GIỮA BIỂN TRỜI
LỜI BẠT của
Nhà thơ
trong Tập thơ VŨ ĐÌNH HUY
Nxb Văn học, Quý I - 2012
Bìa Tập thơ
TÀU XANH LƯỚT
GIỮA BIỂN TRỜI
Tác giả
GIÁO SƯ - TIẾN SĨ - VIỆN SĨ -
NHÀ THƠ VŨ ĐÌNH HUY
Con người sở dĩ bay lên được là nhờ hai cái cánh: Văn học và Khoa học. Ở Giáo sư - Viện sĩ -Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Huy thì khoa học là lẽ sống chắp cánh cho hồn
thơ bay bổng. Thơ Vũ Đình Huy là thơ của con người một thời lý tưởng, như nhà thơ Hung ga ri Petôfi (1823- 1849) đã viết: “Tự do và ái tình/ Vì các ngươi tôi sống/Vì tình yêu lồng lộng/ Tôi xin hiến đời tôi/ Vì tự do muôn đời/ Tôi hy sinh tình ái”. Trong thơ Vũ Đình
Huy, “Tình yêu và Tổ quốc” đan quyện vào nhau kết thành một trái tim hồng để cất lên lời thơ – những lời bộc bạch của con tim – như một sự khẳng định, thật như chân lý:
- “Sống không có ích cho nhân loại
Thà chết ngay hơn sống đến già!”
(Tâm sự ngày xuân)
- “Tôi muốn sống cuộc sống đầy giá trị
Và chết đi vì hạnh phúc loài người!”
(Ý nghĩa cuộc đời)
- “Em ơi, Văn nghệ và Khoa học
Đưa đến tình yêu của chúng mình
Một cặp chim bay - Trời Tổ quốc,
Sông dài, biển rộng - bóng lung linh!”
(Rung động đầu đời)
- Ước mơ vươn tới đỉnh cao khoa học:
“Như chim chuyền cây này lên cây khác
Dần dần bay đến đỉnh núi chon von”.
(Đỉnh khoa học)
Thông minh, có tài, có chí, Vũ Đình Huy còn xác định rõ động cơ, mục đích học tập cao đẹp của mình:
Anh học nơi xa là nhiệm vụ
Về xây Đất nước đẹp tươi thêm.
(Thư dặn vợ đón xuân)
Hàng nghìn sinh viên , cán bộ của Việt Nam đã được sang Liên xô học tập; nhưng mấy ai vượt qua thời gian khổ, nhất là trong những năm trước và sau khi Liên xô sụp đổ (1991):
“Học bổng không đủ sống
Đành theo bạn đi buôn
Cõng hàng: mặt chúi xuống,
Mũi, mồm: dòng khói tuôn”.
(Một thời đi Tây)
Chỉ có ít người như Vũ Đình Huy đã không quên “Cha mẹ già trông mong/ Vợ đắp xây mộng ước” và nỗi bơ vơ nơi đất khách quê người: “Người xa Tổ quốc như chim lạc/ Ngơ ngác trời xanh chẳng của mình” mới dồn nghị lực để vươn tới thành công. Sau khi đạt được học vị cao nhất - Tiến sĩ khoa học - Vũ Đình Huy đã phải trăn trở , vật vã đấu tranh nội tâm để lựa chọn nơi “về”: Về với quê hương nghèo khó hay về với lời mời gọi của một số nước phương Tây giàu có:
“Về đâu Đất nước? Về đâu?
Tài năng lăn lóc buồn đau xứ người!”
(Về đâu?)
Cuối cùng, lòng yêu nước đã giúp Vũ Đình Huy đủ bản lĩnh quay lưng lại phía Tây, rồi đi mải miết về phía Đông - về với quê hương nhiều gian khổ - dù biết rằng còn phải trải qua một đêm dài vượt sóng gió trùng khơi mới đến được bờ bến bình minh:
“Phía Tây sáng áng mây hồng
Trước tàu trăng nõn bềnh bồng đằng Đông
Trời xanh trong, biển mênh mông
Tàu đi mê mải dù không thấy bờ“
(Tàu đi trong hoàng hôn)
NT NGUYỄN KHÔI
CÙNG CON TRAI, CHÁU NỘI
ẢNH: TẠI CHÂU ÂU
Trong nhiều bài thơ, Vũ Đình Huy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ như các bài thơ: Về Côn Đảo, Mặt trời ngân ngấn nước, Đất Thánh, Ngọn hải đăng,Viếng nghĩa trang Hàng Dương, Những liệt sĩ vô danh, Trước tượng đài chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Liệt sĩ thành cổ Quảng trị:
“Những mộ không tên hàng hàng ngang dọc
Như các anh vẫn nhịp bước quân hành
Mỗi ngôi mộ gắn một cờ Tổ quốc
Làm sáng thêm vẻ đẹp của từng anh!”
(Những liệt sĩ vô danh)
Anh trân trọng tấm lòng cao cả của Liệt sĩ: Xóa bỏ hận thù, cảm thông với cô hồn của người lính đã một thời ở bên kia chiến tuyến – lính Cộng hòa:
“Mẹ ơi, xin đắp mộ
Cho anh – lính Cộng hòa
Trước khi con chuyển chỗ
Về nghĩa trang, gần cha”
(Lời một Liệt sĩ)
Vũ Đình Huy thấu hiểu nỗi cô đơn, trống trải, đau khổ của những người mẹ, người vợ sau cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm (Nói với con ngoài giá thú, Lởn vởn khói bom, Đêm xay thóc):
“Đánh giặc anh đi... không trở lại
Mình em xay thóc... tối mênh mông
Đã xay cả trấu, xay, xay mãi
Mây phía đằng Đông vẫn chẳng hồng!”
(Đêm xay thóc)
Đứng trên giàn khoan dầu khí, giữa biển trời tự do của Tổ quốc, Vũ Đình Huy tự hào trong lao động dựng xây Đất nước phồn vinh:
“Đường chân trời viền quanh
Giàn khoan thành điểm giữa
Sáng trên giàn ngọn lửa
Như cờ phần phật bay”.
“Trời biển đang chuyển màu
Dầu vẫn tuôn ào ạt
Ngọn lửa dài tiếng hát
Át sóng gầm đuổi nhau”
(Trên giàn khoan dầu khí)
(Bão đến giàn khoan)
Phát triển ý thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi tàu ta đó – Mũi Cà Mau”, Vũ Đình Huy đã thấy Đất nước ta như một con tàu bốn mùa xanh tươi đang lướt giữa trời biển bao la, thẳng tiến về phía trước, không gì ngăn cản được:
“Tàu xanh lướt giữa biển trời
Sóng to, gió lớn không dời hướng đi!”
(Tàu xanh lướt giữa biển trời)
Học thành tài về phục vụ Đất nước – đó là niềm vui trọn vẹn của Vũ Đình Huy. Thơ mảng này của Anh có sức mạnh truyền cảm, cho chúng ta thêm niềm tin và hy vọng ở tương lai. Vế thứ hai của Thi nhân, đó là sự giãi bày, tự độc thoại với mình, trò chuyện với vô biên (như bâng quơ, như không với ai cả - biết ai là tri âm, tri kỷ đây?), đó là tiếng kêu thầm thì của con tim Thi sĩ trước nỗi đau vì những người thân đã về cõi vĩnh hằng:
- “Tin về. Thầy giảng nửa chừng
Lớp rưng rưng lệ, bút ngừng giữa câu!
Thúc Mừng ơi, Thúc Mừng đâu?
Trống không một chỗ... mà đau cả Trường!”
(Khóc bạn ThúcMừng)
- “Mơ ước cao xanh... đành như lá rụng rơi
Quằn quại, quay cuồng, cuốn theo chiều gió thổi
Tiếng quạ nấc lên giội vào anh bóng tối
Một giọt lệ tan thấm lạnh đất quê người!
(Khóc Vũ Đình Hạnh)
- “Cha có bảy con
Trai gái quây quần
(Hai đứa là Tiến sĩ)
Hợp lòng, hợp chí
Không nhấc nổi Cha khỏi vải liệm thô dày
Một lạy này
Xin nhận tội trước mồ Cha!”
(Khóc Cha)
- “Bồng bềnh giữa rừng hoa trắng
Trên dòng suối lệ tiếc thương
Con đi về miền yên lặng
Nhắc đời: còn đó tai ương!”
(Thương tiếc con Vũ Thị Hoàng Anh)
Trong bốn cái khóc đau đớn trên, có lẽ cái khóc con gái trinh trắng là đau nhất, bằng cái “yên lặng” kinh người!
Tình yêu của Vũ Đình Huy là thứ tình yêu xuyên suốt cuộc đời:
“Sương mù dâng tối, dâng mai
Hai đầu nỗi nhớ... đêm dài bắc qua’
(Hai đầu nổi nhớ)
Với cuộc đời một Nhà khoa học, thế là đủ, chẳng cần phải dài lời.
*Về nghệ thuật thơ Vũ Đình Huy:
Cái HAY của thơ Vũ Đình Huy không phải ở phần chữ nghĩa (trò chơi ngôn ngữ, “cách tân” để khác người), mà là ở tâm hồn chân thực, trong sáng. Hình tượng thơ xây dựng trên những cảm xúc trước “những khoảnh khắc đặc biệt” để bừng nở thành những ý mới, tứ lạ, rất sâu sắc, gây xúc động lòng người! Là chàng trai Kinh Bắc (Đáp Cầu - Bắc Ninh) nên ngôn ngữ thơ Vũ Đình Huy cũng đượm chất Quan họ: nó nhẹ nhàng, nền nã, ý vị, thắm đượm tình người.
Với TÀU XANH LƯỚT GIỮA BIỂN TRỜI ở Vũ Đình Huy Thơ và Đời là một. Được và mất với thân phận con người của một Nhà khoa học có lẽ cũng khá cân bằng để ta biết thương người và yêu đời hơn. Đời, phía trước vẫn là:
“Bâng khuâng đứng giữa năm đường rẽ
Anh muốn tìm em, rẽ lối nào?”
(Ngã năm bâng khuâng)
Góc thành Nam – Hà Nội, 12 -10 -2011
NGUYỄN KHÔI
(Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội)