NGUYỄN HỮU SƠN
( Nhà văn, Viện Văn học)
... Bài thơ Ở nghĩa trang Vị Xuyên, tác giả hình dung rõ thêm một khía cạnh khắc nghiệt của đời sống hiện thực, trong ý thức công dân, trong cái nhìn phê phán những mặt trái:
Tuổi hai mươi trọn cuộc đời
Mấy ngàn bia mộ trắng đồi Vị Xuyên
Suối vàng đâu dễ giấc yên?
Giàu sang bao kẻ triệu lên “độ trì”!
Chính ở đây nhà thơ đã góp phần phát hiện, lay động trở lại trái tim con người, báo động cái nguy cơ trục lợi... Thơ cứ bình dị như thế mà khơi gợi giữa hai bờ hư thực và tự nó thức tỉnh...
(Trích Đọc Rêu thức -Tập thơ D.P)
ANH VŨ
(Nhà thơ)
... Chả hiểu Mẹ nuôi có phải là bài thơ đầu tay của nhà thơ Duy Phi hay không? Nhưng rõ ràng đây là thi phẩm sáng giá...
Mẹ nuôi, mộc mạc với lời lẽ tự nhiên, lại pha chút hóm nghịch, thấm đượm tình quê tình người dân dã. Dạng thơ có truyện, mạch thơ mang hồn cốt truyền thống, cấu tứ dung dị, lại có được phẩm chất khoẻ khoắn linh động của thi ca hiện đại. Nào là Quê mẹ kề bên chân núi Trúc/ Ruộng đồng thời vụ bận quanh năm/ Công việc bộn bề theo tóc bạc/ Chậm chuội cơm ăn nhọc giấc nằm. Nào là Thầy tôi không hỏi nữa lặng im/ Tôi nằm ôn lại tự ngày lên/ Rừng xanh núi đỏ mây giăng đặc/ Mà trong hơn suối ngọt hơn sim...
Như Mẹ nuôi đầu đời hé lộ, hồn thơ Duy Phi dung dị và tha thiết lắm. Hướng đến cái đẹp thuần mỹ, chân thiện, thơ Duy Phi tuy vận động chậm nhưng luôn có trăn trở, từ thực đến lạ, từ lạ đến ảo hoá. Tôi thật mừng cho bạn, là những năm gần đây câu chữ Duy Phi đa nghĩa đa chiều hơn, phập phồng sự sống hơn bởi những khoảng tối, khoảng nhoè mờ lung linh...*
(Duy Phi- Ngọn lửa tự nuôi mình)
VƯƠNG TÙNG CƯƠNG
(Nhà thơ)
Gửi bạn sông Thương
Tặng Duy Phi
Từng qua nghìn dặm đất
Lại neo về sông Thương
Chắt câu thơ bạc tóc.
Bút xới nhàu đêm trường
Chữ thánh hiền đa mang.
Miền khai tâm trăng sáng
Tìm bạn văn thưa vắng
Lánh chợ đời bon chen
Dẫu biết là đục trong
Ngàn năm sông vẫn chảy
Hồn nương cõi Thần minh
Đường thi nhân không mỏi
Nâng chén thơ run rẩy
Dốc cạn cùng hoàng hôn
Lặng ngấm men thi sĩ
Chịu ơn cả nỗi buồn...
ĐẶNG TIẾN HUY
(Nhà văn)
Bài thơ Nhà xưa rõ ràng theo bút pháp cổ điển, nhưng theo khuôn phép khắt khe của thể Đường luật:
Mẹ khuất mấy thu sân cỏ lan
Bể không người vục nước mưa tràn
Xoã tóc tìm mình tìm chẳng thấy
Lạ lùng ai đó bóng thời gian?
Hình ảnh người mẹ luôn ẩn hiện trong thơ ông. Vẫn thất ngôn tứ tuyệt, toàn bài 28 chữ, bài thơ ôm chứa, thâu tóm được cả thời gian, không gian, tĩnh và động, mất và còn, quá khứ, hiện tại, tương lai. Câu cuối Lạ lùng ai đó bóng thời gian? là một câu hỏi tu từ đắc địa...
Thơ Duy Phi đậm chất Á Đông, lại có sự vận động để tìm ra cho mình một nét riêng - nét riêng đó là sự dồn nén, kiệm lời, chắt lọc tinh tuý, là sức lay động, lan toả trong lòng bạn đọc...
(Trích lời bình)
ĐỖ NHẬT MINH
(Nhà văn)
Trong số các nhà thơ tôi quen biết, có lẽ Duy Phi là cây bút viết nhiều nhất về tình yêu. Những cung bậc tình yêu đều được anh viết với một ngôn ngữ khá chọn lọc và hình ảnh gợi cảm. Có bồi hồi, nhớ nhung. Có giận hờn, say đắm. Có bâng khuâng, thổn thức: Nếu chia ta đến tận cùng bé nhỏ/ Tận cùng nào không mang bóng em anh (Tận cùng), Cháy tay chợt biết lòng đang cháy/ Đèn có tim đèn, anh vắng em (Tim đèn), Năm cũ vài giây còn trông ngóng/ Chợt ấm kìa em với nhánh đào/ Mới hay trời đất ươm tình ý/ Đợi đúng giao thừa xuân mới trao (Giao thừa)... Cái giọng thủ thỉ, nhẩn nha của anh quả có sức lay động.
Có lần tôi bộc bạch với Duy Phi: “Tôi không học ở đâu xa mà chính từ anh. Sức làm việc của anh thật là ghê gớm”. Nghe vậy, Duy Phi chỉ khẽ cười. Anh lao động thật “khủng khiếp”, chí ít cũng là so với tôi. Duy Phi là một người luôn vượt lên. Anh cần mẫn lặng lẽ làm việc ngày đêm. Dường như với anh, lao động trên trang giấy là một niềm hạnh phúc nhất.
NGUYỄN BÙI VỢI
(Nhà thơ)
(Nhà thơ)
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ Em của Duy Phi nhiều lần, càng đọc thì hình ảnh người phụ nữ nông thôn cứ như cô Tấm vừa bước ra từ quả thị: Sớm sớm em đi làm/ Đỏ lửa từ gà gáy/ Con dậy, cơm canh đấy/ ăn no con đùa chơi... Khổ thơ viết tự nhiên như không mà ám ảnh ngọt ngào. Khổ thứ hai vẫn tự nhiên và giản dị như thế: Những chiều về mồ hôi/ Áo nửa khô nửa ướt/ Con khát lăn vào ngực/ Là lúc em nghỉ ngơi
Không phải nói gì về sự mệt nhọc của người vợ sau một ngày lao động, chỉ cái Áo nửa khô nửa ướt đã nói lên rất nhiều điều. Chữ lăn thật đắt. Đứa trẻ vừa thèm hơi mẹ, vừa thèm sữa mẹ, thấy mẹ là trằn ra đòi bằng được. Con bú dòng sữa ngọt ngào của mẹ để lớn lên cũng chính là rút cạn đi một phần sinh lực của mẹ, nhưng chính lúc con bú Là lúc em nghỉ ngơi! Câu thơ đọc thầm mà nghe buốt ruột...
Chỉ có hai câu kết: Em mãi là tiếng hát hát/ Trong cuộc đời riêng tôi là chưa xứng với toàn bài. Tuy vậy, trong tập Thơ tình tặng vợ (NXB Thanh Niên, 2000) có 370 bài, nhưng số bài thật thơ như bài Em này chắc không thể đến 10%...
(Nguyễn Bùi Vợi & Những bài thơ hay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét