Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012




NÚI BÀI THƠ


  HAI BÀI THƠ CỔ
  Ở NÚI BÀI THƠ - 
  THÀNH PHỐ HẠ LONG 
    
                                                             DUY PHI

    Điệp điệp trùng trùng các đảo trên vùng biển Quảng Ninh có dáng rồng, - Hạ Long, những con rồng vừa xuống, vờn lượn. Riêng núi Bài Thơ, nhiều người ngắm, lại cho rằng, có dáng con rồng sắp cất cánh.
   Núi Bài Thơ được hình thành từ kỷ Đê vôn, trong cuộc vận động tạo núi Indonesia, xưa còn có tên chữ là núi Truyền Đăng, dân quanh vùng thường gọi là núi Rọi Đèn, bởi trên đó đêm đêm có ngọn đèn báo hiệu cho tàu bè cập bến. Khi có giặc, trên núi có đốt lửa để báo động cho cả vùng…
   Dân tộc ta yêu thi ca, nhiều thời có ông hoàng vị chúa làm thơ. Thời Lê, vua Lê Thánh Tông nổi tiếng từ nhỏ về hay chữ. Vua đã lập Tao đàn Nhị thập bát tú, 28 vị trạng nguyên, tiến sĩ giỏi thơ để xướng hoạ. Lê Thánh Tông đứng đầu của Tao đàn, gọi là Tao đàn Đô nguyên suý. Mùa xuân năm Quang Thuận thứ 9 (1468), nhân chuyến tuần du ở vùng Hải Đông (nay thuộc thành phố Hạ Long), thấy núi Truyền Đăng giữa một vùng hương trời sắc nước, vua bèn ngẫu hứng làm bài thơ tám câu luật Đường. Các quan đi theo đã cho khắc vào vách núi. 


 VUA LÊ THÁNH TÔNG
(Tranh lụa)

    Bốn câu đầu của bài thơ:
            Cự lãng uông uông triều bách xuyên
Quần sơn cơ bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm hàm tam củ
Tín thủ dao đề tốn nhị quyền…
   Bài thơ chữ Hán, không có bản dịch nghĩa, nên đời nay có nhiều cách luận giải. Chỉ tiếc là có cách dịch quá xa với nguyên tác, người ta có thể nghĩ: dịch là phản. Câu 3, có người dịch: Nao lòng thế trận ba hồi trống. Đánh giặc, thấy có giặc thì nổi trống thôi thúc mọi người hăng hái chống giặc, sao lại nao lòng? Chữ nao trong tiếng Việt có nghĩa là chao động, còn có nghĩa là nao núng. Dịch giả có nghĩ đến ý đó chăng?  Câu 4, có bản đã dịch: Xưa theo kẻ khác luôn bền chí. Theo kẻ khác là theo kẻ nào? Theo giặc chăng? Theo giặc, sao lại luôn bền chí? Có bao giờ dân ta bền chí theo giặc? Dịch như trên, nguyên nhân chính là các dịch giả đó chưa hiểu được ý thơ Lê Thánh Tông - cháu ruột của Lê Lợi. Toàn bài thơ:

Cự lãng uông uông triều bách xuyên
Quần sơn cơ bố bích liên thiên
Tráng tâm sơ cảm hàm tam củ
Tín thủ dao đề tốn nhị quyền
Thần Bắc khu cơ sâm hổ lữ
Hải Đông phong toại tức lang yên
Thiên nam vạn cổ hà sơn tại
Chính thị tu văn yển vũ niên.

   Đây là một bài thơ vịnh sử, như thời Trần, Trương Hán Siêu (? -  1354) viết Bạch Đằng Giang phú, Lý Tử Tấn (1378 - 1457) viết Xương Giang phú. Đến Hải Đông, Lê Thánh Tông nhớ đến những chiến công lừng lẫy của cha ông,  nhớ đến Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đến trận thắng Nguyên Mông ở Vân Đồn thời Trần. Cuộc kháng chiến ấy, do nhị quyền (sử đã ghi là hai vua: Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) chỉ huy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng. Trận thắng ở Vân Đồn, công của Trần Khánh Dư lớn lắm. Là một vị vua, nên Lê Thánh Tông luôn nhớ đến hoàn cảnh của nhị quyền (hai vua) thời ấy:
   Từ đó, suy ra: câu 3, tam củ (tam cổ) là ba trống, con số ba là ước lệ. Đó là những tiếng trống thúc quân đánh giặc; câu 4: tín thủ là các tay chân, thủ lĩnh được tin cậy, ví dụ Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… ; tốn (bộ kỷ) là lánh, nhường (Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh có giải thích: tốn hoang là lánh đến nơi hoang dã), nói đến lúc hai vua tạm lánh. Câu 5: Thần Bắc, nơi cung điện ở đất Bắc, chỉ Long thành, nơi then chốt, quân ta (lữ) nhiều mãnh hổ (Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão… ). Câu 6: Hải Đông  khi giặc tới, núi núi đốt lửa, tức (bộ tâm) làm tiêu hao, làm tan hết sương mù (yên) - bầy lang sói… Dịch thơ :

Triều tự trăm dòng, sóng nhặt khoan
Đảo liền mây biếc, thế ai dàn?
Thúc dồn ba trống tâm hùng dội
Đưa lánh nhị quyền, trận sấm ran
Cung Bắc, chốt then nhiều hổ mạnh
Biển Đông đốt lửa, lũ sài tan
Trời Nam sông núi bền muôn thuở
Gìn võ, giờ đây lo chính văn.

                                DUY PHI dịch  

 (Dịch bài thơ, thấy ý câu cuối hợp với thời điểm lúc viết mà không hợp với bây giờ. Các câu khác rất hào mại, sáng rõ, thể hiện lòng tự hào dân tộc. Bài thơ không có tiêu đề, căn cứ vào nội dung, Hải Đông nay thuộc thành phố Hạ Long, có thể đặt tên bài: HẠ LONG CẢM HOÀI).  
    Từ có bài thơ này, núi Truyền Đăng đã được gọi là núi Bài Thơ.
   Nói đến bài thơ trên, người ta thường nhớ đến bài thơ cổ thứ hai, khắc trên vách núi Bài Thơ. Vào mùa xuân năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương cũng đem quân đi tuần qua đây, đọc bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa bèn làm một bài thất ngôn bát cú, giữ nguyên năm chữ: xuyên, thiên, quyền, yên, niên trong bài thơ của vua Lê Thánh Tông, theo đúng luật hoạ thơ.   
  Trong cuốn Trịnh gia chính phả, Trịnh Như Tấu soạn có in bài thơ. Trịnh Như Tấu người Phủ Lạng Thương, nhà xưa bên hồ Thùng Đấu. Từ chỗ tôi đến đó chỉ vài trăm mét. Trịnh Như Tấu đỗ tú tài toàn phần, từng làm tham tá toà sứ Bắc Giang, Hưng Yên… , sau làm việc kiểm duyệt báo chí ở phủ thống sứ Hà Nội. Là hậu duệ của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng… Trịnh Cương… , cùng với làm mấy cuốn: Bắc Giang địa chí, Hưng Yên địa chí…, ông đã hoàn thành cuốn Trịnh gia chính phả vào năm 1932 (nhà in Ngô Tử Hạ ấn hành năm 1933). Mở đầu phần giới thiệu thơ chúa Trịnh Cương, soạn giả Trịnh Như Tấu đã viết mấy dòng xuất xứ:  
  Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Yên. Một vùng nước biếc, một giải non xanh lô nhô giữa dòng, trong có nhiều hang động, trông xa lóng lánh như ngọc châu. Cảnh trí thực là thanh nhã. Cái khéo thiên nhiên của tay thợ Tạo, không bút nào tả hết được! Thực là một nơi đại thắng cảnh trong nước Việt Nam, mà đã biết bao qua lại khách Đông Tây!
   Tiếp đó in 73 chữ Hán, văn biền ngẫu đề dẫn và 56 chữ bài thơ thất ngôn của chúa Trịnh Cương:  
                              
Minh hạnh vô nhai hồi tổng xuyên
Sơn liên long thuỷ, thuỷ man thiên
Thần kỳ mạc trạng an bài chưởng
Hàm nhuận nan danh hoá dục quyền
Đại viễn thượng di cầm Thát xú
Xuân quang điệp kiến lạn hoa yên
Tái tuân lục dự phu đoài duyệt
Quần hỗ hàm ca hải án niên.
    Trong sách Trịnh gia chính phả có bản dịch thơ:
Bờ cõi mênh mang, rốn bể Đông
Núi liền trên nước, nước trên sông
Thợ trời xếp đặt từ bao tá?
Ông Tạo vun trồng, có phải không?
Phong cảnh còn truyền nơi sát Thát
Xuân quang như thể chốn non Bồng
Theo tuần du dự yên hầu độ
Bát lái hò khoan thoả một lòng. 
   Bản dịch thơ trên dùng nhiều từ cổ, vẫn khó cho bạn đọc thời nay. Gần đây, tôi có được xem một bản dịch xuất hiện trên mấy trang mạng, trong đó có những câu tả biển rất hào nhoáng: Bây giờ sáng loáng bóng hoa bay, đang nói biển lại nói sông: Trên sông quân tướng đều vui cả… 




       Chúng tôi trình bản dịch thơ mới: 




Muôn sông tụ lại một mông mênh
Núi non liền nước, nước mây duềnh
Kỳ diệu, tay Thần dường ngẫu hứng
Dạt dào, ông Tạo thật uy linh
Dấu còn, đời trước Nguyên tan tác
Trùng điệp nắng xuân khói biếc xanh
Thuyền chở quân vui tuân lệnh duyệt
Hò khoan vang dội biển thanh bình.



                               DUY PHI dịch 
 
   Bài hoạ thơ của chúa Trịnh Cương đạt ý mà niêm luật chỉnh. Núi sông gấm vóc là một nguồn của thi hứng, nhưng chính thi ca cũng tạo cho sông núi thêm phần danh tiếng, thiêng liêng, kỳ thú. Thật mừng, vịnh Hạ Long - có núi Bài Thơ, hai bài thơ cổ - lại mới được xếp trong bảy kỳ quan tiêu biểu của thế giới. 
                                                                                                                                                      D.P  


                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét