NHÀ VĂN ĐỖ NHẬT MINH
ĐỖ NHẬT MINH
Sinh tại Xuân Trung, Xuân Trường, Nam Định. Định cư tại Dĩnh Kế, TP Bắc Giang.Từng dạy học, biên tập sách báo (của Hội VHNT BG).Hội viên: Hội VHNT Bắc Giang, Hội Nhà báo VN, Hội VHNT các DTTS Việt Nam.Tác phẩm chính:Các tập truyện ngắn: Trầm hương, Cái lồng sắt, Quán trần gian… Các tiểu thuyết: Tên phỉ cuối cùng, Giã từ đêm quan họ, Thờ ơ và tội ác…Các tập truyện Thiếu nhi: Câu chuyện một đội kịch, Chú Rô và cô Dế lắm điều…Đang in, tập truyện ngắn Trường có cây dã hương và 1 tập truyện Thiếu nhi.
TIẾNG ĐÊM
Truyện ngắn
Mưa mỗi lúc một dày đặc. Rồi gió. Lúc đầu gió chỉ xào xạc trong rặng cây rồi sau đó ào ào dữ dội. Trong bóng đêm đồi núi, giữa vườn cây rậm rạp, mưa có vẻ hoang dã, bí hiểm. Ông Nhật khẽ trở mình. Nằm cạnh bên, ông Mí vẫn ngáy như sấm. Ví như sấm cũng chẳng đúng. Ông Nhật chưa bao giờ ngủ cùng với một người ngáy như ông ấy. Có lẽ cả nước Nam cũng không ai như ông ta. Tiếng ngáy lúc gầm lên như loạt trọng pháo bắn cấp tập, lúc rên hừ hừ như người ốm làm nũng. Tiếng ngáy lại giống máy trộn bê tông đang hoạt động ở trước cửa, lại tựa tràng súng liên thanh nhả đạn. Tiếng ngáy lúc hổn hển mệt nhọc, lúc rền vang phấn chấn. Ông Nhật không sao ngủ được, đầu óc cứ chập chờn, mông lung, cơ thể như bã ra. Sao ông Mí lại không lên tầng với bà vợ lại cứ nhất quyết ngủ ở đây? Ông giữ ý khi khách đến? Giời ạ, quý nhau thế này khác gì hại nhau. Nhiều người bảo rằng người ngủ ngáy to là ở dạng vô lo vô nghĩ, là thảnh thơi an nhàn lắm, là sung sướng, yên phận lắm. Có thể là thế chăng?Bữa cơm tối, ông Nhật và ông Mí ngồi ăn uống lai rai suốt mấy tiếng đồng hồ. Giá bà Làn - vợ ống Mí - không mấy lần nhắc, hai ông sẽ ngồi suốt đêm. Hơn hai chục năm mới gặp nhau, họ có bao chuyện muốn kể.“Ông có hay đến nhà Dụ không? Vợ con Dụ thế nào?” Ông Nhật hỏi.“Chắc là ổn”. Ông Mí nghiêng lọ rượu rắn, rót tiếp vào cốc.“Sao lại chắc? Người cùng xã…”“Tiếng là cùng xã nhưng tôi ở thị trấn đã lâu, lại chuyển lên tỉnh, ít khi về quê. Một lần, tôi đến nhà nó. Hồi ấy con trai nó mới lên ba. Vợ nó vẫn quẩn quanh mấy sào ruộng.”Ông gắp miếng thịt màu nâu sực nức hương hồi vào bát ông Nhật. “Ông nhắm món mới đi. Đặc sản thú ở đây đấy. Ông thử đoán con gì?”“Thế Dụ đã được quy tập hài cốt chưa?”“Chắc là rồi. Nghe nói từ năm 1995, vợ nó với người anh, em chồng vào Nam tìm kiếm. Kìa, ăn đi. Của này là phải ăn nóng.”Hai chân duỗi thẳng, một tay vắt lên trán, một tay đặt trên bụng, miệng há rộng, ông Mí tiếp tục ngáy, bây giờ là tiếng kêu phì phò phì phạch tựa như bễ lò rèn đỏ lửa. Và chỉ lát sau, tiếng ngáy ấy dõng dạc rống lên rồi trở lại rên rỉ. Ông Nhật cáu kỉnh huých tay bạn: “Ngáy khiếp thế!” Ông Mí giật mình “hả?” và chỉ trong tích tắc lại cất lên tiếng ngáy quái dị.“Ngọc lém có hay đến chỗ ông không?” Ông Nhật uống tợp hụm rượu, nhìn bạn.“Mỗi lần, mà cũng lâu rồi, từ hồi tôi còn ở huyện.”“Hẳn Ngọc vẫn nghèo?”“Chắc là cũng bi đát. Ba con đều bị nhiễm chất độc da cam”. Ông Mí dơ cao chén rượu. “Nào, trăm phần trăm. Ông cảm thấy món đặc sản tuyệt vời chứ? Tôi cam đoan với ông, quanh mấy tỉnh đây chỉ có chỗ tôi mới có món này.”Mưa vẫn gầm gào rên rỉ xung quanh nhà. Gió vẫn không ngớt thổi mạnh. Ông Nhật mường tượng những tàu lá như mớ tóc rối tung, rũ rượi đang cuống cuồng trút xuống mặt đất, đang hốt hoảng gào thét tuyệt vọng. Các cành cây bé nhỏ và những cây non đang quặn mình trong dông bão. Mưa theo chiều gió, lúc khoan nhặt, lúc ào ào như thác đổ, lúc lại khẽ khàng như bước chân ai đó đi trên đường. Sao lão ta ngủ say thế nhỉ? Ngủ như chết! Ngày xưa Mí có thế đâu. Anh ta dễ ngủ nhưng dễ thức. Chỉ cần ai hô to một tiếng là Mí vùng dậy, tỉnh như sáo. Ông Nhật muốn dậy từ lâu để ngồi bên ấm chè hoặc xem ti vi băng đĩa nhưng vì không có điện. Ông Mí bảo dạo này ở đây mất điện cách nhật. Nghĩa là sáng mai từ bảy giờ mới có. Chả còn cách nào khác là ông Nhật bực bội lắng nghe tiếng mưa rơi gió thổi và tiếng ngáy hả hê, sung mãn của người cùng tiểu đội năm xưa trong bóng đêm dày đặc ẩm ướt.Gió vẫn thổi liên hồi. Và mưa vẫn tầm tã. Và tiếng ngáy…Phải, vẫn tiếng ngáy đủ âm điệu. Vẫn hối hả đều đều buồn tẻ tiếng mưa rơi. Vẫn tiếng gió hoang dã, nặng nề.Bỗng có tiếng đập gấp gáp trong vườn, có lẽ đó là tiếng va đập của cành cây gãy treo lủng lẳng. Mà cũng không phải. Hình như đó là tiếng vỗ của người khổng lồ trên không trung, lại là tiếng kêu phành phạch của những cành cây nghiêng ngả trong gió. Tiếng ấy lạ lắm. Nó khô khốc, mạnh mẽ, vang động. Nó kêu theo nhịp trống đánh ngũ liên, cứ nhỏ dần nhỏ dần rồi sau đó lặp lại. Nó hổn hển, thổn thức. Nó như tiếng gọi từ cõi xa xăm. Ông Nhật bủn rủn cả người.Phải, cái đêm ấy, mưa tầm tã mấy ngày…Cả năm chiến sĩ chui trong cái lán bỏ không. Cái lán ấy không biết của dân hay là của những người lính mở đường. Nó trống huếch trống hoác lợp sơ sài mấy phên nứa và lá trung quân, chỉ cao hơn đầu người, nằm dưới hàng cây um tùm. Các chiến sĩ mắc võng nằm. Bất ngờ một tiếng nổ. Và cũng giống như tiếng nổ, Hoàng Công Dụ hai tư tuổi, quê vùng lúa Thái Bình ngã gục. Thân Văn Ngọc kêu “ối” cùng với tiếng rơi của võng. Tiếp đến là những tiếng súng xa dần. Mấy chiến sĩ nháo nhào ôm súng vùng dậy. Không hiểu đại bác địch bắn từ đâu tới. Chúng bắn vu vơ có ý thăm dò lực lượng ta hay là đã biết một trung đoàn quân giải phòng vừa tiến qua đây?Cả tiểu đội đi trong mưa giữa bóng đêm ướt đẫm, thổn thức chôn cất người lính vừa mới qua ba năm chiến trường…Sớm hôm sau toàn đơn vị được lệnh hành quân vào sâu trong rừng. Những ngày ấy mưa không ngớt, lúc rỉ rả lúc xối xả, tịnh không một lúc nào nắng.Đêm ấy dưới chân núi Đà Lốc. Nằm trên võng, Nhật chập chờn trong giấc ngủ mệt nhọc. Bỗng có tiếng đập phành phạch dữ dội ở đâu đó. Nhật hé mắt nhìn ra. Không thấy hình bóng gì ngoài những hạt mưa mờ tỏ trong ánh sáng ảm đạm hắt ra từ khoảng trống trong rừng. Tiếng kêu cũng im bặt. Giữa lúc Nhật thiu thiu ngủ, tiếng kêu lại bật dậy. Bây giờ là tiếng kêu run rẩy, hổn hển như tiếng người vượt đèo. Anh toan dậy gọi Mí nằm gần bên nhưng đột nhiên tiếng kêu lại im bặt. Anh sợ hãi nhớ tới chuyện về ma rừng bí hiểm đã từng nghe ở một binh trạm. Họ kể rằng ngày xưa người chết ở vùng núi Đà Lốc này không chôn trong đất mà là cho vào quan tài gỗ treo trên cây hoặc cho vào hang núi. Vào ban đêm trời mưa những linh hồn chết cất lên tiếng kêu khủng khiếp để báo rằng lạnh ướt cần sưởi ấm. Ban ngày dù mưa to đến mấy, các vong linh đều tìm được một nơi cao ráo trú ngụ nhưng ban đêm không thể đến được. Vậy là các gia đình vào những đêm mưa gió phải đốt lửa để linh hồn trở về trú tạm, và đó cũng là dịp để luôn nhớ người đã khuất.Vào ngày như thế cả gia đình không được ngủ để vong linh không bị xa cách, lẻ loi. Người ta bảo tiếng kêu ấy ngày càng nhiều khi vùng đất đây có chiến tranh. Nhật móc trong túi quần chiếc bật lửa Mỹ nặng chịch tìm cách đốt một đống lửa nhỏ nhoi nhưng sực nhớ ra là không thể làm được, và cũng không được phép làm thế ở chiến trận. Nhật khẽ trở dậy, lẳng lặng tới chỗ võng Mí.“Dậy! Dậy!”“Cái gì?” Mí tung cửa võng.“Có tiếng động lạ lắm. Dậy mà nghe!”Cả mấy chiến sĩ đều tỉnh giấc. Đúng là át tiếng mưa gió là tiếng vỗ đập trên không trung. Tiếng vỗ ấy tựa như đập chiếu trên mặt nước, lại cũng giống như tiếng chân giẫm mạnh trên tấm tôn mái nhà. Rồi âm thanh đó đột nhiên biến mất. Và cũng từ ngày ấy cho tới hết chiến tranh, Nhật chẳng bao giờ nghe tiếng đêm bí hiểm này. Lắm lúc anh nghĩ đó chỉ là trong giấc mơ, là hoang tưởng của người lính trên chiến trường khốc liệt.Ông Nhật trở dậy. Nằm bên, ông Mí vẫn thản nhiên vang rền tiếng ngáy. Ông bấm xoáy bả vai ông Mí.“Dậy! Dậy!”“Cái gì?” Ông Mí làu bàu.“Dậy ngay!”“Trộm à?” Ông Mí hốt hoảng.“Nghe tiếng gì chưa?”Đúng là có tiếng va đập rất mạnh trên không. Tiếng kêu ấy như bàn tay khổng lồ vỗ vào thân cây. Nó như tiếng trống đánh trong rừng sâu vọng tới. Nó như tiếng kêu từ trong lòng đất được thoát ra ở một lỗ thông hơi. Nó như bước chân của đoàn người đi trên con đường khô cứng sỏi đá. Nó như tiếng gọi thổn thức từ trong hang đá, hốc cây. Âm thanh hỗn độn ấy thân quen mà xa lạ, gần mà xa, rất thực mà cũng rất bí hiểm.“Ông nghe rõ chưa? Y như đêm mưa ở Đà Lốc 1972. Còn nhớ không?” Ông Nhật thì thầm.“Ôi giời, tưởng chuyện gì”. Ông Mí ngáp. “Mưa gió ấy mà. Quên chuyện cũ đi. Không biết mấy giờ rồi. Thôi, ngủ!”“Ông ngủ quá nhiều rồi. Dậy, thức với tôi nhé? À, ông có nến không? Bật lửa ông để chỗ nào?”Ông Mí không trả lời. Chỉ lát sau, ông lại cất vang tiếng ngáy…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét