Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

VỚI NGUYỄN ANH NÔNG... LỜI TỰA CỦA NT ĐỖ TRỌNG KHƠI




          



VỚI NGUYỄN
            ANH NÔNG VÀ THƠ


                    

NHÀ THƠ ĐỖ TRỌNG KHƠI
                                                                              


    ĐỖ TRỌNG KHƠI

     
LỜI  TỰA 

         Vào buổi tối một ngày hè thì phải, cô cháu tên là Len đưa Nguyễn Anh Nông tới nhà tôi chơi. Cô cháu làm giáo viên dạy văn học tại một trường cấp II. Ngôi trường đặt bên bệnh xá xã, nơi vợ nhà thơ làm y sỹ ở đó, do vậy mà họ quen nhau. Mấy hôm trước cô cháu đã ngỏ ý sẽ “đưa một nhà thơ trẻ tới thăm chú...”. Nguyễn Anh Nông là sỹ quan quân đội, ngày đó còn đang đồn trú tại Cao Bằng, năm đôi ba lần đáo về quê Thái Bình thăm vợ con. Từ buổi tối gặp gỡ đó tới nay có nhẽ cũng ngót một phần tư thế kỷ đi qua rồi. Thời gian đã đầy cao đã xa xôi dường ấy, tôi giờ trí nhớ đã có phần suy giảm, nhưng buổi tối đó thì còn nhớ như in. Nông đến cùng với một cậu em nhỏ tuổi nữa, cuộc chuyện diễn ra hơi nhạt. Nghĩ lại mà thấy thương trách cho mình quá. Mới lần đầu gặp, tôi thì cà tẩm nhà quê, Nông thì vẻ e dè. Nhưng có nhẽ, điểm chính là do cả hai đứa đều mới là những anh lính tò te của nghiệp bút nghiên, chưa hiểu mấy về nghề, cũng chưa biết nhiều chuyện làng văn, nên cả hai đều ít có điều để nói. Lại sực nhớ, cậu em nhỏ đi cùng Nông tối đó nay đã thành ra người xưa. Nghe đâu cậu ấy mất bởi bệnh ung thư. Chao ôi, một nhân chứng trẻ trung dường ấy của buổi gặp bạn bè đó đã vội đi qua một lần sống. Văn chương quả là câu chuyện di mệnh xương máu vô cùng thương mến của kiếp người, sự đời.
         Thơ Nguyễn Anh Nông những ngày đầu không gây ấn tượng gì đáng kể với tôi. Chơi với nhau đôi chục năm, phải nói thực, khoảng vài ba năm nay Nông mới khiến tôi giật mình để ý tới hành trạng thơ ông. Thật kinh ngạc về sức bút ông những ngày này. Chỉ trong một năm ông viết liền tù tỳ trên ngàn khúc thơ ngắn, sau lựa in tập Lững thững xanh, với trên 300 khúc. Và cũng chỉ trong ba năm ông viết xong 3 tập trường ca, tập Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn dài 9 chương, với cả ngàn câu thơ mà ông viết chỉ trong có ... nửa tháng. Và rồi sau đó, với một tuần ông lại viết thành công phần trường ca Lập Thành. Thật khủng!
         Trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn được cấu trúc, lập tứ (một cái cớ, sự hình dung) qua hành trạng thời gian một số phận con người cụ thể. Cu Lập Sơn được ghi nhận của tác giả thơ, là sinh vào: “Mùng 1 tháng 7 năm 2010 lao ra như tên bắn một sinh linh bé bỏng đã thành người rồi sẽ thành nhân loại khác...”. Nghĩa là tính đến thời điểm trường ca hoàn thành, tháng 4 – 2011 thì nhân vật thơ Lập Sơn mới được 10 tháng tuổi; và để rồi từ đó, nhà thơ khắc hoạ trong hình dung, suy tưởng thơ ca của mình một quá trình, đời sống, một số phận con người với bao những va đập, tiếp nhận, hoá thân, chuyển hoá, biến cải, tái tạo, hợp thành qua tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội trong trật tự, hài hoà và dường như hàm chứa cả sự phôi sinh nguyên khôi, còn đấy những ngổn ngang, hỗn mang với những quy luật vận động của nó. Qủa thực, trường ca này đã làm nên một hợp thành khá đầy đủ, bề thế về một phần sống thế gian giầu thi vị.

VỢ VÀ CON TRAI (ĐỖ LẬP SƠN) CỦA NT  ĐỖ TRỌNG KHƠI 
 
     Trường ca Lập Thành, tuy viết sau một thời gian không xa (10 - 15/1/2012) và cùng chung bầu cảm xúc nhưng nó đã được thể hiện với bút pháp riêng, khác hẳn với trường ca Lập Sơn. Đây cũng là điểm chứng tỏ năng lực dồi dào, phong phú của sức bút thơ Nguyễn Anh Nông. Trường ca Lập Thành được dựng trong một không gian thân gần, trong trẻo, tươi mát, đó là khoảng không gian làng quê trong một thế giới hoàn toàn của trẻ thơ. Trong thế giới đó, cu Lập Thành sống với tuổi thơ ngây cùng cây cỏ, đồ vật, cách chơi, cách nghĩ, suy tưởng của mình. Cu ta hồn nhiên chơi, hồn nhiên đặt ra điều kiện và sự giải nghĩa đời sống. Tưởng như chỉ hồn nhiên, trẻ con thôi, ấy vậy mà có khi “những trò trẻ” đó ít nhiều lại chạm được tới tính khẳng định hay phủ định các giá trị. Do vậy, từ điểm nhìn này mở ra cho thấy nhà thơ lập cấu trúc tác phẩm có điểm giống như nhà tư pháp lập ra bản quy ước, khế ước đảm bảo trật tự cho một quy cách hoạt động xã hội. Giọng văn của hai trường ca Lập Sơn và Lập Thành thật đa dạng. Khi thì trào lộng, hóm hỉnh, dí dỏm, phiếm chỉ, phúng dụ, cách ngôn, lúc lại trang trọng, nghi lễ và nó đã được xây dựng qua dạng chuyện kể, dạng giai thoại, lẫn tính huyền thoại, huyền ảo… Nhờ vậy mà hai trường ca này kết cấu nhịp điệu, hình ảnh hiện đại song vẫn cho thấy thấp thoáng loại hình trường ca giọng kể (kể Khan) của bút pháp cổ điển, dân gian.
         Giá trị nghệ thuật thơ - trường ca của tập Trò chuyện với cha con Cu Lập Sơn và Lập Thành, hẳn còn phải chờ sự thẩm định của thời gian, bạn đọc, của các nhà nghiên cứu phê bình văn học mới có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá đầy đủ, sâu sắc.
         Trong quan niệm của tôi, nghệ thuật thơ có 3 ngưỡng cần đạt tới, là: Mới, Lạ, Hay, cũng gần quan niệm về Tinh - Khí - Thần - cái ngôi Tam bảo của cõi sống thơ ca. Để đạt được đầy đủ 3 yếu tố nghệ thuật trên là vô cùng khó khăn. Ấy là con đường của những bậc đại tác gia, con đường của loài gió chuyển mùa, vô hình tướng mà đi tới đâu để lại khí sắc mùa màng riêng biệt tới đó. Thơ Nguyễn Anh Nông, qua trường ca Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn và Lập Thành khá “mới”, có yếu tố “lạ” và có những câu, trường đoạn hay. Hi vọng tôi không quá lời khi nói “ thơ ông đã chạm tới cái ngưỡng của sự mới, lạ - điều vô cùng quan trọng của cõi sống thơ”. Thiết nghĩ, về nghệ thuật đạt vậy cũng đã là một thành tựu rất quý giá rồi. Với tư cách một người bạn thơ của ông, thành thực phải nói, thơ tôi chưa có được thành tựu vậy. Bởi vậy tôi mừng cho bạn lắm. Còn hơn một lần mừng vui, tự hào, tác phẩm Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn và Lập Thành là ông dành “trò chuyện” với cha con tôi. Gia đình tôi xem đây là một tín hiệu vui, dự báo trước về hành trình tốt lành trên đường đời hai cháu Lập Sơn và Lập Thành với nhiều yêu thương, trân trọng. 
                                     TP Thái Bình, ngày 1/2/2012
                                                       (Ngày cu Lập Thành tròn tháng tuổi).
                                                                       ĐỖ TRỌNG KHƠI
                 
                                                                               
          
         * Từ Email Đỗ Trọng Khơi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét