Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

ĐẾN SINGAPORE NHỚ CAO BÁ QUÁT * TẠP CHÍ THƠ




TẠP CHÍ  THƠ
HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
SỐ 1 & 2 / 2012 -
SỐ ĐẶC BIỆT NGÀY THƠ VIỆT NAM - XUÂN NHÂM THÌN

256 trang.
Nội dung phong phú, nhiều bài hay của các tác giả: NGUYỄN PHÚ TRỌNG, HOÀI THANH, HUY CẬN, ANH NGỌC, ĐẶNG TIẾN, LƯU QUANG VŨ, ĐỖ CHU, HỒNG DIỆU, NGUYỄN QUANG LẬP, VŨ PHONG TẠO... 
&
Thơ của trên 60 nhà thơ trong, ngoài nước: NGUYỄN KHOA ĐIỀM,      NGUYỄN THỊ MAI, HÀ MINH ĐỨC, MAI LIỄU,  TRẦN NHUẬN MINH, NGUYỄN ĐỨC MẬU, ĐẶNG HUY GIANG, Y PHƯƠNG, TRẦN NINH HỒ, VƯƠNG TÙNG CƯƠNG, NÔNG THỊ NGỌC HOÀ, VŨ QUẦN PHƯƠNG,  INRASARA,  TRẦN QUANG QUÝ,  NGUYỄN THANH KIM, LÊ MINH QUỐC... 
 Trong Tạp chí có bài ĐếnSingapore nhớ Cao Bá Quát.
ĐTM trân trọng giới thiệu lại bài ký trên, theo đúng bản đã in trong Tạp chí Thơ (Số 1 & 2 / 2012), có đôi chỗ khác với bản trước đây.  


         ĐẾN SINGAPORE
         NHỚ CAO BÁ QUÁT

                                        DUY PHI

   Đúng vào dịp Noel năm 2011, tôi có chuyến đi Singapore và Malaysia bằng máy bay boeing. Ồ, thật kỳ lạ, chiếc máy bay chở gần năm trăm người, trọng lượng tất cả đến 300 - 400 tấn, lướt trên độ cao trên mười ngàn mét. Tôi nhìn qua cửa kính, một ngày nắng đẹp, cả một cánh đồng mây ngần trắng cuồn cuộn dưới cánh máy bay. Có những núi mây rất trắng, phát sáng như thiếc ròng như bạc chảy. Lâu nay, từ dưới mặt đất nhìn lên trời, tôi chưa bao giờ được thấy một đám mây trắng loá, phát sáng như thế! 


   Từ sân bay Nội Bài đến Singapore khoảng 2800 km, boeing sẽ bay chừng 4 giờ. Bỗng nhớ  xưa, Singapore còn có tên là Tân Gia Ba. Vào giữa thế kỷ XIX, các vua nước ta đã từng cho những con thuyền buồm vượt biển đến Singapore buôn bán. Từ kinh đô Huế ngày ấy, thường phải đi thuyền hàng tháng mới đến Singapore. Vậy mà bằng boeing, đám hậu sinh chúng tôi với thời gian đúng bằng một buổi học của trò Tiểu học đã tới sân bay Changi, dặt chân lên Singapore - quốc đảo.
   Kể ra, được đến thăm National orchid garden - Vườn lan quốc gia, công viên Merilon, thăm đồi Faber, đi xem nhạc nước, những cao ốc, siêu thị, tầu điện trong lòng đất, hưởng mấy ngày khí hậu xích đạo, đất nước GDP tính theo đầu người vào loại nhất thế giới…  đã là thú lắm rồi. Song, tôi còn có ý đồ khác. Tôi muốn tìm mấy dấu tích xưa. Bởi tôi bị mấy bài thơ của thi sĩ họ Cao, ám ảnh. Cao Bá Quất đã từng đến Singapore, còn để lại một chùm thơ viết bằng chữ Hán.
   Cao Bá Quát hiệu là Chu Thần và Cúc Đường, người làng Phú Thị (xưa thuộc Siêu Loại, Kinh Bắc, nay thuộc Hà Nội), sinh năm 1808. Ông thông minh từ nhỏ, 23 tuổi đỗ cử nhân. Song tính tình phóng túng, không chịu kỵ huý, nên mấy lần ông thi Hội đều hỏng. Với chức Hành tẩu ở bộ Lễ, năm Tân Sửu (1841), Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên, vì tội chữa 9 chữ trong một số quyển thi phạm húy, ông bị tra xét, nghị tội: xử tử. Vua xét lại, tạm tha tội chết cho Cao, chuyển thành giảo giam hậu (giam, chờ xét trảm).  Sau chừng hai năm bị giam cầm, tra tấn, thì Cao được tạm tha, được cho đi dương trình hiệu lực, đi phục dịch để lấy công chuộc tội. Con thuyền đi chuyến ấy có tên là Phấn Bằng, do ông Đào Trí Phú làm trưởng đoàn.


HÌNH ẢNH THUYỀN PHẤN BẰNG THỜI ẤY  
   Trưởng đoàn Đào Trí Phú, người làng Phước Kiển, dinh Trấn Biên (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Ông đỗ Cử nhân, lần lượt trải các chức quan: Thị lang bộ Hộ, Tham tri bộ Hộ... Theo Đại Nam thực lục, cũng như dựa vào nghiên cứu của Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), đoàn sứ bộ của Đào Trí Phú đã đến miền Hạ Châu, bao gồm khu vực: Indonesia (Giang Lưu Ba), Singapore (Tân Gia Ba)… Nhưng trong một số công trình nghiên cứu khác, nhiều tác giả đã khẳng định, miền mà Đào Trí Phú, Cao Bá Quát đã đến chính là Singapore và Malaka ngày nay.
   Bốn chữ Dương trình hiệu lực thì dương trình, có nghĩa là cuộc hành trình đến gặp người Tây dương, người phương Tây. Ở đây, thực chất không phải là đi sang Châu Âu mà là đến vùng đất thuộc địa của người Anh quốc. Kể từ năm 1824, miền đất này đã là thuộc địa của người Anh. Còn hiệu lực là giúp việc một cách đắc lực. Thời đó cũng có điểm giống như bây giờ; bây giờ tại Singapore cũng như Malaysia, phần lớn do người Hoa hướng dẫn cho các đoàn du khách; thời đó “Mậu dịch giữa An Nam và Singapore do thần dân người Hoa trong nước đảm nhiệm”. Ngay từ thời ấy, người Hoa đã chiếm đến 60 % dân số của Singapore, nghề nghiệp chính của họ là buôn bán. Đoàn sứ bộ đi, không có ai nói tiếng Hoa thạo. Cao Bá Quát không biết nói tiếng Hoa, nhưng ông giỏi chữ Hán, ông có thể bút đàm với họ. Đoàn sứ bộ của Đào Trí Phú sang Singapore khởi hành từ tháng Chạp năm Quý Mão (1843) đến tháng Bảy năm Giáp Thìn (1844) thì về nước. Hàng hoá mang bán của ta là đường, lâm thổ sản quý, mua về len dạ, vũ khí, đặc biệt lần ấy còn mua về được một hoả cơ đại thuyền - chiếc máy hơi nước cho thuyền cỡ lớn. Theo một số tài liệu, kẻ bán cho chiếc hoả cơ đại thuyền ấy là người Anh, tên là Robert Hunter. Giá mua là 28 vạn quan tiền. Sự mua bán này cũng do người Hoa làm môi giới. Người Hoa thường đi với Cao Bá Quát có tên là Đào Liên Phương. Một lần, Cao Bá Quát đã tẩu bút (viết nhanh) trao Hoàng Liên Phương bài thơ:              
   Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại, triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi  
  Tiêu tiêu liên mạc nhất tham quân/ Ngâm đáo tu ngu bất nhẫn văn/ Vạn lý yên ba do tác khách/ Tam xuân phong nguyệt thặng phùng quân/ Phiếm sà man tự đàm Trương sứ/ Quyết nhãn bằng thuỳ điếu Ngũ Vân (Viên)/ Ngã thị trung nguyên cựu nhân vật/ Tây phong hồi thủ lệ phân phân.
Nghĩa:
Cùng với Hoàng Liên Phương nói đến hải ngoại, cảm xúc, viết nhanh đưa bạn 
   Ta làm chức tham quân vớ vẩn trong trong “màn sen”/ Ngâm câu thơ ở nơi tiếng nước ngoài thì không cả muốn nghe nữa/ Muôn dặm khói sóng. Mình là khách thôi/ Ba tháng xuân trăng gió, may gặp được ông/ Cùng chuyện phiếm về chàng Trương (Trương Khiên đời Hán, đi sứ, bị Hung Nô bắt, giam giữ, trên mười năm mới trốn về được)/ Ngẫm lời dặn “khét mắt”, nhờ ai viếng hộ Ngủ Viên/ Ta cũng là nhân vật cũ của Trung nguyên đây/ Gió Tây thổi, ngoảnh đầu lại, lệ rơi lã chã.
    Cao Bá Quát cảm thấy mình giống Ngũ Viên, thời Chiến quốc- Trung Quốc. Tướng Ngũ Viên nước Ngô bắt được vua nước Việt đem về giam. Vua Việt dâng Tây Thi cho vua Ngô. Ngũ Viên can. Vua Ngô cứ lấy Tây Thi mà tha cho vua Việt, lại nghe lời gièm pha giết Ngũ Viên. Lúc lâm hình, Ngũ Viên có dặn lại: Sau khi ta chết, hãy khoét mắt ta treo ở cửa thành để ta nhìn thấy quân Việt kéo vào chiếm Ngô. 
   Ôi, Cao Bá Quát đến đây từ 168 năm trước, còn chi dấu tích? Đến Singapore, chúng tôi chịu, không chộp được hình ảnh nào xa xưa. Tôi đã đi ròng rã mấy ngày, vượt sông Singapore, dạo bên eo biển Malaka - eo biển nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Tại Malaka, chúng tôi hoà nhập trong cả ngàn xe du khách, cả vạn người Âu, Mỹ, Hoa, Ấn… Người Hồi giáo có tục được lấy đến bốn vợ, chúng tôi được ngắm những gia đình một ông chồng với ba, bốn bà vợ theo sau, bà nào con nấy, họ trò chuyện vui cười và quay phim chụp ảnh kỷ niệm, vẻ đầm ấm lắm. Máy ảnh máy quay phim của họ rất hiện đại, nhiều nhà văn nhà báo nước ta mơ chưa thấy. Rất may, ở Malaka thì còn nhiều công trình cổ. Malaka là thành phố cổ của Malaysia, nằm ngay bên eo biển Malaka, giống như Hội An nước mình vậy. 


NGÔI CHÙA CỔ CỦA NGƯỜI HOA
Ở THÀNH PHỐ MALAKA - MALAYSIA



   Chúng tôi đến thăm một ngôi chùa cổ của người Hoa, đến xem thành cổ, người Bồ Đào Nha xây dựng năm 1512, thành xây toàn bằng những viên đá ong màu nâu sẫm cỡ lớn. Tôi lấy gang tay mà đo viên đá, 80 X 40 X 30 (cm), trên pháo đài hiện còn mấy khẩu súng thần công, gần giống với súng thần công ở thành Huế triều Nguyễn, lại được chiêm ngưỡng một nhà thờ Hồi giáo khổng lồ, xây dựng từ năm 1753,  nghĩa là đã có 90 năm, trước khi Cao Bá Quát đặt chân đến. Thời gian Cao Bá Quát lưu lại ở Singapore và Malaka đến bốn tháng. Tôi đi đi lại lại bên nhà thờ Hồi giáo, có phút cảm thấy ấm lòng, bởi hình như bàn chân mình được đặt lên dấu chân xưa của Cao thi sĩ.     
   Hẳn trên eo biển Malaka này đây, thi sĩ họ Cao đã thấy một con tàu lạ, trên tầu toàn là những người hồng mao - râu tóc màu hung đỏ, tức người Anh. Ông đã viết bài thơ: Hồng mao hoả thuyền ca, có đoạn:  
Đạo thị dương phiên hoả thuyền lý dĩ lai
Nguy tường ngật lập ngũ lạng tĩnh
Tu đồng trung trĩ, phún tắc yên tồi ngôi
Hạ hữu song luân triển chuyển đạp cấp lãng
Luân phiên lãng phá, ẩn kỳ sinh nộ lôi
Hữu thời hoành hành, đảo tẩu tật bôn mã
Vô phàm, vô lỗ, vô nhân thôi…

  

NHÀ THỜ HỒI GIÁO CỔ
 DƯỚI THẬP ÁC LÀ MẤY CHỮ LỚN
DƯỚI MẤY CHỮ LỚN LÀ CON SỐ 1753 - NĂM XÂY DỰNG



Nghĩa:
 Kìa hoả thuyền của Tây dương đang tiến lại đây/ Cột buồm cao chót vót, con quay gió yên lặng/ Giữa tầu có ống khói, nhả khói cuồn cuộn/ Dưới có hai chiếc guồng xoay chuyển, gạt đi những ngọn sóng dồn/ Guồng quay, sóng tung toẻ đều như sấm ran/ Rẽ ngang, lùi tiến nhanh hơn ngựa chạy/ Tầu mà không có buồm, không có lái không người chèo  thuyền
   Hồi giữa thế kỷ XVIII, vùng này đã phát triển nổi trội, thành trung tâm buôn bán của cả khu vực rộng lớn: Châu Á, Châu Phi, Anh quốc… Chỉ khác là thời ấy nhà cửa chỉ có hai ba lầu, còn bây giờ là những cao ốc năm bảy chục tầng cao vút. Tháp Đôi ở Kuala Kumpur cao đến 452 m. Thời Cao Bá Quát sang đây mua máy Điện Phi, thì máy hơi nước mới ra đời được chừng mười năm, tấu thuỷ mới chở được vài trăm tấn, còn bây giờ trên eo Malaka tấp nập những con tầu khổng lồ, nhiều tầu thuỷ trọng tải hàng vạn tấn, lênh đênh trên đại dương như những khu phố nổi. Lại có những tầu điện ngầm, dưới sâu đến 70 m. Thời xưa, thi sĩ họ Cao đến, mỏi cổ mỏi mắt nhìn ngắm, thì 168 năm sau, bọn tôi đến đây vẫn mỏi mắt mỏi cổ. Thật lạ, giữa Singapore và ta vẫn không đổi khoảng cách… 
   Trong mấy ngày, chúng tôi gặp nhiều mỹ nhân Âu, Ấn. Lại nhớ thi phẩm Dương phụ hành- Bài thơ về người phụ nữ phương Tây. Cao Bá Quát viêt:  


         DƯƠNG PHỤ HÀNH 

Tây dương thiếu phụ y như tuyết
Độc bặng lang kiên toạ thanh nguyệt
Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh
Bả duệ nam nam hướng lang thuyết
Nhất uyển đề hồ thủ lãn tri
Dạ hàn vô ná hải phong xuy
Phiên thân cánh thiển lang phù khởi
Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly!

Dịch thơ:

          Bài hành
          Người đàn bà Tây dương

Nàng Tây ấo trắng - tuyết trong
Dưới trăng ngồi tựa vai chồng thật duyên
Nhìn thuyền Nam sáng ánh đèn
Níu áo chồng lại hàn huyên, cười đùa
Tay cầm cốc sữa, hững hờ
Biển đêm bỗng lạnh, gió lùa, sương lan
Đòi chồng nâng, vẻ nồng nàn
Đâu hay có một người Nam xa nhà!
                               (Duy Phi dịch) 
    Hình ảnh người phụ nữ phương Tây áo trắng như tuyết, làm nũng chồng, khiến ông nhớ đến người vợ ở quê Siêu Loại xa xăm một sương hai nắng, bản thân ông đang cô đơn, cách biệt. Ồ, tôi cũng thấy cô đơn lắm.
   Có đêm, người bạn Hoa còn rủ Cao Bá Quát đi xem kịch (Kinh kịch, tuồng) do người Hoa diễn. Thi sĩ họ Cao rất ngán cái cảnh vua quan trong tuồng ra oai vung gươm gầm thét trên sân khấu, trong khi Trung Hoa lúc ấy, buộc phải ký Hoà ước Nam Kinh, nhượng năm cảng, lại phải đền chiến phí là 21 triệu đồng bạc Mễ Tây Cơ cho người Anh. Chuyến đi ấy, Cao Bá Quát cũng thấy rỡ thực trạng bất công trong xã hôi Singapore, Malaka. Toàn những người da đen phải hầu hạ đánh xe cho người da trắng (Cá cá ô nhân ngự bạch nhân). Đến nơi này, thi sĩ họ Cao càng thấy văn chương bị rẻ rúng, bệnh nghèo của thi nhân khó mà chữa được (Văn vô thiện giá, bần nan trị)… Thời hiện đại, thơ làm sao? Còn sống! Tôi ngưỡng mộ tài thơ của các nhà thơ Singapore: Edwin Thumboo, Robert Yeo, Goh Sin Tub, Alvin Pang, Cyril Wong … với những tập thơ: Cây nở hoa, Bảy thi nhân, Thử nghiệm im lặng… Vậy ở đất nước Singapore, GDP - thu nhập bình quân theo đầu người gấp chừng bốn mươi lần Việt Nam, thơ vẫn sống, vẫn được tôn vinh. Dẫu thế nào thì thơ vẫn tồn tại.
   Ngoài chùm thơ 16 bài trong chuyến Dương trình hiệu lực, rải rác, Cao Bá Quát còn có những đoạn thơ viết về chuyến đi ấy. Trong bài Đề sát viện Bùi công "Yên Đài anh ngữ" khúc hậu (Đề sau khúc "Yên Đài anh ngữ" của quan Đô sát họ Bùi), có đoạn thơ, ông tự trách mình từng mê lẫn, nhiều năm đóng cửa đẽo gọt câu thơ, nhai văn nhá chữ. Ông tự coi mình chỉ như một con sâu đo mà muốn đo cả đất trời (Ta ngã bế hộ điêu trùng,  xỉ khẩu giảo văn tự/ Hữu như xích hoạch lượng thiên địa). Tiếp đến là bốn câu: Tự tòng phiếm hải lịch Ba Sơn/ Thủy giác lục hợp hà mang mang!/ Hướng tích văn chương đẳng nhi hí!/ Thế gian thùy thị chân nam tỷ (tử).
   Cách đây 37 năm, dịp Noel năm 1975 tại Sài Gòn, tôi đã được đọc một bản dịch bài thơ này. Phần dịch bốn câu trên, tôi đã nhập tâm:
Tân Gia từ vượt con tầu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la
Giật mình khi ở xó nhà
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi... 



TRÊN ĐỒI FABER - ĐỈNH CAO NHẤT CỦA SINGAPORE

TỪ PHẢI SANG: 
BA VỊ TRƯỞNG LÃO:  HỮU CẤP,  KIM HẢI, DUY PHI
CHỤP ẢNH VỚI NGƯỜI ĐẸP THUÝ VÂN - 
CÔ GIÁO HÀ THÀNH, QUÊ GỐC HIỆP HOÀ, BẮC GIANG 

    Bây giờ, chịu, không nhớ được từ sách nào? Ai dịch nữa? Chợt nhớ lời bàn của Lê Quý Đôn: Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên nhiên thì không thể làm văn được, nhớ Nguyễn Tuân luôn xê dịch, Xuân Diệu ham đi cho giầu đôi mắt… Tôi luôn mong được xê dịch luôn luôn, nhưng đi luôn thì rỗng túi, rỗng túi thì không thể đi tiếp được, không đi tiếp được cũng không sao, tôi sẽ không ra khỏi cửa nữa, sống theo triết lý thời cổ. Lão Tử viết: Bất xuất hộ, tri thiên hạ - Không ra khỏi cửa mà biết được việc thiên hạ. Lại dạy thêm: Kỳ xuất di viễn, kỳ trí di thiểu - Càng ra xa, càng biết ít. Ha ha! Túi rỗng mà tiến thoái đều được cả. Không đi được thì ngồi mà tư duy, mà tưởng tượng. Dù sao, tôi vẫn e mấy câu thơ của Cao thi sĩ: Con sâu đo… Giật mình khi ở xó nhà/ … Văn sĩ, thi sĩ ngày nay, viết gì đây trước thời cuộc? Thời Tự Đức, bên Thần Siêu có Thánh Quát. Ông Thánh họ Cao này đã để lại 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, đều bằng chữ Hán. Thơ hay đến kinh ngạc. Cao Bá Quát là một nhân cách lớn, một khí phách lớn…   
   Đi và viết. Hình như, mấy ngày ở Singapore và Malaka- Malaysia tôi đã tìm được chút dấu tích, gặp được anh linh của Cao Chu Thần? Bởi vậy, mà tin yêu thêm mùa xuân mới…
                                                Malaka - Malaysia 28/ 12/ 2011
                                                                      D P



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét