Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

MAI PHƯƠNG & NGƯỜI ĐOÁN GIẤC MƠ







Nhà văn trẻ 
MAI PHƯƠNG

Tên thật: Nguyễn Thị Mai Phương
Sinh: 1977. Quê quán: Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang. Nơi công tác: Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang.
Giải thưởng:
Giải Nhất truyện ngắn viết cho thiếu nhi - Hội VHNT Bắc Giang 2001. Giải Trẻ - Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2008
Đã xuất bản: * Mùa chim ngói bay về, Tập truyện thiếu nhi, NXB Kim Đồng 2003 * Ở bên kia cơn mưa,  Tập truyện ngắn, NXB Lao Động 2008 *  Về miền ký ức, Tập tản văn, NXB Lao Động - 2011 *  Người đoán giấc mơ - Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, Quý I - 2012.  






“Mai Phương, nữ tác giả trẻ văn xuôi Bắc Giang, cây bút đang rất sung sức và khởi sắc những năm gần đây. Chị đã xuất bản 4 tập sách được bạn đọc trong, ngoài tỉnh trân trọng đón nhận, gây được ấn tượng và dư luận tốt. Có người đọc đã đánh giá: "Tác giả Mai Phương là người khéo dựng truyện, vững tay nghề, văn đầy nữ tính, mượt mà, đằm thắm, da diết, giàu cảm xúc, giỏi quan sát, nhiều chi tiết đắt, gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc...".
  Đọc tập truyện thứ 4: "NGƯỜI ĐOÁN GIẤC MƠ" - Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới phát hành quý 1 - 2012,với 14 truyện khá hấp dẫn, tôi cũng cảm nhận thấy những thành công nổi bật của cuốn sách mà tác giả vẫn phát huy được những điểm mạnh trên; đồng thời tác giả còn có ý thức tìm tòi, sáng tạo, tự làm mới mình về kết cấu truyện, cách kể, dựng chuyện, xây dựng nhân vật, giàu chất thơ, chất hư thực lôi cuốn người đọc.
Xuyên suốt 14 truyện hiện lên một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc, ẩn hiện những cảnh tình, những số phận, cuộc sống, nhân cách, thuần phong mỹ tục, xấu, tốt, buồn, vui... của những kiếp người đều toát lên tính thuần Việt vừa truyền thống vừa kế thừa đổi mới ở một miền quê đang chuyển mình. Đó là những con người lao động chân chính, biết sống, nhẫn nhục mà sống, để vượt qua mọi nỗi đau, tai ương, giàu mơ ước, hướng tới sự yên bình hạnh phúc đích thực. Khi gập sách lại còn ngân vang mãi trong lòng tính nhân văn sâu đậm.
Sự thành công của tác giả như nhắc nhở những người cầm bút phải có một vùng quê thực sự yêu thương và hiểu biết sâu sắc mới có thể tạo dựng cho mình một sự nghiệp văn chương đích thực.
Mong các bạn tìm sách đọc xem có cảm nhận giống tôi không hay có những điều khác biệt, kể cả đôi điều lấn cấn của tôi về sự đa dạng và tính khái quát trong cuốn sách. Dẫu sao theo tôi đều có ích cả”.

                                                                   Nhà văn ĐẶNG TIẾN HUY
 
                                                                                                  

NGƯỜI ĐOÁN GIẤC MƠ

                         Truyện ngắn của Mai Phương 

       Tôi nảy ra ý định viết về những mối linh cảm kỳ lạ của chính mình khi mà nhân vật của tôi gào vào tai mỗi lúc tôi lơ mơ ngủ: “ điếc à, không thấy gì à? Cứ nằm im thế thôi à? Viết đi chứ? Tôi không muốn chết.”

      Ý là nhân vật của tôi không muốn chết sau mỗi giấc mơ. Thế giới rồi sẽ lại trôi vụt đi, đâu còn ai nhớ được những gì ảo mộng sau một đêm dài. Có người cũng nói, cuộc đời chẳng khác giấc chiêm bao là mấy. Và tôi cũng từng ngồi thẫn thờ mỗi khi giấc mơ tan mất. Sợ mình rồi cũng tan vụt đi vào hư vô huyễn hoặc.
     
      Lần nào nhân vật của tôi cũng ném lại cái nhìn đầy xót xa, nuối tiếc. Đôi mắt ấy ghim vào trái tim tôi nhiều thổn thức, âu lo cùng những cảm giác phấp phỏng chờ đợi một điều gì đó không đến từ thế giới thực. Nhưng rõ ràng, có lúc nó mang đến nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc tròn đầy trải kín một giấc mơ.
  
      Tôi đã bắt đầu cầm bút vào một đêm thật cô đơn, cái cảm giác cô đơn y như thời con gái người ta bị thất tình. Có khi còn hơn thế nữa.
     
        Tôi  đặt cho nàng một cái tên. Nàng là N. Viết như vậy có nghĩa rằng nàng là nước, một ngọn nước ngầm âm ỉ chảy, sẵn sàng đổ ập xuống, dìm chết kẻ nào không có giấc mơ. Nàng đi lang thang trong từng ngôi nhà, từng có ý định quấy rối tôi khi đêm đêm, tôi bật máy tính lên và gõ những dòng đầu tiên vê nàng...

        Nàng sinh ra từ một làng quê nghèo xa lắc lơ, nơi có những con đường sỏi cơm bốc khói trong nắng hè, hay những cánh đồng nứt chân chim hoang hoải suốt mùa đông mọc toàn rau khúc. Nàng được học hành tử tế và sống bằng một nghề liên quan chữ nghĩa. Kỳ lạ rằng, nàng không khi nào nói với tôi cụ thể về công việc ngoại trừ những liên tưởng như lát cắt mỏng về một sự lưu giữ những hiện vật quý giá. Liệu nàng có giữ nổi mình không? Tôi không chắc, vì có lúc nàng đã tan đi, khuôn mặt con người dường như không còn đường nét. “ Mà làm người làm gì cho khổ, hãy là hòn đá mà xem, trường tồn vĩnh viễn” – có lúc hình như nàng bảo thế.
   Tôi tin khi ấy nàng lầm  lẫn thôi. Lắm khi sự lầm lẫn lại cho người ta một số phận khác đấy chứ. Nếu tôi không là người nhạy cảm chắc hẳn tôi không thể gặp nàng, gắn bó và ràng buộc với nàng như mối tình giữa những người đồng tính thế này.
 
       Hầu như đêm nào N cũng xuất hiện. Mỗi giấc mơ là một câu chuyện bí ẩn đến khó hiểu, lắm khi không thể giải mã trước khi tôi gặp “Bạch tuộc Paul”. Tôi bắt chước nàng mà gọi ông lão như thế sau khi cả thế giới loài người ca ngợi con bạch tuộc Paul đoán trúng tỉ số nhiều trận đấu bóng đá trong kỳ World cup.

        Ông lão cười hiền, không nói không rằng, sau một hồi ngắm nghía tôi ông mới bảo: “mơ gì kể xem có linh ứng điều gì không”. Nàng chỉ đợi có thế, làm ra vẻ linh nghiệm, trút vào lòng tôi đủ thứ cảm xúc. Chỉ cần tôi nói ra, người ta sẽ rất sợ, rất ám ảnh. Có những lần nó đúng đến nỗi những tưởng đã xem một thước phim trước đó rồi. Tôi lấy hết can đảm bảo, em mơ thấy con hổ to đòi ăn thịt mình thầy ạ. “Thật à”. “ Thật chứ ạ”. “ Ờ...e hèm”. Ông lão dặng hắng một hồi rồi bảo, có thể lắm, sẽ gặp được một nhân vật cỡ bự mà cũng có thể bị một kẻ nhớn nào đấy ăn thịt, he he he...Ông chuyên gia có cái cười mỉa mai như thế, điều đó hàm chứa nhiều ý nghĩa mà mãi khi thân thiết ông hơn  tôi mới biết.

        Lần đầu tiên gặp ông là trên lớp học. Vị giáo sư đạo mạo giảng bài lúc lúc lại bị đám sinh viên quây lấy hỏi đủ thứ. Lớp tại chức tan thì thầy được vô số sinh viên chăm sóc. Kẻ mời cơm, người chiêu đãi cà phê. Thấy chúng nó nói, có đứa học sinh mất nết còn “thân mật” với thầy để xin điểm cao nữa kia. Giữa lúc nhốn nháo có con bé mướt mải mồ hôi chạy đến bảo, thầy ơi, xin thầy cho em qua không phải thi lại, em phải đi làm kiếm sống, không thể ngồi nghe thầy giảng được , như thế mất việc ngay, về em sẽ đọc tài liệu. Ông trừng mắt : “học thì ấm vào thân, cô học vì cái gì?”. “ Dạ, em học để được đi làm tiếp, không bị đuổi việc ạ”. “ Ờ, đơn giản nhỉ, tên gì? Quê ở đâu?”. Sau một hồi dồn hỏi, ông từ chối mọi lời mời của đám đông, lặng lẽ về phòng...

       Mãi sau này tôi mới hay, tội của tôi là đã toàng toạc đâm cái gai bồ kết nhọn vào tim ông. Ông cứ tưởng lâu nay, lời nào mà giáo sư, tiến sĩ nói chẳng hay, mỗi tiếng thốt ra trên bục giảng là sinh viên nghe nuốt lấy, ghi chép, thi cử rồi  cất đi làm bửu bối. Người ta dành tặng ông những lời hoa mỹ, tôn ông lên vị trí ngất ngưởng. Đâu ngờ, ở cái chốn quê nghèo khó tả này, có người nói thẳng với là đi học vì miếng cơm manh áo. Xót quá, đau quá. Ông bảo, tim ông đã đau thắt và muốn quẳng vào mặt tôi cái giẻ lau. Nhưng sau mấy lần chứng kiến tôi hì hụi chép lấy chép để những gì mình không thể nghe từ vở của người khác thì ông cho qua. Rồi ông cũng hiểu ra, phía sau mỗi kẻ ngồi học là cơm áo, là biết bao ngổn ngang...
     
        Thật run rủi khi ông lão đã không ghét mà hay hỏi thăm tôi. Giữa những lần thăm hay gọi điện, N xuất hiện, ngự trị suốt những giấc mơ, kể về ông lão kỳ quặc. Dần dần, hoá ra tôi trở thành bạn vong niên của  ông lúc nào không hay và biết được ông có một biệt tài kỳ lạ là đoán được ý nghĩa của những giấc mơ. Nhờ  sự tiên đoán ấy mà tôi cũng tránh được nhiều nguy hiểm, hay biết mà đón đợi những niềm vui. Cuộc sống trở nên thật có ý nghĩa, khi mà sau mỗi giấc mơ lại có nguồn năng lượng mới đựoc tái sinh. Cũng chính Bạch tuộc Paul đã vẽ được chân dung N hoàn hảo nhất, cất giữ nó, khi nào tôi thật buồn, thật lẻ loi thì nàng đến.


       Sau đêm mơ con hổ ăn thịt mình tôi nhớ quay quắt chị Thanh đen ở xóm chài ven sông gần nhà bà nội. Chị ngồi khóc ơ hờ bên bụi ruối xanh đen, đôi mắt như kẻ mất hồn. Một vạt áo rách xéo. Cái quần ướt sũng, bê bết bùn, và dính cả máu tươi. Tôi chết đứng khi thấy vết tay cào mới nguyên trên vú chị. Vết xước như của con ma cà rồng trong phim hoạt hình.  Chị ôm tôi khóc rú lên, nước mắt thấm đẫm vai áo. Cổ họng chị cứ kêu khục khục không thành tiếng. Ngay bên gốc ruối vẫn còn nguyên đấy bãi đất nhàu nát cỏ và bùn. Một cái lốt đi của chiếc xe máy phượt lên phía đê vắng vẻ. Tôi bàng hoàng định tra xét xem kẻ nào cướp đời con gái của chị thì chị đưa tay bịt miệng tôi lại, ra hiệu để tôi dìu chị về.

       Đêm ấy, mẹ con chị ngồi khóc mà không ngủ. Những tưởng nước mắt làm trôi đi căn nhà xiêu vẹo của bà mẹ goá nuôi con. “ Mình thân cô thế cô con ạ...”, bà mẹ nói trong tiếng rít gió xót xa. Tôi chỉ muốn chị Thanh kể mặt rành tên thằng cha đểu giả nào để tôi về bảo người nhà mang cái cuốc đến cuốc vào mặt nó, nhưng chị không nói. Chị đi thay giặt, nín khóc và chìa cho tôi xem tờ quyết định đi làm việc...
       Tôi nghẹn lòng, thảo nào nửa tháng nay mẹ con chị dắt díu nhau xuống tỉnh, lặn lội đi xin việc khi chị học xong trung cấp kế toán đã mấy năm. chẳng nơi nào cần chị. Chỗ phải có điều này điều nọ thì chị chịu. Mãi mới có ông là người quen cũ của bố chị ngày xưa hứa là sẽ giúp vô tư không mất gì, ngoại trừ đôi mắt ông ta cứ chòng chọc nhìn vào ngực chị. Chắc hẳn chị Thanh đã dồng ý cho ông ta đưa mình về quê bằng xe máy khi lúc sáng mẹ đưa chị ra đi ô tô xuống tỉnh nhận quyết định đi làm.
       
         Đêm trong căn nhà chị ngột ngạt. Nỗi đau không giấu mặt đi đâu được cứ thổn thức mãi. Cả gió qua nhà cũng run rẩy. Rồi mai kia lòng chị Thanh bao giờ yên.
        Ấy vậy mà, bây giờ, dường như chị Thanh đã quên hết chuyện đau đớn ấy, ăn diện ngất trời, đi làm, lấy chồng và sinh con. Có lần tôi gặp chị ngang đường, tỏ ý quan tâm thì chị bảo, cái gì đáng quên phải quên, xã hội nó làm cho mình thành như thế, có cưỡng lại cũng chẳng được, rồi còn mày nữa, bố mẹ nghèo sao che đỡ cho mày suốt cuộc đời đựoc. Tôi ỉu xìu. Có thể chị Thanh nói đúng mất rồi. Nếu thế thì tôi đúng là một kẻ điên khùng, ngu ngốc. Thảo nào, ngoài Bạch tuộc Paul, tôi chỉ có nàng để sẻ chia.

          Chắc vì điều đó đã khiến nàng chọn tôi. Đêm nào tôi cũng phải vật lộn với nàng là mơ thế này, đừng mơ thế kia. Nàng khóc và bảo, “đừng thế, giấc mơ cũng có số phận”. Và tôi đã mủi lòng. Tôi chính là sợi dây cho nàng và Bạch tuộc Paul nghĩ về nhau, y hệt cách người ta yêu nhau và trao gửi. Dù rằng yêu quý nhau là một việc khó khăn nhưng tốt đẹp.
         
         Tôi đã cẩn trọng ghi lại điều đó, ghi cả giấc mơ hằng đêm xuất hiện dưới sự chỉ huy của nàng. Ghi để chuyển lại cho Bạch tuộc Paul vào bất kể khi nào có thể.

          Giấc mơ thứ nhất. Ngày sinh con, nàng đã để tôi đi vào quá nhiều linh cảm cuộc đời này. Nàng đã thấy người mềm nhũn ra rồi biến thành một làn khói mỏng bay lên, chui qua cửa sổ thoát ra ngoài. Nàng được người ta mời ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, người lái thuyền quay lưng lại tịnh không nói một lời. Mặt nước hồ xanh dương và lặng phắc, mái chèo khua không hề gây tiếng động. cả những hàng liễu ven bờ cũng thế, im lìm rủ bóng đến đáng sợ.

         Nàng được đến một khu nghĩa địa đào bới dang dở, được người ta chỉ vào cái hố to mà rằng “ chỗ của mày đấy”. Mùi xú uế xộc lên, nàng nghĩ có thể mình sẽ chết nếu không thoát ra. Nàng thò tay vào túi quần tìm tiền nhằm đút lót cho bà lão rách rưới ngồi canh lối ra vào. May quá, còn 3 ngàn đồng nhàu nát.  Khi bà cụ  đưa tay vuốt phẳng tiền thì nàng co chân chạy qua cánh đồng toàn …phân là phân.

        Nàng không dám ngoảnh lại. trên đường đi, nàng gặp ông nội và thím. Ông nội mất cách nay đã hai mươi năm, ông đuổi theo nói hớt hải “  con về ngay đi”. Thím thì đi làm thuê cho một lò gạch và cũng đuổi nàng về. Trước khi nàng đi, thím kéo tay và dặn “ về bảo chú mày sao cứ thắp hương hoa quả mãi, không có cơm có thịt gì ư, thím đói lắm…” thím nàg cũng đã mất 10 năm nay vì đột tử rồi.
         Khi nàng băng qua thế giới linh hồn thì cũng là lúc tôi tỉnh dậy. Hai bầu vú căng tức như bị sưng, bụng nhâm nhẩm đau. Lạ chưa, túi quần có mấy đồng tiền hoen ố y hệt như trong giấc mơ. Gần trưa, đuă em ho ở quêmướt mải đến chơi và mời về ăn giỗ thím. Nó xì xào kể về việc hay mơ thấy mẹ nó tóc rất dài, ngồi ở đầu giường nó hàng đêm, ngắm nó ngủ và lặng lẽ khóc. Vừa mới đêm trước mẹ nó về báo mộng là “ gặp chị mày đi lang thang như con điên dưới âm phủ, hay đã bị thằng nào lừa rồi, mà mẹ dặn chị mày mấy điều, nó có bảo lại gì bố con mày không”. “ Thế mẹ em dặn gì cho chị?”- đứa em hỏi dồn dập. Tôi ngớ ra, hỏi nàng ấy chứ. Tôi chỉ là cái thân xác hiện hữu để nàng trú ngụ mỗi đêm mà thôi.

         Nhưng không, bà thím ấy là thím tôi rõ ràng đúng không, ông nội là của tôi đúng không? Ô hay…Thế là tôi trút hết giấc mơ cho con em,nó ồ, à, mắt tròn mắt dẹt một lúc thì khóc, bảo: “em đi gọi hồn cho mẹ em mấy lần không được, thầy cứ bảo nặng lắm, hồn không lên. May quá, chị mơ thế em về bảo bố em, đúng là thế đấy, bố em chẳng thắp hương đồ mặn bao giờ. Ông bảo chết là hết chị ạ”.

         Liệu chết có phải là hết không? Tôi không dám chắc khi nàng cứ ngồi hàng giờ trong kho lưư trữ hồ sơ của một bảo tàng để lau chùi, xếp đặt đủ thứ hiện vật, đủ thứ giấy tờ. Có lý lịch của một anh hùng đã chết ngót trăm năm, mà vẫn đấy, khuôn mặt, quê quán, anh em, gốc gác rành rành. Ngày nào ông ta cũng tồn tại trong phạm vi căn phòng này.  Nhờ công việc gìn giữ quá khứ mà nàng truyền cho tôi sự trân trọng quý mến chính cuộc sống này. Mọi vật hữu linh – tôi nhủ thế và  thấy cái gì cũng đẹp. Có khi thấy một con đường đầy hoa dại là đẹp khi bụng đói meo, hay bờ sông quê là đẹp trong nắng chiều...Đầu óc đôi lúc cũng không chạm mặt đất.

         Tôi nhớ Bạch tuộc Paul đã bảo, lúc nào cũng đi trên mặt đất, nhìn thâú mọi ngóc ngách xấu xa sẽ lại thấy đời nhạt nhẽo, tầm thường.

         Một người như ông, cả đời ao ước sẽ nghiên cứu một công trình vĩ đại nào đấy rồi cũng lại thành ra ông giáo đi giảng kiếm sống. Mọi ý tưởng trở thành khó thực hiện, nhiều sóng gió, khổ đau ập lên sự ngay thẳng, không biết luồn cúi của ông. Từ bấy ông không muốn nói nhiều. Chỉ lỡ miệng cái thôi thì nguy hại. Ông chẳng bảo, ông đã gặp nhiều người thành đạt làm to rồi, họ có được phẩm chất tuyệt vời là nhẫn nhịn, suốt ngày ngồi lì trong phàng làm việc, ru ngủ, vỗ về những gì mình có, Hay chí ít cũng phải biết tạo dư luận mà giữ chỗ cho chắc. Nghe thế, đúng là Paul có vẻ lẩm cẩm thật.

Tôi nhận ra nàng dù rất yêu quý tôi cũng không thể thay thế vai trò của một người đàn ông để âu yếm, vỗ về tôi mỗi khi tôi cần được.  Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ lấy chồng, nhưng mấy đêm nay tôi bỗng muốn dứt bỏ quá khứ, muốn mình có một đứa con, chí ít cũng để tôi có dip nói cho nó biết cách lưu giữ một người bạn tin cậy bên mình như cách tôi giữ nàng chẳng hạn. Tôi tin nàng không phản bội mình.  Nhưng nếu yêu một người đàn ông là phải ôm hôn, chung sống, phải gắn bó thân xác ...thì tôi lại sợ. Cái sợ y như của buổi chiều rét căm căm trong ký ức mà nàng đã rưng rưng kể.

   Giấc mơ thứ hai. Nàng mồ côi cha từ nhỏ, ngày ngày đi theo lũ trẻ con tròn xóm Trại đi mò cua bắt ốc. Mẹ cũng ngồi khóc được mấy mùa có cơn mưa bong bóng phập phồng thì đi bước nữa. Dượng xét nét cái con bé đen đúa là nàng. Mẹ bảo, cứ ở với ông nộimẹ sẽ gửi tiền về nuôi. Nàng học lớp 7 thì ông mất, Mẹ dù đã lâu không về thăm, không chu cấp gì nhưng cuối cùng cũng về kéo nàng đi lên thành thị vì sợ nàng thất học. Dượng làm công chức nên đi suốt, đến bữa tối mới về lừ lừ nhìn nàng từ đầu đến chân rồi giục: ăn đi, liệu mà học. Nàng sợ lắm, những lúc ấy nàng thèm ngửi thấy cái mùi cha vô cùng. Nàng đã từng ngồi lên lưng cha hát nghêu ngao bậy bạ, tóc cha có mùi lá bạch đàn cháy...

         Mẹ đẻ thêm thằng em và đi chợ suốt ngày, nàng thay mẹ làm mọi việc trong nhà, đến khuya mới ngồi vào bàn học. Tối ấy rét  buốt, dượng đi đâu về mà mùi rượu sặc sụa, nàng ra mở cổng, dượng đã quàng tay ôm riết và dí nàng vào xó cổng. Chao ôi, đầu óc quay cuồng, nàng thấy khinh bỉ dượng. Mùi rượu xộc vào mặt nàng, cái đầu ông nghoẹo ra, rớt cả cục nước dãi vào cổ nàng. Choáng váng, nàng chỉ kịp nghĩ mình phải thoát ra ngay tình cảnh này, tay nàng sờ thấy cái bơm xe đạp hồi chiều nàng giấu ở đấy để mai cho bạn mượn, nàng lấy hết sức thục vào mạng sườn dượng. ông ta lăn ra đất, miệng phun xèo xèo rồi lịm đi.

           Mẹ về thấy chồng ngủ trên nền đất ngay ngoài cổng thì quất cho nàng mấy roi “ mày không cả biết bảo bố lên giường ngủ à”. Mẹ nhầm, ông ta chưa bao giờ là bố cả. Nàng định kể cho mẹ chuyện vừa xảy ra, nhưng thôi, nàng sợ mẹ buồn, mà mẹ sẽ không tin. Sáng hôm sau, dượng bảo với mẹ là nàng hư lắm, ăn cắp vặt, tốt nhất là gửi về quê. Thế là nàng lại khăn gói về bà nội học năm cuối cùng của cấp 3.

         Cả một đêm dài bà nội ngồi thở sườn sượt , vuốt ve mái tóc của nàng. Bà  nhìn thấy rõ những nõn nà của tuổi dậy thì trong dáng dấp cháu mình và cả những hoảng hốt đầu đời chưa kịp nguội tắt trên khuôn mặt.
Khi thi đỗ và đi học trung cấp lưu trữ , bà đã mang ra đưa cho  nàng một  cây bút tuyệt đẹp mà cha gửi lại. Chính nàng đã tặng lại cho tôi cây bút đó vào một ngày giông bão đầy trời,  khi tôi ngủ vùi sau những nỗi buồn không tên vụn vặt xâm chiếm trái tim.

     Hai giấc mơ làm Bạch tuộc Paul ngồi buồn rũ ra. Ông ôm lấy tôi mà vỗ về như vỗ về đứa con gái bé bỏng. Nàng đâu rồi nhỉ, khuôn mặt nàng đã tan trong ánh sáng. Hơi nước ẩm ướt làm mắt Paul và mắt tôi nhoè đi. Cuộc sống thật kỳ lạ, những giấc mơ tồn tại trong từng khoảnh khắc của tôi. Nàng thoắt ẩn thoắt hiện trong những nỗi đau và niềm hạnh phúc thật sự con người.

        Chính cây bút đã vớt tôi từ cái ao đầy tự ti , mặc cảm và buồn rầu để đi làm, đi học tiếp đại học. Cây bút giúp tôi và nàng trở thành bạn thân, giúp tôi và Bạch tuộc Paul trở thành tri kỷ ...Hơn ba mươi tuổi, tôi cũng tự biết là cần phải lấy chồng, hay là yêu một ai đấy với một tình yêu chân thật để còn đi xa hơn.  Nàng bảo, hình như nàng yêu ông lão điên khùng mất rồi. Ngày nào ông ấy cũng đoán ra nàng thế này hay thế kia. Nàng là ngọn nước xối thẳng hay ngọn lửa âm ỉ cháy thì ông lão cũng đoán trúng phóc rằng, là lửa thì may mắn, là nước thì khỏe mạnh, là bùn đen, ngõ tối thì nguy hiểm...

         Nhưng khi tôi hỏi Bạch tuộc rằng, nếu nàng nghĩ ông là người  không đáng tin thì sẽ tin ai để sống tiếp. Ông lão bỗng im bặt. Tôi hỏi ông rằng, tôi mơ thấy mình bế một đứa trẻ kháu khỉnh, hôn hít nó, rồi hôn cả người đàn ông bên mình, tóc anh ấy toàn mùi dầu ô liu. Nhưng tôi không kể cho ông chi tiết khuôn mặt anh giống hệt Paul. Ông lão không nói gì, hai mắt như khói chiều.

        Tôi bảo, nàng sẽ rời bỏ tôi để đi sống trọn vẹn với chồng con, nhưng nàng rất kỳ quặc cho rằng, dù có sống với chồng rất hạnh phúc thì đôi lúc, vẫn muốn có con với một người mà mình ngưỡng mộ. Tôi hỏi ông, thế là rồ dại hay ngu ngốc để tôi biết mà tránh ra, để tôi cũng không một mình nữa. Ông không trả lời được.

        Đúng quá, sao mà ông trả lời được, ông phải bảo vệ luân lý ngàn đời nay của đời sống con người chứ, làm sao một người đàn bà có chồng đang sống hạnh phúc lại có thể ao ước có con với người khác được . Thế không phải là hư hỏng sao. Chỉ có điều, ít người thừa nhận rằng, đôi khi mình cũng hư hỏng trong ý nghĩ. Paul im lặng như thú nhận sự thất bại không thể lý giải. Paul có đoán gì lúc này cũng không linh nghiệm nữa. 



      

    Tôi thì biết chắc, ở lan can căn phòng Paul ở, có một chậu hoa loa kèn nở sau mưa. Có thể ông sẽ lại quen một phụ nữ khác. Cuộc viếng thăm đầu tiên của cô ấy vào lúc mưa tạnh, hoa nở. Mọi chuyện sẽ lại khiến ông có một công việc thú vị là đoán giấc mơ.

          Nhưng chắc chắn, sẽ không có cô gái nào có số phận giống nhân vật của tôi. Và đêm đến, khi người đoán giấc mơ lột bỏ mọi vai diễn trong đời thì chắc chắn, nhân vật của tôi và đứa bé ao ước ấy sẽ được ngủ ngon lành trong trái tim ông.
          Chỉ thật buồn một điều, từ ngày tôi quyết đinh sẽ sống không quá khứ, không suy tư day dứt gì về bất cứ số phận nào quanh mình, tôi sẽ vô tư như cây cỏ, sống như tồn tại, lúc nào cũng vui, dù lòng có chảy nước mắt, tôi không hờn giận hay đau khổ gì hết ...thì nàng cũng vĩnh viễn ra đi không trở lại. Giấc mơ cũng ra đi mất rồi, không hề xuất hiện thêm một lần nào nữa.

        Mỗi đêm, khi là chính mình, nhắm đôi mắt khô khốc không ngủ được tôi cay đắng nhận ra rằng, con người ta đau đớn và vô vị nhất là không có giấc mơ. Tôi bàng hoàng hoảng sợ nếu  Bạch  tuộc Paul không sống trong lòng mình
       Khi không có giấc mơ thì người đoán giấc mơ biết làm gì?.  

                                                                                                       M P 








Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

NGUYỄN ANH NÔNG & HAI TRƯỜNG CA MỚI



NT NGUYỄN ANH NÔNG


Cảm nhận
về hai trường ca:
“Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn”  và  “Lập Thành” 
NXB Văn học, Tháng Tư/ 2012 của 
NT NGUYỄN ANH NÔNG  


 Hai trường ca
 “Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn”  và  “Lập Thành” của Nguyễn Anh Nông  vừa được NXB Văn học xuất bản, in xong tháng 4 năm 2012.
 
 * NT Nguyễn Anh Nông sinh: 1959. Quê: Quảng Xương, Thanh Hoá. Hội viên các Hội: Hội Nhà Văn VN, Hội Nhà báo VN, Hội Văn học Nghệ thuật các D.T.T.S.VN, Hội Nghệ sĩ Điện ảnh VN, Chi hội Nhà văn Quân đội. 

Đến nay, Nguyễn Anh Nông đã cho xuất bản 11 tập sách, gồm 7 tập thơ và 4 trường ca.
   Xin trích một số bài viết,  đánh giá về hai trường ca trên... 




   “Thơ Nguyễn Anh Nông, qua hai trường ca Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn & Lập Thành khá “mới”, có yếu tố “lạ”và có những câu, trường đoạn hay... “.
    “Còn hơn một lần mừng vui, tự hào, khi tác phẩm Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn & Lập Thành là ông dành “trò chuyện” với cha con tôi. Gia đình tôi xem đây là một tín hiệu vui, dự báo trước về hành trình tốt lành trên đường đời hai cháu...”.  
                                                      Nhà thơ ĐỖ TRỌNG KHƠI 



NT ĐỖ TRỌNG KHƠI VÀ
CON TRAI - ĐỖ LẬP SƠN

   “Thêm một lần nữa khẳng định Nguyễn Anh Nông đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục... Riêng với những đóng góp ở thể loại trường ca, anh xứng đáng được tôn vinh là người khởi xướng của việc đi tìm cái đẹp trong quá khứ và những vẻ đẹp thuộc phía ngày mai. Thơ anh đã và đang nghiêng bút và can dự sâu hơn vào tâm thế thời cuộc”
                                                Nhà thơ NGUYỄN HƯNG HẢI

“Các nhân vật... là những người bình thường, như cha con Cu Lập Sơn, như Lập Thành, có tên và các đặc tính gần trùng với người thực là các thành viên trong gia đình nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - người bạn văn bạn thân thiết của tác giả và cũng là “nhân vật” nổi tiếng giữa làng văn Việt Nam qua cuộc đời văn chương vượt thắng số phận không may. Tức là trường ca hậu hiện đại của Nguyễn Anh Nông đã bình thường hoá cái phi thường, và phi thường hoá cái bình thường. Dung hoà các mặt đối lập là thủ pháp của trường ca cổ điển. Song, đổi vai các mặt đối lập sẽ làm nên trường ca (hậu) hiện đại...”.
                                            Nhà thơ ĐỖ QUYÊN (Canađa)

“Cả trường ca "Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành" là trải nghiệm một cách nhìn sáng tạo, mạnh mẽ và đột phá. Mọi sự trên thế gian này ra đời, tồn tại và phát triển đều có quy luật của nó. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không làm cho những mầm non bị héo mòn mà đôi khi lại tạo cho nó cứng cáp hơn. Sự nghiệt ngã của cuộc sống không làm cho những con người có ý chí và khát vọng bị lụi tàn mà đôi khi lại làm cho họ có sức sống mãnh liệt hơn, trang đời lại thăng hoa, tỏa sáng nhiều hơn. Mỗi chương, mỗi phần của trường ca Nguyễn Anh Nông làm cho chúng ta giật mình ngẫm lại thế sự nhân tình và cuộc sống hiện tại. Niềm vui cũng nhiều, thành công cũng có, nhưng cay đắng vẫn còn, những trải nghiệm xã hội sẽ giữ con người luôn ở trạng thái hiện thực của cuộc sống để nhìn về quá khứ, ước nguyện tương lai, vượt lên mọi số phận...”.
“Trường ca "Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn & Lập Thành" thi pháp hoàn toàn mới lạ, đó là cuộc trò chuyện với thế hệ mai sau, với lớp con cháu, với những người chủ tương lai của đất nước.
Những con người bình thường nhất sẽ là những con người làm nên tất cả, nhà thơ đã nhận biết và tìm thấy những gì vĩ đại nhất trong những cái bình thường nhất. Đó là một cách nhìn!” (Bài đã in báo QĐND3/ 4/ 2012).
                                                      NGUYỄN VĂN LAI
                                          (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn)
 ĐTM mời bạn 
đọc một đoạn trong 
Trường ca
“Trò chuyện với 
cha con Cu Lập Sơn”
              
 ...
 VII- QUÁ KHỨ CHƯA XA

HỒI TƯỞNG 1- HÁT DƯỚI TRĂNG VÀNG

Ta đi tìm ta bâng khuâng hơi thu
Trời đã đông đâu mờ ảo sương mù?
Ta như vầng trăng tròn rồi lại khuyết
Ta như người say người say mộng mơ.

Ta bây giờ đã là người đến muộn
Em xinh tươi lỗi hẹn với ai rồi?
Em nhí nhảnh, em kiêu sa, em dại dột
Em chân thành với trái tim đơn côi?

Và, cứ thế, sao trời ơi, cứ thế
Giọt buồn vui tí tách đa mang
Ta như đất nằm mơ điều huyền diệu
Mà bàn tay buông bắt...lỡ làng.

Rồi, đêm xuống bình minh bao tổ ấm
Đôi cánh màn khép lại, chuyện ái ân...
Ta - chú dế cô đơn, vò võ
Dưới trăng vàng bên cọng cỏ dương gian
Hình như mắt như mi và như tóc
Giàn giụa thu - cõi lệ, sương tan.

HỒI TƯỞNG 2- CUỘC PHẨU THUẬT DANG DỞ

Những bàn tay vàng
Những tấm lòng vàng
Những dao kéo vàng
Những ý tưởng vàng mơ những đứa con ngoan.

Nàng ngấp nghé giao kèo trong tưởng tượng
Nàng khát khao da diết duyên tình
Nàng khấp khởi, âu lo, bẽ bàng, thất vọng
Nàng chết lặng- trang thơ nguội ngắt- trái tim ngừng đập- tích tắc - tích tắc…

HỒI TƯỞNG 3- NHẪU NHIÊN VÀ TẤT NHIÊN

Anh có cuộc bứt phá ngoạn mục
Cuộc đại nhảy vọt, bất ngờ:
Sự lộn nhào chiếc xe bốn bánh - hất – anh - văng - sang nỗi đau tứa máu
ít nhất anh cũng cao – xa - hơn mình mấy xăng - ti - mét
Bởi tác động của lực quán tính trước vật cản - chiếc hố- cái bẫy cát vô tình.
Cái bẫy cát vô tâm vô tính?

Cảm ơn sự xui khiến của cảm tính hay thăng hoa của ngẫu nhiên
Cảm ơn bạn bè và tiền nhân (*)
Cảm ơn mảnh đất bằng mà không bằng mà lại công bằng
Giống như sự vẫy cánh của loài chim
Ta cần một làn gió
Ta cần làn hương hoa
Ta cần một chỗ vịn
Để nhấc - mình - đi.

VIII- TƯƠNG LAI

1
Nụ thành hoa
hoa thành trái
điều ấy chẳng ngẫu nhiên
2
Con thành cha
Cha thành ông
Năm tháng nói lời quyết định.
3
Quan quan lính lính
Quần quần áo áo
Giày giày dép dép- mộng giàu sang đâu dễ  nguôi ngoai.
4
Bi bi hài hài
lỡ dở hay thành đạt
Sấp ngửa bàn tay năm tháng vân vi.
5
Thổ mộc trăm nghề
Bôn ba tứ chiếng
Loảng xoảng bát đĩa , chao chát chợ trời, chân tay đối thoại loang loáng- u chán- bưu đầu- nghé trâu khụng khiệng- bò bê khấp khiễng- ngỗng ngan khà khịa- thỏ đế hoảng hồn khiếp vía-cây mía run run - lất phất mưa phùn nhão nhoét-Cu Sơn gật gù, miệng  cười toe toét.
6
Bà  giơ tay chào tương lai đất nước
Cu Lập Sơn cao lớn lênh khênh
Mái tóc bồng bềnh như mây buổi sớm- bóng mát xanh che rợp nóc nhà thờ.
7
Cu Sơn cúi đầu chào cây đa đầu xóm
Chào đống rơm đống rạ cháy tưng bừng
Chào đàn sáo líu lô ngọng nghịu- bỗng Sơn cười soi bóng nước mương trong.
8
Cu Sơn cúi đầu chào cây sung cây khế
Chào ao sen ao súng nở hoa
Chào mấy mươi năm mưa gió nhà mình.
9
Cu Sơn cúi đầu chào cây chanh cây ổi
Nơi bố ngày xưa nhảy nhót leo trèo
Sơn chào cả gốc dừa, gốc bòng, gốc bưởi - tiếng ve sầu thao thiết suốt trang thơ.
10
Cu Sơn cúi chào chiếc sân gạch
Chào con gà con chó chạy tung tăng
Chào bậc cửa nơi bố Cu Sơn ngồi đánh vần trang sách mới.
11
Một chiều rười rượi
Vắt vẻo lưng trâu Cu Sơn ngồi thổi sáo
Cô láng giềng đôi mắt đỏ hoe hoe.
12
Nườm nượp tàu xe
Cu Sơn đón đưa cả nhà cả xóm
Cuộc  hành trình xuyên Việt, vượt Đại dương…tới những hành tinh mới.
13
Cây đa ngóng đợi
Cây lúa bồn chồn
Cây tre ngóng cổ đợi  Cu Sơn như trai gái bén duyên nhau.
14.
Lá trầu cây cau
Quấn quýt xanh vàng tháng năm chẳng chịu xa nhau
Tình yêu mẫu mực.
15
Cô gái làng bên lên xe hoa
Sân ngõ nhà Sơn chật người hớn hở
Chiếc nhẫn cưới Sơn trao đính bằng ánh sáng thi ca- mê mẩn cả hội hôn.                                                           
                                                                         
                                                                    


IX- DỰ PHÓNG  NGÀY GẦN

1
Năm 203X  Cu Sơn có con
Vài chục năm sau, có cháu
Từ bố sang ông  tới  cụ  như lội một quãng đồng.
2
Ngày Cu Sơn thành Bố Tướng
Cả xóm tưng bừng
Ngày Cu Sơn thành Cụ Tướng
Cả xã tưng bừng
Ngày Cu Sơn thành Biểu tượng thi ca
Quốc tế tưng bừng
3
3060, con cháu Lập Sơn xây dựng đền đài nguy nga tráng lệ
Cây lúa cây khoai được dát  bạc dát vàng
Thi ca được tôn vinh tuyệt đỉnh
Hoa súng hoa sen nhảy múa hân hoan.
4
Ta đi dọc hành trình không gian thời gian
Trò chuyện cùng  năm tháng
Trò chuyện cùng quá khứ tương lai
Nghe diệu vợi cõi người sáng tối
Nghe râm ran nức nở mấy vầng mây
Tiếng chim hót trên cành cây mơn mởn
Văng vẳng đâu đây tiếng trẻ học bài.
5
Tiếng đàn ai lướt như tơ mỏng
Thơ thới chuông chiều vọng tóc tai
Này hoa lá rung rinh ngàn tia nắng
Nọ bướm ong  ngờm ngợp sắc hương
Kìa  sông Lý, sông Hồng lăn tăn sóng
Mây gió ngàn năm những ngập ngừng ./.

                     
                                              N.A.N 

* Xem thêm tại ĐỀN THƠ MỚI 
NT NGUYỄN ANH NÔNG: 14/ 12/ 2011 & 17/ 1/ 2012. 


Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

ĐẬP CỔ KÍNH RA TÌM LẤY BÓNG - ĐẶNG VĂN SINH





Đập cổ kính ra tìm lấy bóng...

                                             (Nhân đọc tập thơ  lục bát "Lá nhú chân chim", 
                                            NXB Hội Nhà văn 2010 của Tân Quảng)          

                                                                                  Đặng Văn Sinh



     Lục bát Tân Quảng là thơ của một anh thợ cày, nên mọi cảm hứng nghệ thuật đều xoay quanh thân phận người nông dân. Có điều cần phải hiểu nội hàm từ "nông dân" thời hiện đại hầu như đã bị chuyển dịch, khác với người nông dân trong ca dao truyền thống, cho dù cả hai đều là đối tượng thẩm mỹ, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo qua cái tôi trữ tình. Đó là cái tôi thấm đẫm lối tư duy trực cảm mang đậm dấu ấn đặc trưng dân tộc nông canh trong không gian văn hóa làng xã với cả những mặt khuyết tật của nó.
Nếu làm phép so sánh, thì tạm thời có thể xem lục bát truyền thống và lục bát Tân Quảng nằm trên hai mặt phẳng lệch nhau nhưng cùng được phóng chiếu trên mặt phẳng vuông góc. Qua sự phóng chiếu trong không gian ba chiều, người ta dễ dàng tìm ra sự tương đồng và dị biệt, từ đó có thể rút ra những đặc điểm phong cách, hay nói quá lên một chút là thi pháp lục bát của nhà thơ xứ Kinh Bắc có mái tóc rất nghệ sĩ này.
Bằng sự khổ công sáng tạo mà cái nền nghiêng về hình thái tư duy trực cảm, lục bát Tân quảng kế thừa khá thành công mảng ca dao tục ngữ của loại hình văn học truyền miệng cũng như truyện thơ tự sự thời trung đại, một kiểu tư duy hồn nhiên bằng hình ảnh ví von và cả những triết lý dân gian nhưng không kém phần sâu sắc.  Từ kiểu tư duy trực cảm, Tân Quảng có cách bố cục và khai triển ý tưởng bởi hệ thống ngôn từ khá hợp lý qua những câu chuyện thế sự hoặc diễn tả một khoảnh khắc tâm trạng. Nếu là "tự sự" thì bài thơ như một câu chuyện được chuyển tải thông qua vần, nhịp điệu, nhạc điệu, các biện pháp tu từ, hình ảnh, và, cuối cùng là vấn đề triết lý. Tân Quảng luôn có ý thức tiết chế, chỉ khuôn lục bát trong một số lượng câu nhất định, chứng tỏ tác giả có lối tư duy mạch lạc (cho dù là tư duy nghệ thuật), luôn tiết kiệm từ ngữ, hình ảnh đến mức tối đa. Bài dài nhất trong tập "Lá nhú chân chim" cũng không quá 8 cặp lục bát với 16 dòng. Vì thế, mỗi bài thơ của anh đều được chắt lọc, chọn từ, chọn ý, tìm hình ảnh, và, đặc biệt là cách diễn đạt để có được hiệu quả cao nhất về nội dung thông báo cũng như tư tưởng nghệ thuật. Với Tân Quảng, lục bát gần như không có câu thừa. Theo quan niệm của anh, câu chữ độn chính là một thứ đồ giả nhằm kéo dài bài thơ, là tác nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thơ mòn, sáo, nhạt nhẽo.
Đồng hành với cách gieo vần rất chuẩn của một cây bút có kinh nghiệm lục bát là kỹ năng cắt nhịp vô cùng linh hoạt. Vần thường cặp đôi với nhịp điệu tạo nên sự thanh thoát, uyển chuyển, cho nên ở công đoạn này, Tân Quảng đã vận dụng một cách thành công từ ca dao truyền thống. Nhịp lục bát phổ biến của Tân Quảng là 2/2/2, 2/4, 4/2 hoặc 4/4 (với câu bát) mà ít khi gò ép. Kiểu nhịp 3/3, 5/3 hoặc 6/2 chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay :"Mua tờ/tranh tết/dán chơi"; "Chữ thì/ mê mải/ rong chơi"; "Rượu về/ khật khưỡng dưới trăng"; "Heo may/ thổi chéo mặt đồng; Bóng ai xộc xệch/ gánh gồng hoàng hôn"...




Ảnh chụp tại Hải Phòng (Theo Hoài Khánh)
NS THÁI TRIỂN- NT THU HẰNG - NT ĐÔNG AN - NT TÂN QUẢNG


Lục bát Tân Quảng có kiểu đặt câu khá giống với ca dao truyền thống. Những câu thơ thường chậm rãi, đôi khi nhấn nhá, lúc thì thong thả như người thợ cày đánh trâu ra đồng, lúc lại nhịp nhàng như mái chèo khua nước hay uyển chuyển như cánh cò chao lượn lúc hừng đông khi gió nồm nam thổi qua đồng làng. Đọc "Lá nhú chân chim", người ta như không hề biết đến nền văn minh "ống khói" đang từng bước tàn phá môi trường, cũng không mấy quan tâm đến mạng lưới thông tin toàn cầu dày đặc, chỉ cần nhấn chuột, là có ngay Clip nóng bỏng của một siêu mẫu chân dài nào đó bên kia bờ Đại Tây Dương sau vụ Scandal "lộ hàng", mà mải mê thả hồn vào một thế giới huyền diệu, hiền hòa như không gian cổ tích. Từ lục bát đồng quê, được tác giả đẩy lên tận cùng cảm xúc, ta có cảm giác mình vừa được xỏ đôi hài ngàn dặm, ngược thời gian, tìm về cội nguồn xa xưa. Những ký ức truyền kiếp vùng tiềm thức trên vỏ đại não lần lượt được kích hoạt. Hồn vía dân tộc trong ca dao lục bát bỗng nhiên thức dậy làm con người như bị lên đồng, một trạng thái lên đồng tập thể đầy cảm hứng: "Tìm em giữa buổi chợ đông/ Bơ vơ chữ vợ chữ chồng lạc nhau" (Tập làm lục bát); "Nhà tôi ngoảnh mặt ra sông/ Tha hồ gió bãi trăng đồng thông thênh"(Tự họa); "Cày bừa biết thuở nào xong/ Trần lưng kéo mỏi cánh đồng thời gian"(Trâu ơi); "Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên"( Tre già ru giấc măng non); " "Cần gì điểm mặt đặt tên/ Cỏ đan vào cỏ mà nên trường tồn"(Cỏ)...
Thế nhưng, lục bát Tân Quảng không cũ mà lại rất mới. Nó bắt nhịp với hơi thở thời @, đem đến cho chúng ta nguồn cảm hứng vô tận về thân phận con người, về nhân tình thế thái theo phong cách "đập cổ kính ra tìm lấy bóng" của một ông vua đa tình triều Nguyễn. Cho nên, gọi lục bát Tân Quảng là "chân thi" với tuyệt chiêu "cố sự tân biên" cũng không sai. Tạng Tân Quảng không thể làm ra loại "giả thi" để lòe thiên hạ. Tân Quảng có lối "chơi lục bát" chắc nịch, nội hàm phong phú, đầy huyền hoặc, mà vẫn đong đưa đa tình: "Chữ thì mê mải rong chơi/ Để vần ngơ ngác ngược xuôi kiếm tìm"(Tập làm lục bát); "Bao giờ bạn ghé về chơi/ Ở quê sẵn món ốc nhồi đưa cay"(Tự họa); "Ngả mình trên chiếc chõng tre/ Thạch sùng chặc lưỡi chợt se xót buồn"(Viết trong ngôi nhà cũ); "Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên"(Tre già ru giấc măng non)... Làm được những vần thơ như thế là phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, chắt lọc từ dòng máu đam mê lấy tinh hoa từ cú, dứt khoát không thuộc type các "nhà" "văn vần học" ngồi chơi ăn sẵn, chỉ có thể "rặn" ra thứ lục bát nhợt nhạt, vần điệu khập khiễng, câu chữ mòn sáo, sểnh ra là chôm chỉa thơ người dán nhãn của mình vào, nhưng hễ có dịp đăng đàn là khua môi mua mép, làm khổ tai thiên hạ.




Kỹ thuật lục bát trong "Lá nhú chân chim" dường như đã chạm đến giới hạn mà nhà thơ khó có thể vượt qua. Công bằng mà nói, loại trừ khoảng năm, sáu bài thuộc dạng trung bình, còn hầu hết lục bát của tập này đều thuộc loại có đẳng cấp đáng nể, khiến ngay cả những người trong nghề cũng phải tâm phục khẩu phục. Thơ Tân Quảng phong phú, đa dạng nhưng không lặp lại mình hoặc lặp lại người khác cho dù chỉ là ý tưởng. Có thể xem, mỗi bài thơ là một thi phẩm, có cấu trúc chặt chẽ và nhất là thường ẩn chứa một tư tưởng nghệ thuật nào đấy. Trong đó, cái vỏ ngôn ngữ được tác giả nhào nặn đến mức tối ưu theo quy tắc của cái đẹp nhưng lại luôn vận động tiếp cận với hơi thở cuộc sống đương đại. Thế nhưng Tân Quảng không a dua làm mới lục bát theo kiểu ngắt dòng đột ngột tạo câu thơ bậc thang, đảo ngữ, hoán vị mệnh đề, dùng khẩu ngữ thông tục để gây ấn tượng. Tân Quảng làm mới lục bát nhưng không phá vỡ cấu trúc lục bát. Đây là cách làm cực kỳ mạo hiểm, bởi nếu non tay, thơ sẽ biến thành văn vần "nhai lại" những gì mà ca dao lục bát đã làm. Đọc những câu thơ sau đây, chúng ta không thể không ghi nhận sự đóng góp của tác giả trong hành trình nhọc nhằn làm mới phần hồn lục bát trong hình thức cổ điển: "Trai làng lên tỉnh làm thuê/ Bến xe thì chật vỉa hè thì đông"(Đoản khúc tháng ba); "Lời ru là sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên/ Đội mưa đội nắng mà lên/ À ơi... tre cứng lạt mềm nương nhau"( Tre già ru giấc măng non); "Ta về đãi gió tìm hương/ Lá vườn run rẩy cầm sương cuối mùa/ Người đi khuất lẫn trong mù/ Còn nghe đâu đó mơ hồ bước chân"( Vào đông); "Hồn như thuyền thúng nhấp nhô/ Phiêu diêu trôi giữa đôi bờ thực hư"(Ru mình); "Nhìn trời trời nhấp nhóa sao/ Nhìn người người cứ hao hao giống người"(Mắt)...
Đã chót đa mang nghiệp thi khách, Tân Quảng dấn thân hết mình mới dám xông vào chốn trường văn trận bút bằng một tập thuần lục bát. Trò chơi chữ nghĩa này chẳng khác gì con dao hai lưỡi, nếu nội lực tác giả kém phần thâm hậu thì "tắc tử" là cái chắc. Có lẽ hiểu rất rõ nguy cơ tiềm ẩn đó nên Tân Quảng chỉ giới hạn 39 bài. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, thay vì số lượng, anh tập trung nâng cao chất lượng, mà một trong những bí quyết ấy là tìm được cách nói của riêng mình. Đó là cách nói nhuần nhụy, thong thả, đôi khi tạo ra sự linh thiêng như một thứ tôn giáo. Bằng cách này, anh đóng vai trò chiếc cầu, nối dài dòng chảy ca dao từ quá khứ về hiện tại: "Vui buồn cùng cỏ nghêu ngao/ Bàn chi khôn dại thấp cao ở đời"(Cỏ); "Quê nhà gặp lúc thiên tai/ Nhìn hạt thóc lại thở dài nhìn mưa..."(Hạt thóc); "Đã nghe lá rụng bời bời/ Nửa đêm về sáng sương rơi đằm đằm"(Thu)...
Một trong những thế mạnh của Tân Quảng là "cách sử dụng hình ảnh". Hình ảnh trong "Lá nhú chân chim" không rườm rà mà sắc nét, đôi lúc chỉ là gợi tả nhưng gây ấn tượng mạnh, khắc sâu vào tâm trí người đọc bởi nó hầu như thoát khỏi tính ước lệ của thi pháp ca dao cổ. Cũng là cây đa, bến nước, dòng sông, con đò, vạt ruộng, cỏ, trăng...nhưng những chất liệu ấy qua sự gia công đầy sáng tạo của tác giả, nó trở nên sống động, có hồn vía, kích thích tâm thức người đọc, làm ta như bị thôi miên bởi thứ ma lực dẫn dụ, không cưỡng lại được: "Có trầu mà chẳng có cau/ Cánh chim côi cút giữa bầu trời xanh"(Tập làm lục bát); "Thuốc lào nước vối quanh năm/ Võng đay kẽo kẹt trưa nằm thảnh thơi"(Tự họa); "Xin người ngoảnh lại mà trông/ Có nghe cây lúa nghẹn đòng xót xa/ Chiều nay có kẻ không nhà/ Rưng rưng ngồi nhớ gốc đa đầu làng"(Đoản khúc tháng ba); "Cong cong một dải đê làng/ một hương sen thoảng một nàng mắt nâu"(Dải đê làng); "Lời ru làm sợi dây diều/ Cánh cò chấp chới trong chiều bình yên"(Tre già ru giấc măng non); "Rơm vàng thắt buộc lời em/ Lá sen bọc cả nỗi niềm xa sâu "(Cốm chùa Dâu)... Hình ảnh trong lục bát Tân Quảng vừa là phương tiện diễn đạt tâm trạng, vừa là đối tượng miêu tả, nhưng cũng không hiếm trường hợp như một triết lý dân gian, hồn nhiên, thâm trầm làm nên tư tưởng nghệ thuật của cả bài: "Lòng như đò cập bờ xuân/ Thời gian khẽ nhón bước chân giao mùa"( Tháng giêng); "Thuyền lòng chở ánh trăng suông/ Xin người đừng chất nỗi buồn đầy thêm"(Thuyền lòng)...
Cùng với những hình ảnh đặc sắc tạo được không gian lục bát đa chiều, lung linh sắc màu, Tân Quảng còn có được những câu thơ xuất thần như là một sự sáng tạo ngôn ngữ, góp phần đáng kể trong việc làm mới lục bát: "Chữ thì mê mải rong chơi/ Để vần ngơ ngác ngược xuôi kiếm tìm"(Tập làm lục bát); "Tháng ba ngọn gió cũng nghèo"(Đoản khúc tháng ba); "Trần lưng kéo mỏi cánh đồng thời gian"(Trâu ơi); "Liêng biêng rót cạn hoàng hôn"(Thu); "Ban mai rót nắng trong hồn"(Cỏ); "Heo may thổi chéo mặt đồng/ Bóng ai xộc xệch gánh gồng hoàng hôn"(Vào đông); "Thôi đành buồm ngược gió xuôi/ Bờ em nắng sớm, bờ tôi mưa chiều"(Cuộc đời tựa dòng sông); "Lòng mình ai gọi mà thưa/ Dửng dưng tay bóc ngày thừa vo viên"(Ngày nhợt nhạt); "Xác xao lá rụng làm đêm chòng chành"(Thuyền lòng); "Vãn mùa còn sót tiếng chim/ Lui cui sàng sảy nỗi niềm heo may"(Vãn mùa)...
Cầm tập "lá nhú chân chim"nhẹ bẫng, nhưng ta cảm thấy được sức nặng từ những con chữ biết nhảy múa qua sự "phù phép" của một "đạo sĩ" luôn tiềm ẩn trong mình dạng năng lượng lục bát ma mị. Lục bát ấy là một thứ "đạo", ai ngộ được sẽ thành chính quả, còn không, chỉ là những cô hồn...

                                                                                        Chí Linh, 24/4/2012
                                                                                                       ĐVS