Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

LỘC BÍCH KIỆM VIẾT VỀ HOÀNG KIM DUNG





XUÂN NHÂM THÌN - 2012
ĐỀN THƠ MỚI
CHÚC CÁC BẠN
AN KHANG, HẠNH PHÚC 





TỪ PHẢI:
TS LỘC BÍCH KIỆM & NV LÊ CÔNG (ĐÀ LẠT) 



TS LỘC BÍCH KIỆM
VIẾT VỀ
NT HOÀNG KIM DUNG:

CHỊ VIẾT BẰNG...
LỜI QUÊ HƯƠNG

   Tôi tiếp nhận thơ chị từ nhiều phía, vừa là người đọc- người thưởng thức, vừa là người biên tập- người "dọn vườn". Ở tất cả các phương diện, tôi đều thấy thơ chị là một thế giới khá sống động. Ở đó, tôi bắt gặp một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cảnh vật, con người, cuộc sống. Ở đó, tôi thưởng thức một vốn ngôn từ trong sáng, giản dị, giàu sắc thái. Ở đó, tôi được cảm nhận một âm hưởng lạc quan, tươi vui và không kém phần sâu lắng... Ở đó, tôi có cả những trăn trở khi cùng suy ngẫm, lựa chọn những hình ảnh, ngôn từ cho câu thơ thêm đẹp hơn. Tôi đang nói tới tác giả nữ Hoàng Kim Dung, qua những tác phẩm sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc thiểu số- tiếng mẹ đẻ- tiếng Tày Bản Khoai, Yên Khoái, Lộc Bình của chị. Đặc biệt là những bài thơ trong tập Khúc giao mùa ( NXB Hội Nhà văn- 2008 ). Những bài thơ như những dòng nước trong vắt từ trong thung sâu chảy về với bản làng, tươi mát và trong lành. Những bài thơ khắc hoạ phong cảnh miền núi đặc trưng, sinh động.
   Đây là bức hoạ sông Nho Quế ( Hà Giang) mềm mại chảy giữa núi rừng:
Tềnh Mã Pì Lèng nhỏm lồng
Vận la phja đán slung tày phạ
Nho Quế kheo lủm slỏi ngần
Phjồng phja đán oóc sloong
( Đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống
Vẫn là vách đá ngợp trời
Nho Quế mềm ngời ánh ngọc
Xẻ trùng trùng đá làm đôi!)
( Tả Nho Quế- Sông Nho Quế)
   Dưới ngòi bút của tác giả, cảnh hùng vĩ và nên thơ, gợi cảm xúc thanh tao, trong sáng. Ở một bài thơ khác, bức tranh được khắc hoạ cũng không kém phần đặc sắc, đó là những cao nguyên đá trải dài:
Hin rì roát
Hin ngập ngẳng
Hin lài
Hin đâu
Hin tềnh hua, hin tẩư tát
Hin củ chang ấc
Slim tàu toỏng tực tực cúa phja hin!
( Đá miên man
Đá ngập tràn
Đá xám
Đá nâu
Đá trên đầu, dưới vực
Đá giấu trong ngực
Trái tim hừng hực của cao nguyên)
( Pàn khau hin- Cao nguyên đá)





   Đọc những câu thơ trên,ta nhớ tới câu nói về cuộc sống người Mèo trên núi cao: " Người Mèo sống chung với đá, lớn lên từ đá, cứng cỏi như đá". Ta lại hình dung thấy những bản Mèo cheo leo trên vách đá, những khóm ngô nứt ra từ đá, những quả bí lăn lóc trên đá... Tất cả làm nên cuộc sống người Mèo vùng cao. Có khi, cảnh miền núi qua thơ chị cũng rất mượt mà:
Xe phjòng phjèng tềnh phjả
Lủm lây tềnh Ngân Hà
Cần pây chang vằn moóc
Lầm pặt, tu fạ khay!
( Xe bồng bềnh trên mây
Như lướt trong huyền thoại
Người đi trong sương khói
Gió cổng trời vờn bay!)
   Đó là khi đất cao, trời thấp, tưởng chừng như giáp nhau. Mây trời bay là là; con người, cảnh vật ẩn hiện như cõi tiên. Cảnh vật như thế chỉ có ở miền núi. Có thể nói, ngòi bút của tác giả khá sắc sảo trong việc khắc hoạ cảnh vật. Cùng với sự khắc hoạ cảnh vật, con người trong thơ chị là con người miền núi với dáng vẻ, hình thể, tính cách rất miền núi. Hãy nhìn em bé Mông:
Vằng đếc cần Mông
Nủng slửa khoá sléo bjoóc
Nẳng khoen kha
Tềnh khảng hin su méo...
Noọng chử bjoóc hin
Kheng kíc!
( Chú bé Mông
Mặc bộ đồ thêu hoa văn
Ngồi vắt vẻo
Trên phiến đá tai mèo...
Em là nấm đá
Cứng cỏi và tự tin!)
( Bjoóc hin- Nấm đá)
   Có thể nói, bài thơ đã tạo được bức tượng chú bé Mông khá đặc thù và ấn tượng. Phải chăng, đó là kết quả của sự quan sát, khám phá và suy
tưởng? Cao hơn cả là một tình cảm yêu thương và mến phục của tác giả
dành cho con người vùng cao. Rồi chị tinh tế trong sự cảm nhận tình người trong các phong tục văn hoá của người miền núi:
Đạ quá tởi ón én
Hua mì sloong dửng phjâm
Slim tàu nhằng puồn pảo
Chứ háng tình Khau Vai!
( Đã qua tuổi ngây thơ
Đầu dẫu hai thứ tóc
Trái tim còn rạo rực
Nhớ chợ tình Khau Vai!)
( Chứ háng tình Khau Vai- Nhớ chợ tình Khau Vai)
   Thiết nghĩ, phải hiểu sâu, đồng cảm và trân trọng trước những phong tục đẹp đẽ đó mới có thể nắm bắt, khắc hoạ cô đọng, sâu sắc đến như vậy. Có thể nói đó là những vần thơ viết lên từ chính trái tim giàu cảm xúc của người viết. Bởi thế, nó có khả năng lay động những trái tim đồng điệu.
   Cái tình người trong chị cứ lai láng, trải rộng khắp không gian, khắp các miền quê. Đi đến nơi đâu chị cũng như bị níu giữ bước chân, chia tay rồi lại mong ngày trở lại:
Ái hẻn só Nà Hang
Tiểt xuân lăng tẻo mà
Slâư làu làu chẻn lẩu
Mầu! Mầu tình Nà Hang!
( Muốn hẹn với Nà Hang
Mùa xuân sau lại đến
Nhớ rượu ngô sóng sánh
Say! Say tình Nà Hang!)
( Mừa Nà Hang- Về Nà Hang)
   Say rưọu ngô, say hương vị phong tục miền quê hay say cảnh vật, tình người miền núi? Tất cả! Cái tài của nhà thơ đã bày tỏ thành công tâm trạng con người qua ngôn ngữ, hình ảnh. Tôi đã từng chứng kiến thái độ và lời khen ngợi của bạn đọc khi nói về thơ chị. Người ta thấy ở đó, có cái tâm, cái tài của tác giả. Còn tôi, tôi muốn nói thêm cái tâm là trái tim hồn hậu nhạy cảm của chị, cái tài chính tài thể hiện bằng ngôn từ, mà đây lại là thứ ngôn từ cha sinh mẹ đẻ, thứ ngôn từ gắn với tiếng gọi mẹ đầu tiên, thứ ngôn từ tự nhiên như mạch nước nguồn chảy từ trong khe núi. Tôi thầm gọi là... tiếng quê hương! Chị đã làm thơ, viết thơ bằng tiếng quê hương, tiếng mẹ đẻ khá thành công. Trong khi ngôn ngữ mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số đang dần bị thu hẹp, người nói tiếng mẹ đẻ ngày càng ít, thì chị viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ vẫn... hay! Đọc thơ chị, ta thấy được vốn ngôn ngữ mẹ đẻ trong chị còn khá phong phú, dồi dào, luôn tuôn chảy tự nhiên cùng với cảm xúc hồn nhiên, trong sáng của chị. Một cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong phong cách nghệ thuật như thế thật đáng trân trọng:
Nâư nẩy oóc hua pò
Phjống nhả kheo phạy phạy
Pàn mạy tối slửa mấư
Lủm vạ xuân mà thâng!
( Sáng nay ra đầu núi
Gặp cỏ non mỡ màng
Muôn cây thay áo mới
Có phải xuân đã sang?!)
( Xuân mà- Xuân sang)



ĐỈNH MẪU SƠN (LẠNG SƠN)  

   Đoạn thơ hay bởi ở đó tác giả sử dụng xuất sắc tiếng mẹ đẻ. Sự kết hợp giữa những từ ngữ hàng ngày "nâư nẩy", "pàn mạy"... với những từ láy và cách nói gợi tả "phạy phạy", "phjống nhả kheo", "pàn mạy tối slửa mấư"... tạo thành những câu thơ sống động, mượt mà, duyên dáng, đầy nữ tính. Những dòng thơ, đoạn thơ đã trích dẫn ở trên là kết quả của việc sử dụng khá thành công ngôn ngữ mẹ đẻ. Thật đúng, thơ là nghệ thuật ngôn từ. Dù là thơ viết bằng tiếng Việt hay tiếng dân tộc thiểu số, điều đó đều đúng. Cách sử dụng ngôn từ khéo léo, tạo nên câu thơ sống động, giàu sắc thái, chuyển tải tình cảm sâu sắc. Cách sử dụng ngôn từ khéo léo còn là sự vận dụng sát thực, hợp lý, sinh động lời ăn tiếng nói của mỗi dân tộc, tạo nên nét độc đáo của thơ. Đặc biệt, với thơ viết bằng tiếng dân tộc thiểu số lại càng phải chú ý điều đó vì người dân tộc thiểu số dường như có cách tư duy, diễn đạt riêng của họ. Nhà thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ không phải là người thực hiện sắp xếp tiếng mẹ đẻ theo lối tư duy, diễn đạt của người Kinh. Cách áp đặt như vậy không những không tạo ra được những dòng thơ hay mà nhiều khi còn gây sự phản cảm, khó chấp nhận.
   Với những thế mạnh như hồn hậu, trong sáng, nhạy cảm, sắc nét, thơ viết bằng tiếng mẹ đẻ của tác giả Hoàng Kim Dung khá thành công.
Cũng vì thế mà thơ chị có một chỗ đứng khá ổn định, ấn tượng trong lòng bạn đọc. Những bài thơ của chị như những dòng nước trong lành được chắt lọc từ thung sâu chảy về với làng bản, tắm mát tâm hồn những người con quê hương.

                                  Trích trong tập " Như mạch nước nguồn"
                              Nxb VHDT - 2011 của Thạc sĩ Lộc Bích Kiệm-
                          Phó chủ tịch Thường trực Hội VHNT Lạng Sơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét