Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

VŨ LẬP VỚI 216 BÀI THƠ TỨ TUYỆT XỨ TUYẾT


VŨ LẬP
(CHLB ĐỨC)
 
Quê: Yên Hoà, Yên Mỹ, Hưng Yên; nhiều năm ở Bắc Giang, Hà Nội; hiện sống tại CHLB Đức.  Đã xuất bản các tập thơ: Hương quỳnh - 2004, Tháng Giêng (Hội Nhà văn- 2005), Vạt thương vạt nhớ (Hội Nhà văn- 2005), Tuyết bỏng (Văn học- 2010).  
NT Vũ Lập vừa xuất xưởng tập thơ TỨ TUYỆT XỨ TUYẾT,   gồm 216  bài bốn câu, Nxb Văn học, 1- 2012.  ĐTM hân hạnh giới thiệu một chùm thơ trong TTXT...  

LỜI ĐẦU SÁCH CỦA
         DUY PHI


Anh bỗng xuất hiện. Về từ bao giờ? Mới hai ngày. Vũ Lập quê gốc Yên Mỹ, Hưng Yên, nơi từng có nhiều văn nhân nổi tiếng: Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, Dương Bá Trạc… Đã có đến hàng chục năm, anh sống cùng phố chợ Thương với tôi. Vũ Lập từng đi thi học giỏi văn toàn miền Bắc, có hai bằng đại học, từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, từng có chức sắc, mà nhiều năm tôi chứng kiến sự bươn bả, mưu sinh. Chúng tôi, Đặng Tiến Huy - Duy Phi, đã có đôi lần cùng anh tâm sự thơ văn. Lần này, anh trao cho tôi đọc giúp tập bản thảo trên hai trăm bài thơ tứ tuyệt. Biết Vũ Lập mới được Giải Nhất cuộc thi thơ xướng hoạ Ngày Đàn Ông ở Đức năm 2011 do báo Người Việt. DE tổ chức mà vẫn bất ngờ, sau cũng vỡ lẽ. Những năm lưu lạc đây đó, làm thơ tứ tuyệt là thuận. Văn chương cứ đâu dài. Viết nhiều thể loại, song Chế Lan Viên vẫn có cái thú riêng với thơ tứ tuyệt. Thi sĩ có bài Thơ cầm tay: Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối/ Cả đời anh anh thu nhỏ lại/ Chỉ còn cái lõi/ Cho nhân loại mang cùng nhân loại cầm tay. Có lẽ Vũ Lập tâm đắc với ý này chăng? Tập có đến trên hai trăm bài tứ tuyệt của Vũ Lập, tôi đã đọc một mạch. Đọc thơ là tìm hiểu nhau, đồng cảm và khám phá.



CẢNH LÀNG QUÊ HƯNG YÊN  





Tôi yêu vỉa thơ về cố quốc, các bài: Trăng phố Hiến, Tình quê, Trăng vỡ… Chùm thơ này hay nhất vẫn là Thả cái lim dim, bài thơ đã được Giải Ba (không có Giải Nhất) trong cuộc thi thơ tứ tuyệt năm 2009, do Tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức: Trưa hè mắc võng bóng cây/ Dịu dàng hương nhãn, đong đầy tiếng chim/ Phù vân ai mải kiếm tìm/ Ta về thả cái lim dim cùng diều. Hương nhãn, gợi về cố hương Hưng Yên nhãn lồng nổi tiếng. Phù vân… kiếm tìm: Ấy là danh lợi. Con người trong thơ đã trải nghiệm, biết tiết chế, “Thanh tâm”, “quả dục”, biết thưởng ngoạn thiên nhiên. Từ chơi thả diều thành thả cái lim dim, cái nheo mắt hướng lên con diều cao vút, gợi tiếng sáo diều vi vu, gợi bầu trời thu: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt- Nguyễn Khuyến. Thơ Vũ Lập dân dã mà vẫn đạt được hiện đại, ảo hoá.
Rất mừng là sang trời Tây anh vẫn chung thuỷ với thơ, viết nhiều hơn. Một số bài thơ có cách viết chân mộc mà cảm động: Mười năm lẻ sang Tây/ Sòn sòn mấy đứa trẻ/ Nước Đức bao ăn ở/ Thất nghiệp thế mà hay (Thất nghiệp), Bình minh nghe chim hót/ Thánh thót ngỡ quê nhà/ Mở mắt đen vàng đỏ/ Bóng quê vời vợi xa … (Xuân đến). - Cờ Đức 3 màu: đen, vàng, đỏ. Bài thơ Giữa miền: Tối ngày xuôi ngược kiếm tiền/ Tình như cổ tích giữa miền văn minh/ Đi gom mảnh vỡ gia đình/ Đầy vơi băng giá những hình … con tim! - Đọc, gợi ta thêm thấm thía và cảm thông, với nhiều hoàn cảnh, thân phận!
Người xa xứ đâu phải chỉ buồn, còn có nhiều niềm vui. Anh đã có nhiều câu thơ thăng hoa trong: Bán hết đất Tây,  Bắt trăng, Vọng…  Bài thơ Đêm Paris, anh lại có những phút tự hào, hạnh phúc: Ta trèo lên đỉnh tháp Eiffel/ Huyền ảo lung linh Paris đêm/ Hòn ngọc châu Âu bao kỳ thú/ Sao trời xuống thấp đón ta lên. Đọc miên man, tôi yêu cả mấy vần thơ tình trong tập Tứ tuyệt xứ tuyết: Sẹo tình tưởng đã ngủ im/ Nào ngờ ảo ảnh cứ dìm lệch vai... (Vọng), Gom cả trời tuyết vào thơ/ Gửi phương nắng lửa khỏi chờ thu sang (Gửi cho em).                     
Đọc đến bài Bên dòng Chemnitz: Ngất ngây dòng Chemnitz/ Nghe triết Mác rì rào/ Hôn câu thơ của Goethe/ Thấy lệ rơi thân Kiều; tôi mới chợt nhớ, Vũ Lập đang cư ngụ tại thành phố Leipzig, nơi có nhiều kỷ niệm gắn bó với J. W. Goethe - Đại thi hào Đức.  J. W. Goethe nói: Thực tế cho anh những môtip, những đề mục để thể hiện - đó là hạt, biến hạt đó thành chỉnh thể sống đẹp đẽ là nhiệm vụ của nhà thơ. Tiếng đó vẫn văng vẳng. Đời mỗi nhà thơ đã biến được mấy hạt thực tế thành chỉnh thể sống đẹp đẽ? 
Mấy năm gần đây, cùng với tư tưởng là thủ pháp, thơ anh đã tự vượt lên mình nhiều lắm. Tứ tuyệt xứ tuyết là tập thơ thứ năm của nhà thơ Vũ Lập, một thành công mới, niềm vui mới. Chúc mừng anh, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.                                                          DP




CHÙM THƠ TRONG
TỨ TUYỆT XỨ TUYẾT  

                                                                                              


HỒ GƯƠM

HỒ GƯƠM

Ai thả cầu vồng thành Thê Húc
Rêu phong đọng mãi nét Ngọc Sơn
Rùa vàng gươm báu trăng đáy nước
Từ thuở vua Lê vẫn xanh rờn.
            
XUÂN ĐẾN

Bình minh nghe chim hót
Thánh thót ngỡ quê nhà
Mở mắt đen vàng đỏ
Bóng quê vời vợi xa…

---
* Cờ Đức 3 màu: đen, vàng, đỏ.

 CỘI NGUỒN 

Ở nơi đa sắc tộc
Văn hoá nhiều quốc gia
Lấy cội nguồn là gốc
Ta sẽ nhìn thấy ta. 

CHỢ TRỜI

Mịt mùng gió cuốn tuyết tung bay
Như mỡ đường trơn ngập cả giày
Chồng chất lo âu hàng Weibnacht  
Căng lều đợi khách có ai hay?


GIỮA MIỀN

Tối ngày xuôi ngược kiếm tiền
Tình như cổ tích giữa miền văn minh
Đi gom mảnh vỡ gia đình
Đầy vơi băng giá những hình… con tim! 

ĐI TÌM

Tìm câu Tứ tuyệt để đời
Bạc phơ mái tóc đầy vơi nỗi niềm
Tứ như ẩn hiện bên thềm
Tuyệt còn vời vợi ở miền … Trăng trôi… 


THẢ CÁI LIM DIM 

Trưa hè mắc võng bóng cây
Dịu dàng hương nhãn,
                  đong đầy tiếng chim
Phù vân ai mải kiếm tìm
Ta về thả cái lim dim cùng diều

---
* Bài thơ này được Giải Ba (không có Giải Nhất) trong cuộc thi thơ tứ tuyệt do Tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức, năm 2009.


quê hương 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét