Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

ĐÔI GUỐC GỘC TRE- ĐẶNG TIẾN HUY








Đặng Tiến Huy

ĐÔI GUỐC GỘC TRE
                                      Truyện ngắn

Nhà ông bà nội tôi ở quê rộng rãi và thoáng mát. Phong cảnh làng quê êm đềm có lũy tre làng bao quanh xanh mát quanh năm, tiếp đến là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Bốn mùa, cánh đồng như không nghỉ, khi thì trập trùng lúa xanh mơn mởn, tiếp đó là màu vàng lúa chín tơ tằm, ấm no chạy tít chân trời.
Chúng tôi rất thích về quê thăm ông bà nội, các bác cô dì, anh em họ hàng, thăm làng, bà con chòm xóm vui vẻ, chan hòa rất quý mến khách.
Ông bà tôi còn giữ được ngôi nhà cổ năm gian, trải qua năm sáu đời các cụ tổ để lại còn nguyên vẹn. Cột kèo, dui mè, cánh cửa đều bằng gỗ lim đen bóng soi gương được. Mùa hè rải chiếu nằm trong nhà rất mát, không cần phải quạt điện. Mùa đông lại vô cùng ấm áp. Ông tôi kể. Ngôi nhà đã qua sáu đời, đời ông là thứ bảy, nếu tính bố mẹ và các cháu nữa là thứ tám, thứ chín. Mà nào có yên bình. Giặc dã liên miên. Giặc đến thì dỡ nhà ngâm dấu dưới ao. Giặc lui, lại mò lên dựng lại trên nền cũ. Cả làng ta nhà nào cũng thế. Nhiều ngôi nhà đẹp, lâu đời quý hơn nhà ta ấy chứ. Khi nào có dịp ông sẽ đưa các cháu đến thăm. Ngay như thời ông và bố mẹ các cháu gần đây thôi, chống Pháp 9 năm thắng lợi, tiếp đến giặc Mỹ lại bắn phá rốc két - thả bom phá hoại mà chúng rêu rao "đưa ta về thời đồ đá", có làm nổi đâu. Nhà của ông con mình vẫn đây. Làng xóm ta vẫn trù phú tươi đẹp, ngày một đổi thay. Chúng tôi rất mê khu vườn rộng rãi, nhiều cây ăn quả, có những cây mấy trăm năm, được ông bà tôi chăm bón tốt nên vẫn ra hoa kết trái rất sai, hương vị thơm ngon đậm đà. Quanh nhà là lũy tre ken dày, quanh lũy tre là hào rộng, nước đầy thông đến ao nhà, thả cá. Trên mặt nước thả đủ thứ: rau muống bè, rau rút, bèo tây, bèo tấm, cây hoa sen, hoa súng cũng mọc xen vào vừa là nguồn thức ăn cho lợn, vừa rau ăn của gia đình... Ông tôi nuôi thả nhiều loại cá, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Khi cho ăn đàn đàn quây đến quẩn quanh, quẫy đạp tranh mồi trông thật thích mắt. Tha hồ mà ngồi câu dưới bóng mát cây vườn, cả buổi không chán.
Thích nhất là mắc võng dưới gốc những cây cổ thụ, ngọn cây cao, tán lá xòe rộng, trong tán lá xanh mát ẩn hiện những chùm hoa trắng muốt hoặc tím biếc, phảng phất hương thơm dịu ngọt, hòa cùng tiếng chim hót lảnh lót , ru ta vào giấc ngủ say tự lúc nào. Ông tôi thường mắc võng cạnh võng chúng tôi thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về sự tích những truyền thống của làng. Những chiều đẹp trời, ông dẫn chúng tôi ra thăm ao làng rộng lớn, là nơi tích nước cho cả làng cùng sinh hoạt như tắm, giặt, làm nước tưới tiêu cho những cánh đồng làng. Trong chiến tranh làm phòng tuyến ngăn chặn giặc. Ao thông với hào bao quanh làng tạo thành chiến tuyến liên hoàn rất thuận lợi cho du kích đánh giặc giữ làng. Không biết từ bao giờ ao có tên là Ao Rồng. Ông bảo, nếu trèo lên đỉnh cây đa cổng làng nhìn bao quát ao hiện lên như một con rồng khổng lồ. Chiếc gò đầu làng là đầu rồng, hai giếng nước làng trên gò quanh năm không cạn, nước vừa trong vừa ngọt, cung cấp nước ăn cho cả làng như đôi mắt rồng, được gọi là giếng ngọc. Đã bao đời nay, Ao Rồng là nơi cho dân làng tắm giặt, là bể bơi cho bao lớp trẻ vùng vẫy lớn lên, kể cả đời ông bà, bố mẹ chúng tôi. Ao Rồng còn là nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng làng làm ra gié lúa củ khoai; đồng hành cùng dân làng đánh giặc giữ làng qua bao thời giặc dã xâm lăng. Đôi giếng Ngọc là nguồn nước nuôi sống cả làng từ đời xưa cho đến ngày nay, có thể còn mãi mãi những đời sau nữa.
Đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống, cả làng chìm trong những làn khói mảnh bay lên từ bếp lửa mọi nhà chuẩn bị cho bữa cơm chiều họp mặt đông vui sau một ngày làm việc vất vả; cũng là lúc lớp lớp những đàn cò trắng đi kiếm ăn xa bay bề tổ trên lũy tre làng cất lên những tiếng kêu rộn rã như chào tạm biệt nhau, cả như tiếng cò con gọi bố mẹ mừng vui ríu rít, tưởng tượng như bức tranh quê lung linh chớp sáng trong bản nhạc đồng quê êm đềm. Lũy tre nhà nào cũng trắng xóa cánh cò, cả làng là một rừng cò, rừng âm thanh náo nhiệt trong hoàng hôn thanh bình.
Có lần dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, từ miền đất cổ tích này, vừa đi ông tôi vừa kể rất say sưa, tự hào. Làng ta là một pháo đài bất khả xâm phạm từ thời cụ kỵ ông bà. Mọi kẻ thù xâm lược không đánh chiếm được làng. Lũy tre làng kia là lũy thép. Những ao làng nhà nhà thông với nhau bằng những đường hào kia là phòng tuyến tiến thoái lưỡng nan rất lợi hại khiến quân thù bao phen khiếp sợ.
Ao Rồng liên thông với ao mọi nhà chạy quanh làng núp dưới lũy tre ken dày như bức tường thành. Dưới đáy hào cắm chông tre chông sắt dày đặc. Quanh lũy tre đắp những ụ súng chiến đấu kiên cố, nối với nhau bằng giao thông hòa, hầm nghỉ ngơi tránh bom đạn và nối với hầm chỉ huy vừa kiên cố vừa bí mật như trận đồ bát quái, tiến lui, hỗ trợ, yểm hộ nhau liên hoàn nhanh chóng, thuận lợi. Có những đường giao thông hào thoát hiểm rất bí mật tỏa ra những cánh đồng làng. Phòng khi hỏa lực chúng quá mạnh, chiếm được làng, ta đã sẵn vườn không nhà trống, bà con thoát ra tản cư trước, lực lượng chiến đấu cầm cự bảo vệ dân làng rút an toàn mới rút sau, bảo toàn lực lượng ra trận địa đã chuẩn bị sẵn ở đồng làng bao vây lại chúng, chờ thời cơ tổng công kích tiêu diệt giặc giải phóng làng. Đấy là kế hoạch phòng thủ chứ tuyệt nhiên không bao giờ để chúng chiếm được làng.
Trong 9 năm kháng chiến đánh giặc Pháp, ông tham gia đội du kích, được dự gần 300 trận càn quét của địch, chúng đều thua đội du kích làng ta. Làng ta thành làng chiến đấu kiểu mẫu. Được Cụ Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngợi khen trong Đại hội Thi đua Anh hùng chiến sĩ Toàn quốc ở chiến khu. Sau này được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý - Làng xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bây giờ các cháu thấy đấy, dấu tích lũy tre, hầm hào phòng tuyến thép của làng kiểu mẫu chống giặc vẫn còn đây.
Ông tôi vắt hai tay ra sau lưng, đi chậm rãi trầm ngâm như thể đang nhớ lại những kỷ niệm thiêng liêng của một thời trai trẻ "gian lao mà anh dũng" hăng hái tham gia chiến đấu chống càn giữ làng. Biết kể lại với các cháu sao đây cho các cháu hiểu để mà tự hào, noi theo?


Bỗng ông tôi dừng lại bên lũy tre, những cây to cây nhỏ ken dày, những cành những gai đan xen bện xoắn chặt vào nhau, có những thân cây bánh tẻ cuốn níu lấy nhau giống như những cánh tay đồng đội bám chặt lấy nhau quanh những ụ súng xưa, tiếp đến là những gốc tre già tạo thành tầng tầng lớp lớp những gốc tre đủ mọi hình thù kì dị như những con giống ngộ nghĩnh đẹp mắt, thân quen. Chỉ tay vào đó, ông tôi nhỏ nhẹ như giải thích. Các cháu thấy không? Tre sống chung thủy với người. Có nhiều tiện ích giúp người từ khi lọt lòng đến già rồi chết... Sống chết chở che người. Từ đời này đến đời kia "tre già măng mọc" thành "lũy tre" ngăn bão tố phong ba, giặc dã cho làng ta trường tồn. Những gộc tre già này tưởng chừng như vô dụng, nhưng không, nhờ có nó lũy tre mới vững. Đôi khi cũng phải đánh tỉa bớt đi cho măng mọc sinh sôi nẩy nở. Gộc tre được phơi khô thành củi đun. Tết đến, nhà nào cũng đem luộc bánh chưng. Gộc tre luộc bánh chưng rền ngon tha hồ để lâu không lại gạo.
Ông cháu tôi đi dạo quanh làng, gặp ai họ cũng chào hỏi thân mật, kính trọng: Bẩm, Chào cụ Phó, dắt các cháu đi chơi thăm làng ạ! Ông tôi đều cung kính đáp lại: Dạ, không dám ạ... Các ông bà, hoặc các bác... đi làm về!.
Có lần, tôi hỏi - Ông ơi, ngày xưa ông làm gì ở làng mà ai cũng chào là Cụ Phó thế? Ông tôi cười khà khà vui vẻ, ông chỉ làm ruộng, làm anh tá điền với con trâu đi trước cái cày theo sau, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chứ có được làm vương tướng gì đâu. Chả là, những lúc nông nhàn ông học mót được cái nghề đóng cối xay lúa, được bà con quý trọng gọi là phó cối. Cũng là một chức vị được dân tôn trọng phong cho. Ối nghề cũng được dân phong như thế, phó mộc (làm nghề thợ mộc), phó ngõa (làm nghề thợ xây)...
Tôi lại buộc miệng hỏi ông: Sao không phong cho làm trưởng cối, trưởng mộc, trưởng ngõa... mà chỉ rặt là phó thôi ông? À, mình là dân lao động thấp cổ bé họng học hành dốt nát được thế là phúc đức lắm đấy các cháu ạ. Sao dám vượt mặt các quan chức sắc làng xã được. Dân mình là có ý sâu sa lắm đấy chẳng vừa đâu...

Sau này điện kéo về đến xã, đếnn làng, những trạm xay xát thóc gạo mọc lên khắp nơi, vừa tiện lợi nhanh chóng, hạt gạo trắng ngon ít tấm đỡ cho công việc xay giã vất vả. Không ai bảo ai, mọi nhà bó xó cối xay cối giã. Ông tôi không còn đường hành nghề  nữa. Những chức vị phó cối, gọi tắt là cụ Phó gắn với ông tôi suốt đời. Mỗi khi nhớ nghề, ông tôi lại ra rạng tre ngắm nghía, đầu óc vẽ vời đẩu đâu. Nhất là khi nhìn vào những gốc tre già chen chúc nhau tầng tầng lớp lớp, nhiều hình thù kỳ dị, lạ mắt, thế là trong đầu nẩy nở nhứng ý tứ táo bạo. Và ông say sưa ngắm tìm những gộc tre ưng ý tỉa, đánh về mê mải đẽo đẽo gọt gọt, với bàn tay khéo léo, đầu óc tưởng tượng phong phú tạo ra những con giống rất đẹp. Bạn bè đến chơi ai cũng khâm phục, khen ngợi ông tôi khéo tay hay mắt như một nghệ nhân giỏi. sáng tạo ra trò chơi dân gian mới, từ vật liệu sẵn có lại gắn mật thiết với dân quê. Khách ra về thích con nào ông biếu tặng con ấy. Nhiều ông bạn hãnh diện, trân trọng để vào tủ bày cho đẹp.
Ông tôi còn mày mò, chọn lựa, đẽo gọt thành những đôi guốc gộc tre trông thật ngộ nghĩnh, tiện lợi, bền chắc, đi lại vững vàng nơi đường trơn lầy lội, không sợ ngã. Nhất là đi vào rửa chuồng lợn, chuồng trâu, không giầy dép nào sánh kịp. Gộc tre nào xung quanh cũng tua tủa những rễ tre. Ông tạo dáng gộc tre làm thân guốc, cắt tỉa rễ tre theo thân guốc. Đôi thì trông như đôi nhím, đôi thì như đôi chuột, đôi công, đôi thỏ.... Trên đầu guốc đục một lỗ nhỏ, dưới gần gót guốc đục hai lỗ hai bên sườn để sỏ quai guốc như quai dép lê Thái Lan. Quai ông đan bằng những sợi cật tre bánh tẻ được luộc hấp cho thật dẻo, xỏ chân vào vừa êm vừa bền. Nhiều người trong xã ngoài làng đến hỏi mua. Ông tôi đều lắc đầu cười, biếu tặng làm quà kỷ niệm thôi. Có những dân buôn tìm đến, khen ông tôi là nghệ nhân kỳ tài có bàn tay vàng. Rồi mon men đặt hàng theo mẫu để xuất khẩu, ông tôi không nhận lời.
Sau khi khách ra về, ông dịu dàng nói với chúng tôi. Các cháu ạ, làm người tử tế phải biết sống có trước có sau, đã bao đời lũy tre làng đã cưu mang, che chở ta hết đận tao loạn này đến đận giặc dã khác để được còn làng, còn chúng ta sống đến hôm nay. Không lẽ vì cái lợi trước mắt mà phá phách tanh bành ra hết. Phải biết giữ gìn những báu vật, ân nhân của mình, phòng khi...
Nói đến đây, ông tôi dừng lại bỏ lửng như một câu đố giành cho chúng tôi sau này lớn lên tìm ra lời giải mà điền vào. Ông tôi ngước mắt nhìn xa xăm bao quát quanh lũy tre làng, vừa lúc ấy đàn có lớn đi kiếm ăn từ khắp nơi bay về đậu trắng xóa đỉnh ngọn tre, những đôi cánh cò chớp sáng làm bừng lên ánh chiều tà ấm áp, rộn rã một vùng quê, tiếng cò con gọi bố mẹ hay tiếng chào nhau của bố mẹ nhà cò trước lúc về tổ.
Mãi sau này, khi lớn lên, được ăn học, chúng tôi mới tìm ra được ẩn số, mới hiểu được lời ông tôi ở chỗ dừng "... phòng khi ..." mà sâu sắc làm sao...
Nhiều người trong làng, trong họ mạc đến xin được học nghề, ông tôi không nhận lời truyền nghề cho ai, kể cả con cháu trong nhà.
Cả đời ông tôi mới tạo ra được một đôi guốc gộc tre ưng ý nhất. Ông đặt trang trọng ở ngăn tủ giữa trên tấm lụa điều. Khách vào chơi ai cũng ngạc nhiên thấy ông có một đôi guốc lạ, độc nhất vô nhị. Nhiều người ở xa nghe tin đồn cũng tìm đến xin được ông cho xem bằng được. Có người giàu, quan chức tỉnh về xin mua trả giá rất hời có thể mua được mấy tạ gạo, ông tôi đều lắc đầu.
Làm ra được đôi guốc này, ông tôi phải mất nhiều năm tìm kiếm, ngắm nghía, lựa chọn nhiều bụi tre lớn, lâu đời mới ưng ý đôi gộc tre ấy. Thế rồi hì hục đánh về, phơi khô thêm, tiếp tục ngắm nghía, hết ngày qua đêm tưởng tượng tìm thế tạo dáng cho đôi guốc vừa giữ được dáng vẻ tự nhiên sinh ra của gốc tre, vừa phải thể hiện có bàn tay, khối óc của con người ẩn chứa nét tài hoa, cái đẹp, cái lạ, ai trông thấy cũng phải thích. Khó nhất là tạo đầu đôi guốc như hai đầu rồng, một trống một mái. Thân guốc như đôi thuyền rồng thong dong... Quai quốc như những vẩy rồng, xỏ chân vào ôm lấy nhẹ nhàng êm ái, đi lâu không bị phồng, xước bàn chân có độ đàn hồi vừa phải, dẻo dai, bền chắc, giúp cho dáng đi vững vàng duyên dáng. Quai guốc ông tôi phải chọn lựa cật tre bánh tẻ kỹ lưỡng lắm, chế tác làm sao cho cật tre dẻo, bền lâu dễ đan bện cũng phải công phu lắm. Bên quai guốc cũng phải nghĩ ra nhiều mẫu mã để lựa chọn ra một mẫu phù hợp với cách tạo dáng của đôi guốc, mang vẻ đẹp hoàn hảo nhất.
Làm xong đôi guốc, ông tôi mãn nguyện lắm, vui lắm và cũng là lúc tuyên bố "gác kiếm", lực bất tòng tâm rồi. "Hưu" thôi.
Vào cuối xuân, đầu hè, năm sáu mốt, Bác Hồ về thăm tỉnh tôi. Quê tôi có truyền thống đánh giặc giữ làng giỏi, sản xuất xây dựng quê hương mới trong hòa bình cũng rất tài. Từ Hợp tác xã bậc thấp tiến lên Hợp tác xã bậc cao tiên tiến lá cờ đầu của tỉnh. Nhân dịp này được đón Bác về thăm. Một vinh dự lớn. Cả làng xã và các xã lân cận rộn rập chờ đón Bác từ chiều hôm trước. Ba giờ đêm mọi người đã kéo đến chật ních sân trụ sở Hợp tác xã. Hôm ấy trời lại mưa rất to như trút nước suốt đêm đến tận bảy, tám giờ sáng chưa tạnh. Nhưng không cản được bà con khắp nơi nô nức kéo về. Đến hơn chín giờ, trời bỗng tạnh ráo, hửng nắng, vừa đúng lúc Bác về đến nơi. Theo tác phong sâu sát, Bác đề nghị lãnh đạo địa phương đưa Bác đi thăm khắp lượt làng xóm, trước khi đến gặp gỡ nới chuyện với toàn dân. Mọi người đều phân vân lo ngại vì đường làng ngõ xóm chưa tốt, lại bị trận mưa đêm qua không tránh khỏi lầy lội, trơn không bảo vệ được an toàn cho Bác. Ông tôi xuất hiện đúng lúc, nhắn gọi ông Chủ tịch xã ra cổng nhờ biếu Bác đôi guốc gộc tre để Bác đi không sợ đường trơn, lầy thụt.
Bác đến từng gia đình có công với nước, ân cần thăm hỏi các cụ già làng, lão thành cách mạng, các gia đình neo đơn. Bác rất chú ý, nhắc nhở việc đào giếng nước ăn, xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi cho khoa học, hợp vệ sinh gia đình và công cộng, đảm bảo sức khỏe chung trong cộng đồng. Sức khỏe là vốn quí, có sức khỏe mới lao động, học tập và làm các việc khác tốt được.
Sau đó, Bác về gặp gỡ nói chuyện gần một tiếng đồng hồ với toàn dân. Bốn năm ngàn trái tim xúc động, im lặng hướng về Người; như nuốt lấy từng lời dạy bảo ân cần của Người.
Ông tôi đứng lẫn trong biển người hồi hộp lắng nghe, khắc ghi từng lời của Bác, và vô cùng sung sướng được Bác đi đôi guốc gộc tre làng mà ông mất bao thời gian, công sức làm ra mới có dịp phục vụ Bác đi thăm làng được an toàn. Ông tôi ước ao, nếu được gặp cụ, ông sẽ nói với cụ rằng: "Thưa Bác, đôi guốc gộc tre này được lựa chọn từ những bụi tre đã kiên cường làm lũy thép bất khả xâm phạm của bao thời, bao đời kiên cường đánh giặc giữ làng mà cụ đã bạn tặng phong cho làng xã đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang đó ạ".
Buổi chiều ông tôi ngồi uống nước chè một mình vẫn còn xao xuyến bâng khuâng buổi sáng đón Bác, nghe Bác nói chuyện và lúc tiễn Bác ra về. Ông nghĩ tới đôi guốc gộc tre đã được phục vụ Bác, lại được theo Bác, sớm khuya bên Bác, hẳn Bác sẽ nhớ đến người tạo ra nó, nhớ đến lũy tre làng.... Ôi sao mà hãnh diện, tự hào, mà... Thình lình anh Chủ tịch xã đến chơi: Thưa ông, Bác Hồ gửi trả lại ông đôi guốc quí ạ. Bác gửi lời cám ơn ông và chúc ông sức khỏe. Bác khen đôi guốc rất đẹp, phải khéo tay, có khiếu thẩm mĩ mới sáng tạo được. Lại rất tiện dụng, nhờ vậy mà Bác đi cả buổi đường làng ngõ xóm có trơn, lầy lội một số chỗ vẫn an toàn. Bác biết ông mất nhiều công sức và tài năng mới tạo ra được đội guốc này. Bác gửi lại ông để ông giữ làm kỷ niệm.
Ông tôi ớ người ra... vui vẻ nhận lại đôi guốc. Đôi guốc đã được rửa sạch bùn đất. Cầm đôi guốc trên tay mà lòng cứ bồi hồi làm sao, ấp đôi guốc vào ngực, trái tim bỗng đập rộn lên xao xuyến lạ lùng, trong lòng ông tôi như thầm reo lên: - Ôi! Đôi guốc như vẫn còn lưu giữ hơi ấm của Người.
Ông tôi trân trọng đặt đôi guốc về chỗ cũ. Ô giữa tủ, trên tấm lụa điều.
Từ ấy, nhà ông tôi luôn luôn có khách đến chơi. Khách thân quen làng xóm, cả những khách lạ thập phương tò mò muốn được chiêm ngưỡng đôi guốc phục vụ Bác Hồ. Ông tôi vui vẻ đón tiếp mọi người. Rồi mỗi người lại râm ran kể lại những kỷ niệm của riêng mình hôm được đón Bác. Nhắc lại thuộc lòng những lời Bác nói: "... Từ tổ đổi công lên hợp tác xã bậc thấp, rồi tiến lên hợp tác xã bậc cao, như thế là tốt... Hợp tác xã tiến lên bậc cao thì người càng đông, sức càng mạnh, sản xuất càng được nhiều hơn, tốt hơn. Hợp tác xã đông người, tinh thần lại nhất trí, xã viên và cán bộ đoàn kết chặt chẽ thì khó khăn nào cũng vượt qua... Đảng viên và đoàn viên phải gương mẫu làm đầu tàu trong lao động sản xuất và học tập... Bác chúc bà con xã viên và đồng bào cố gắng nhiều, tiến bộ nhiều, sản xuất nhiều, thu hoạch nhiều...".
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1969, Bác Hồ mất, cùng với nỗi đau và niềm thương nhớ của toàn Đảng, toàn dân, ông tôi cũng rất đau buồn thương nhớ Bác. Ông để đôi guốc trang trọng trên bàn thờ, ngày rằm mồng một hàng tháng đều sắp đĩa trái cây, bình hoa, thành kính thắp nhang tưởng nhớ đến các cụ tổ và Bác Hồ...
Mấy năm sau, ông tôi tuổi cao lực kiệt, chỉ qua mấy ngày kém ăn, mất ngủ là thanh thản ông đi. Trước đấy một hôm, ông nói với Bác cả tôi: "Đôi guốc là tâm huyết cả đời của bố, là kỷ vật thiêng liêng bất li thân của bố, diễm phúc lắm nhà ta mới được lộc Bác Hồ đi đôi guốc ấy ngày Bác về thăm làng. Bố mất đi, con phải hóa theo bố. Lên trên ấy, may được gặp lại Bác, bố kính biếu lại Bác."
Đôi guốc gộc tre cùng vàng mã được hóa trên mộ ông tôi. Tôi được chứng kiến từ lúc ngọn lửa bén cháy, rồi bốc lên ngùn ngụt, đến khi đôi guốc cháy thành than cùng với tro vàng mã, bỗng một luồng gió thổi đến xoay tròn làm rực lên ngọn lửa xanh lét, xoay tròn như vòi rồng hút tro than và khói hương lên trời cao.
Bầu trời trong xanh thăm thẳm.
                                                                      Thánh Thiên, 19 - 8 - 2012
                                                                                      Đ.T.H

1 nhận xét: