Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

ĐÔI GUỐC GỘC TRE- ĐẶNG TIẾN HUY








Đặng Tiến Huy

ĐÔI GUỐC GỘC TRE
                                      Truyện ngắn

Nhà ông bà nội tôi ở quê rộng rãi và thoáng mát. Phong cảnh làng quê êm đềm có lũy tre làng bao quanh xanh mát quanh năm, tiếp đến là những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Bốn mùa, cánh đồng như không nghỉ, khi thì trập trùng lúa xanh mơn mởn, tiếp đó là màu vàng lúa chín tơ tằm, ấm no chạy tít chân trời.
Chúng tôi rất thích về quê thăm ông bà nội, các bác cô dì, anh em họ hàng, thăm làng, bà con chòm xóm vui vẻ, chan hòa rất quý mến khách.
Ông bà tôi còn giữ được ngôi nhà cổ năm gian, trải qua năm sáu đời các cụ tổ để lại còn nguyên vẹn. Cột kèo, dui mè, cánh cửa đều bằng gỗ lim đen bóng soi gương được. Mùa hè rải chiếu nằm trong nhà rất mát, không cần phải quạt điện. Mùa đông lại vô cùng ấm áp. Ông tôi kể. Ngôi nhà đã qua sáu đời, đời ông là thứ bảy, nếu tính bố mẹ và các cháu nữa là thứ tám, thứ chín. Mà nào có yên bình. Giặc dã liên miên. Giặc đến thì dỡ nhà ngâm dấu dưới ao. Giặc lui, lại mò lên dựng lại trên nền cũ. Cả làng ta nhà nào cũng thế. Nhiều ngôi nhà đẹp, lâu đời quý hơn nhà ta ấy chứ. Khi nào có dịp ông sẽ đưa các cháu đến thăm. Ngay như thời ông và bố mẹ các cháu gần đây thôi, chống Pháp 9 năm thắng lợi, tiếp đến giặc Mỹ lại bắn phá rốc két - thả bom phá hoại mà chúng rêu rao "đưa ta về thời đồ đá", có làm nổi đâu. Nhà của ông con mình vẫn đây. Làng xóm ta vẫn trù phú tươi đẹp, ngày một đổi thay. Chúng tôi rất mê khu vườn rộng rãi, nhiều cây ăn quả, có những cây mấy trăm năm, được ông bà tôi chăm bón tốt nên vẫn ra hoa kết trái rất sai, hương vị thơm ngon đậm đà. Quanh nhà là lũy tre ken dày, quanh lũy tre là hào rộng, nước đầy thông đến ao nhà, thả cá. Trên mặt nước thả đủ thứ: rau muống bè, rau rút, bèo tây, bèo tấm, cây hoa sen, hoa súng cũng mọc xen vào vừa là nguồn thức ăn cho lợn, vừa rau ăn của gia đình... Ông tôi nuôi thả nhiều loại cá, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Khi cho ăn đàn đàn quây đến quẩn quanh, quẫy đạp tranh mồi trông thật thích mắt. Tha hồ mà ngồi câu dưới bóng mát cây vườn, cả buổi không chán.
Thích nhất là mắc võng dưới gốc những cây cổ thụ, ngọn cây cao, tán lá xòe rộng, trong tán lá xanh mát ẩn hiện những chùm hoa trắng muốt hoặc tím biếc, phảng phất hương thơm dịu ngọt, hòa cùng tiếng chim hót lảnh lót , ru ta vào giấc ngủ say tự lúc nào. Ông tôi thường mắc võng cạnh võng chúng tôi thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về sự tích những truyền thống của làng. Những chiều đẹp trời, ông dẫn chúng tôi ra thăm ao làng rộng lớn, là nơi tích nước cho cả làng cùng sinh hoạt như tắm, giặt, làm nước tưới tiêu cho những cánh đồng làng. Trong chiến tranh làm phòng tuyến ngăn chặn giặc. Ao thông với hào bao quanh làng tạo thành chiến tuyến liên hoàn rất thuận lợi cho du kích đánh giặc giữ làng. Không biết từ bao giờ ao có tên là Ao Rồng. Ông bảo, nếu trèo lên đỉnh cây đa cổng làng nhìn bao quát ao hiện lên như một con rồng khổng lồ. Chiếc gò đầu làng là đầu rồng, hai giếng nước làng trên gò quanh năm không cạn, nước vừa trong vừa ngọt, cung cấp nước ăn cho cả làng như đôi mắt rồng, được gọi là giếng ngọc. Đã bao đời nay, Ao Rồng là nơi cho dân làng tắm giặt, là bể bơi cho bao lớp trẻ vùng vẫy lớn lên, kể cả đời ông bà, bố mẹ chúng tôi. Ao Rồng còn là nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng làng làm ra gié lúa củ khoai; đồng hành cùng dân làng đánh giặc giữ làng qua bao thời giặc dã xâm lăng. Đôi giếng Ngọc là nguồn nước nuôi sống cả làng từ đời xưa cho đến ngày nay, có thể còn mãi mãi những đời sau nữa.
Đẹp nhất là khi hoàng hôn buông xuống, cả làng chìm trong những làn khói mảnh bay lên từ bếp lửa mọi nhà chuẩn bị cho bữa cơm chiều họp mặt đông vui sau một ngày làm việc vất vả; cũng là lúc lớp lớp những đàn cò trắng đi kiếm ăn xa bay bề tổ trên lũy tre làng cất lên những tiếng kêu rộn rã như chào tạm biệt nhau, cả như tiếng cò con gọi bố mẹ mừng vui ríu rít, tưởng tượng như bức tranh quê lung linh chớp sáng trong bản nhạc đồng quê êm đềm. Lũy tre nhà nào cũng trắng xóa cánh cò, cả làng là một rừng cò, rừng âm thanh náo nhiệt trong hoàng hôn thanh bình.
Có lần dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, từ miền đất cổ tích này, vừa đi ông tôi vừa kể rất say sưa, tự hào. Làng ta là một pháo đài bất khả xâm phạm từ thời cụ kỵ ông bà. Mọi kẻ thù xâm lược không đánh chiếm được làng. Lũy tre làng kia là lũy thép. Những ao làng nhà nhà thông với nhau bằng những đường hào kia là phòng tuyến tiến thoái lưỡng nan rất lợi hại khiến quân thù bao phen khiếp sợ.
Ao Rồng liên thông với ao mọi nhà chạy quanh làng núp dưới lũy tre ken dày như bức tường thành. Dưới đáy hào cắm chông tre chông sắt dày đặc. Quanh lũy tre đắp những ụ súng chiến đấu kiên cố, nối với nhau bằng giao thông hòa, hầm nghỉ ngơi tránh bom đạn và nối với hầm chỉ huy vừa kiên cố vừa bí mật như trận đồ bát quái, tiến lui, hỗ trợ, yểm hộ nhau liên hoàn nhanh chóng, thuận lợi. Có những đường giao thông hào thoát hiểm rất bí mật tỏa ra những cánh đồng làng. Phòng khi hỏa lực chúng quá mạnh, chiếm được làng, ta đã sẵn vườn không nhà trống, bà con thoát ra tản cư trước, lực lượng chiến đấu cầm cự bảo vệ dân làng rút an toàn mới rút sau, bảo toàn lực lượng ra trận địa đã chuẩn bị sẵn ở đồng làng bao vây lại chúng, chờ thời cơ tổng công kích tiêu diệt giặc giải phóng làng. Đấy là kế hoạch phòng thủ chứ tuyệt nhiên không bao giờ để chúng chiếm được làng.
Trong 9 năm kháng chiến đánh giặc Pháp, ông tham gia đội du kích, được dự gần 300 trận càn quét của địch, chúng đều thua đội du kích làng ta. Làng ta thành làng chiến đấu kiểu mẫu. Được Cụ Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngợi khen trong Đại hội Thi đua Anh hùng chiến sĩ Toàn quốc ở chiến khu. Sau này được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý - Làng xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bây giờ các cháu thấy đấy, dấu tích lũy tre, hầm hào phòng tuyến thép của làng kiểu mẫu chống giặc vẫn còn đây.
Ông tôi vắt hai tay ra sau lưng, đi chậm rãi trầm ngâm như thể đang nhớ lại những kỷ niệm thiêng liêng của một thời trai trẻ "gian lao mà anh dũng" hăng hái tham gia chiến đấu chống càn giữ làng. Biết kể lại với các cháu sao đây cho các cháu hiểu để mà tự hào, noi theo?


Bỗng ông tôi dừng lại bên lũy tre, những cây to cây nhỏ ken dày, những cành những gai đan xen bện xoắn chặt vào nhau, có những thân cây bánh tẻ cuốn níu lấy nhau giống như những cánh tay đồng đội bám chặt lấy nhau quanh những ụ súng xưa, tiếp đến là những gốc tre già tạo thành tầng tầng lớp lớp những gốc tre đủ mọi hình thù kì dị như những con giống ngộ nghĩnh đẹp mắt, thân quen. Chỉ tay vào đó, ông tôi nhỏ nhẹ như giải thích. Các cháu thấy không? Tre sống chung thủy với người. Có nhiều tiện ích giúp người từ khi lọt lòng đến già rồi chết... Sống chết chở che người. Từ đời này đến đời kia "tre già măng mọc" thành "lũy tre" ngăn bão tố phong ba, giặc dã cho làng ta trường tồn. Những gộc tre già này tưởng chừng như vô dụng, nhưng không, nhờ có nó lũy tre mới vững. Đôi khi cũng phải đánh tỉa bớt đi cho măng mọc sinh sôi nẩy nở. Gộc tre được phơi khô thành củi đun. Tết đến, nhà nào cũng đem luộc bánh chưng. Gộc tre luộc bánh chưng rền ngon tha hồ để lâu không lại gạo.
Ông cháu tôi đi dạo quanh làng, gặp ai họ cũng chào hỏi thân mật, kính trọng: Bẩm, Chào cụ Phó, dắt các cháu đi chơi thăm làng ạ! Ông tôi đều cung kính đáp lại: Dạ, không dám ạ... Các ông bà, hoặc các bác... đi làm về!.
Có lần, tôi hỏi - Ông ơi, ngày xưa ông làm gì ở làng mà ai cũng chào là Cụ Phó thế? Ông tôi cười khà khà vui vẻ, ông chỉ làm ruộng, làm anh tá điền với con trâu đi trước cái cày theo sau, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chứ có được làm vương tướng gì đâu. Chả là, những lúc nông nhàn ông học mót được cái nghề đóng cối xay lúa, được bà con quý trọng gọi là phó cối. Cũng là một chức vị được dân tôn trọng phong cho. Ối nghề cũng được dân phong như thế, phó mộc (làm nghề thợ mộc), phó ngõa (làm nghề thợ xây)...
Tôi lại buộc miệng hỏi ông: Sao không phong cho làm trưởng cối, trưởng mộc, trưởng ngõa... mà chỉ rặt là phó thôi ông? À, mình là dân lao động thấp cổ bé họng học hành dốt nát được thế là phúc đức lắm đấy các cháu ạ. Sao dám vượt mặt các quan chức sắc làng xã được. Dân mình là có ý sâu sa lắm đấy chẳng vừa đâu...

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Gửi anh... / HOÀNG ĐÌNH CHIẾN


                    



                  GỬI  ANH, NGƯỜI  ĐI XA


                                                                        Kính viếng nhà thơ Duy Phi

                      Mong một lần được gặp Anh
                    Ước mơ giờ hoá trời xanh mây hồng
                    Anh đi về phía phiêu bồng
                    Câu thơ để lại đau lòng cho ai

                                        HOÀNG ĐÌNH CHIẾN
                                                    TP. HCM

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Bà hàng xóm ...- Truyện ngắn : ĐOÀN THỊ TẢO

                           Nhà văn ĐOÀN THỊ TẢO

           Bà  hàng  xóm  của  bố  tôi

               "Truyện ngắn rút từ tập truyện CHÍN NGƯỜI MƯỜI LÀNG của
               nhà văn ĐOÀN THỊ TẢO"     
                             Bà nhờ người nhắn gọi tôi về. Mấy hôm nay bà mất ngủ, thấy khó chịu trong người. Với lại nhà cũng sắp có việc. Nên hôm nay tôi tranh thủ buổi trưa ghé thăm bà. Trông thấy tôi bà kéo xuống ngồi cạnh, chậm rãi thông báo:

                   - Hôm qua ông ấy lại về. Hai người vẫn kè kè bên nhau, họ đang tính toan việc gì ấy. Tôi bảo : “Hãy ở nhà thêm lát nữa, cũng sắp đến bữa rồi .” Nhưng ông ấy vội vàng lôi tay người ta đi, chỉ kịp quay lại nói : “ Chúng tôi phải đi thôi. Đường thì dài, lại khó đi, sợ không kịp .” Chả hiểu vội gì, đi đâu? mà cứ úp úp mở mở ... Rõ cái người ... Đến chết vẫn chứng nào tật ấy.

                   Sự giận hờn thoáng trên nét mặt mẹ kế tôi. Bà thở dài cúi xuống mẹt gạo nếp, đảo tay bới tìm hạt thóc hạt tẻ. Càng về già bà càng đẹp ra, người đẫy đà duyên dáng. Đời sống đỡ vất vả lo toan nên gần sáu mươi, lại không sinh nở gì trông bà vẫn gọn gàng óng ả. Tội nghiệp ! Người như thế nhưng suốt một đời bà chỉ đau khổ giận hờn. Người ta phàm sao Đào Hoa chiếu phạm cung Mệnh cũng đủ khổ một đời tình duyên. Riêng bố tôi, có lẽ nó nằm chềnh ềnh mọi chỗ. Ông nổi tiếng hào hoa phong nhã. Khéo tay hay làm, thông minh đĩnh đạc. Đặc biệt cái nết tốt bụng với chị em. Nói chính xác: Hết thảy phụ nữ ông quen, ông đều muốn được che chở,  yêu thương như những người  “em gái .” 

                  Cái thuở còn thắt lưng buộc bụng chống Mỹ, Ông làm giám đốc một xí nghiệp nhỏ  gần một trăm lao động. Nay đây mai đó theo luồng lạch để thăm dò, trục vớt những vật cản chắn dòng. Vậy nên do đặc thù công việc của ông, mỗi bến đậu là một bến tình. Có cuộc tình trôi đi êm ả, sau một đoạn nồng nàn thắm thiết, rồi anh đường anh, chị theo đường chị. Có cuộc tình phong ba sóng gió, bởi hậu quả một đứa trẻ ra đời. Đứa trẻ được mang họ mẹ hoặc họ ai đấy, chưa bao giờ mang họ bố tôi. Cá về ao ai người nấy được. Chỉ có điều gặp khúc tình quá ghềnh thác, phải kheo khéo thu xếp sao cho vẹn cả đôi đường. Việc to tày trời thời gian cũng biến thành bùn, huống hồ cái việc cỏn con vụng trộm.  

                 Duy nhất có một lần chuyện xảy ra dữ dội. Người đàn bà ấy tên là Toan. Chuyện gió trăng giữa bố tôi với bà Toan vốn kín như bưng, chẳng ma nào biết. Đã hai mươi năm trôi qua. Chồng bà Toan đã chết, người đàn bà ấy bỗng nhớ bố tôi. Bèn gửi một lá tình thư, lời lẽ nhớ nhung da diết. Kèm theo lời nhắn ông về, lo gả chồng cho con gái. 

                Lá thư oan nghiệt ấy lọt vào tay mẹ kế tôi trước. A !... à ... thư ! Vậy thì bà cũng thư cho biết. Chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ. Bố tôi tối tăm mặt mũi vì những lá “Tuyệt tình thư”  của bà, một hai đòi cắt đứt, chia tay. Đến nỗi bố tôi không chịu nổi, phải la toáng lên:  

                - Ơ hay ! Truyện từ đời Bành Tổ mà cũng ghen. Tôi biết người ta từ ngày bà còn quàng khăn đỏ cơ mà.   

                  Mẹ kế tôi kém ông gần hai chục tuổi, cái lý đơn giản ấy khiến bà ấm ức chịu thua. Đành nuốt giận nguôi ngoai cho qua vụ bà Toan.  

                     Ngày xưa, hồi mẹ kế tôi mới chỉ là cô cán bộ phòng kế hoạch xí nghiệp ông. Bà có điều kiện mở hẳn một chiến dịch, để đánh gục các tình địch. Bà chấp tất cả các cô em phòng hành chính. Họ vốn giữ đặc quyền lo đời sống và lương bổng của ông. Bà đòi quyền được cùng ông đi công tác đây đó, tới bên A, bên B. Làm thư ký riêng cho ông khi lên cục, về bộ. Cho đến khi trở thành mẹ kế tôi, bà đã ghi một bàn thắng oanh liệt trên sân cỏ, giữa các đấu thủ chân guốc. Riêng bố tôi ông có hơi hụt hẫng, vì phần nào bị tính ghen quá độ của bà quản thúc.  

                    Thị trường Đông Âu biến động, cũng là lúc ông về hưu, làm chân chủ nhiệm hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, ngoắc ngoải với những lô hàng thêu, mây tre đan không xuất đi đâu được. Xã viên trước đây cố thủ với xã bởi tiêu chuẩn mười ba cân gạo. Nay xoá bỏ tem phiếu, họ mặc nhiên phải bươn chải chợ búa kiếm ăn. Để tránh tan rã, ông ra sức củng cố. Ông ra sức vì còn một lẽ nữa: Cùng chung vai gánh vác HTX với ông là một cô phó chủ nhiệm mới gần bốn mươi, người đầy ứ sức sống. Sớm tối họ bên nhau, chạy đôn chạy đáo khắp nơi kiếm tìm việc làm. Họ ăn nhà hàng, ở khách sạn, y hệt mẹ kế tôi khi còn là cô cán bộ phòng kế hoạch.
                                                                
                                                                                                     

                                                              Nhà văn Đoàn thị Tảo

ĐỀN THƠ MỚI GỬI LỜI CHÀO










Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

LẠI NGỒI NHÓM LỬA - Thơ TÔ HOÀN




     TÔ HOÀN

GỌI MÙA RÊU THỨC

               Thân Tặng n/t  DUY PHI


Gieo chữ khắp Nam cùng Bắc

Ngày về đậu ngõ chợ Thương

Anh thức gọi mùa “ Rêu thức “

Vui buồn gửi cõi văn chương



Người ta ồn ào mé chợ

Nghìn trang rọi những canh dài

Phận đèn đêm đêm vặn nhỏ

Góp thành hạt nắng ban mai

LẠI NGỒI NHÓM LỬA

tohoanbg | 01 February, 2013 20:55


alt



Đã lâu lắm lại ngồi nhóm lửa
Bỗng dưng ta nhớ ấm hơi bà
Bỗng dưng ta nhớ vòng tay mẹ
Lửa bập bùng hiện bóng người xa

Đã lâu lắm lại ngồi nhóm lửa
Mùi rạ rơm khói bếp cay sè
Mùi than trấu ủ ta ấm lại
Mặc gió lùa, mưa thốc ngoài kia

Đã lâu lắm lại ngồi nhóm lửa
Tí tách reo lửa cũng ngóng giao thừa
Ta ước được một lần bên mẹ
Bên mẹ một lần cùng nồi bánh chưng xưa

                                     TÔ HOÀN

alt

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

AI ĐIẾU: BÁC DUY PHI




           
                                     AI ĐIẾU: BÁC DUY PHI

           Dẫu biết nơi ấy ai rồi cũng tới, nhưng tôi không khỏi bàng hoàng khi đọc lời cáo phó trên Đền Thơ Mới. Sự ra đi một cách nhanh chóng bất ngờ này làm tôi nặng nỗi tiếc thương kèm với ao ước một điều mà lâu nay tôi đã nghĩ suy. Tôi đã có cái kết cho một bài thơ: Nơi đó ta về
          …. “ chết không có gì mà phải sợ
                  Chỉ sợ con đường dẫn đến cái chết.
         Bác Duy Phi ơi !
         Bác ra đi trong sự thương nhớ của bạn bè, bác còn mãi trong tâm khảm của  nhiều người yêu quý bác. Vâng ! đấy cũng lại là điều tất cả chúng ta ao ước khi vượt qua con đường nhân gian ngắn ngủi này. Xin đọc bác nghe điều tôi ao ước :
                    Trước khi ra đi
                     Thượng đế cho nói lời cuối cùng
                    Nước mắt rưng rưng
                    Thưa :
                          Trái tim này xin đế lại bạn bè tôi
            
             Khi tôi chết xin hóa thành phiến đá
             Nằm bâng khuâng nơi bờ biển bao la
             Để cho sóng ôm vào lòng ca hát
             Hôn lên tôi âu yếm mặn mà
              ……………………………..
             Biển sẽ hết buồn
            Tôi một phiến đá si mê
            Yêu say đắm yêu dại khờ trong sóng
         Bác Duy phi ơi !
        Bác hiện hữu trong lòng bạn bè, trong Đền Thơ Mới được nhiều người trọng yêu và quý mến, nên chắc chắn lời cầu xin thượng đế trên cũng bằng thừa . Mới hôm nào bác còn ưu ái trao đổi với tôi về sáng tác trong Đất Lên Hương mà bác đã lên khuôn . Bất ngờ thay … Đau buồn thay … khi đọc lời cáo phó trong Đền Thơ Mới  
         Tuy mới gần bẩy mươi còn kém bác dăm tuổi nhưng với tuổi này ta cũng nên nghĩ tới: Nơi đó ta về mà hoàn thiện nốt những ngày còn sống, những việc phải làm . Để khi ra đi mà được như bác, còn để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng mọi người
          Xin được tỏ lòng ngưỡng mộ bậc đàn anh người rất đức độ hòa lòng cùng mọi bạn văn không phân biệt cao thấp về mọi mặt đời thường .
          Xin chia sẻ cùng bác tâm tư của người đi sau

                ĐÊM NGHE CA KÈN PHƯỜNG
                                       BÁT ÂM

Những lời này tôi viết cho tôi
Nhờ bác thợ kèn hờ dùm đôi ba tiếng
Thân xác cỏn con đến …mai là tan biến
Một bình tro qua cửa đài hóa thân      

 Kiếp phù sinh tạo hóa xoay vần
Cho buồn khổ lại nhuốm màu buồn khổ
Hai tay buông xuôi trượt về quá khứ
Cảm tạ mọi người một chút lệ hoen mi

Nào biết được khi
 Còn mấy mươi cái chớpmắt
Lê thân rời nơi cóp nhặt những buồn đau
Để ẩn mình dưới lòng đất chôn sâu
Buông xuôi hết
Những khát khao nay trở thành vô nghĩa

Hẹn gặp sau này , người ở lai tôi đi



                                Kính cáo
                            Đoàn thị Tảo 


Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Tình xuân














              

Tình xuân
              

                                   Chu Hà
  
Bất chợt xuân về trong ký ức

Hồn quê rạo rực tận đáy lòng

Đào, quất, hoa khoe ngàn sắc thắm

Hội xuân, người nô nức đầu năm



Mọi cảnh mưu sinh như dừng lại

Trẩy chùa, thăm bạn, hái lộc xuân

Ngõ xóm đẹp như thay áo mới

Làng quê phảng phất khói hương trầm



Người đi chắc hẳn còn nhớ lắm

Huyền ảo đất trời ngắm mà say

Chút tình riêng giữ trong sắc thắm

Xa rồi vẫn ngỡ giữa vòng tay



Kẻ trao ánh mắt sau vành nón

Người chúc tụng nhau ý lời hay

Ai cũng mong vui như Tết mãi

Nét cười lồng trong áng mây bay



Ấm áp tình xuân có hẹn ngày?

Chen chân đi giữa hội  Phủ Giầy*

Ngây ngất bốn bề, men trời đất

Cách vời ngàn dặm vẫn còn say...

* Cứ mỗi độ xuân về du khách khắp nơi đổ về trảy hội Phủ Giầy ở Vụ bản Nam Định 

               Ekaterinburg 10/01/2013