Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

TRẠNG KẾ TẶNG THƠ TRẠNG TRÌNH




  TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
                                                                             

Nhân (16/ 9/ 2011) Hải Phòng có Chương trình
MIỀN ĐẤT DƯƠNG KINH 
Kỷ niệm 470 năm ngày mất của  
Mạc Thái Tổ




 TRẠNG KẾ 
 TẶNG THƠ TRẠNG TRÌNH   
    
                                     DUY PHI 


   Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), quê làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông xuất thân từ một gia đình, thân phụ là một nhà nho tài văn chương, thân mẫu là con một vị Thượng thư, có học vấn. Chờ thời, tuổi bốn mươi lăm, khoa Ất Mùi (1535), ông thi đỗ Trạng nguyên. Làm quan nhà Mạc 8 năm, thấy triều chính rối ren, ông cáo quan về quê trí sĩ. Sau, do nhà Mạc khéo trọng dụng nhân tài, ông lại ra làm Lại bộ Tả thị lang, thăng Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Hầu, thường được gọi là Trình Tuyền hầu, hoặc Trạng Trình. Ông là nhà thơ lớn, lại chuyên về Dịch học, là bậc tiên tri kỳ tài. Tuổi bẩy mươi, ông mới thực sự từ quan, về làng mở trường dạy học. Ông đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước : Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoa, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ… Tác phẩm : Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi… Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện đã sưu tầm được 180 bài thơ Nôm, 800 bài thơ chữ Hán.
   Thơ trong Bạch Vân thi tập (BVTT) của Nguyễn Bỉnh Khiêm uyên bác sâu sắc, đến nay có nhiều bài nhiều câu gần giống hoặc lẫn với thơ trong Quốc Âm thi tập (QÂTT) của Nguyễn Trãi. Ví dụ, giữa bài 47 BVTT với bài 66 QÂTT, bài 51 BVTT với bài 24 QÂTT… Bài 52 BVTT của Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai câu: Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa/ Nước chớ cho đầy nước ắt vơi. Bài 85- QÂTT của Nguyễn Trãi có hai câu gần giống: Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa/ Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi. Thơ ai dám lẫn với thơ Nguyễn Trãi? Chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không biết trong tương lai, có thể phân định? 
   Nhiều năm ẩn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn một lòng vì giang sơn xã tắc :
Lo trước nhưng vui sau thiên hạ
Ta nguyện trong lòng chẳng phút ngơi.
                             (Ngụ hứng, bài 3)
Cùng với Bạch Vân thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tập Trình Quốc Công sấm , tiên đoán nhiều điều trong thiên hạ. Về sấm ký, chỉ dẫn câu Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân- một dải Hoành HoSơn có thể dung thân muôn đời- ông nói với Nguyễn Hoàng, đủ thấy một trí tuệ siêu việt. Nhân dân, triều chính thời ấy coi ông là vị thánh.
   Lại nói thêm, sau ba năm Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng, đến khoa Mậu Tuất (1538), Giáp Hải (1507 - 1586) người Dĩnh Kế, Bắc Giang cũng đỗ Trạng. Người ta thường gọi là Trạng Kế. Kém Nguyễn Bỉnh Khiêm 16 tuổi, sau Trạng Kế cũng trải Lục bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, thăng đến Thiếu bảo... Các vua Mạc thường uý dụ , vời các danh sĩ ở lại  để giúp chính sự, quyết đoán cơ mưu, “phải quên nhà giúp nước”, nên Giáp Hải cũng cũng về hưu muộn. Giáp Hải làm nhiều thơ, có Tiết Trai thi tập.  
Gần đây, nhân đọc sử sách về triều Mạc mà chúng tôi thu lượm được một bài thơ chữ Hán, thú vị là bài thơ này của hai ông Trạng tặng nhau, Trạng Kế tặng Trạng Trình:   
Xin dịch ra thơ để bạn đọc cùng tham khảo:  

THỨ VẬN THƯỢNG
TRÌNH QUỐC CÔNG

Tước kiêm xỉ đức đạt tôn tam
Phủ ngưỡng càn khôn lưỡng bất tàm
Cổn cổn đông chi đào lạm chướng
Lăng lăng trung lập tiết liêm tham
Chu kinh Mặc sử thi thiên thủ
Nhũ nguyệt song mai thảo nhất am
Đại lữ hoàng chung hoà đạm tấu
Trường lưu thanh giá trọng thiên Nam.

Dịch thơ:

Nối vận dâng
Trình Quốc Công

Tước cùng tuổi đức thảy đều cao
Cúi ngửa càn khôn há thẹn nào
Sóng trắng triều đông trôi cuộn cuộn
Uy liêm tiết tháo sáng làu làu
Gối kinh kê sử thơ ngàn tứ
Nương cỏ ngắm mai nguyệt mấy thâu
Gác lớn chuông vàng hoà khúc điệu
Trời Nam danh tiếng gửi muôn sau.
                           Duy Phi dịch
Nhân hoạ thơ của Trạng trình mà Trạng Kế ca ngợi ông đọc nhiều sách, đã viết hàng nghìn bài thơ, một con người sống giản dị, liêm chính, tiết tháo, sánh với chuông vàng... , để tiếng thơm muôn thuở. Đề bài, chữ “thượng” có nghĩa là dâng lên, “dâng lên Trình Quốc Công”. Thời ấy, chưa có Quốc ngữ, tiếng NGƯỜI chưa ai bẻ ra thành NƠI GỪ (Việt Phương trong tập thơ Cửa mở), những người tài tôn quý nhau. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Trạng nguyên Giáp Hải sùng kính. Đương thời, thiên hạ đã coi Trạng Trình là một vị thánh sống.  
   Sau này, Phan Huy Chú viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc kỳ tài hiển danh muôn thuở”.
                                                                                                     D.P 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét