Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

BÀNG BÁ LÂN ĐẬP CHAI * BÀI: DUY PHI







                                                                            
                                                                         


                                                                         


           
QUA CỔNG LÀNG
NHỚ BÀNG THI SĨ 



 “Cổng làng trong thơ của thi sĩ đúng là cổng của làng tôi, mặc dù quê ông ở Bác Giang còn tôi ở Nam Định (hiện tác giả ở Berlin, Đức)... Quả là vào những buổi chiều mùa thu cách đây hơn nửa thế kỷ, tôi (lúc đó chừng bảy, tám tuổi) đã từng đứng hóng gió mát ở Cổng làng như Bàng thi sĩ đã miêu tả: Chiều hôm đón mát cổng làng/ Gió hiu hiu thổi mây vàng êm trôi/ Đồng quê vờn lượn chân trời/ Đường quê quanh quất bao người về thôn...  ”. Đó là một đoạn bình thơ Bàng Bá Lân, trong bài Bàng Bá Lân; Thi phẩm Cổng làng - Nét Văn hoá vật thể của làng quê Việt Nam của tác giả Lê Xuân Quang mà tôi đọc được trên hoinhavanvietnam.com.vn. Bài viết rất sâu sắc, đọc rất thú. Là một cư dân đang sống tại Phủ Lạng Thương cảm thấy có chút tự hào, nhân đây, xin cung cấp một vài chi tiết về Bàng thi sĩ.
   Theo tập Bàng gia vọng tộc phả truyền và cuốn Bàng gia vọng tộc (Nguyễn Khôi), Bàng Bá Lân thuộc dòng tộc Lý. Thời thế xoay chuyển, người cháu đời thứ tám của Lý Thái Tổ (tên là Lý Quang Bật... ) chạy về Đôn Thư, tổng Ngô Xá (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) mai danh ẩn tích, đổi họ Lý thành họ Nguyễn Xuân, sau lại đổi thành họ Bàng. Chữ Hán: Bàng bên trong là bộ Long, nghĩa là rồng, chỉ dòng dõi vua, bên ngoài là bộ Nghiễm như cái mái nhà như hang động che chở. Đến đời Bàng Nguyên Dũng (1874- 1948), ông hiếu học, có dự thi hương trường Nam Định, sau dời quê Bình Lục lên Hà Nội mở hiệu thuốc. Vì yêu thích cảnh quê sơn thuỷ hữu tình, ông lại chuyển gia đình lên Phủ Lạng Thương, tại đây ông vừa mở hiệu thuốc bắc Tân Khang vừa mở lớp dạy chữ Hán. Chẳng bao lâu sau, ông Dũng mua được một khu ruộng chừng 300 mẫu Tây, trên Kép, lập đồn điền, gọi là ấp Bàng Tân Đôn (Đôn là Đôn Thư), trở thành hào phú. Vào một ngày thượng tuần tháng Một (tức 11) năm Nhâm Tý (1912), bà Khiêm vợ ông Dũng sinh con trai đầu lòng, đó chính là Bàng Bá Lân. Năm sau, ông Dũng trở thành nghị viên của Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ, khoá 1913 - 1915. Hồi thơ ấu, Bàng Bá Lân được gửi về quê Đôn Thư ở với bà nội, chừng mười tuổi mới được đón về Kép, mười lăm tuổi học lớp Nhất trường Tiểu học Pháp Việt tại Phủ Lạng Thương, sau trúng tuyển vào trường Trung học Bảo hộ Hà Nội (Trường Bưởi, Lycée du Protectocrat). Ông đậu bằng Diplôme  d’etudes Primaire Supérieurs.
   Năm 1934, Bàng Bá Lân xuất bản Tiếng thông reo - tập thơ đầu tay, Nhà xuất bản Thanh Hoa Tùng Thư, in tại Hà Nội. Về tập thơ này, Hoài Thanh Hoài Chân khen ngợi:  “Đã lưu ý đến cảnh nào, Bàng Bá Lân thường lưu luyến cảnh ấy... “. Nguyễn Nhược Pháp cũng khen và tiên đoán: “Tiếng thông reo đượm một mối sầu bâng khuâng kín đáo, dịu dàng, một vẻ buồn lành mạnh và điềm đạm”, “có nhiều hình ảnh thiệt đẹp”, “Bàng Bá Lân có thể tự hào là nhà thơ Việt Nam thứ nhất biết hưởng thú quê”, “Tôi dám quả quyết rồi sau này anh sẽ chiếm một địa vị độc nhất trong làng thơ - thi sĩ thôn quê”. Với tập thơ Tiếng thông reo, Bàng Bá Lân đã anh hoa phát tiết.
   Ở Phủ Lạng Thương (nay là TP Bắc Giang), trước năm 1945, Bàng Bá Lân có ngôi nhà nhỏ tại phố Tân Ninh. Phố ấy vẫn còn, cách chợ Thương chừng mươi phút đi bộ. Ngôi nhà của Bàng Bá Lân không còn, nhưng rất may, trong Hồi ký Từ bến sông Thương, nữ sĩ Anh Thơ có ghi mấy nét: Phố Tân Ninh nhỏ, vắng vẻ. Ngôi nhà hai tầng của Bàng Bá Lân xinh nhỏ như một tổ chim bồ câu, dưới bóng phượng vĩ xanh tốt. Phòng thơ của nhà thơ với những bức ảnh chụp cây đồi, hoa núi, suối trăng, sương và nắng, vẫn mang một vẻ sơn trang hơn là một phòng khách của thi sĩ tỉnh thành... Tôi chú ý ngắm bức rừng thu, những chiếc lá rơi rơi màu vàng điệp như có âm thanh. Rồi tôi thích thú ngắm tủ đựng thơ. Có đủ cả thơ Đường, thơ Pháp, có hầu hết các tập thơ của những thi sĩ đương thời. Tôi rất tự hào thấy Bức tranh quê được nằm chung một ngăn với Thơ Thơ, Lửa thiêng, Tiếng thu, Điêu tàn, Ngày xưa...
   Kháng chiến bùng nổ, Bàng Bá Lân chuyển cả gia đình từ Tân Ninh lên lên Kép, sửa ấp Bàng Tân Đôn của cha thành một khu nhà mới đặt tên là Tĩnh Mịch Trang. 
   Có một lần Anh Thơ víi §µo D­¬ng (mét ng­êi trong Tao ®µn s«ng Th­¬ng, cïng tham gia c¸ch m¹ng) đã đi bộ từ Phủ Lạng Thương tìm đến khu nhà mới đó. Hai người đi bộ 18 km, lên để bàn việc cho một cuộc liên hoan văn nghệ toàn tỉnh. Cuộc trao đổi này có mời cả thi sĩ trào phúng Tú Mỡ. Anh Thơ ghi: Chúng tôi đi bộ, vừa đi vừa tránh máy bay. Đi từ năm giờ sáng đến gần trưa mới tới Kép. Nhà anh Bàng Bá Lân  vẫn còn hai cây bàng Gia Huy nhưng cửa khoá xích sắt. Chúng tôi đang ngơ ngẩn thì thấy xa xa một dáng cao gầy (bên cạnh một con ngựa), chân đi ủng đến đầu gối, vai đeo máy ảnh, ve vẩy chiếc roi ngựa trên tay, đang ngơ ngẩn như tìm ai. Đào Dương vội gọi to: “Anh Lân ơi, chúng tôi ở đây!”. Bàng Bá Lân rảo bước, vui vẻ nói: “Nhà chúng tôi phải tản cư vào sâu trong lán. Chúng ta đi một quãng, sẽ họp ở đấy, an toàn hơn”, “Thảo nào! Cửa nhà thơ mà lại khoá cái xích sắt to tổ bố thế này!”. Bõng có một xà ích,  người nhà Bàng Bá Lân đánh xe ngựa đến, nói: “Mời các ông các bà vào xóm lán, kẻo 11 giờ là máy bay bà già đến bây giờ”. Anh Lân lên sau cùng ngồi vào chỗ xà ích, bảo anh đánh xe: “Mày lên ngựa kia phi về báo với mợ trước, để cậu thân hành đưa khách về cho long trọng”. Vừa nói, anh vừa giơ roi quất ngựa, rồi lại ghì cương cho ngựa bước đều...       
    Đi bộ đã mỏi chân, được ngồi xe ngựa, Anh Thơ và Đào Dương đã thú, nhưng vui thích nhất là được ngắm Bàng thi sĩ điều khiển xe ngựa rất thành thạo, lúc len lỏi qua những đoạn đường rừng rợp mát, hương phong lan từ đâu đó bay thoảng, lúc đi men theo bờ suối nước trong in bóng mây trôi lờ lững. Cảnh vật thật thanh bình. Anh Thơ nói: “Anh Bàng Bá Lân vẫn là một chủ trại đầy hạnh phúc giữa thời buổi chiến tranh này!”. Vẻ tự hào, Bàng thi sĩ cười: “Mình phải tự tạo lấy đời sống cho đẹp, cho thơ của mình chứ!”. “Và sự yên bình cho cả hai nàng thơ”, Đào Dương nói thêm. Ngạc nhiên, Anh Thơ hỏi: “Anh Lân có một chị Thuần, một nàng thơ đẹp dịu hiền, nhất rồi, lấy đâu ra hai nàng thơ?”. Có vẻ ngượng, Bàng thi sĩ cười, nói lảng: “Một nàng thơ bằng xương bằng thịt, một nàng thơ là hoa lá, suối rừng...”. Một lúc sau, khi Bàng thi sĩ xuống trước, Đào Dương ghé vào tai Anh Thơ nói nhỏ: “Em chị Thuần là cô Nhã cũng yêu anh ấy, thế là một lán rừng xuân toả nhị Kiều”. Đã từ lâu, Anh Thơ có nghe mang máng chuyện tình của anh Lân và cô Nhã, song chị Thuần còn đẹp hơn cô Nhã, không ngờ cô em lại lấy luôn chồng chị...  
   Đứng bên xe ngựa, Bàng thi sĩ giơ tay đỡ Anh Thơ. Chị Thuần đã đứng sẵn trước cửa. Tuy là lán, nhưng Tĩnh Gia Trang là khu nhà làm kiểu mới, tràn đầy ánh sáng. Trên mái, rợp kín bóng cây rừng. “Mời anh và cô vào phòng khách, bác Tú Mỡ đang chờ. Bác lên sớm lắm”, chị Thuần nói vậy. Lại nghe chị nói nhỏ cùng chồng: “Đã đưa cô ấy vào lán trong rồi”.          
   Sau chén nước mời chào, Tú Mỡ đọc thơ. Lúc này đã muộn, kiến bò bụng, thấy gia nhân bưng mâm lên, Tú Mỡ tuyên bố: Chưa họp nhưng hãy tạm... bế mạc cuộc họp. Mọi người đều cười. Bàng thi sĩ cho mở một chai rượu Tây, rót ra. Thời đó, mọi người đều hăng máu, căm ghét thực dân đế quốc lắm. Rượu vào, Bàng thi sĩ đứng dậy chạm cốc một lượt, nói: “Chúc mừng mọi người, chúc cho cuộc liên hoan văn nghệ toàn tỉnh sẽ tưng bừng, rộn rã như tiếng chạm cốc của chúng ta hôm nay”. Chỉ vào chai rượu, thi sĩ nói tiếp: “Chai rượu đế quốc này cũng là chai rượu cuối cùng tôi tích trữ được. Ta uống nó rồi phải đập cốc để tỏ ra đoạn tuyệt hẳn với nó từ đây!”. Dứt lời, anh cầm cốc, dốc thẳng một hơi rồi ném xuống sàn nhà. Một tiếng vỡ giòn tan. Mọi người có vẻ cảm phục, Bàng Bá Lân đã tài hoa lại cương quyết, nhưng nhìn ánh mắt tiếc rẻ của chị Thuần, không ai nỡ bắt chước trang chủ... Đó là lần gặp cuối cùng của Anh Thơ với Bàng thi sĩ...
   Tôi đã mạo muội mà lược lại một đôi chương hồi ký của Anh Thơ. Đến nay, nhiều người còn thuộc những bài thơ thôn dã của Bàng Bá Lân. Ngoài bài thơ “Cổng làng”, nổi tiếng, ông còn có nhiều thi phẩm khác về làng quê. Bài thơ tứ tuyệt Nhà dột: Bốn bề gió lạnh vào thăm/ Ba gian mưa ướt biết nằm nơi nao?/ Dế ngâm thơ ở kẽ nào/ Bảo cho ta biết ta vào trú mưa. Mưa, dế ta vui thích “ngâm thơ”, còn tác giả rầu rĩ, chạy quanh bởi nhà dột. Nhà thơ tri âm tri kỷ cả với những sinh vật nhỏ bé. Một niềm thơ thật thơ. Cô đơn mà vẫn ấm áp. Đó là những vần thơ tài hoa, tinh tế.
     Sống tại Phủ Lạng Thương, thơ Bàng Bá Lân có những địa danh, dấu ấn.  
Đây, một cổng làng ngày áp Tết: 
Lên bến người chen bước vội vàng/ Đường về Cao Thượng rộng thênh thang/ Vườn ai mận nở phơi màu tuyết/ Giấy dó mừng xuân đẹp cổng làng... (Trên đường quê...). 
Con thuyền thơ mộng và dòng sông đôi ngả: 
Một lá thuyền thơ thả tắm trăng/ Nước về đâu mãi, chảy xuôi dòng?/ Sông Thương đôi ngả này cô lái/ Hãy ghé cho vào bến nước trong!... (Sông Thương).
Hình ảnh bến Chi Ly cũng đậm nét. Bến sông này, nay thuộc Đa Mai, cách đầu cầu sắt cũ chừng trăm mét. Bến sông này có cả nghìn năm chứng kiến cảnh thương tâm, người phụ nữ tiễn chồng (hoặc người yêu) lên biên ải làm lính thú. Tương truyền, xưa gọi là bến Chia Ly, sau dân quen gọi là Chi Ly.Ca dao cổ có câu:   
Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu vai mamg súng dài/ Một tay thì cắp hoả mai/ Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền/ Tùng tùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...
  Những người bến Chi Ly cho rằng đó là những câu ca do chính cha ông của họ ứng khẩu. Quan sai xuống thuyền là xuống những con đò ngang nơi đây. Tùng tùng trống đánh ngũ liên là những tiếng trống gõ năm tiếng một chặp, liên tiếp, của các quan đốc thúc quân lính lên biên ải, tại đây. Bến đò Chi Ly này nhiều nước mắt lắm, bi tráng lắm. Từ bến này về xuôi, là vùng đông dân; từ bến này ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng... Đó là một vùng xưa rừng núi trùng điệp, chợt nhớ câu Nhớ chàng dằng dặc đường lên bằng trời, lại những câu thơ Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm).
   Mảnh đất Bắc Giang nuôi dưỡng, bồi đắp. Có chừng bốn mươi năm sống bên sông Thương, từng ngấm những bài ca dao, khúc ngâm như thế, Bàng thi sĩ mới có bài thơ Vợ lính thú: Hoả mai nón dấu bao vàng/ Người đi để lại muôn hàng lệ rơi!/ Ngũ liên trống giục bồi hồi/ Một đàn vợ trẻ ngậm ngùi ven sông/ Thuyền đi bao mắt mờ trông/ Thuyền đi, lại ngỡ thuyền giong buồm về!/ Mong chồng thui thủi miền quê/ Bao lần mướp rụng, bốn hè nắng mưa/ Mùa dưa rồi lại mùa dưa/ Dưa về đúng hẹn, nhà vua sai lời/ Chiều thu mưa gió ngập trời/ Nhìn gương buồn khóc thêm vài nếp nhăn. Câu thơ thứ mười có mượn một điển tích từ Trung Hoa: Thời Đông Chu, vua Tương Công sai tướng và quân lính ra trấn ải biên thuỳ, đang là mùa dưa, vua hẹn mùa dưa chín năm sau sẽ cho người ra thay. Năm sau, đến mùa dưa chín, mọi người mong đợi. Nhà vua đã quên lời hẹn... Nhuần thấm hương nhuỵ tinh hoa của thơ ca dân gian và văn học thành văn, thơ Bàng Bá Lân gắn bó với vùng quê mình sống, đồng cảm với những con người một nắng hai sương, với chị em phụ nữ, Đau đớn thay phận đàn bà (Kiều - Nguyễn Du), tầng lớp thường chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Từ đó, Bàng thi sĩ có những vần thơ vượt trội, lấp lánh, thơ quay trở lại bổ sung vào kho tàng văn hoá dân gian truyền thống. Đó là trường hợp bài thơ Trăng quê: Trời cao mây bạc trăng tròn/ Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non/ Diều ai gọi sáo véo von/ Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng/ Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. Hai câu cuối của bài thơ rất nhiều người thuộc, đã thành “châu ngọc” trong ca dao dân ca, đến nay vẫn có người tưởng là vô danh, như những câu ca dao khác...
   Lại xin nói tiếp về cuộc đời xê dịch của Bàng Bá Lân. Ở Tĩnh Mịch Trang một thời gian, nghe tin sắp có cải cách, Bàng thi sĩ chủ trang trại lo xa, bèn đưa vợ con về Hà Nội, sau thì di cư vào Sài Gòn. Trong ấy, nhà thơ tu tâm dưỡng tính theo hướng Thiền. Học giả Nguyễn Hiến Lê coi thơ Bàng Bá Lân là thi Phật, ví với Vương Duy đời Đường. Chính Nguyễn Hiến Lê đã đứng ra tuyển chọn một số tập thơ của Bàng: Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957)...Ngoài ra, Bàng thi sĩ còn có một số tập tiểu luận, biên soạn: Việt văn bình giảng (1962), Văn thi sĩ hiện đại (1963)... Thạo tiếng Pháp, Bàng Bá Lân còn dịch một số thi phẩm của các nhà thơ Pháp: Paul Verlaine (1844 - 1896), Jacques Prévert (1900 - 1977)... Gần đây, soạn giả biên tuyển cuốn Thơ tình thế giới vẫn sử dụng một số bản dịch của ông mấy mươi năm trước. Ví dụ, ông dịch thơ Maurice Carême (1899 – 1978), nhà thơ Bỉ.   
   Bài Tôi không nói: Tôi không biết những gì mình biết/ Mình không biết những gì tôi biết/ Nhưng hai ta đều hiểu rõ ràng/ Những gì cùng nghĩ trong tâm can// Tôi không làm những gì mình làm/ Mình không làm những gì tôi làm/ Nhưng những gì hai ta cùng làm/ Đều tuyệt diệu nhịp nhàng...
   Bài Chàng không nói gì hết:
Chàng không nói gì hết/ Nàng cũng vậy cũng không/ Mắt kia cũng nói hết/ Còn nhiều hơn tiếng lòng// Chàng chẳng làm gì hết/ Nàng cũng vậy cũng không/ Tình yêu đã làm hết/ Còn hơn cả mộng lòng// Chàng chẳng nghĩ gì hết/ Nàng cũng vậy cũng không/ Nhưng nghĩ chi cho mệt/ Khi lòng đã tin lòng// Chàng chẳng ước muốn gì/ Nàng cũng vậy cũng không// Ước muốn mà làm chi?/ Khi lòng đã trao lòng. 
Đối chiếu với nguyên tác, thấy những bản dịch trên nhuần nhuỵ, xuất sắc.
Tính phóng khoáng, vậy mà đôi khi Bàng Bá Lân cũng có chút chức sắc, có thời kỳ ông được bầu là Phó Chủ tịch Trung tâm văn bút Việt Nam. Năm 1974, thi sĩ được đi dự Hội nghị Thi ca Quốc tế lần thứ 11 tại Bỉ. Tại Hội nghị, ông đã trình bày bài thơ Đây Mũi Cà Mau bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Đọc lại bài Bàng Bá Lân; Thi phẩm Cổng làng - Nét Văn hoá vật thể của làng quê Việt Nam- Lê Xuân Quang, thêm yêu những Cổng làng vài chị gái non/ Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm...  Mừng xuân ngày hội cổng làng/ Là nơi chen chúc bao làng ngây thơ... Thế gian biến cải, ngày nay đã khác. Cổng làng rộng mở. Trăn trở và hy vọng. Hẳn sẽ còn tiếp mạch, những nhà thơ nhà văn tâm hồn dân dã, đôn hậu và tâm huyết với làng quê, nông nghiệp, nông thôn, đồng điệu với Bàng Thi sĩ, nhìn đến và chia sẻ...   

                                                 Phủ Lạng Thương, thu 2009 
                                                                 DUY PHI 
                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét