Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

THỦY HƯỚNG DƯƠNG * “SỢ BUỒN KHẼ RỤNG”


NHỮNG BỨC MINH HỌA 

TRONG TẬP THƠ 

“SỢ BUỒN KHẼ RỤNG”

                  
.
                                                       NT  THỦY HƯỚNG DƯƠNG

 
              Gặp nhau là mối duyên trời
                      THỦY HƯỚNG DƯƠNG


Sau gần hai tháng gửi bản thảo “Sợ buồn khẽ rụng” cho Họa sĩ Trịnh Minh Sơn , bây giờ THD đã có trong tay maket tập thơ. Phải nói là trên cả tuyệt vời và hơn cả những gì mong ước.
Trưa 14.12.2011 cả ba chúng tôi, gồm Họa sĩ Trịnh Minh Sơn, Họa sĩ Thẩm Đức Tụ và Tg thơ Thủy Hướng Dương đã cùng nhau ngồi để “phán xét” thành quả chung của mình.  Xin nói qua về các Họa sĩ một chút. Họa sĩ Trịnh Minh Sơn – họa sĩ thiết kế, trình bày cho nhiều cuốn sách ảnh nghệ thuật là người được các nghệ sĩ đánh giá cao về trình độ thẩm mỹ và biên tập trong làng hội họa. Họa sĩ Thẩm Đức Tụ - Tổng thư ký Hội Mỹ thuật VN, là thầy của nhiều họa sĩ tài năng của Việt Nam.
Trước hết phải nói về cơ duyên gặp gỡ với các họa sĩ tài năng này.
Trong một dịp đi phỏng vấn viết chân dung văn hóa về Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thì THD tình cờ gặp Hs. Trịnh Minh Sơn và Hs. Thẩm Đức Tụ cũng tới nhà riêng của Nđk. Tạ Quang Bạo thu thập tài liệu để chuẩn bị in cuốn sách giới thiệu tác phẩm điêu khắc của Nđk này đến với công chúng yêu nghệ thuật. Nhân dịp đó, THD cũng chia sẻ với Hs.Trịnh Minh Sơn về cuốn thơ đang muốn in. Có lẽ vì mối quan hệ thân thiết giữa họa sĩ vẽ tranh sơn mài nổi tiếng Nguyễn Huy Hoàng là bạn chung của chúng tôi nên Hs. Trịnh Minh Sơn đã không khách sáo ngỏ ý muốn giúp THD trình bày tập thơ Sợ buồn khẽ rụngchăng?. Còn Hs. Thẩm Đức Tụ hôm ấy tôi nhớ các anh họa sĩ có giới thiệu THD với ông nhưng có thể do lần đầu tiên mới gặp hoặc cũng do cái tên THD chẳng mảy may làm ông chú ý nên coi như lần gặp này cũng chỉ coi là lần gặp xã giao không có nhiều ấn tượng. Nhưng phải nói thật là mất khá lâu sau mới thấy có hồi âm của hs. Trịnh Minh Sơn và cái sự lâu đó hóa ra cũng đáng bõ bèn công chờ đợi lắm. Để có được bìa tập thơ ưng ý như bây giờ, hs. Trịnh Minh Sơn đã phải thể nghiệm gần 30 mẫu khác nhau (mà với THD thì mẫu nào cũng đẹp hết, vì mỗi mẫu đẹp một vẻ). Cũng trong thời gian Hs.Trịnh Minh Sơn thiết kế thì có một lần Hs. Thẩm Đức Tụ đến văn phòng làm việc của anh tại số 16 Huỳnh Thúc Kháng  nhưng không may cho ông hôm đó Hs.Minh Sơn đi đâu đó chưa về (nhưng lại là cơ may cho THD), vô tình thấy tập bản thảo Sợ buồn khẽ rụng ở trên bàn làm việc của anh. Ông đọc bài đầu tiên với ý định giết thời gian trong khi chờ đợi. Nhưng thật bất ngờ tập bản thảo như mớ bòng bong của THD lại thu hút trí tò mò của ông và thế là ông đọc hết một lèo. Khi Hs. Minh Sơn về, ông không ngần ngại hỏi:
- Đây là thơ của ai?
Hs. Minh Sơn cười:
- Ơ, tưởng bác vẫn còn nhớ chứ?
- Không nhớ. Ai thế?
- Của cô THD mà hôm trước anh em mình gặp…
- À, thế à? Tôi tưởng cô ấy chỉ làm báo, viết văn thôi… Thế đã có ai vẽ minh họa cho tập thơ này chưa?
- Đã có một số bức tranh của những họa sĩ bạn bè THD ở đây, nhưng theo em những bức tranh ấy mà đặt vào tập thơ này e không hợp. Nếu cho vào sẽ lại giống mấy tập thơ in mà ta vẫn thường thấy, in để cho có tập thơ....
- Vậy thì tôi sẽ nhận trách nhiệm này. Cho dù công việc cuối năm bận lu bu lắm.
Đấy, đó là tất cả nguyên do, lý do, cơ hội mà THD may mắn được hai Họa sĩ tài năng quan tâm ưu ái.  
Họa sĩ Thẩm Đức Tụ nói là làm, ông mang bản thảo tập thơ về đọc đi đọc lại một lần nữa và gọi điện cho Hs.Trịnh Minh Sơn. “Thơ THD là gỗ đấy, gỗ không sơn son thếp vàng, dù chưa phải là gỗ lim, gỗ lát nhưng là gỗ bồ đề nguyên thủy… Tớ rất thích. Cậu làm maket nhanh lên, tôi muốn thể hiện một loạt minh họa xuyên suốt thời gian và mạch thơ của cô ấy chứ không phải minh họa cho từng bài thơ đâu.”
Tới đây, xin bật mí thêm về khả năng minh họa cho thơ của Hs. Thẩm Đức Tụ. Cách đây mười mấy năm hai họa sĩ Sơn và Tụ đã nhận lời minh họa cho tập thơ Khoảng trời và góc sân của Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tập thơ này trước khi tới tay hai họa sĩ trên, đã được không ít các họa sĩ thể hiện nhưng tất cả đều không vừa ý nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton, vì bà là chủ dự án in tập thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa phối hợp giữa bộ giáo dục Mỹ và Bộ giáo dục VN. Đến khi Hs. Thẩm Đức Tụ thể hiện phác thảo vài bức thì nữ nhà văn Mỹ đã “giơ cả hai tay” đồng ý hoàn toàn.


            Những bức họa biết nói

Lại nói, Hs.Thẩm Đức Tụ cầm bản maket SBKR do Hs. Minh Sơn trao, đêm 12.12.2011 ông đã vẽ một mạch bảy bức minh họa xuyên suốt cho tập thơ, mà THD bóng bảy đùa rằng không phải xuyên suốt tập thơ mà xuyên suốt đời thơ mong manh của THD.

Bức thứ nhất:


Hs. Thẩm Đức Tụ vẽ một thân cây cổ thụ, giữa thân cây nếu ta để ý sẽ thấy hình một thiếu nữ. Đó có thể gọi là cây người nằm trong cây đời… Đời người, đời cây..
Xung quanh cây là đời sống hoa lá cỏ cây, chim muông… đó là đời sống mà cây đời, cây người trong thơ THD không khi nào thờ ơ…


Bức thứ 2:

Một bức tranh được vẽ trên một tờ lịch, giống như những tờ lịch cuộc đời của Tác giả . Bóc hết tờ này sẽ đến tờ khác, không lặp lại nhưng luôn có ý nghĩa cho dù nó là tờ lịch ngày buồn, hay ngày vui, hay ngày đau khổ. Trên tờ lịch ấy là  mái đình - thể hiện cho văn hóa truyền thống. Một cô nàng đang tựa cột đình và một anh chàng đang ngồi quay lưng lại. Đó thể hiện sự đa đoan của Tg, cũng mơ màng, lãng mạn lắm, luôn kiếm tìm một điều gì đó nhưng rồi cái thứ mà nàng tìm kiếm nàng lại luôn cho rằng đó là thứ xa vời. Sao lại thế? Vì con người nàng thì hiện đại nhưng cách sống của nàng vẫn chưa thoát khỏi nếp văn hóa truyền thống Á Đông…

Bức thứ 3

Một vầng trăng tròn vạnh, sáng đến lung linh chiếu rọi muôn nơi. Từ ánh trăng ấy, những chiếc lá rơi, rơi lên mặt đất, phủ lên dòng sông đời sự lãng mạn… Vâng, cái hình lá nằm ngang mặt đất, vừa có thể là chiếc thuyền lá, vừa giống như người con gái nằm dài, úp mặt xuống lòng đất, thân thể nàng đón cơn mưa lá thu nồng nàn mà thiên nhiên ban tặng… Với THD, đó là một bức tranh giàu tính gợi mở, đẹp đẽ mà sang trọng, kiêu sa…

Bức thứ 4:

Còn hình tượng nào thể hiện phù hợp hơn với câu thơ này? Có ai còn nhớ về mộng hồ điệp? Về Hồn bướm mơ tiên? Đó chính là  sự phù vân như đời người đàn bà trong thơ của THD (Lời Hs.Thẩm Đức Tụ) Những nàng tiên có cánh đang chập chờn bay trong cõi tạm… ảo mờ.

Bức thứ 5:


Tại sao Hs không chọn một hình ảnh hiện đại như nhà cao tầng, hay những chiếc xe hơi sang trọng mà lại vẽ đôi trai gái ngồi dưới gốc cây đa làng, bên cạnh là những chiếc xe đạp cũ càng khiến ta liên tưởng tới một tình yêu thời xa xôi? Hs Tụ lý giải đó mới là thơ của THD vì ngôn ngữ thơ của THD, tình yêu của THD không hiện đại nhưng cuốn hút người ta như mối tình đầu tiên trong đời mỗi con người. Trên đầu đôi tình nhân, trên tán lá là áng mây hay con đường? Có thể hiểu thế nào cũng được nhưng… con đường đó là con đường rộng thênh thang, là áng mây bồng bềnh vô tận… THD liệu có đi hết con đường này? (Lời của Hs. Thẩm Đức Tụ)


Bức thứ 6:

Trước  mắt chúng ta là ba chủ thể đứng song song: quả chuông, cái cột và người thiếu phụ. Người thiếu phụ đang đứng bên chuông chùa, không nhìn về phía quả chuông mà lại ngoái đầu về cổng làng – tượng trưng cho nơi quê hương – nơi sinh ra người thiếu phụ đa đoan, nhiều chuyện. Người thiếu phụ ấy chính là Tác giả tập thơ SBKR. (Lời Hs. Thẩm Đức Tụ) 
Đến cửa thiền đấy mà chưa thoát tục được đâu… smiley

Bức thứ 7:


Một vầng trăng lộng lẫy soi trên sông trăng, có con thuyền trăng bập bềnh cùng sóng nước. Vài con hạc bay vút ngang trăng… Thiếu nữ bên bờ nhìn xa xăm nơi bóng trăng tỏa sáng trong đêm. Thực và ảo đan xen lẫn lộn bằng những vệt trắng sáng. Những vệt trắng đan chéo nhau nhưng mảnh đời nhiều chông gai… Đến đây, chuỗi minh họa  kết thúc bằng tứ thơ như hát. Bức họa Thất này đánh dấu chốt lại một tập thơ mà thật ngẫu nhiên Họa sĩ Trịnh Minh Sơn đã kết những chiếc lá thành hình chữ Nhân đứng ở ngoài bìa. Âu cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên thể hiện tác phẩm nghệ thuật phối kết hợp giữa thơ và họa của ba con người…
Xin cảm ơn những bức họa biết nói của Họa sĩ Thẩm Đức Tụ, sự bài trí đẹp đến hoàn hảo của Họa sĩ Trịnh Minh Sơn. THD  thấy thơ mình dù chẳng là gì như được “phiêu” hơn khi các Họa sĩ - những nhà chiêm tinh đoán mệnh qua thơ bằng những nét vẽ.
Hy vọng rằng đầu năm mới 2012 tập thơ Sợ buồn khẽ rụng sẽ được giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                                   THD
                                                                          
                                                                            


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét