Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

* TÀI THƠ, CÂU ĐỐI CỦA ĐẦU XỨ NHU - Nhân ngày 17/6






                                      Tượng NGUYỄN KHẮC NHU ở quê ông


                                                                    
 
         ĐẦU XỨ NHU
                                               



Nhân ngày giỗ lần thứ 81 nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và 12 chiến sĩ, xin giới thiệu về Nguyễn Khắc Nhu (1882 - 1930). Ông người làng Song Khê, cách thành phố Bắc Giang nơi tôi đang ở, năm cây số. Hồi thi sát hạch, ông đỗ đầu xứ, nên mọi người thường gọi là Đầu xứ Nhu. Ông có tài thơ phú, câu đối. Hồi ông làm tổng sư (thầy giáo của một tổng, độ vài ba làng), ông có đôi câu đối rất hay:

Tay chẳng việc quan mà cụ Tổng
Miệng không niệm Phật cũng ông Sư.

Ông có lòng yêu nước, chịu ảnh hưởng của phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục, từng đi vay tiền, thóc nuôi chiến hữu. Có lần gặp những vị điền chủ keo kiệt, không cho vay, ông cũng vận dụng thành ngữ tục ngữ, xuất khẩu nên đôi câu đối thú vị:

  Giật đầu cá vá đầu tôm. quý hồ xong việc
     Thắt cổ mèo treo cổ chó, vị tất hơn ai.     

Nguyễn Khắc Nhu vào Việt Nam Quốc dân đảng, lúc đó là một đảng yêu nước, tiến bộ. Đứng đầu Việt Nam Quốc dân đảng là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu là phó. Có khi, Nguyễn Khắc Nhu có cương vị cao hơn Nguyễn Thái Học (Nguyễn Khắc Nhu là Trưởng ban Lập pháp và Kiểm soát, Nguyễn Thái Học là Phó ban). Trong đảng bộ Quốc dân đảng của Nguyễn Khắc Nhu bấy giờ có Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, người bên dòng sông Thương này. Sau, cô Giang là vợ Nguyễn Thái Học. Đó là những phụ nữ xuất chúng, dũng cảm, tiết liệt. Nguyễn Khắc Nhu bị địch kết án vắng mặt tù cấm cố hai mươi năm. Tuy vậy, ông không nhụt chí. Từ cuối năm 1929, công việc khởi nghĩa được tích cực chuẩn bị. Đêm mồng 9 tháng Hai 1930, nghĩa quân các vùng Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao... đã nổi dậy… Cuộc khởi nghĩa thất bại. Nguyễn Khắc Nhu bị bắt. Để bảo toàn danh tiết, ông đã hy sinh trong tù… Ngày 17/ 6/ 1930, thực dân trảm lãnh tụ Nguyễn Thái Học và 12 chiến sĩ yêu nước tại Yên Bái. Chồng chết, cô Giang tự sát. Xin giới thiệu hai bài thơ của Đầu xứ Nhu thể hiện lòng yêu nước, chống thực dân Pháp và chống bọn quan lại tham nhũng thời ấy:


    NẶNG LÒNG ƯU ÁI...

Nặng lòng ưu ái khó làm thinh
Dội máu nam nhi rửa bất bình
Cướp nước, chém cha quân Phú Lãng*
Cháy thành, chết mẹ chú Ba Danh**
Gian nan những xót người trong hội
Tâm sự nào ai kể với mình
Hỡi hỡi anh em cùng gắng sức
Phen này quét sạch lũ hôi tanh!


GỚM GHIẾC HUYỆN QUAN
THỤ NGỌC LƯƠNG

Gớm ghiếc Huyện quan Thụ Ngọc Lương
Mồm thì lảm nhảm, mắt thì giương
Mẹ cha Tổng lý lòng không nể
Bè bạn chân tình dạ chẳng thương
Xử kiện lèm nhèm như tổ đỉa
Nã tiền đòn đánh tựa đầu lươn
Văn nhân tử sĩ nào đâu cả
Xỏ khố khiêng lên trả tỉnh đường***.


     ---------------------
* Phú Lãng (France): Pháp.
** Ba Danh (Bazin) : Chủ mộ phu đồn điền, bị lực lượng cách mạng của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu ám sát năm 1929. Sau đó, bọn Pháp ra sức khủng bố phong trào.
*** Nguyễn Khắc Nhu đã cho dán bài thơ này ở cổng huyện Võ Giàng, nơi cai quản của Thụ Ngọc Lương.
                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét