BÀN VỀ TẬP THƠ
LỮNG THỮNG XANH
CỦA NGUYỄN ANH NÔNG
NXB VĂN HỌC
NĂM 2010
Đến tháng 12 năm 2011 đã có 5 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình viết về tập thơ LỮNG
THỮNG XANH, gồm các tác giả:
1- NGUYỄN BAO: TẢN BƯỚC CÙNG LỮNG THỮNG XANH
2- LÊ VĂN VỌNG: ĐỌC LỮNG THỮNG XANH
3-PHẠM THUẬN THÀNH: VỚI NGƯỜI THÁCH THỨC CHÍNH MÌNH
4- ĐINH QUANG TỈNH (BA TỈNH): NHỊP ĐIỆU BA; NHỮNG HÒN BI VE
5- CHU VĂN SƠN: HỒN RAU MÁ
Xin giới thiệu với bạn đọc 3 bài trong số bài viết đó: TẢN BƯỚC CÙNG LỮNG
THỮNG XANH( NGUYỄN BAO); ĐỌC LỮNG THỮNG XANH(LÊ VĂN VỌNG) HỒN
RAU MÁ(CHU VĂN SƠN)
NGUYỄN BAO
TẢN BƯỚC CÙNG “LỮNG THỮNG XANH”
(Đọc LỮNG THỮNG XANH của Nguyễn Anh Nông, NXB Văn học, 2010)
Với Nguyễn Anh Nông, một tác giả đồng hương đang làm việc ở
Điện ảnh Quân đội, ấn tượng luôn luôn đậm nét trong tôi: một cây bút
xông xáo, mạnh mẽ và trường lực! Tôi đã đọc 6 tập thơ và trường ca của
anh được công bố trong gần ba mươi năm. Tôi cũng đã đọc bản thảo của
vài tập trường ca và hàng ngàn bài thơ ngắn, cực ngắn như một nét tốc
họa giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang đang cuộn chảy, sôi sục…
Giờ đây, tôi muốn nói về tập thơ mới nhất, với cái tên sách nhiều gợi
cảm, tỉa ra từ cánh rừng, ào ạt gió, rậm rạp lá cành của hơn nghìn bài thơ
ngắn.
Tên sách “ Lững thững xanh” gợi cho ta sự lắng đọng, trầm tĩnh
đồng thời cũng ẩn chứa cuộc sống đa chiều như nó vốn có.
Thấp thoáng đằng sau “ Lững thững xanh” là bóng dáng một con
người đã đi qua nhiều năm lửa đạn, đã trải qua bao ghềnh thác của dòng
sông- đời người… nay lắng lại trong trẻo và đáy nước soi thấu trời xanh,
gạn lọc bao nỗi niềm nhân thế và lưu lại những gì đáng nhớ nhất còn
đọng lại trong tâm tưởng và cảm xúc: những gì tinh khiết và bao dung,
mềm mại và chắt lọc…nhưng vẫn thấp thoáng một nụ cười hóm hỉnh và
những nỗi đau không che giấu.
Chỉ có trải qua mọi thử thách của cuộc sống, qua trăm nghìn tình
huống khắc nghiệt buộc chủ thể phải tỉnh táo và quyết liệt, vô tư và
trong sạch mới có được một cách ứng xử đầy tính nhân văn, những lát
cắt phơi bày được bản chất hiện tượng xã hội. Tôi tin là những giây
phút “ Lững thững xanh” đã giúp Nguyễn Anh Nông nhặt được ngay
dưới bước chân mình, trong tầm nhìn ngay trước mắt mình bằng những
gì độc đáo, cô đọng mà có tính ẩn dụ cao, nói được hồn vía, cốt lõi của
hiện tượng, xã hội. Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng, trong một ánh
chớp vụt hiện, chiều sâu cốt lõi của sự vật đã được bộc lộ dưới một
hình tượng mang tính triết học. Sức gợi, sức ngân của những dòng thơ
cực ngắn mở ra những liên tưởng, xới những “vấn đề” vốn có sẵn trong
lòng người đọc và hướng người ta cảm thụ và nghĩ rộng hơn mọi chiều
hướng.
Những cái nhìn có tính lịch sử và dân tộc, triết học và thời đại,
dân dã và bác học…tất cả xen cài và hỗ trợ nhau, giúp cho “ Lững thững
xanh” toát lên một trí tuệ, một bản lĩnh sống, một bộ lọc tinh nhạy, cung
cấp một cách nhìn để người đọc suy nghĩ tiếp. Một bức tranh nhiều
khoảng trống để người xem tự phát hiện thêm trong quầng sáng một
ngọn đèn…
369 lát cắt cuộc đời, 369 bức tranh nhỏ trong hàng nghìn bài thơ
ngắn của Nguyễn Anh Nông.
Xin hái vội vài nụ nhỏ theo sở thích riêng của người viết để cùng
kiểm nghiệm, thưởng thức:
Mái đình cong vầng trăng/ Cánh hạc bay ngang tầm tay
với/ Bì bõm chiều sương giăng.
Khuê Văn Các trang văn/ Chảy lấp lánh ngàn năm lịch
sử/ Chảy trong hồn nhân gian.
Chàng trai chần chừ/ Vực thẳm đèo cao không ngại
bước/ Bồn chồn ngượng ngập ngõ hương đưa.
Vinh quang nặng như núi/ Có thể nhấc bổng lên chót
vót/ Hoặc vùi sâu đáy mồ.
Khói rơm thơm trên đồng/ Dịu dàng ký ức ngày trở lại/
Ôm ngực nhớ cơn ho…
Tôi nhớ lại bài thơ “Lửa và hoa”, Nguyễn Anh Nông từng viết:
“ Đã không có lửa trong lòng
Đừng mơ hái một cành hồng tặng ai”
Với “ Lững thững xanh” tác giả chắc chắn có thể hái một mà
hơn một để có chùm hoa tặng người yêu thơ.
Tôi quí sự nhập cuộc năng nổ đến xông xáo của tác giả “ Lững
thững xanh”, tôi cảm nhận được độ ấm nóng của ngọn lửa trong
lòng Nguyễn Anh Nông.
Chỉ mong sao: trong cuộc sống quá bộn bề, trong dòng chảy
trong-đục có lúc xáo trộn của dòng đời… Nguyễn Anh Nông kịp
lắng lại để khai thác vùng mỏ có trữ lượng cao, tinh luyện công
phu để vàng ròng lấp lánh hơn nữa.
Điều đó khó, nhưng chúng ta tin là tác giả đã có đủ điều kiện
cơ bản để thành công: anh có sẵn “ lửa trong lòng”.
Hà Nội, 13/12/2010
LÊ VĂN VỌNG
Đọc sách
LỮNG THỮNG XANH
(Thơ Nguyễn Anh Nông-NXB Văn học, năm 2010)
Lững thững xanh, cái tên nghe vừa yên bình vừa thư thái. Nó gợi
cho ta cảm giác mát mẻ êm ái như giữa một ngày thu thả bước thong
dong trên đồng cỏ, bỏ lại phía sau cái ồn ào xô bồ, sự hối hả bon chen
trong guồng quay chóng mặt nơi phố phường chật chội. Nhẹ bước giữa
màu xanh, thả bước vào mênh mông vô cùng vô tận, đó chẳng phải là sự
trở về bản ngã của một con người dưới thiên chức nhà thơ đó sao!
Mang tâm tưởng ấy, tôi đọc tập thơ Lững thững xanh của Nguyễn
Anh Nông. Tập thơ có 369 bài mô “phỏng theo” thơ haiku Nhật Bản.
Thơ haiku rất ngắn, song hàm súc, đa âm nghĩa. Một bài Hai Ku chỉ có
23 dòng. Dòng đầu và dòng thứ 3 đều có 5 từ, dòng thứ 2:7 từ. Khi nói
tới Hai Ku người ta thường nghĩ đến nhà thơ Nhật Bản kiệt xuất Matsuo
Basho (1644-1694). Thơ haiku thường mỗi câu đã đủ ý, có thể đứng độc
lập; song cũng có nhiều bài các câu kết nối với nhau, bổ sung cho nhau
làm nên sự lung linh tỏa sáng của bài thơ.
Đề cập đến nhiều vấn đề, góc cạnh của đời sống, mối quan hệ. Tình
yêu con người, vẻ đẹp thiên nhiên, nỗi bất hạnh và khổ đau, chia li và
hạnh ngộ… tập thơ Lững thững xanh cho ta một cái nhìn bao quát về
nhân tình thế thái, vẻ đẹp, long vị tha, cả những trở trăn, sự bất an giữa
một xã hội đang từng ngày vận động; ở đó có những điều đã được định
hình và chưa định hình theo một mô thức Hai Ku. Lật dở ta bắt gặp trong
tập có những bài khá thú vị mà rất haiku: Ba Vì hay Tam Đảo/ Em đứng
ngóng chờ ai? Gió mưa bao giờ tạnh. Mượn cảnh vật để nói tâm trạng
con người: Tiếng ve kêu ruỗng đêm/ Ánh trăng non rạo rực/ Cây súng
lạnh âm thầm. Cuộc chia tay người đi người ở, bài thơ 17 chữ không có
chữ buồn nào, song người đọc vẫn nhận ra một nỗi buồn mênh mông
xa xót: Sáng nay một mình anh/ Đi về miền sương gió giá lạnh/ Em nhìn
theo âu sầu. Rồi nữa khi mùa xuân sang, mùa xuân đất trời mà cũng là
mùa xuân của long người: Tiếng lá rừng xôn xao? Mùa xuân về trước ngõ,
nôn nao/ Mắt môi như lộc biếc…
Trong thơ haiku sự mặc định số câu trong bài, một số chữ trong một
câu cho người đọc cảm thức chặt chẽ trong cấu tứ và khắt khe trong từ
ngữ. Chính vì thế người viết thơ haiku không thể nhiều lời để diễn giải
hay lý sự. Có lẽ nhận ra cái khó này mà trong tập Lững thững xanh có
khá nhiều bài Nguyễn Anh Nông đã dùng thủ pháp mô phỏng, biến tấu
haiku để chuyển tải điều mình muốn nói. Ở đây, tôi không dùng chữ”
cách tân” vì e nó không ổn. Chính sự không trung thành này với “ niêm
luật” haiku này mà anh đã có được những bài thành công: Cần cù/ Nàng
mải miết cấy cày, gieo vãi/ Vun tháng ngày nặng hạt trỗ bông thơm. Hay:
Đôi khi nhớ mẹ/ Không nói năng gì/ Buồn ngồi ngắm gốc si. Rồi: Mộng
mơ/ Thầm yêu trộm nhớ/ Phía trời xa mưa gió phập phù. Song cũng có
những bài cấu tứ lỏng lẻo, câu chữ khó hiểu: Chó chui gầm giường/ Mát
và bụi/ Xì xèo, im tiếng. và: Không nói chẳng cười/ Lừ đừ xe ủi/ Hất tung
âu sầu. Rồi: Chạng vạng/ Lá thu rơi/ Bì bõm mặt trời v.v…
Sau những tập thơ, trường ca: Bàn tay lá cỏ, kỵ sĩ ngựa gỗ, Mây
bay, Những tháng năm ở rừng, Trường Sơn…Nguyễn Anh Nông
chuyển ngòi bút sang thể nghiệm ở dạng thơ ngắn. Sự mạnh dạn tìm tòi
là điều đáng khích lệ dẫu có cái được và cái chưa được. Được và chưa
được đều phải lao tâm khổ tứ. Không có sự thành công nào lại không
đẫm đầy mồ hôi và nước mắt…
Nhìn chung, thơ Nguyễn Anh nông cho tới tập Lững thững xanh đã
có bước tiến khá rõ./.
HN, 5/2011
Lê Văn Vọng
ĐT: 0983774391
Levanvong09@yahoo.com.vn
PGS,TS CHU VĂN SƠN-
GỬI NGUYỄN ANH NÔNG NGÀY 28/9/2011
Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Khoa Linh
Trong năm vừa rồi, do duyên văn chương thế nào đấy mà tôi được quen hai
người bạn thơ gốc Thanh. Một vị Hậu Lộc(thực ra là Quảng Xương), đầu
tỉnh( hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia gần nhau - NAN chú thích), một
vị Tĩnh Gia, cuối tỉnh. Gốc và ngọn rau má giờ trổ ở Hà thành, nhưng rễ nó
vẫn uống nước nguồn xứ Thanh. Điều thật thú vị là cả hai vị đều làm thơ
ngắn. Cát Điền Nguyễn Khoa Linh thì chuyên thơ hai câu (đến nay anh đã
cho in ba tập Nghiệm 1, Nghiệm 2 và Nghiệm 3). Còn Nguyễn Anh Nông
sau khi xoãi bước dong duổi với trường ca Trường Sơn, không biết do mỏi
cẳng hay chỉ thuần túy thích đổi món, mà giờ về nắn nót lững thững với
thơ ba câu. Lững thững xanh là tập ba câu đang đến với chúng ta theo cái
cách lững thững như vậy. Nhìn kĩ, hình như, thơ hai câu của Nguyễn Khoa
Linh thoát thai từ các cặp câu đối và cặp ca dao dân gian. Trong khi, ba câu
của Nguyễn Anh Nông xem ra lại nảy từ Haiku Nhật Bản. Có thể nói đấy
đều là những mạnh dạn trong các hướng thử nghiệm để mong làm mới thơ
của những người tha thiết với thơ.
Thực ra Nguyễn Anh Nông vừa làm trường ca, vừa làm đoản thi. Vừa có
sở Trường ca, vừa có sở đoản thi.
(Viết đến đây thì bế tắc suốt hơn một năm nay…)
PGS,TS CHU VĂN SƠN
------------
NGUỒN:
http://www.tamtay.vn/home
http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=36652
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét