Nhà văn ĐOÀN THỊ TẢO
Bà hàng xóm của bố tôi
"Truyện ngắn rút từ tập truyện CHÍN NGƯỜI MƯỜI LÀNG của
nhà văn ĐOÀN THỊ TẢO"
Nhà văn Đoàn thị Tảo
Họ lượn lờ trước mắt bà, khiến ngọn lửa Hoạn
Thư bùng cháy thiêu đốt tâm can bà. May sao độ nóng lò nhiệt luyện ấy chỉ nung
bà thành thi sỹ, với những vần thơ ai oán giận hờn, cùng trái tim thổn thức vỡ
vụn.
Bà hàng xóm của bố tôi
"Truyện ngắn rút từ tập truyện CHÍN NGƯỜI MƯỜI LÀNG của
nhà văn ĐOÀN THỊ TẢO"
Bà nhờ người nhắn gọi tôi
về. Mấy hôm nay bà mất ngủ, thấy khó chịu trong người. Với lại nhà cũng sắp có
việc. Nên hôm nay tôi tranh thủ buổi trưa ghé thăm bà. Trông thấy tôi bà kéo
xuống ngồi cạnh, chậm rãi thông báo:
- Hôm qua ông ấy lại về. Hai
người vẫn kè kè bên nhau, họ đang tính toan việc gì ấy. Tôi bảo : “Hãy ở nhà
thêm lát nữa, cũng sắp đến bữa rồi .” Nhưng ông ấy vội vàng lôi tay người ta
đi, chỉ kịp quay lại nói : “ Chúng tôi phải đi thôi. Đường thì dài, lại khó đi,
sợ không kịp .” Chả hiểu vội gì, đi đâu? mà cứ úp úp mở mở ... Rõ cái người ...
Đến chết vẫn chứng nào tật ấy.
Sự giận hờn thoáng trên nét
mặt mẹ kế tôi. Bà thở dài cúi xuống mẹt gạo nếp, đảo tay bới tìm hạt thóc hạt
tẻ. Càng về già bà càng đẹp ra, người đẫy đà duyên dáng. Đời sống đỡ vất vả lo
toan nên gần sáu mươi, lại không sinh nở gì trông bà vẫn gọn gàng óng ả. Tội
nghiệp ! Người như thế nhưng suốt một đời bà chỉ đau khổ giận hờn. Người ta
phàm sao Đào Hoa chiếu phạm cung Mệnh cũng đủ khổ một đời tình duyên.
Riêng bố tôi, có lẽ nó nằm chềnh ềnh mọi chỗ. Ông nổi tiếng hào hoa phong nhã.
Khéo tay hay làm, thông minh đĩnh đạc. Đặc biệt cái nết tốt bụng với chị em.
Nói chính xác: Hết thảy phụ nữ ông quen, ông đều muốn được che chở, yêu thương như những người “em gái .”
Cái thuở còn thắt lưng buộc
bụng chống Mỹ, Ông làm giám đốc một xí nghiệp nhỏ gần một trăm lao động. Nay đây mai đó theo
luồng lạch để thăm dò, trục vớt những vật cản chắn dòng. Vậy nên do đặc thù
công việc của ông, mỗi bến đậu là một bến tình. Có cuộc tình trôi đi êm ả, sau
một đoạn nồng nàn thắm thiết, rồi anh đường anh, chị theo đường chị. Có cuộc
tình phong ba sóng gió, bởi hậu quả một đứa trẻ ra đời. Đứa trẻ được mang họ mẹ
hoặc họ ai đấy, chưa bao giờ mang họ bố tôi. Cá về ao ai người nấy được. Chỉ có
điều gặp khúc tình quá ghềnh thác, phải kheo khéo thu xếp sao cho vẹn cả đôi
đường. Việc to tày trời thời gian cũng biến thành bùn, huống hồ cái việc cỏn
con vụng trộm.
Duy nhất có một lần chuyện xảy
ra dữ dội. Người đàn bà ấy tên là Toan. Chuyện gió trăng giữa bố tôi với bà
Toan vốn kín như bưng, chẳng ma nào biết. Đã hai mươi năm trôi qua. Chồng bà
Toan đã chết, người đàn bà ấy bỗng nhớ bố tôi. Bèn gửi một lá tình thư, lời lẽ
nhớ nhung da diết. Kèm theo lời nhắn ông về, lo gả chồng cho con gái.
Lá thư oan nghiệt ấy lọt vào
tay mẹ kế tôi trước. A !... à ... thư ! Vậy thì bà cũng thư cho biết. Chỉ trong
vòng hai mươi bốn giờ. Bố tôi tối tăm mặt mũi vì những lá “Tuyệt tình thư” của bà, một hai đòi cắt đứt, chia tay. Đến
nỗi bố tôi không chịu nổi, phải la toáng lên:
- Ơ hay ! Truyện từ đời Bành Tổ
mà cũng ghen. Tôi biết người ta từ ngày bà còn quàng khăn đỏ cơ mà.
Mẹ kế tôi kém ông gần hai
chục tuổi, cái lý đơn giản ấy khiến bà ấm ức chịu thua. Đành nuốt giận nguôi
ngoai cho qua vụ bà Toan.
Ngày xưa, hồi mẹ kế tôi
mới chỉ là cô cán bộ phòng kế hoạch xí nghiệp ông. Bà có điều kiện mở hẳn một
chiến dịch, để đánh gục các tình địch. Bà chấp tất cả các cô em phòng hành
chính. Họ vốn giữ đặc quyền lo đời sống và lương bổng của ông. Bà đòi quyền
được cùng ông đi công tác đây đó, tới bên A, bên B. Làm thư ký riêng cho ông
khi lên cục, về bộ. Cho đến khi trở thành mẹ kế tôi, bà đã ghi một bàn thắng
oanh liệt trên sân cỏ, giữa các đấu thủ chân guốc. Riêng bố tôi ông có hơi hụt
hẫng, vì phần nào bị tính ghen quá độ của bà quản thúc.
Thị trường Đông Âu biến động, cũng là lúc
ông về hưu, làm chân chủ nhiệm hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, ngoắc ngoải với
những lô hàng thêu, mây tre đan không xuất đi đâu được. Xã viên trước đây cố
thủ với xã bởi tiêu chuẩn mười ba cân gạo. Nay xoá bỏ tem phiếu, họ mặc nhiên
phải bươn chải chợ búa kiếm ăn. Để tránh tan rã, ông ra sức củng cố. Ông ra sức
vì còn một lẽ nữa: Cùng chung vai gánh vác HTX với ông là một cô phó chủ nhiệm
mới gần bốn mươi, người đầy ứ sức sống. Sớm tối họ bên nhau, chạy đôn chạy đáo
khắp nơi kiếm tìm việc làm. Họ ăn nhà hàng, ở khách sạn, y hệt mẹ kế tôi khi
còn là cô cán bộ phòng kế hoạch.
Mấy lần bà gạt nước mắt
định chia tay ông, xong không dứt nổi. Bởi cùng với cô phó chủ nhiệm trẻ, họ cứ
lao vào những khó khăn mới trong việc kinh doanh. Đồng thời sức khoẻ ông nó tỷ
lệ nghịch với thời gian, càng ngày nó càng tụt xuống một cách thảm hại. Chẳng
bao lâu, một tai ông nghễng ngãng nặng. Một mắt có cái mống mọc lan ra che gần
hết tròng đen. Dù ông có cố gắng đi đứng đàng hoàng đến đâu, thì di chứng của
bệnh tiền đình, vẫn khiến ông thấy mặt đất rung rinh bập bõm. Ông thường phải
rê chân từng bước để đi cho chắc chắn. Ông đã xuống tới nấc thang – Già - cùng với HTX sắp vỡ. Bà cảm
nhận ra món ghen tuông trở nên lãng phí. Bởi ông không còn sức hấp dẫn đến độ
có người dám đánh đổi chồng con theo ông.
Rồi ông ngại đi, bà bớt lo
âu. Giờ họ có nhiều thời gian chăm sóc cho nhau. Bà vào độ hồi xuân, phây phây trẻ ra. Nhưng
dáng dấp vẫn gọn gàng của một người chưa một lần sinh nở. Và lúc này ông đủ
bình tĩnh đi tìm giá trị đích thực của tình yêu, trong vần thơ bà sáng tác.
Cũng là lúc ông lặng lẽ ra đi.
Tất cả những điều dông dài nói
trên, không phải là vấn đề mấu chốt tôi muốn nêu ra. Tóm lại: Bố tôi rất đàn
ông theo đúng nghĩa, có tình yêu bao la với chị em phụ nữ. Mẹ kế tôi mang nặng
trái tim thi sĩ, yêu chồng hết mực nên ghen ghê gớm. Thậm chí cả khi ông đã mất
được năm năm.Có một câu thơ của ai đó mà tôi đã đọc “khi nàng trở về với cát bụi. Là lúc tôi trọn vẹn có nàng ...” . Tôi
thán phục bài thơ ấy có lẽ đến chết, nếu như không xẩy ra sự việc sau đây
:
Khi bố tôi nằm xuống,
chị em tôi đã định đưa ông về quê. Nhưng mẹ kế tôi tìm mọi lý lẽ để lưu ông
lại. Nghĩ cho cùng, đưa về quê lúc này cũng diệu vợi, phức tạp. Bố tụi sống và
làm việc ở đây đã lâu. Anh em bè bạn nhiều, thôi đành để cải táng sẽ hay.
Thấm thoát thoi đưa sắp đến
ngày cải táng. Mẹ kế tôi bí mật mua đất nhà chùa hai ngôi. Một cho ông, một
dành cho bà sau này. Quả nhiên bà lẳng lặng thay áo cho ông mà không cho chúng
tôi biết. Bà làm sự đã rồi ấy với lý lẽ :
- Hôm kia tôi đi xem ngày, thầy bảo
từ nay đến tết chỉ có ngày mai là đẹp. Gấp quá không kịp báo cho các anh các
chị. Để đến sang năm thì mục hết xương cốt sao đành. Thày còn bảo chỗ ông nằm
vừa được ngày vừa đắc địa, con cái làm ăn khấm khá, phát đến năm đời. Chị cũng
thấy đấy, người ta sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm. Chuyện thay áo cho
ông là phải xem xét kỹ càng. Tôi cũng vì các anh các chị ...
Còn một lý do mà bà không
tiện nói với chúng tôi. Bà sợ đưa ông về quê, tất phải nằm cạnh bà cả tại nghĩa
trang dòng họ. Bà ghen đấy ! ...
... “ Dù có thành cát bụi. Xin nguyện vẫn bên nhau ...”
Đó là một trong những câu thơ bà làm khóc
bố tôi. Thôi thì cũng do yêu quá, mà không ai nỡ giận . Song trời già khéo bày
đặt. Hai tháng sau bên trái bố tôi, có một người hàng xóm được di dời đến . Nữ
nghệ sĩ cải lương Ái Ngân, đẹp như tiên. Dù bà ta chết ở tuổi bốn chín, nhưng
như tấm hình in trên bia đá kia, chỉ như người quá ba mươi. Chao ơi ! mẹ kế tôi
không lường trước được chuyện đó.
Thoạt kỳ thuỷ bà chăm đi
chùa lắm, trước là lễ Phật, sau ăn mày công đức đạo hữu, vãng sinh cho linh hồn
ông chóng siêu thoát. Rồi bà ra mộ ông, đốt cả một thẻ nhang, thắp cho hết lân
bang xóm giềng. Bà nhớ dễ đến hơn chục tên người trong những bia mộ quanh ông.
Riêng nữ nghệ sĩ Ái Ngân, nhắm mắt lại bà cũng thấy như hiển hiện trước mắt
mình, khuôn mặt nuột nà, mày ngài, mắt phượng. Đôi môi như mời gọi tươi tắn nũng
nịu.
Cho tới một đêm. Bà bỗng
mơ thấy bố tôi tay trong tay, đi cùng bà nữ nghệ sĩ. Không những thế họ còn ngả
nghiêng thắm thiết. Trong mơ mẹ kế tôi ú ớ gào, muốn chạy tới lôi phắt ông lại,
nhưng không sao làm được. Họ vẫn cười cười nói nói, chẳng coi sự có mặt của bà
là cái gì cả. Bà uất nghẹn, tỉnh giấc. Nước mắt ướt đầm tự bao giờ, lòng thổn
thức không sao ngủ tiếp được. Bà trở dậy tới trước ban thờ ông, thắp một tuần
nhang, rồi trách móc kể lể cho đến sáng.
Mấy hôm sau nghe bà kể lại, chúng tôi mới
rõ. Thật khổ ! Ghen cả với người đã chết. Bà ghen thật chứ không phải đùa. Hàng
tháng trời bà đi dò hỏi ngọn nguồn tung tích của bà Ái Ngân. Cuối cùng bà cũng
nắm được lý lịch người quá cố. Bà kể vanh vách với chúng tôi, giọng đầy ấm
ức:
- Chao ơi ! Con nhà nòi,
theo bố mẹ đi hát từ sáu bảy tuổi. Đường tình duyên trắc trở. Lấy chồng và có
con rất sớm. Đàn hay hát giỏi, có tài có sắc. Đời chồng thứ hai ly dị trước khi
chết đâu hơn một năm. Thế nghĩa là làm ma không chồng ... Thảo nào ... gặp nhau
là khăng khít đến thế ... Rõ xướng ca vô loài ... Bà buông một câu xanh rờn hằn
học.
Hiển nhiên cuộc chiến này
không cân sức. Tình địch của bà mạnh thế hơn. Cái ranh giới âm dương đảy lùi bà
về một phía, và che chở cho họ. Ngày đêm bà tính mưu tìm kế. Liệu có cách gì
phá vỡ được cái phòng tuyến này mà kéo họ ra xa nhau.
Sắp đến ngày giỗ bố tôi,
bà mộng mị liên miên, thường thấy hai người cùng về. Đàng hoàng sát vai kề cánh
như trêu ngươi. Nỗi uất ức đã được đẩy tới tận cùng. Bà quyết định mời thầy
cúng đến nhà yểm bùa, treo gương càn khôn bát quái, đinh ba mũi nhọn đủ cả...
Nhưng bà chẳng làm gì nổi họ. Dăm ba hôm họ lại nắm tay nhau cùng về . Thậm chí
còn cùng bà bàn bạc chuyện gia đình con cái. Bà điên lên vì bất lực.
Rốt cục mẹ kế tôi đâm sợ
đêm tối. Sợ cả giấc ngủ. Bà uống trà đặc. Để đèn cả đêm Người gầy rạc trông
thấy. Rồi hàng xóm láng giềng nghe tiếng chuông mõ ran ran sớm tối. Mẹ kế tôi
đem đầu quy y tại gia, cầu nguyện đức Quan Thế Âm Bồ Tát, cho bà sớm về với tổ
tiên. Sống gửi thác về. Xin Ngài cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Mẹ kế tôi chắc hẳn
không thấy cái lạnh lẽo của nấm mồ. Bà chỉ
biết rằng ở nơi ấy bà cần sớm có mặt.
Đoàn Thị Tảo
1/ - Những cái kết cho một truyện tình dự thi *
2/ - Cổ tích mẹ kể *
3/ - Ngã tư cô gái *
4/ - Vết nứt *
5/ - Ngày nghỉ cuối tuần*
6/ - Bà hàng xóm của bố tôi *
7/ - Duyên âm
8/ - Chữ Nhẫn
9/ - Lấy chồng sớm làm gì *
10/- Cô xẩm *
11/- Huyền thoại người điên *
12/- Chín người mười làng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét