Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

ĐẶNG VĂN SINH VIẾT VỀ TẬP THƠ PHẬN ĐÈN



PHẬN ĐÈN 
tứ tuyệt thi Kinh Bắc...

                                                             ĐẶNG VĂN SINH 
                                                                       (Nhà văn) 





C

uối năm Tân Mão, chẳng hiểu giời xui đất khiến thế nào mà chín lãng tử thi nhân trấn Kinh Bắc, sau mấy lần hội ngộ tại Phủ Lạng Thương, lại rủ nhau ra tập thơ tứ tuyệt với cái nhan đề nghe khá lạ tai: "Phận đèn"*.
Tập sách không dày, chỉ 122 trang, khổ 13x19, nhưng cái bìa gây ấn tượng mạnh bởi hình ảnh chiếc đèn dầu bên phải với vòng khói mảnh mai uốn lượn bay lên chạm vào chân chữ "Phận đèn". Chất liệu làm bìa là giấy lụa đã đẹp, nhưng cách phối màu tạo nên hòa sắc giữa ánh lửa và bóng đêm theo cấp độ giảm dần, gây hiệu ứng tương phản còn đẹp hơn. Nửa trái, dưới nhan đề, tên tác giả xếp hàng dọc, theo vần ABC..., bằng chữ in hoa, đơn giản mà sang trọng.
Điều cần nói là, trong tập "đoạn trường thơ" này, các thi nhân Kinh Bắc toàn chọn con số lẻ. 9 tác giả, mỗi tác giả 11 bài, vi chi là 99 bài. Trong số 99 bài thì lục bát chiếm 51, vẫn là một số lẻ. Còn nữa, tuy là tứ tuyệt nhưng hình thức khá đa dạng. Có tác giả thuần lục bát như Tân Quảng, nhưng cũng có tác giả chuyên về thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, thậm chí "tự do tứ tuyệt" như Anh Vũ... Xét về Dịch lý, lẻ được xem là số dương. Những con số này nằm trong hệ toán nhị phân, nếu kết hợp với nhau theo quy luật bát quái thì khả năng biến thái của nó là vô cùng vô tận. Huống hồ, đây lại là những tài tử Kinh Bắc, được nuôi dưỡng bởi hai nguồn nước sông Cầu, sông Thương mà ở giữa là những làng quan họ...





NV ĐẶNG VĂN SINH


9 tác giả, chín giọng điệu khác nhau nhưng có thể xem là cùng một tâm thức. Người làm thơ như thân phận chiếc đèn dầu, ngọn bấc thắp lửa cháy đến tận cùng, để rồi, trước khi lụi tắt vẫn lóe lên ánh dư quang. Phận đèn cũng chẳng khác mấy thân phận con tằm rút ruột nhả tơ làm đẹp cho đời.


Tô Hoàn, "không chảy cho mình"

Tứ tuyệt của Tô Hoàn, ngoài thể loại lục bát, phần còn lại là 4 bài thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn tuyệt cú và tứ tuyệt tự do, tuy không phải thơ Đường nhưng lại mượn thi pháp thơ Đường để chuyển tải tư tưởng thẩm mỹ. Đường thi tứ tuyệt là một loại hình thơ có cấu trúc tối thiểu về từ cú nhưng có thể đạt đến khả năng tối đa về hiệu quả thẩm mỹ. Mỗi câu thơ như một đơn vị ngữ nghĩa, hàm chứa một khối lượng thông tin nghệ thuật, bị nén đến mức đặc quánh. Nói cách khác, tứ tuyệt là một chỉnh thể cân đối đạt đến độ hài hòa cả về ý tưởng, thanh điệu, âm sắc và chiều sâu tư tưởng.
Lục bát của Tô Hoàn không mấy cụ thể mà thường là những khái niệm thông qua hình ảnh, sự vật có tính phổ quát, khi đọc lên sẽ gợi sự liên tưởng, làm đối tượng tiếp nhận phải tìm hiểu, suy ngẫm. Đó là những vần thơ đã đạt đến độ cân bằng giữa hiện thực và tưởng tượng, lúc nào cũng lẩn khuất trong tâm trí như nỗi ám ảnh. Mở đầu bằng bài "Rêu xưa", tác giả có cách diễn giải vừa cụ thể vừa trừu tượng. Rêu là ẩn dụ thời gian, là lịch sử, nhưng cũng có thể còn là những mảnh ký ức tâm hồn. Câu lục bát "Tìm về phố cổ xem rêu/ Mái liêu xiêu, nắng liêu xiêu, không mùa" chính là khoảnh khắc thăng hoa của hồn thơ nhạy cảm. Rêu, mái nhà và nắng có chung trạng thái "liêu xiêu", một hình ảnh hoán dụ phi thời gian, ngược dòng vào miền vô thức, gợi cảm nhận bâng khuâng, mơ hồ. Cũng với lối cấu trúc không thể phân tích tách bạch như vậy, bài "Mơ" còn đẩy cảm nhận người đọc tới cảnh giới của loại thơ siêu thực mang yếu tố huyền ảo mà lục bát truyền thống không thể có được :"Mẹ ta ăn gió cả đời/ Chỉ mơ bốn phía chân trời đừng xa". Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu xét từ văn bản, có thể thấy, cái vỏ là lục bát, nhưng nội hàm dường như đã trượt khỏi thi pháp lục bát mà tiệm cận với dòng thơ Hậu hiện đại. Bài tứ tuyệt thoát khỏi danh xưng đại tự sự với những quy tắc ngữ nghĩa nghiêm ngặt mà biến thành tập hợp của những tiểu tự sự, đôi khi rất ngẫu nhiên, tùy hứng, nhưng hồn cốt của nó vẫn là những giá trị nhân văn bất biến.
Cách cảm của Tô Hoàn thường dừng ở những lát cắt bất chợt mang tính phổ quát mà đặc điểm nổi bật chi phối toàn bộ phong cách là diễn ngôn về sự chiêm nghiệm nhân tình thế thái. Bài "Thế" của anh có những câu đáng để người đọc suy ngẫm: "Vườn đầy mà khát tiếng chim/ Thế cho cây ta bỏ quên thế mình". Có thể bỏ qua nhạc điệu uyển chuyển, không tính đến cả nhịp cắt linh hoạt và vần gieo chuẩn xác, nhưng dứt khoát không thể không nghĩ đến cấp độ lan tỏa ngữ nghĩa của tầng triết lý về lẽ đời ẩn tàng trong những từ "khát" và "bỏ quên" cũng như thủ pháp ẩn dụ tầng sâu của dòng kết mà Đường thi tứ tuyệt gọi là câu "hợp": "Thế cho cây ta bỏ quên thế mình".
Chỉ với chừng ấy cũng đủ làm nên gương mặt thơ Tô Hoàn.


Tân Quảng, "Trốn bóng"

Không biết vì lý do gì, Tân Quảng đặt tựa đề cho phần thơ của mình là "Trốn bóng". Xem ra, có vẻ như đây chỉ là cái tên mang tính biểu tượng ở tầm xa, tuy nhiên người đọc cũng lờ mờ nhận ra ý đồ của tác giả sau khi đọc xong 11 bài lục bát tứ tuyệt.
Gọi là tứ tuyệt, nhưng nếu xét từ cấu trúc văn bản, thực chất, cái gọi là bài, chỉ là một đơn vị lục bát, mỗi cặp từ 14 tiếng (gọi là chữ cũng không sai), được liên kết với nhau bằng vần, nhịp, thanh điệu và nhạc điệu. Về mặt cấu tứ, lục bát Tân Quảng gần với ca dao, bởi anh triệt để sử dụng thi pháp truyền thống ở các công đoạn lập tứ, ngắt nhịp, phu diễn, và, đặc biệt cặp cuối cùng hoặc dòng cuối cùng, định hình tư tưởng bài thơ, sau khi đã vận dụng tối đa công suất của ba dòng đầu như những lời đề dẫn.
Thủ pháp "phục bút" trong kỹ xảo lục bát của Tân Quảng gần như là đặc trưng phong cách được biểu hiện rõ nhất ở các bài "Trái lỡ thì", "Rượu bách xà" và "Dải đê làng". Bài "Trái lỡ thì", mở đầu tác giả nói khá lửng lơ đến quả bầu quá lứa để quên trên giàn. Đây chỉ là hiện tượng bình thường trong đời sống các gia đình ở thôn quê. Thế nhưng, đến phần kết, rất tự nhiên, nhà thơ liên tưởng đến nậm rượu. Quả bầu khô và rượu hiển nhiên có mối quan hệ về nội dung và hình thức. Nậm rượu là hệ quả có tính tự sự của trái bầu quá lứa. Nhưng vật dụng ấy có chức phận "giữ men rượu nồng" mới là tư tưởng của bài tứ tuyệt. Nói đến trái bầu, nhưng cách diễn đạt thật ra lại không phải là chuyện trái bầu. Nhà thơ nhìn sự vật, hiện tượng qua lăng kính ca dao được chuyển tải bởi ngôn ngữ dân gian dung dị, nhưng đằng sau nó lại hàm chứa một triết lý nhân sinh.
Ở bài "Dải đê làng", Tân Quảng có cách khai triển lục bát như một trò chơi chữ nghĩa. Những câu thơ nhẹ bẫng như làn gió lướt qua, để lại một không gian mát mẻ, thoáng đãng. Tâm hồn người viết, lúc ấy hẳn phải thanh lọc hết bụi trần, chỉ song hành với một ký ức thấm đẫm hương vị đồng chiêm thời trai trẻ. Và biết đâu đấy, trên con đê làng cong cong thoảng hương sen đầu mùa kia, lại là khởi nguồn cho tâm trạng đa đoan, tâm cảm đa tình, mới có được những câu thơ đầy ma lực, làm xốn xang lòng người: "Có người mải nghĩ đâu đâu/ Dắt trâu đôi lúc để trâu dắt mình", hay: "Lan man cỏ dại không lời/ Cứ xanh suốt nẻo tình tôi đến giờ" (Trăng ngã ba). Lục bát Tân Quảng nói chơi mà như thật, thật mà như đùa, tưởng chả có chuyện gì, vậy mà nghĩ thêm chút nữa thì thật là lắm chuyện. Lục bát đồng quê là như vậy. Chính vì âm hưởng của nó rất nhẹ nên dễ dàng tìm được cách đi vào lòng người.
Ngoài những bài thuộc dòng thơ "chơi chơi" vừa dẫn ở trên, Tân Quảng còn có khả năng chinh phục người đọc bằng những thi phẩm có cấu trúc văn bản như là sự xung đột về ngữ nghĩa, đối lập về ý tưởng, để rồi khi đóng lại, bỗng bùng nổ hiệu ứng thẩm mỹ như "Rượu bách xà". Thực ra, về mặt hình thức, "câu thơ tâm đắc" và "bầy rắn độc" đã được ngâm tẩm trong hũ rượu bách xà có vẻ như không mấy liên quan với nhau. Nhưng nội hàm của bài tứ tuyệt lại ẩn giấu một thông điệp. Ngôn ngữ, mà một trong những dạng thức biểu hiện của nó là chữ viết được xác định là một dạng ký hiệu. Chữ có lúc hiền lành, bình dị, nhưng chữ có lúc cũng nguy hiểm như bầy rắn độc khi ngòi bút người viết đã nhiễm tà khí. Bầy rắn độc ấy, nhất là loại "độc bách xà", được lùa qua miệng kẻ ngụy văn chương, hót toàn những lời sáo rỗng hoặc nhắm mắt tụng ca cái ác thì tác hại của nó khó mà lường hết. Chỉ với bốn dòng, hai mươi tám chữ, tác giả đã cảnh báo tình trạng xuống cấp của nền văn học bởi có không ít những người cầm bút nhân cách tầm thường, bằng thủ pháp ẩn dụ, qua hai hiện tượng đối lập nhưng cùng được quy chiếu vào một mặt phẳng văn hóa.
Không thể phủ nhận, tư duy tứ tuyệt của Tân Quảng đậm đặc hình tượng, thế nhưng thơ anh còn có xu hướng tiếp cận phương thức triết lý dân gian, mỗi câu thơ đều gửi vào đó một quan niệm sống:"Chỉ vì mía ngọt cầm dao/ Vô tình tay nọ chém vào tay kia"(Viết trong lòng bàn tay).




Duy Phi, "Hạt nhớ"

Khác với Tô Hoàn và Tân Quảng, tứ tuyệt của Duy Phi được cấu trúc như là những bức phác thảo tâm trạng của chủ thể trữ tình. Trong cái khoảnh khắc thời gian ấy, ý tưởng vụt lóe sáng tạo nên một khung cảnh nhập nhòa giữa hiện thực và hư ảo. Vì thế, nhịp điệu thời gian, gam màu không gian cứ bàng bạc một màn sương lãng đãng giăng mờ trên sườn núi lúc ban mai. Có điều không gian và thời gian vật lý ở đây chỉ có tính quy ước. Không gian và thời gian tâm lý mới là những đại lượng tác giả muốn ký thác vào thơ mình. Cho nên, khi đọc hai câu: "Xõa tóc soi tìm mình chẳng thấy/ Lạ lùng ai đó bóng thời gian" trong bài "Nhà xưa", ta cần phải mở rộng biên độ cảm xúc đến bài "Hạt nhớ": "Biết ai đang bồn chồn trên mỗi chữ/ Tôi gửi trời muôn hạt nhớ long lanh". "Hạt nhớ" là cách nói hình ảnh, đồng thời cũng là một kiểu chơi chữ độc đáo trong quá trình tìm tòi sáng tạo ngôn ngữ thi ca. Nó thực hiện chức năng dẫn dắt sự liên tưởng ngoài văn bản, có thể là vô lý, nhưng là sự vô lý trong cái hợp lý của tổng thể nghệ thuật.
Hình ảnh trong thơ Duy Phi, nếu căn cứ vào hệ thống từ ngữ xem ra khá rậm rạp, đa sắc thái, nhưng thật ra, nhìn dưới góc độ hội họa, lại có vẻ nhạt màu, thậm chí không màu, bởi phần lớn chỉ là những bức ký họa chì than. Màu sắc của Duy Phi thực chất cũng là màu sắc tâm trạng, cho dù anh đã hơn một lần thăm xứ Thái chiêm ngưỡng vẻ đẹp thuần khiết của hoa ban Tây Bắc: "Câu quan họ nợ vòng quay cọn nước/ Trăm màu rực rỡ nợ hoa ban"("Nợ").
Tứ tuyệt của Duy Phi cũng có không ít bài thiên về sự suy tưởng. Anh thường ký thác vào thơ những số phận như là một thứ định mệnh, đôi khi cắt rời ra, nhưng  giống như mảnh gương vỡ, vẫn mang trong mình câu hỏi muôn thuở của thế gian là "món nợ tuần hoàn" không bao giờ trả được. Bài "Nợ" được tác giả viết ở Điện Biên mở đầu bằng hai câu rất đáng suy ngẫm: "Ngược đường lên Mường Thanh, Mường Than/ Chợt biết biển sông nợ núi ngàn". Mới hay, cuộc sống này là một chuỗi vòng vo của sự vay trả vô thủy vô chung. Mảnh đất ta sống đây chẳng qua chỉ là diễn trường của trò chơi tạo hóa. Cái vòng quay cọn nước với câu quan họ hẳn là có duyên kiếp với nhau từ thời hồng hoang nên "trăm màu rực rỡ" của các loài hoa mới nợ màu trắng hoa ban chăng?
Đến bài "Cờ" thì những nét ký họa dường như đã bị nhòe mờ trước sự xâm thực của yếu tố duy lý. Văn bản chỉ có 14 chữ nhưng chính xác là một đại tự sự bởi khuynh hướng triết luận. Về hình thức, tác giả nói đến một thế cờ hiểm, nhưng nội dung của nó lại đa nghĩa, chứa đựng tư tưởng thời đại. Trong các cuộc chiến tranh, cho dù tướng cầm quân nhân danh ngọn cờ nào, thì cuối cùng, kẻ trắng tay vẫn là đám tốt đen, tốt đỏ: "Phá thế cờ/ Tướng sĩ loanh quanh/ Ghê tay thí tốt..." Đằng sau mỗi con chữ tưởng như lạnh lùng, vô cảm là tâm trạng ưu tư của nhà thơ với thân phận con người trước bàn cờ thế sự thiên biến vạn hóa. "Cờ" là bài tứ tuyệt ý tại ngôn ngoại, gieo vào tâm trí người đọc những băn khoăn về lịch sử như là một câu hỏi muôn thủa, khó tìm lời giải.

Vũ Từ Sơn, "Ta về tìm lại"

Với Vũ Từ Sơn, thơ là những dòng cảm xúc của một hình thái tâm thức mất cân bằng. Trạng thái nghiêng lệch ấy đổ bóng vào thơ tạo nên những cung bậc tình cảm khác nhau như bảng hòa sắc tự nhiên thiên về gam lạnh.
Những bài: "Hỏi dòng Thương", "Ta về tìm lại", "Khát" và "Gửi vợ" có thể xem là tứ tuyệt điển hình của tác giả. Cả bốn bài đều có kiểu lập ý, lập tứ và kỹ năng diễn đạt cùng một phong cách, cùng tiệm cận một hệ quy chiếu. Đó là nỗi đắng cay của sự mất mát. Nỗi đau riêng được ký gửi vào thơ, chuyển thành hình tượng tâm trạng, đồng thời khái quát được cả nỗi đau nhân thế. Những câu: "Đang đông buổi chợ tảo tần nắng sương/ (...) Nửa đau ra biển, nửa buồn ngược đâu...", "Be sành đựng rượu quán con/ Bờ tre xõa tóc ru mòn võng đay", và, "Lạc bầy chim khát cánh chim/ Tôi lang thang khát đi tìm bóng tôi..." đều là những dạng thức diễn tả tâm trạng. Đó không chỉ là một kiểu tâm trạng phiếm định trong mặt phẳng lệch, mà còn là những dòng  thi cảm thổn thức, một mảnh hoài niệm, phiêu diêu trong ký ức thời gian.
Tứ tuyệt Vũ Từ sơn luôn thấp thoáng một hình ảnh "em", cho dù đấy là một dòng Thương trời làm "lũ quét", "một "Bờ tre xõa tóc ru mòn võng đay", một tiếng cồng đêm Sa Pa, hay khi thắp nén nhang gọi hồn người vợ yểu mệnh về nhà ăn tết. Phải chăng, từ nỗi niềm riêng ấy, đã hình thành  dạng bối cảnh thơ, nhất là lục bát tứ tuyệt, luôn bảng lảng một tinh thần hoài niệm, hướng về không gian làng quê quan họ vùng Kinh Bắc ngày xưa. Những hình ảnh liên tưởng "be sành đựng rượu quán con", "mùng tơi tím ngắt", "chõng tre ngon giấc", "dải yếm bỏ quên"... làm không ít tâm trạng người đọc bâng khuâng.
Khác với Tô Hoàn, Tân Quảng và Duy Phi, tứ tuyệt Vũ Từ Sơn không nặng về suy tưởng, ít triết lý mà chủ yếu là những dòng tự vấn về thân phận con người . Những thân phận đơn lẻ, nhỏ bé, được diễn tả như những lời tâm sự với chính mình. Thơ  anh không tuyên ngôn chủ nghĩa, không ồn ào trường phái, mà cứ lặng lẽ như mạch ngầm chảy trong lòng đất, rồi đến một lúc hình thành dòng suối mát, hòa với nguồn lớn, đổ vào đại dương thi ca một cách khiêm nhường. Những câu: "Trời làm 'lũ quét' dòng Thương/ Nửa đau ra biển, nửa buồn ngược đâu...", "Be sành đựng rượu quán con/ Bờ tre xõa tóc ru mòn võng đay", "Sông nhà nào biết đầy vơi"/ Sáng ra hoa lửa đỏ trời tháng ba...", "Nén nhang anh thắp vòng thao thiết/ Mới đấy mà em đã vội xa..." có thể xem như những mảnh vỡ tâm hồn được hàn gắn lại sau khi con người được tái sinh qua lửa, nước và ống đồng theo cách nói của truyện cổ tích dân gian Nga.
Có thể nói, tứ tuyệt Vũ Từ Sơn là tứ tuyệt tâm trạng. Hình ảnh trong thơ anh cũng là hình ảnh tâm trạng, một tâm trạng đã đi gần hết vòng tuần hoàn mà tạo hóa bắt thân phận nhà thơ phải vất vả vượt qua trên hành trình đi về "cõi vô cùng". Hình như hiểu được cái "đạo" của thi ca nên tác giả vẫn nhẫn nại gánh số phận trên vai, lầm lũi vượt dốc thời gian...

Kim Ô, "Bốn mắt nhìn nhau"

Từ 6 bài lục bát trên tổng số 11 bài tứ tuyệt, xét về hình thức, có vẻ như Kim Ô - con quạ vàng trong mặt trời - hơi thiên về truyền thống. Lục bát Kim Ô nhuần nhuyễn, gieo toàn chính vận, cắt nhịp 2/2 đều đặn như phần lớn nhịp ca dao trữ tình trên nền nhạc khá là êm ái bởi lớp từ vựng chủ yếu là thanh không và thanh bằng. Cũng giống như Tô Hoàn, cấu trúc văn bản bằng phương pháp "mở, đóng", nên ba dòng đầu (Đường thi tứ tuyệt gọi là "khai", "thừa", "chuyển") chỉ là phu diễn kết hợp với miêu tả phong cảnh hoặc trạng thái tình cảm. Tư tưởng nghệ thuật hay là thông điệp của tác giả thường rơi vào dòng thứ tư (Đường thi tứ tuyệt gọi là "hợp"), vừa là câu kết đồng thời cũng là tứ của cả bài. Những câu: "Ơ hay mái tóc màu xanh đâu rồi"("Mải tìm"), "Cho là được thứ hơn mình đã cho"("Cho"), "Thế là bốn mắt nhìn nhau suốt đời"("Bốn mắt nhìn nhau")... có thể xem như dẫn chứng cho nhận định trên của chúng tôi. Lục bát tứ tuyệt của Kim Ô tuy có tính chiêm nghiệm, nhưng tác giả lại chọn được thời điểm chợt lóe sáng của dòng ký ức, rồi đem kinh nghiệm của cả một đời đánh cuộc với thi ca, anh đã biến nó thành vĩnh cửu...
Ngoài lục bát, Kim Ô còn loạt bài tự do tứ tuyệt, cũng thuộc dòng chiêm nghiệm nhưng không phải tình yêu, mà về nhân tình thế thái như những cách ngôn. Các bài "Tưởng", "Thí thân", và "Trách", tuy là những trải nghiệm ở nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng lại có cùng một mẫu số chung. Đó là một cái gì giống như quy luật chi phối vạn vật, được tác giả diễn giải khá lý thú qua cặp hình ảnh đối lập "sâu", "bướm". Hóa ra vẻ đẹp bên ngoài không phải lúc nào cũng đồng nhất với nội dung. Có những cái đẹp đánh lừa cặp mắt con người: "Tưởng đẹp suốt đời nên suốt ngày bay lượn/ Biết đau rồi bướm lại thành sâu"("Tưởng"). Với thiêu thân thì: "Kiếp phù du đâu chịu sống hèn/ Ôm ao ước khát thèm ánh sáng"("Thí thân"), chính là hình ảnh ẩn dụ của khát vọng làm người chân chính "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt năm canh"(Xuân Diệu).
Thông điệp cuối cùng của Kim Ô sau 11 bài tứ tuyệt là một bài ngũ ngôn luận về những kẻ phá hủy môi trường sống. Luật lệ của Ông Trời thật nghiệt ngã. Kẻ chặt cây mà không trồng cây hẳn là chẳng bao giờ được hưởng bóng mát của rừng. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ về cái "đạo" của con người ứng xử với thiên nhiên, nhưng cũng là "đạo" đối những kẻ chỉ bết giơ tay nhận của người khác, trong khi cả đời không cho ai cái gì: "Chặt đổ một bóng cây/ Rồi vứt dao ngồi thở/ Trách trời sao nắng quá/ Trách đời không bóng râm".




Nguyễn Hoạt, "Một tiếng vắt vai"

Từ nhan đề "Một tiếng vắt vai", chỉ với "Quan họ- I" và "Quan họ - II", người đọc thấy ngay được hồn thơ Nguyễn Hoạt luôn phiêu du trong không gian dìu dặt của những làn điệu quan họ mà âm hưởng của nó dường như khởi nguồn từ những khúc dân ca Chăm u buồn được tù binh Chiêm Thành đưa về lộ Kinh Bắc nửa cuối thế kỷ XI. Vì thế, tứ tuyệt Nguyễn Hoạt thấm đẩm phong vị quan họ như được chắt lọc từ nắng, gió bởi cái tình gừng cay muối mặn của những liền anh, liền chị Kinh Bắc, cùng nỗi thương nhớ quê hương sầu thảm của bao chiến binh vong quốc từ cả ngàn năm trước.
Hình như, không một tác giả nào trong "Phận đèn" có sự thống nhất cao độ, làm nên một "tinh thần tứ tuyệt" như Nguyễn Hoạt. Tất cả 11 bài của anh đều mang dấu ấn một phong cách, nhưng mỗi bài lại được khai triển theo một dạng thức khác nhau, tạo nên sự đa thanh trong hình thức biểu đạt. "Quan họ - I" và "Quan họ - II" có thể xem là những lời tự bạch của một người vướng vào nghiệp thi khách, nghe câu quan họ "Giã bạn", bỗng thức dậy trong tâm tưởng nỗi niềm vương vấn như đang vướng nợ cuộc đời: "Thức suốt đêm dài nghe quan họ/ Năm canh giã bạn sáu canh sầu/ Sợ mùa xuân hết đi ngang ngõ/ Sợ chẳng còn mình ai nhớ nhau"("Quan họ - I"). Cũng với cái tình da diết, đau đáu một niềm thương, mang mang nỗi buồn thiên thu, người thơ Nguyễn Hoạt đẩy nỗi buồn lên cấp độ cao hơn khi anh chợt nhìn thấy ánh trăng rơi đáy giếng: "Người về khăn đẫm màu sương/ Ngó trăng đáy giếng mà thương phận mình"("Quan họ - II"). Từ góc độ tiếp nhận, người đọc có cảm giác, cặp quan họ của Nguyễn Hoạt có sức dẫn dụ, hé mở tâm hồn, nhất là tâm hồn những ai đa cảm. Nó vừa bàng bạc nỗi buồn nhân thế, vừa như tiếc nuối một cái gì đã mất, nhưng lại có sức hấp dẫn bởi vẻ đẹp trầm lắng của sự trung thực đến tận cùng.
Cũng bởi tứ tuyệt của nguyễn Hoạt thường buồn, vì thế anh có nhiều tâm hồn đồng điệu. Những hình ảnh "năm canh giã bạn sáu canh sầu", "khăn đẫm màu sương", "ngó trăng đáy giếng", "lòng se se lạnh", "con đê hao gầy", "sương lạnh ánh trăng chày", "thở dài một tiếng vắt vai"... đều là những trạng thái tâm hồn được điển hình hóa tạo ra cảm giác chông chênh khi ta nhìn về quá khứ bằng con mắt của một kẻ lãng du.
Với Nguyễn Hoạt, từ cú, hình ảnh, vần điệu và đôi khi cả ý tưởng đều không tách rời mà tất cả đều gộp lại thành một khối gọi là "nghệ thuật" như chiếc kính vạn hoa khi ta thay đổi góc nhìn. Thơ Nguyễn Hoạt chỉ có thể cảm chứ không thể phân tích, và, cường độ cảm cành mạnh thì độ phát sáng càng cao, biên độ dao động thẩm mỹ càng rộng. Điều này được minh chứng khá xác thực qua những câu: "Sông dài đê mấy khúc cong/ Đi thẳng thì vấp đi vòng thì xa"("Phía"), "Cõi người một kiếp đong đầy/ Cõi trời sáng tối chân mây lập lờ"("Cõi"), "Thở dài một tiếng vắt vai/ Lặng phăng phắc gót chân mài đường trâu"("Không đề - II").

Chu Ngọc Phan, "Đãi cát"

Chu Ngọc Phan mượn câu tục ngữ "đãi cát tìm vàng" để nói về sự khổ công tìm tòi câu chữ của cả một đời thơ may ra mới có được vài câu vừa ý. Đây còn là hình ảnh ẩn dụ, nói thì đơn giản nhưng làm  được lại không dễ.
Ở mảng lục bát, họ Chu có lối cấu trúc gần với ca dao tứ tuyệt. Thơ được khai triển theo chiều dọc. Hai câu đầu thường là miêu tả cảnh vật hoặc trần thuật ngắn gọn sự việc, hoàn cảnh. Câu thứ ba có chức năng định dạng thông tin. Câu thứ tư mới chính là linh hồn của bài. "Chữ thầy", "Hồ Gươm", "Mục Nam Quan", "Chùa Đồng" và "Chiều" là những bài lục bát tứ tuyệt mang đặc điểm phong cách trên.
Chu Ngọc Phan có sở trường viết lục bát đăng đối giữa hình ảnh và tâm trạng, giữa trực cảm và suy tưởng. Đọc "Mục Nam Quan" có thể thấy thấp thoáng ký ức lịch sử bi hùng được tái hiện qua cảnh Nguyễn Trãi tiễn cha lưu đầy: "Hành hương ngược lối Đồng Đăng/ Biên cương đá dựng, sương giăng Chóp Chài/ Nhớ xưa phụ tử lưu đày/ Nao nao lối cũ, dấu giày Ức Trai". Bài thơ xem như một khúc ai ca trước cảnh nước mất nhà tan, phụ tử phân ly, là một biểu hiện thái độ trong cảm xúc của người công dân - thi sĩ trước những khúc quanh lịch sử dân tộc.
Cùng âm hưởng với "Mục Nam Quan", "Chiều" được xem là một lục bát tứ tuyệt man mác buồn của thể loại ca dao trữ tình. Nếu câu "Ven sông hoa dại nở đầy hoang hiu" gợi cho người đọc cảnh tà dương sau khi đã "ngấm say" ánh chiều, thì đến câu kết "Thuyền ai ngỡ tưởng cánh bèo tha hương" là nét cọ cuối cùng khép lại bức tranh phong cảnh "Hoàng hôn trên sông" bằng gam màu lạnh. Dòng sông "nghèo" mịt mờ sương khói, con thuyền lẻ loi, mong manh như cánh bèo tha hương là khoảnh khắc của sự thăng hoa đến với cái mông lung, huyền ảo của cái tôi trữ tình.
Viết về sông Thương, Chu Ngọc Phan có bài "Nhớ bạn" khá ấn tượng. Đây là tứ tuyệt tự do nhưng cách bố cục lại gần với thể thất ngôn. Mở đầu, người thơ "Nâng chén với dòng Thương", và kết thúc bằng lời cảm khái "Sông vô tâm, nước vẫn chảy đôi dòng". Với cách sử dụng từ cú và hình ảnh như vậy, có thể thấy, uống rượu với sông chỉ là một dạng thức phiếm chỉ. Thêm nữa, tiêu đề "Nhớ bạn" không mang tính bao quát mà tư tưởng của nó được bộc lộ qua những độc thoai tâm trạng nhà thơ, trong khi dòng sông, cánh buồm chỉ đóng vai trò bối cảnh. "Nhớ bạn" là thiên tứ tuyệt khiến người đọc xao xuyến một nỗi buồn vu vơ...

Thân Văn Tập, "Trăng lay nhẹ bóng"

"Trăng lay nhẹ bóng" của Thân văn Tập chỉ có một bài lục bát, phần còn lại là các dạng tứ tuyệt, trong đó có sáu bài thất ngôn. Thất ngôn tứ tuyệt của thi sĩ quê gốc ở Việt Yên này chẳng những giầu hình ảnh, thoang thoảng hương đồng gió nội như một bức tranh quê mà còn tìm được tứ độc đáo. Ở bài "Văn miếu" có hai câu "chuyển" và "hợp" ẩn dụ một hiện tượng bất cập về văn hóa cũng như cách sử dụng nguyên khí quốc gia khiến người đọc phải suy ngẫm: "Hiền tài còn ẩn ngoài Văn miếu/ Sông núi trời Nam vượng khí đầy".
"Ngủ quên" được xem là bài tứ tuyệt có cách diễn đạt hiện đại từ cả hình thức khai triển ý tưởng đến hình ảnh và nhạc điệu: "Trăng ngủ võng đò đưa đợi bến/ Chị Hằng buông thả nõn búp măng/ Thương lũ cá cố bơi chẳng tới/ Lăng xăng đớp bọt ngỡ trăng rằm". Ngủ quên là một hành vi bất chợt, nhưng chính bởi ngủ quên trong khung cảnh huyền ảo như không gian cổ tích mới bắt gặp hiện tượng kỳ thú cá đớp bọt mà cứ ngỡ trăng rằm. Cổ tích mà hiện đại. Bài thơ lung linh sắc màu gợi niềm cảm hứng trong giấc mơ của thi sĩ ngủ quên.
Cách lập ý song hành cùng với diễn đạt tình, ý theo từng nhịp cảm xúc hướng nội dường như đã định hình phong cách tứ tuyệt Thân Văn Tập. Ở bài "Lời em", rừng xanh, dòng suối và ánh trăng làm bối cảnh cho người con gái tắm đã đẩy cảm xúc nhà thơ đến cấp độ bồng bềnh nửa say nửa tỉnh. Ngôn ngữ thi ca qua cái nhìn duy mỹ bỗng nhiên chuyển thành hình khối bởi hiệu ứng của những đường nét mờ nhòa: "Tưởng anh buông suối nghiêng dòng đón/ Em khỏa thân mình với nước xanh/ Ngờ đâu suối đục toan lùa bóng/ Em đành cô lẻ với trăng thanh".
Tứ tuyệt Thân Văn Tập là những câu chữ gan ruột được viết nên bằng nỗi đam mê của một tâm hồn lúc nào cũng như muốn cháy lên thành ngọn lửa. Thật ra anh chỉ mượn hình thức truyền thống, còn cái hồn của thơ thì luôn hiện đại.

Anh Vũ, "Lời khẽ"

Anh Vũ có một serie tứ tuyệt tuyển vào "Phận đèn" rất khác người. Lục bát bị đẩy ra khỏi trò chơi chữ nghĩa, anh sử dụng khá linh hoạt các thể loại thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ và phổ biến là bảy chữ, với cách diễn đạt tùy hứng nhưng không vì thế mà  giảm đi giá trị nghệ thuật.
"Lời khẽ" vừa là tiêu đề chung vừa là tên một bài tứ tuyệt ngũ ngôn, gần giống như bản di chúc tinh thần khi mà tác giả thấy mình đã ở bên kia dốc cuộc đời. Anh thương phận mình và thương cả thân phận người vợ tảo tần tóc chớm hoa râm, dù vẫn biết quy luật nghiệt ngã là con người không thể thắng thời gian. "Lời khẽ" là diễn từ "tri thiên mệnh" nhưng cũng thấp thoáng nụ cười độ lượng từ cái nhìn minh triết: "Buồn vui nửa thế kỷ/ Có lúc tự quên đi/ Thương tóc em rớm bạc/ Liu riu câu thầm thì". Những từ "rớm bạc", "liu riu", "thầm thì" đúng là thanh âm dịu dàng, từ tốn bật ra khi người nghệ sĩ ngộ được lẽ sinh tử, chợt ngoái nhìn chặng đường gập ghềnh mình vừa khó nhọc vượt qua.
Chỉ với mười sáu chữ, "Biển", đọc nghe giống đồng dao hoặc vè nhưng lại là thi phẩm mà hình tượng thơ vụt "thăng thiên" với dáng vóc bề thế, đầy góc cạnh, đủ sức cạnh tranh trong trường văn trận bút: "Biển ngầu bọt trắng/ Bão trượt tầm tay/ Dựng trong tâm tưởng/ Thuyền ngoài chân mây".
Tứ tuyệt của Anh Vũ được tinh giản đến mức tối đa về chữ nghĩa, cách diễn đạt lại phóng khoáng không câu nệ vào bất cứ quy tắc nào, nên văn bản của anh thường được sắp xếp theo một trật tự tối ưu về cấu trúc. Các bài "Thơ" và "Người thơ" có thể hiểu như một kiểu "tuyên ngôn nghệ thuật" qua cách nhìn của người họa sĩ tự vẽ chân dung mình: "Anh đâu biết những gì anh viết/ Tự chân trời mây khói hư vô/ Thì cứ đợi trái tim anh bất chợt/ Hiện hình lên khoảnh khắc nắng xô bờ". Cùng với bài "Bắc Ninh", "Tiền An em ngoe nguẩy tóc/ Phố chợ ai vừa gọi tên", đóng lại một chân trời hoài niệm, thì "Nhớ cha" là lời cảm thán về tuổi ấu thơ khi nghĩ về bậc sinh thành đã về cõi vĩnh hằng. Hình ảnh người cha - ông thợ hàn nồi, và "dặm ngàn người lữ khách" hiện về nghe như tiếng đồng vọng thiết tha: "Ông thợ hàn nồi ngồi đợi khách/ Câu thơ tự sự buột ra lời/ Là đó dặm ngàn người lữ khách/ Xanh xanh dương liễu tuổi thơ tôi".
Với "Lời khẽ", Anh Vũ tự ký họa chân dung mình theo mỗi bước thăng trầm của thân phận nhà thơ...


                                                                                 Chí Linh, 16 / 3 / 2012







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét