, góp phần đáng kể trong việc làm mới lục
bát: "Chữ thì mê mải rong chơi/ Để vần ngơ ngác ngược xuôi kiếm
tìm"(Tập làm lục bát); "Tháng ba ngọn gió cũng nghèo"(Đoản khúc
tháng ba); "Trần lưng kéo mỏi cánh đồng thời gian"(Trâu ơi);
"Liêng biêng rót cạn hoàng hôn"(Thu); "Ban mai rót nắng trong
hồn"(Cỏ); "Heo may thổi chéo mặt đồng/ Bóng ai xộc xệch gánh gồng
hoàng hôn"(Vào đông); "Thôi đành buồm ngược gió xuôi/ Bờ em nắng sớm,
bờ tôi mưa chiều"(Cuộc đời tựa dòng sông); "Lòng mình ai gọi mà thưa/
Dửng dưng tay bóc ngày thừa vo viên"(Ngày nhợt nhạt); "Xác xao lá
rụng làm đêm chòng chành"(Thuyền lòng); "Vãn mùa còn sót tiếng chim/
Lui cui sàng sảy nỗi niềm heo may"(Vãn mùa)...
Cầm tập "lá nhú chân chim"nhẹ bẫng, nhưng ta
cảm thấy được sức nặng từ những con chữ biết nhảy múa qua sự "phù
phép" của một "đạo sĩ" luôn tiềm ẩn trong mình dạng năng lượng
lục bát ma mị. Lục bát ấy là một thứ "đạo", ai ngộ được sẽ thành chính
quả, còn không, chỉ là những cô hồn...
Chí Linh, 24/4/2012
ĐVS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét