Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

BẮC GIANG - HỘI THẢO THƠ


                                                                                                                                           



                                                                             
                                            TIẾT MỤC DIỄN THƠ  


                   ĐỔI MỚI THƠ
           VẪN GIỮ CĂN CỐT     
       
       Tham luận của Duy Phi 
      tại Hội thảo (ngày 11/ 11/ 2011)
     Thơ Bắc Giang 10 năm đầu thế kỷ XXI

   Mười năm qua,  đã hai đợt, tỉnh Bắc Giang trao giải VHNT Sông Thương lần thứ nhất, lần thứ hai, các giải cao đã trao cho Anh Vũ, Duy Phi, Tô Hoàn, Trịnh Kim Hiền, Quách Đăng Khoa, Kim Ô, Nguyễn Thị Phụng… Một số cây bút thơ Bắc Giang đạt được giải quốc gia: Đoàn Nguyên với bài thơ Dì tôi, Chu Ngọc Phan với chùm thơ ba bài. Anh Vũ với trường ca Lòng chảo khác, Nguyễn Thị Phụng với tập thơ Sen. Mười năm qua, Hội VHNT Bắc Giang đã tạo điều kiện cho xuất bản nhiều tập thơ tác giả, có 6  tuyển chọn thơ chung, trong đó đặc biệt là tập Thơ Bắc Giang thế kỷ XX và tuyển thơ Sắc núi ngàn năm, cũng là nghìn năm thơ Bắc Giang- miền thượng Kinh Bắc. 
Trong Tuyển thơ Bắc Giang thế kỷ XX, nối tiếp thơ của các bậc tiền nhân: Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bàng Bá Lân, Nguyên Hồng, Lê Đạt, Anh Thơ… , cùng các nhà thơ quê Bắc Giang định cư nơi khác: Trần Ninh Hồ, Lê Quang Trang, Phùng Khắc Bắc, Vương Tùng Cương, Đặng Vương Hưng…, có những vần thơ của Đỗ Vinh, Quách Đăng Khoa, Ngô Đạt, Nguyễn Bộ… Cách đây mười năm, các nhà thơ Trịnh Kim Hiền, Tân Quảng, Đoàn Nguyên, Vũ Kim Loan, Trọng Việt, Vũ Hoàng Nam… chưa ai có tập thơ riêng, bây giờ mỗi cây bút thơ ấy hầu như đều có một hoặc vài ba đầu sách. Trong tuyển thơ Sắc núi ngàn năm, xuất bản năm 2010, có thêm nhiều gương mặt thơ mới: Trần Hồng Minh, Nguyễn Anh Thân, Trần Thị Chung, Hà Thao… 
 Không chỉ các nhà thơ làm thơ mà một số nhà văn, hoạ sĩ cũng làm thơ, một số đã có một hoặc nhiều tập thơ: Đặng Tiến Huy, Hà Quang Thiều, Ngô Đạt, Duy Lập, Ngô Minh Bắc… Một số tác giả trẻ, góp thơ trẻ vào tuyển thơ, tạp chí: Mai Phương, Phạm Thị Thu Hương, Nông Thị Hưng… 
Mười năm qua, có hai tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam: Anh Vũ, Duy Phi. 
Thơ Bắc Giang thời gian qua có nhiều bài hay, ví dụ bài thơ Dì tôi của Đoàn Nguyên: 
Tu chùa còn được ngắm bia
Còn hương khói với trời kia đất này
Dì tôi tu chợ ngày ngày
Bao nhiêu cay cực đoạ đày dì tôi.
   Có những bài thơ nhiều bạn đọc nhớ:
Cây lớn cả khi người ngủ
Mê mải xanh ngày xanh đêm
Sao nỡ chặt vào ngọn suối
Sao nỡ chặt vào tiếng chim.   
         (Cây- Trịnh Kim Hiền)

 Chặt đổ một bóng cây
 Rồi vứt dao ngồi thở
Trách trời sao nắng quá
Trách đời không bóng râm.
              (Trách - Kim Ô)   
Câu thơ tâm đắc về rừng
Bỗng dưng vô nghĩa, bỗng dưng nhạt nhòa
Cụng nhau ly rượu bách xà
Lùa bầy rắn độc bò qua miệng mình.
          (Rượu bách xà - Tân Quảng) 
 Đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, trong tuyển Thơ về Hà Nội, do Báo Văn nghệ và Đài PT TH Hà Nội chọn và đề rõ trong sách: “Những bài thơ hay”, Chi Hội ta, có 3 tác giả: Anh Vũ, Duy Phi, Chu Ngọc Phan.  
   Bài Dạo quanh làng gốm Bát Tràng của Chu Ngọc Phan có những câu thơ nhiều bạn đọc khen ngợi:
Trên nghìn độ đất thó mới nên tranh
Anh thợ đốt lò say sưa chuyện lửa…
Tôi giật mình, nõn nà em thiếu nữ
Chẳng ngờ qua lửa biếc mới thành xinh? 
    Anh Vũ có chùm thơ mới in báo Văn nghệ:
 Này mái bếp tuổi thơ bồ hóng đu đưa đen kịt
Tôi là rổ rá gác khói không mối mọt bao giờ
lại thoảng mùi cơm chín tới với lạc giã canh dưa
mẹ vẫn phần tôi củ khoai vùi nưng nức… 
                                  (Bếp ấm)

                     
                                                 NGÂM THƠ


 Trong tuyển thơ Mười năm đầu thế kỷ XXI, Bắc Giang có hai tác giả: Tô Hoàn và Nguyễn Hoạt. Lục bát đời thường của Nguyễn Hoạt cũng nhiều suy ngẫm về thân phận, thế sự: 
 Phù sinh cái kiếp nhạt nhoà
Rong rêu dẫu sạch vẫn là rong rêu
Chia ly là lúc mình yêu
Cái trong tử tế gặp nhiều gió mưa
 Sau Đêm mưa, bài thơ được chọn vào trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX, Tô Hoàn có bài thơ Tỉnh lẻ cũng vào loại nổi trội trong Tuyển thơ Mười năm đầu thế kỷ XXI: 
 Sông tỉnh lẻ chảy hoài không tới biển
Nước bao năm vẫn líu ríu chân cầu
Người lái đò bỏ khách chờ nhạt bến
Mải mê tìm í ới tận đâu đâu…                           
 Các nhà thơ Bắc Giang cũng đã có sự vươn tới, tu tâm luyện chữ, phấn đấu cho thơ hàm suc, tinh tế, có sự cách tân trong kết cấu hình tượng, trong diễn đạt. Một số tác giả, trong thơ có sự vận động rõ rệt, ví dụ: tác giả Đỗ Vinh, từ lâu anh đã bỏ vần điệu, đăng đối, câu thơ hàm súc, nhiều chiều liên tưởng:  
 Có đêm em khóc hay lụa mỏng
Có ngày em mặc hay lụa mặc
Bông hoa hồng bạch mặc gì nữa đây
Bông hoa huệ ấy trắng sau mỗi ngày…
       (Lụa trắng tên gì)
 Mười năm qua, Duy Phi tôi thêm mấy tập thơ. Trước đây, nhiều bạn thường quý tôi ở bài thơ Mẹ nuôi, gần đây nhiều bạn đọc quý bài Tự khúc,  về tứ tuyệt là bài thơ Nhà xưa: Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan/ Bể không người vục nước mưa tràn/ Xoã tóc soi tìm mình chẳng thấy/ Lạ lùng ai đó bóng thời gian! Tự mừng vậy nhưng cũng tự biết, thơ mình còn nhiều bài nhiều câu chưa đạt. Tôi có viết thêm mấy cuốn tiểu thuyết, khảo cứu biên dịch nhưng vẫn viết về các thi nhân, như Nguyễn Trãi, Trịnh Sâm… Đó cũng chỉ là một cách đi rộng ra miền biên viễn của thơ mà thôi. 
 Cách tân trong thơ, trước hết từ nhãn quan, ý tưởng, từ trong tứ thơ, sau mới đến những thủ pháp từ ngữ. Thơ hiện đại, có xu hướng cá thể hoá cao độ, bỏ qua sự rành mạch, chấp nhận cả sự kỳ bí, không có vần luật ổn định. Thơ hiện đại có nhiều câu thơ lạ: Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ - Lê Đạt, Ta khóc vọng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn - Nguyễn Quang Thiều… Nhà thơ  Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, sau cuộc giao lưu, hội thảo về văn học tại trường đại học Massachusettes gồm các giáo sư hàng đầu của Mỹ và đại diện một số nước, trong trả lời phỏng vấn, có nói về thơ ta hiện nay:  “Nhìn ở góc độ nào đó thì khát vọng sáng tạo của nhiều người là quá ít và họ không đủ nghị lực, bản lĩnh để đi đến tận cùng con đường sáng tạo”.        
   Chợt nhớ, về cuộc hội thảo thơ tại Hải Phòng vừa qua.
  Nhà thơ Bằng Việt, có vẻ đồng tình nhiều hơn với con đường của thơ ca, đi lên bằng sự tiến hóa - évolution, tiến hoá từ thấp lên cao, chứ không lật đổ bạo liệt theo kiểu cách mạng - révolution. Nhìn ra thế giới, nhà thơ Bằng Việt khẳng định: Chủ nghĩa hậu hiện đại không còn là cái đích của thơ, xu hướng chung là chủ nghĩa tân cổ điển, “Để dễ hình dung, ta cứ tưởng tượng như ta đang thắp nén hương vòng, khi cháy hết vòng cũ thì hương sẽ tự động cháy lên đến vòng mới cao hơn”. Tomas Transtromer (Thuỵ Điển), Giải Nobel Thơ 2011, thơ của ông không hề phủ định thơ truyền thống, cái chính là tư duy thơ sâu sắc, độc đáo.     
   Trong hội thảo, có một tác giả nói: Thơ Việt Nam trì trệ. Vũ Quần Phương, một nhà thơ hiểu biết nhiều về thơ thế giới, nói: Vấn đề khó so sánh, thơ Việt Nam không trì trệ đâu. Tự liên hệ, thơ Bắc Giang mười năm đầu của thế kỷ XXI cũng không trì trệ, đã có một bước tiến mới, đội ngũ đông lên, tác phẩm ngày càng đa dạng, có chất lượng. Một số nhà thơ đã có giọng điệu riêng rõ rệt, bước đầu đã có sự tự cách tân. Cùng với một số tác giả đã được khẳng định, một số tác giả nhiều nỗ lực, có một thành tựu đáng kể trong mấy năm gần đây: Tô Hoàn, Đỗ Vinh, Đoàn Nguyên, Trịnh Kim Hiền, Tân Quảng, Nguyễn Hoạt, Kim Ô, Đặng Tiến Huy, Chu Ngọc Phan, Vũ Từ Sơn, Trần Hồng Minh, Vũ Hoàng Nam, Thân Văn Tập…
   Có 9 điều, tôi luôn suy đi ngẫm lại:
1. Nhiều bài thơ khởi đầu từ cảm hứng trực giác, nhưng làm sao cho thơ cao hơn trực giác, có chất trí tuệ.
2. Có chùm thơ đề tài, nhưng cũng tự cảnh giác, thận trọng khi lặp lại đề tài, kẻo luẩn quẩn, giẫm chân tại chỗ, giẫm lên dấu vết mình hoặc dấu vết người khác.   
3. Viết thơ mới, tránh gò gẫm vần luật. Viết thơ mới, gần với văn xuôi, nhưng vẫn phải kiệm từ đến không thể kiệm hơn nữa.
4. Có những bài thơ lo trình ra đại chúng, nhưng cũng phải có thơ không đại chúng, có thể là khó kiểu, kỳ bí.  
5. Có những bài thơ hữu dụng, nhưng có cả thơ chỉ là kỷ niệm riêng, thoả niềm riêng, không nhằm tới một mục đích rõ rệt.
6. Nên ít thơ theo ý thức lập trình cấu tứ chặt chẽ, tăng thêm phần thơ ngẫu hứng, tuỳ hứng, phóng túng, mong gặp bất ngờ của vô thức.
7. Người làm thơ vẻ nhàn nhã nhưng tâm chẳng nhàn, bởi sống chỗ quen thuộc mà thấy xa lạ, có bạn tình mà cô đơn, sống đời thực mà mơ mòng lãng đãng.
8. Đổi mới, với tôi vẫn phải giữ căn cốt của mình. Năng xê dịch nhưng có điểm không xê dịch.
9. Người làm thơ đôi khi kỳ quặc, song chân thiện mỹ là mục tiêu, cần giữ trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội.     

                                                                       Tháng  11/ 2011
                                                                                 D.P

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét