Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

THẦN ĐỒNG XƯA - NGUYỄN TRUNG NGẠN



          NHÂN KỶ NIỆM 180 NĂM
          THÀNH LẬP TỈNH HƯNG YÊN



                                                                    
                                  VĂN MIẾU Ở HƯNG YÊN

THẦN ĐỒNG XƯA -

NGUYỄN TRUNG NGẠN


Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) hiệu Giới Hiên người làng Thổ Hoàng nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng, có chí lớn. Mười hai tuổi ông đỗ thái học sinh. Khoa thi Giáp Thìn, 330 người thi có 44 người đậu. Trong Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi tên những người đỗ đầu: Mạc Đĩnh Chi - Trạng nguyên, Bùi Mộ - Bảng nhãn, Trương Phóng - Thám hoa và Nguyễn Trung Ngạn - Hoàng giáp. Năm hai mươi bốn tuổi, ông được cử làm quan gián, tức Gián nghị đại phu, chức quan có nhiệm vụ can gián vua. Hai mươi sáu tuổi, ông được cử đi sứ phương Bắc. Về những dấu mốc đó trong cuộc đời, ông có một bài thơ tự bạch:

Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí
Diệu linh dĩ hữu thốn Ngưu chí
Niên phương thập nhị thái học sinh
Tài đăng thập lục sung đình thí
Nhị thập hựu tứ nhập gián quan
Nhị thập hựu lục Yên Kinh sứ.

Nghĩa:

Giới Hiên tiên sinh tài trong triều
Từ nhỏ có chí nuốt sao Ngưu
Đỗ thái học sinh mười hai tuổi
Vào tuổi mười sáu dự thi đình
Tuổi hai mươi bốn làm quan gián
Tuổi hai mươi sáu sứ Yên Kinh.

Tính ông cương trực, có ý thức bảo vệ quốc thể. Lần ấy, sứ Nguyên là Mã Hợp Mưu sang ta. Bọn Mưu cứ nghêng ngang cưỡi ngựa đi khắp, đến bờ ao Tây Thấu chỗ đã có biển báo Hạ mã hắn vẫn không chịu xuống đi bộ. Có quan trong triều biết tiếng Hán ra giải thích, bọn chúng không chịu, suốt từ giờ Thìn đến giờ Ngọ (ba, bốn giờ), khí giận đôi bên đều tăng. Nguyễn Trung Ngạn ra, lấy lẽ bẻ lại, bọn Hợp Mưu mới chịu. Vì trực tính, có một lần ông can vua không được, trái ý, ông phải đổi đi nhiều nơi: làm An phủ sứ (An phủ sứ: bình định cho yên dân) Thanh Hoá, An phủ sứ Ngệ An, Tào vận sứ (coi việc chuyên chở đường nước) Khoái Châu, Kinh lược sứ (trù hoạch toàn bộ việc binh việc dân) Lạng Giang…Giữa các thời kỳ đó, ông cũng có nhiều năm tháng ở trong triều, được phong đến Phó nội sứ viện Nội mật, coi việc chép sử ở viện Quốc sử, lại được thăng đại học sĩ làm ở toà Kinh duyên trụ quốc, tước Thân Quốc công. Ông đã cùng với Trương Hán Siêu biên định tập sách Hoàng triều đại điển và bộ Hình luật thư…
Là một nhà chính trị, ngoại giao tài năng, song tính Nguyễn Trung Ngạn thích ngâm vịnh, xướng hoạ. Ngoài những tập sách biên soạn chung, ông còn có tập thơ riêng: Giới Hiên thi tập. Đánh giá cao tập thơ này, nhà bác học Lê Quý Đôn đã chép 81 bài thơ của ông vào trong tuyển thơ lớn của mình: Toàn Việt thi lục. Trong khi nhiều tác giả khác, nếu được tuyển vào đó dăm ba bài cũng đã là vinh hạnh lắm. Một học giả khác có nhận xét về thơ Giới Hiên: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách thơ Đỗ Phủ”. Thơ Nguyễn Trung Ngạn chủ yếu là ca ngợi giang sơn cẩm tú, thiên về hoài niệm. Làm quan trải năm triều vua Trần (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông), qua lại, ở Thăng Long đến mấy chục năm, ông có bài Nhớ thành Tràng An xưa (Tràng An thành hoài cổ), có phần xa xót trước cảnh dâu bể:

                                                         

              CHÙA CHUÔNG Ở PHỐ HIẾN - HƯNG YÊN             

 

Mộc lạc hoà điêu đế nghiệp dư
Lý gia thu đặc bản đồ quy
Sơn vi cố quốc quy mô tiểu
Trúc ám hoang thành thảo mộc phi
Cổ tự tăng chung xao lạc nhật
Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy
Anh hùng cựu sự vô tầm xứ
Độc ỷ giang đình khán thuý vi

Dịch thơ:

Xơ xác hoa cây nghiệp đổi thay
Bản đồ nhà Lý nắm trong tay
Nước xưa núi bọc quy mô nhỏ
Trúc rợp thành hoang, củi cỏ đầy
Chùa cũ chuông sư, vầng nhật rụng
Suối ngang sáo mục, ánh chiều lay
Anh hùng việc cũ tìm đâu thấy
Ngắm núi bên sông, tựa quán này

Ngô Văn Phú dịch

Thời làm An phủ sứ vùng đất Thanh Nghệ, ông đã nhiều lần qua cửa biển Thần Phù (Thần Đầu). Đó là một miền sóng gió nguy hiểm Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm - Ca dao, nhưng cũng là nơi phong cảnh rất tuyệt đẹp. Trong bài thơ Cửa biển Thần Phù chiều đậu thuyền (Thần Đầu cảng khẩu vãn bạc) của ông có đoạn:

Rồng về cửa động sương gieo
Kình phun gió nổi bóng chiều ngút trông
Thuyền một lá, cảnh mênh mông
Ngỡ mình đã tới tiên cung ánh ngời

(Long quy động khẩu tình sinh vụ/ Kình phún triều đầu mộ khởi phong/ Độc phiếm lan chu quan hạo đãng/ Hốt nghi thân tại lạn ngân cung).
Bình về thơ trong Giới Hiên thi tập, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi: “Nhiều câu thơ hay, thơ tứ tuyệt càng hay, không kém gì thơ Thịnh Đường”. Một trong số các bài tứ tuyệt mà nhiều sách đã chọn dịch là Cảm hứng trên đường về (Quy hứng):

Lão tang diệp lạc tàm phương tận
Tảo đạo hoa hương giải chính phì
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo
Nam Giang tuy lạc bất như quy.

Nghĩa: Dâu già lá rụng tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua đang lúc béo/ Nghe nói ở nhà nghèo nhưng vẫn tốt hơn/ Nam Giang tuy vui nhưng đâu bằng về với quê nhà.
Nam Giang tức đất Giang Nam, một tỉnh lớn của Trung Quốc, trên đường ông về qua. Thời Nguyễn Trung Ngạn đi sứ, hai nước hữu hảo, việc đón tiếp nồng hậu, hẳn là những bữa tiệc: Nào gân hươu vây cá/ Thịt lợn dê đầy bàn (Lộc cân tạp ngư xí/ Mãn trác trần trư dương…). Song, dù vui nơi đất khách, tác giả vẫn vẫn luôn nhớ về những hương vị quê nhà: cuộc sống dung dị, tình làng nghĩa xóm, trong lành yên ả. Tất nhiên, việc đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn ngày xưa với kiều bào ta ở nước ngoài ngày nay khác nhau lắm lắm.
Bài thơ trên đây, có một bản dịch rất đạt của cụ Bùi Huy Bích, in trong Hoàng Việt thi văn tuyển:

Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm bông thơm cua béo ghê
Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.

Xa nhà vạn dặm, những lúc sống trong cao lương mỹ vị, tấm lòng ấy của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn đã biểu hiện bản lĩnh kiên định, đức trung hiếu, những phẩm chất cao quý của người Việt.
DP
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét