TẾT RỒNG
NÓI CHUYỆN RỒNG
Nước ta, vùng Đông Nam Á nói chung, nhiều ao hồ sông ngòi nơi sống của rắn, cá sấu… Từ những con vật thực, được hình tượng hoá thành con rồng. Theo quan niệm phương Đông, Rồng tượng trưng cho thần quyền, đế vương, vinh quang, tôn quý.Rồng trong bộ tứ linh: long (rồng), ly, quy, phượng.Dân tộc ta tự cho mình là con cháu rồng, lại lấy rồng đặt tên cho kinh đô (Thăng Long). Rồng các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, ngày càng cách điệu hơn, uy nghi, đường bệ hơn. Nguyễn Ánh - vị vua đầu tiên triều Nguyễn đã lấy chữ long đặt niên hiệu chơ thời mình: Gia Long. Mới đầu từ những nơi thâm nghiêm, dần dần rồng xuất hiện cả ở những đình chùa miếu thôn dã, xuất hiện trên góc đao đình, nóc đền (rồng chầu mặt nguyệt), sau có cả ở ở bậc thềm, đầu gậy, chuôi kiếm, quản bút... Đón Tết, đi chợ hoa, nhiều người thích chọn cành đào có thế long giáng. Một số nhà thơ cũng thích rồng nên bút danh có chữ long. Có thời, thơ Quy Nhơn có nhóm Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn) Phụng (Chế Lan Viên). Rồng đứng đầu nhóm tứ linh.Trong Âm lịch thì rồng còn gọi là thìn, đứng thứ năm trong hàng CHI: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn… Năm nay: Nhâm Thìn. Người ta thường quan niệm: Tuổi Thìn là thanh cao, nhàn ha. Trong ngày, giờ Thìn khoảng 7 đến 9 giờ sáng. Đầu ngày, về mặt tâm trí, đó là giờ đẹp.Hình ảnh con rồng có trong những trận mưa cùng với những kinh nghiệm làm ruộng: Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước bắt vua đi cày. Nhiều người con tự mong mình khôn lớn, thành đạt, hoá rồng để đền đáp công ơn của cha mẹ: Bao giờ cá chép hoá rồng/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa. Xã hội phong kiến dường như đứng yên, những người nghèo khó thường than phiền về tục cha truyền con nối, đời người khó đổi: Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu…Ngày xưa, với những cô gái ngủng nghỉnh, kén cá chọn canh mãi không lập được gia thất, thì bà con cũng nhắc nhủ: Ngồi trong cửa sổ chạm rồng/ Chăn loan gối phượng không chồng cũng hư.Rồng thường ẩn hiện trong mây nên trai gái yêu nhau thường ví như rồng gặp mây vậy: Tình cờ anh gặp mình đây/ Như cá gặp nước như mây gặp rồng. Yêu nhau, hai người sắt son, khăng khít, người ta ví như đôi sam, khó mà xa nhau, chẳng nề hà thác ghềnh, nguy hiểm: Có chồng thì đi theo chồng/ Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo. Yêu chồng, mua sắm đủ thứ cho chồng, nhiều cô nàng còn mộng mơ, lãng mạn: Còn tiền mua chiếc thuyền rồng/ Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi. Khi yêu nhau thì chàng quý nàng lắm, mọi thứ đều là vô giá, mượn hình ảnh rồng để khen nhau: Lỗ mũi em mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo: Râu rồng trời cho.Người ta cũng mượn rồng để nhắc nhủ nhau nữa. Thời xưa, hầu hết các cô gái có chồng là do Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Khá nhiều chị em lấy con nhà trọc phú, chồng giàu nhưng lười biếng và quá dốt nát, đành ngửa mặt lên trời mà than thở: Rồng vàng tắm nước ao tù/ Người khôn ở với người ngu bực mình. Lại có chị em vì khổ quá mà so sánh khập khiễng: Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài; trong khi Nguyễn Gia Thiều đã có những câu thơ về nỗi đau của cung nữ: Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra… Đời dân dã thuyền chài có cái hay riêng của nó.Kẻ nào ăn tục nói khoác, vụng tay hay con mắt thì dân gian có câu: Ăn như rồng cuốn nói như rồng leo, làm như mèo mửa.Trong những dân ca, tục ngữ, truyện cổ của các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, San Chí… cũng có nhiều hình ảnh rồng. Ví dụ, trong chương Tổng Thiên (Mường Trời), thuộc Pụt Doòng - dân tộc Tày, coi rồng là con vật cao quý, linh thiêng bậc nhất:Pụt phạ ả pác lẩn:Âu đúc luồng hết chảngÂu hang luồng hết slat cung mừa phạÂu đúc luồng hết pun nả mừa thiênBẳn slip ốt đao đí…(Bụt Cả mở miệng rằng/ Lấy xương rồng làm cung/ Lấy đuôi rồng làm dây về trời/ Lấy xương rồng làm tên về trời/ Bắn mười một ông sao…)
TRONG RỪNG TÙNG
Trong bài thơ Tùng số 223, Nguyễn Trãi có viết: Từ thuở hoá rồng càng lạ nữa (Trúc có nhiều cây giống dáng rồng). Huyền ảo lắm. Đặc biệt là hình ảnh rồng trong bài số 180: Bằng rồng nọ ai bì kịp/ Mất thế cho nên mặt dại ngơ. Con rồng là loài không con gì bì kịp, mà đến khi ở cạn, thất thế cũng hoá ngây ngô, không còn gì là thiêng như trong nước. Thành ra, bàn về rồng tưởng mênh mông mà cũng gần gũi, chí lý lắm.Lại nhớ hình ảnh rồng trong một bài hoạ thơ của Trạng nguyên Giáp Hải. Thời Mạc, Giáp Hải thường lên vùng Lạng Sơn để bàn bạc với quan chức nhà Minh về biên giới. Sứ giả phương Bắc là Mao Bá Ôn tặng Giáp Hải bài thơ Vịnh Bèo, nói đến những cánh bèo mỏng mảnh, khi có có gió dữ thì bèo tan tác, trôi ra hồ biển, khó tìm lại được. Bài thơ chữ Hán, thất ngôn bát cú. Bốn câu cuối, trong Văn đàn bảo giám, dịch thơ: Tụ rồi đã chắc không tan tác/ Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm/ Đến lúc trời cao bùng gió dữ/ Quét về hồ biển hẳn khôn tìm. Ý thơ, ám chỉ nước ta nhỏ bé, không có sức mạnh, dễ bị chinh phục. Trạng nguyên Giáp Hải đã hoạ thơ tặng lại. Bài hoạ là một tuyệt tác, ông viết bèo kết đám, sóng to gió lớn không vỡ không chìm, dưới bèo có nhiều rồng cá; dù ông Lã Vọng tài giỏi có sống lại cũng không biết rồng cá ở đâu mà tìm. Giáp Hải viết, bốn câu cuối, nguyên văn: Thiên trùng lãng đả thành nan phá/ Vạn trận phong suy vĩnh bất trầm/ Đa thiểu ngư long tàng nghiễn lý/ Thái công vô kế hạ câu tầm. Dịch thơ:Sóng dồi muôn lớp thường không vỡGió táp ngàn cơn cũng chẳng chìmNào cá nào rồng trong ấy ẩnCần câu Lã Vọng biết đâu tìm.Ngẫm lại thì thấy ngư long (rồng cá) chỉ dân ta, chỉ những anh hùng hào kiệt trong dân ta, không thời nào thiếu. Ý thơ có nét tự hào dân tộc mà vẫn khiêm nhường, thanh nhã. Do vậy, Mao Bá Ôn rất quý Giáp Hải, thường gọi ông với cái tên thân mật là Giáp Tuyên phủ…
Sau này, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần dùng từ rồng: hàm rồng, mây rồng, giọt rồng (giọt đồng hồ nước có trang trí hình con rồng), nhưng vui nhất là hai chữ cưỡi rồng (con gái lấy được chồng là anh hùng, vua chúa):Trai anh hùng gái thuyền quyênPhỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
D.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét