Trích : Chữ chạy, cỡ chữ=20

Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc / Nước chảy âu khôn xiết bóng non - NGUYỄN TRÃI

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

NHỚ KHA VẠN CÂN, TA YÊU CÁ SẤU...




                                                                    




TA YÊU
CÁ SẤU… 

                                                                                         DUY PHI 

        Sợ nhất là lúc quá nhàn rỗi, không biết làm gì, đem mấy bài thơ chữ Hán ra dịch, viết mấy bài báo đưa lên mạng, ngong ngóng chờ email, chớ comment của bạn bè, lại có ngày buồn đem chữ nghĩa ra mà đặt đi xếp lại cho thành bài thơ đọc xuôi, đọc ngược, đọc bỏ ở đầu mỗi dòng hai chữ… Sản ra những bài thơ như kiểu Ý XUÂN (hoa đào rực nở khắp xa gần/ nhẹ phất mưa lan cỏ biếc nhuần/ nhà trước rộn nêu chuông coóng coóng/ bếp trong hồng bánh lửa rân rân/ ca thi hứng tuyệt khôn dồn túi/ điệu nhạc hồn siêu khó bắc cân/ tha thiết ơi hình thương bóng nhớ/ pha phôi chẳng thể một tình xuân). Lại nhớ, Hàn Mặc Tử có những lúc cũng phải làm loại thơ này. Để lấp đi sự trống rỗng chăng? 
   Năm 2009, tôi được một chuyến đi Thailand. Mình tự thưởng mình. Được mấy bài thơ tứ tuyệt du ngoạn thú vị:
Tặng lứa đôi có tuần trăng mật tại Pattaya
Chiều, lên dù lượn biển/ Tìm thượng giới lưng mây/ Đêm, tàu em cao tốc/ Biết thiên đường trong tay…
Quên:
Ngàn vạn chim bồ nông két mòng phượng yểng/ bốn phía chẳng lưới vây/ quen vị ăn sẵn cấp/ quên trời không bay. 
Bài thơ Tìm địa chỉ không biết là thể loại nào:
Máy bay hếnh cánh/ Vào thủ đô Hằng Nga/ Phố phố giăng giăng/ Triệu cư dân mây trắng/ Tìm ai? địa chỉ nào?/ Tôi tìm phố Nữ Oa/ Nhà ông Sấm.  
Mãi đến tháng 4/ 2011, tôi mới có thêm chuyến du ngoạn gần hai ngàn cây số. Vũ Từ Sơn rủ tôi đi Thành phố Hồ Chí Minh, lại lên Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước- miền Đông Nam Bộ, giáp Campuchia. .
Tôi đến Sài Gòn đã năm lần. Lần đầu, từ Bắc vào, cuối năm 1975; lần 2 từ An Giang ra: cuối năm 1977; lần 3, đi trại viết Vũng Tàu lên, năm 2004; lần 4, ở Sài Gòn đi Tây Ninh, 6/ 2007, mang hài cốt liệt sĩ Nguyễn Duy Khánh- người em ruột về! lần 5 này, một tuần, tháng 4/ 2011… Mỗi lần đến Sài Gòn, một lần “mở mắt”. Lần đầu, như sang một đất nước khác, còn lần này, chúng tôi biết thêm khu căn cứ Tà Thiết, nơi Bộ chỉ huy Miền, hầm lán của tướng Trần Văn Trà, tướng Nguyễn Thị Định, nơi thường có mặt của tướng Hoàng Cầm. Từ đấy mà tôi hiểu thêm, có ba ông Hoàng Cầm cùng thời đều nổi tiếng.  . .
 Hoàng Cầm - Nhà Thơ (1920- 2010), sinh tại Phúc Tằng, Bắc Giang (quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh), hồi nhỏ học tại Phủ Lạng Thương, sau lại dạy học tại đó. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm vào quân ngũ. Với tài năng làm thơ viết kịch, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị. Ông là tác giả củâ các vở kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan…, là tác giả của nhiều bài thơ độc đáo, trong nền thi ca Việt: Lá Diêu bông, Cây tam cúc… Mấy câu thơ: Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…, bọn tôi thuộc từ hồi đang đi học.  
Hoàng Cầm - Đại uý (1916- 1996), quê Trực Đại- Nam Định. Vào quân ngũ, mới đầu Hoàng Cầm là anh nuôi cho quân y tiền phương, Đội điều trị 8, Sư đoàn 308. Khoảng năm 1951- 1952, ông đã sáng tạo kiểu bếp đun không khói, tránh máy bay giặc phát hiện. Trong suốt hai cuộc chiến, kiểu bếp Hoàng Cầm được nhân rộng, xuất hiện từ Điện Biên Phủ, đến dọc Trường Sơn, Nam Bộ… Hồi đi trại viết ở Tam Đảo, Chu Ngọc Phan có đi thăm mộ ông Hoàng Cầm - bếp, có bài thơ tưởng nhớ: Mộ ông đặt dưới vòm thông/ Chung chiêng Tam Đảo, bềnh bông võng trời/ Bếp Hoàng Cầm lửa tắt rồi/ Bữa cơm trận mạc ven đồi vẫn thơm… 

Hoàng Cầm - Thượng tướng quê Ứng Hoà (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), sinh năm 1920. Giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh Quân đoàn Bốn (còn gọi là Binh đoàn Cửu Long, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn phòng không, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn thông tin). Hoàng Cầm được giao trọng trách, phối hợp với một số đơn vị khác, giải phóng Phước Long, Bình Long, Dầu Tiếng…,  mở hành lang bao vây Sài Gòn,  giải phóng Đồng Xoài, đập tan Cánh cửa thép tử thủ Xuân Lộc… Khi anh Bùi Quang Thận cho tăng 843 và tăng 390 phá được cửa thép, cắm được cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, xem đòng hồ là 11g 30 phút; thì 13 g 30phút, tướng Hoàng Cầm đã có mặt tại dinh ấy. Ngay đêm 30/ 4 ông nghỉ tại dinh Độc Lập, ngỡ như mơ, định đánh một giấc cho đã, song không sao ngủ được…  
  Chuyến Hành phương Nam 2011, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều đại gia, nhiều người thành đạt hoặc đang khởi sắc. Đó là những người Kinh Bắc vào công tác, làm ăn, lập nghiệp: Trương Văn Phúc (Chủ tịch huyện), Nguyễn Đức Hưng (Phó Tổng Giám đốc một công ty… ), Vũ Văn Hường (Chủ Nhà hàng Cây Sứ), Nguyễn Hữu Vịnh (chủ xưởng gỗ mỹ nghệ), Vũ Văn Tuấn (Thương nghiệp), Nguyễn Hữu Dương (Quản lý nhiều công trình xây dựng), Vũ Văn Minh, Nguyễn Duy Bình…            

   Chúng tôi ở tại hotel Tân Thiên Hương, thuộc khu vực có trại nuôi cá sấu, loại cá sấu da nó lốm đốm như hoa cà, đường Kha Vạn Cân quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, nhà thơ Vũ Từ Sơn đã có các tập thơ: Một chặng đường, Hương sắc thiên nhiên, Gửi gió… Đi suốt mà Vũ Từ Sơn vẫn làm được một chùm thơ mới, đi trên sông Sài Gòn , anh lại lại sửa bài thơ về sông Thương: Thương em vượt cạn mấy lần/ “Đang đông buổi chợ” tảo tần nắng sương/ Trời làm “lũ quét” dòng Thương/ Nửa đau ra biển, nửa buồn ngược đâu… Bài thơ đạt ở chỗ gợi tưởng xa rộng.

   Mỗi lần đến Sài Gòn, một lần “mở mắt”. Yêu sự trù phú, phóng khoáng của người dân Sài Gòn, tôi cũng viết được vài bài thơ, có một bài thơ viết trong mộng. Trên lối vào hotel Tân Thiên Hương có cây sa- kê lá to bằng chiếc quạt lá gồi mà xanh biếc và o- sa- ca cả cây hoa vàng diễm lệ. Cả hai loại cây này đều có nguồn gốc từ Nhật Bản. Yêu cái tên Cá Sấu Hoa Cà, yêu cây lạ, mà tôi có bài thơ kỷ niệm, tặng bạn.     




                                                                                   
                                                           HOA   O- SA - KA          


TA YÊU CÁ SẤU…

Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Rẽ đường Bốn Chín vào toà Thiên Hương
Bóng ai thương thật là thương
Đã vô đây khó tìm đường mà ra

Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Rượu tìmh mới nhắp đã ngà ngà say
Ông Tơ bà Nguyệt khéo thay
Ngày vơi lãng đãng đêm đầy thi ca

Ta về Cá Sấu Hoa Cà
Ngõ sa- kê biếc, o- sa- ca vàng
Đứt dây, nối lại nên đàn
Tiếng ty tiếng trúc sắt vàng giao thoa.

Ta yêu Cá Sấu Hoa Cà…

    Đến nay, về Bắc đã lâu, mấy lần đến Sài Gòn, tôi còn thấy như trong mộng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét