NHÀ XƯA
Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan
Bể không người vục nước mưa tràn
Xoã tóc soi tìm mình chẳng thấy
Lạ lùng ai đó bóng thời gian?
D P
Mão Điền, 1999
LỜI BÌNH CỦA
CHU NGỌC PHAN
Bài thơ “Nhà xưa” của nhà thơ Duy Phi theo lời ghi chú cuối bài thì được viết ở Mão Điền-quê anh năm 1999 trong một lần anh về thăm ngôi nhà cũ. Nhà thơ viết về cảnh thật 100%, thấm đẫm chất hoài cảm se buồn, lạnh lẽo toát ra từ sự biến cải của thời gian vô định.
“Nhà xưa” chính là nơi anh từng sống yên vui cùng gia đình một thuở. Bao nhiêu là dấu ấn trong anh hẳn còn ghi rõ những kỷ niệm ấm cúng từ căn nhà, sân thềm, bếp núc…Anh xa quê đã lâu, giờ đang đứng trước ngôi nhà cũ nay vắng lặng, hoang tàn: “Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan”. Anh tính thời gian từ khi mẹ mất bằng “thu”, nên cảnh nhà càng thêm tiêu sơ, man mác. Mặt sân “cỏ lan”, thiếu vắng bàn tay con người. Chỉ bằng hai nét chấm phá, toàn cảnh “Nhà xưa” đã hiện lên cô tịch đến nao lòng.
Bức tranh rộng nhưng có trọng điểm, cảnh được thu hẹp dần. Anh đến với bể nước mưa “không người vục”, nước đang tự “tràn” ra qua miệng. Nào đâu những lần anh xục gáo dừa ực từng ngụm nước đầy trong vắt, ngọt lịm! Nào đâu bóng mình trẻ trung tóc xanh, mắt sáng thường hiện hình quen thuộc trên mặt gương trong? Anh đang cố tìm khuôn mặt mình. Khái niệm thời gian trong anh nhoà đi trong niềm xúc động. Hiện tại và quá khứ mờ tỏ như sương khói mộng du…Anh đã giật mình, chợt nhìn thấy một hình ảnh như ai đó hiện ra hiện ra trên mặt nước: “ Xoã tóc soi tìm mình chẳng thấy/ Lạ lùng ai đó bóng thời gian?”.
Cảm xúc thăng hoa đã giúp tác giả viết nên đôi câu thơ “thần cú”. Bóng mình xưa đâu còn nữa, chỉ có “bóng thời gian” hiện hữu như “ai đó” “lạ lùng”! Cụm từ “bóng thời gian” được hình thành từ lối hoán dụ thật tài hoa, diễn tả hình ảnh nhà thơ thật khác lắm, khi đã bị tuổi tác nhuốm màu…
Bài thơ “Nhà xưa” như một bức gấm đẹp, được người thợ dệt thật công phu, khéo léo. Bài thơ có sức gợi sâu xa về sự thăng trầm của thế gian qua tháng năm lặng lẽ. Âm hưởng lời thơ trầm buồn, se lắng, có sức ngân sâu vào tâm khảm con người…
25/1/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét